QĐND - Thứ ba, 24/06/2014 | 17:6 GMT+7
QĐND - Ngư trường trên vùng biển quần đảo Trường Sa của Tổ quốc luôn có hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh ven biển ra đánh bắt thủy, hải sản. Biển khơi hào phóng đã mang lại cho ngư dân những tàu, thuyền đầy tôm, cá sau mỗi chuyến ra khơi. Ở nơi đó, cùng với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa kiên cường, dũng cảm đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy, giúp đỡ, bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời giúp ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển.
Lo nhất là tính mạng, tài sản của nhân dân
Chúng tôi ra thăm quần đảo Trường Sa vào thời điểm cơn bão số 14 năm 2013 đã qua hơn hai tháng. Nhưng trong tâm trí của Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây vẫn hiện hữu như vừa mới xảy ra. Bởi đó là những ngày quân dân trên đảo phải gồng mình “dàn trận đón bão”.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: Thông tin về siêu bão được chỉ huy đảo hết sức quan tâm, theo dõi sát sao. Cứ 30 phút, nhân viên trạm khí tượng trên đảo lại báo cáo tình hình một lần để chỉ huy đơn vị biết xử lý. Thông tin trong bờ cũng liên tục chuyển ra, tình hình càng trở nên căng thẳng khi bão tàn phá vