Infonet - Rạng sáng 12/7/1984, trên cả ba hướng, các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công nhưng trận đánh không thành công. Sau đó, BTL Quân khu 2 dùng Sư 313 và 356 mở chiến dịch giành lại điểm cao 685, 300-400
Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê thăm cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 312 vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Vị Xuyên (Ảnh tư liệu)
Ngày 26/3/1984, trong khi Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia bắt đầu đợt hoạt động lớn truy quét tàn quân Khmer Đỏ thì ở khu vực biên giới Việt-Trung, Trung Quốc cũng ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch tiến công lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang), Trung Quốc tập trung 4 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo binh của Đại quân khu Côn Minh trên thê đội một, áp sát hướng Vị Xuyên-Yên Minh.
Chiến sĩ Sư đoàn 325 trên chốt Vị Xuyên năm 1988. (Ảnh tư liệu)
Từ 2/4 đến 27/4/1984, Trung Quốc tiến hành một đợt bắn phá lớn trên toàn tuyến 6 tỉnh biên giới với trên 28.000 viên đạn pháo. Riêng Hà Giang phải chịu hơn 11.000 viên đạn pháo, ngay cả thị xã Hà Giang nằm sâu trong nội địa 18km cũng bị bắn phá.
5 giờ sáng ngày 28/4/1984, trên hướng Vị Xuyên quân Trung Quốc được 12.000 viên đạn pháo chi viện tấn công vào các trận địa phòng ngự của ta ở phía tây sông Lô. Do tương quan lực lượng chênh lệch, đến hết ngày 30/4/1984, Trung Quốc chiếm được các điểm tựa 1509, 772, 685, bình độ 300-400, 226, 233. Trung đoàn 122 Sư đoàn 313 của ta bị tổn thất, phải lùi xuống các vị trí thấp hơn để tiếp tục chiến đấu.
Ngày 30/4/1985, trên hướng Yên Minh, quân Trung Quốc đánh chiếm điểm tựa 1250 (Núi Bạc) do Tiểu đoàn 3 huyện Yên Minh bảo vệ.
Ngày 15/5/1984, trên hướng Vị Xuyên quân Trung Quốc tiếp tục mở một đợt tấn công ở phía đông sông Lô, chiếm khu vực Pa Hán, điểm tựa 1030 do Trung đoàn 266 Sư đoàn 313 bảo vệ.
Như vậy, từ 28/4 đến 16/5/1984, Trung Quốc đã lần lượt đánh chiếm và tổ chức chốt giữ phòng ngự, chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm khu vực 1509, 772, 685, 233, 226 (Trung Quốc gọi là Lão Sơn), 1030 (Trung Quốc gọi là Đông Sơn) thuộc huyện Vị Xuyên và 1250 (Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn) thuộc huyện Yên Minh. Trên hướng Vị Xuyên, đối phương bố trí 1 sư đoàn trên tuyến một, 2 sư đoàn phía sau; hướng Yên Minh 1 trung đoàn phía trước, 2 trung đoàn phía sau.
Trước tình hình trên, ngày 20-5/1984, Bộ tư lệnh Quân khu 2 của ta quyết định nhanh chóng xây dựng trận địa, củng cố lại các đơn vị, kiên quyết chiến đấu ngăn chặn địch đồng thời từng bước tổ chức đánh lấy lại các điểm cao bị chiếm đóng.
Ngày 11/6/1984, quân ta tổ chức đánh địch ở 233 và 685 nhưng chưa giành lại được các vị trí này.
Tháng 6/1984, Quân khu 2 được giao nhiệm vụ tiến hành tiêu diệt một số vị trí bị chiếm đóng, tiến tới khôi phục các điểm tựa ở Vị Xuyên và Yên Minh. Bộ tư lệnh mặt trận quyết định sử dụng 3 trung đoàn bộ binh trong các đơn vị mới lên tăng cường, được sự chi viện của đặc công và pháo binh tham gia chiến đấu trong chiến dịch mang tên MB84. Ở phía đông sông Lô, Trung đoàn 876 Sư đoàn 356 đảm nhiệm tiến công điểm tựa 772, Trung đoàn 174 Sư đoàn 316 tiến công bình độ 300-400, ở phía tây Trung đoàn 141 Sư đoàn 312 tiến công điểm tựa 1030.
Rạng sáng 12/7/1984, trên cả ba hướng các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công. Tuy nhiên “do công tác chuẩn bị chưa chu đáo, nắm tình hình và đánh giá đối phương chưa đúng, quyết tâm và cách đánh chưa phù hợp, biểu hiện sự nóng vội trong chỉ đạo, chỉ huy” nên trận chiến đấu không thành công. Cả ba trung đoàn đều bị tổn thất lớn, hàng trăm cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh, có cả cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn. Chiều 12/7. Bộ tư lệnh mặt trận phải cho các đơn vị chuyển sang phòng ngự.
Gùi nước lên trận địa (Ảnh tư liệu)
Rút kinh nghiệm MB84, Quân khu 2 quyết định dùng Sư đoàn 313 và 356 mở chiến dịch vây lấn nhằm giành lại điểm cao 685 và 300-400 với cách đánh mới “sử dụng bộ binh, kết hợp đặc công, có hoả lực pháo binh chi viện mạnh, từng bước bao vây, chia cắt lấn sát”. Lần này các đơn vị có 4 tháng để chuẩn bị.
Ngày 18/11/1984, pháo binh ta bắt đầu bắn phá hoại vào các điểm tựa bị chiếm đóng ở 685 và 300-400. Sau 5 ngày đêm, Trung đoàn 14 Sư đoàn 313 bắt đầu tổ chức đánh lấn 300-400, Trung đoàn 153 Sư đoàn 356 được tăng cường một tiểu đoàn đặc công tiến hành vây lấn 685. Sau hai tháng liên tục chiến đấu (từ tháng 11/1984 đến tháng 1/1985), mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, các đơn vị của ta đã chiếm lại một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát, ngăn chặn địch ở ở đồi Chuối, đồi Cô Ích, đồi Đài, A4, A21, khu Cót Ép, khu C và một phần khu E của điểm cao 685, có những nơi chỉ cách địch 15-20m, cá biệt có nơi 6-8m (chốt Bốn hầm). Ở đây cuộc chiến đấu giành giật từng thước đất, từng mỏm đá đã diễn ra rất quyết liệt. Các chốt ở Bốn hầm, đồi Cô Ích hay điểm tựa 685 hai bên liên tục thay nhau phản kích, giành đi giật lại tới 30-40 lần.
Từ ngày 27/5 đến 30-5/1985, sau khi thay quân, Trung Quốc mở một đợt tiến công lớn vào các điểm tựa của ta ở đồi Đài, đồi Cô Ích, bình độ 1100 ở phía tây sông Lô nhưng bị ta đẩy lui. Ngay sau đó, ngày 31/5/1985 quân ta tổ chức đánh chiếm và chốt giữ lại điểm tựa A6B, sau đó đánh bại 21 đợt phản kích của địch trong 13 ngày, giữ vững vị trí này cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Từ ngày 23 đến 25/9/1985, Trung Quốc mở một đợt tấn công vào các điểm tựa của ta từ đồi Tròn, lũng 840, Pa Hán (đông sông Lô) đến đồi Cô Ích, bình độ 1100 (tây sông Lô). Trừ Pa Hán bị chiếm và ta phản kích lấy lại sau 1 ngày, các trận địa khác đều được giữ vững.
Trong tháng 10 và tháng 11/1986, sau khi thay quân, phía Trung Quốc mở thêm nhiều đợt tiến công lấn chiếm nhằm đẩy quân ta khỏi khu vực bờ bắc suối Thanh Thủy nhưng đều thất bại.
Từ ngày 5 đến 7/1/1987, Trung Quốc sử dụng lực lượng cấp sư đoàn được pháo binh chi viện mở chiến dịch nhằm vào 13 điểm tựa của ta ở cả đông và tây sông Lô mà mục tiêu chủ yếu là đồi Đài và đồi Cô Ích. Mặc dù đối phương bắn tới trên 100.000 quả đạn pháo trong 3 ngày để chi viện bộ binh liên tục tiến công (có ngày tới 7 lần) nhưng đều bị bộ binh và pháo binh ta ngăn chặn ngay trước trận địa.
Từ sau thất bại này, phía Trung Quốc giảm dần các hoạt động tấn công lấn chiếm. Từ cuối tháng 12/1988, Trung Quốc bắt đầu ngừng bắn phá và từ tháng 3 đến tháng 9/1989 lần lượt rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo tổng kết, trong 5 năm chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên mặt trận Vị Xuyên-Yên Minh, các lực lượng vũ trang Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn quân địch, phá hủy 200 khẩu pháo cối, 170 xe vận tải và nhiều kho tàng, trận địa… bắt sống 325 tù binh (bắt 6 tên trong chiến đấu và 319 tên thám báo, trinh sát đột nhập), thu nhiều vũ khí, trang bị…
Trong thời gian 1984-1989, phía Việt Nam đã nhiều lần thay phiên các đơn vị lên chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên-Yên Minh:
- Quân khu 1 có Trung đoàn 2 Sư đoàn 3 Quân đoàn 14 (mang phiên hiệu E981/F356) và Trung đoàn 567 Sư đoàn 322 Quân đoàn 26 (mang phiên hiệu E982/F313).
- Quân khu 2 có các sư đoàn bộ binh 313, 314, 316, 356, các trung đoàn 247 (Hà Tuyên), 754 (Sơn La) cùng các đơn vị pháo binh, xe tăng, đặc công, công binh, thông tin, vận tải của quân khu.
- Đặc khu Quảng Ninh có Trung đoàn 568 Sư đoàn 328 (mang phiên hiệu E983).
- Các đơn vị chủ lực Bộ có Sư đoàn 312 Quân đoàn 1, Sư đoàn 325 Quân đoàn 2, Sư đoàn 31 Quân đoàn 3.
Ngoài ra nhiều đơn vị nhỏ cấp đại đội, tiểu đoàn cũng được điều động lên tham gia trực tiếp hoặc hỗ trợ chiến đấu trong từng giai đoạn ngắn.
Ở phía tây sông Lô từ đầu năm 1984 đến tháng 12/1985: Sư đoàn 313 và 356; Tháng 5/1985: Sư đoàn 313; Tháng 12/1985: Sư đoàn 31; Tháng 6/1986: Sư đoàn 313; Tháng 2/1987: Sư đoàn 356; Tháng 8/1987: Sư đoàn 312; Tháng 1/1988: Sư đoàn 325; Tháng 9/1988: Sư đoàn 316; Tháng 5/1989: Sư đoàn 313.
Ở phía đông sông Lô từ đầu năm 1984: Trung đoàn 266 Sư đoàn 313; Tháng 7/1984: Trung đoàn 141 Sư đoàn 312; Tháng 4/1985: Trung đoàn 983; Tháng 11/1985: Trung đoàn 818 Sư đoàn 314; Tháng 2/1987: Trung đoàn 881 Sư đoàn 314; Tháng 9/1987: Trung đoàn 818 Sư đoàn 314 và Trung đoàn 754 Sơn La; Tháng 6/1988: Trung đoàn 726 Sư đoàn 314; Tháng 10/1988: Trung đoàn 247 Hà Tuyên.
Về phía Trung Quốc, theo các tài liệu được công bố trên mạng, đã có 17 sư đoàn bộ binh và 5 sư đoàn, lữ đoàn pháo binh thuộc các Đại quân khu Côn Minh, Nam Kinh, Phúc Châu, Tế Nam, Lan Châu, Nam Kinh và Thành Đô lần lượt được huy động vào chiến dịch lấn chiếm biên giới từ 1984/1989.
(Bài viết tổng hợp theo lịch sử một số đơn vị và lời kể của các cựu chiến binh)
Trường Sơn
Theo Nguyenduyxuan.net
|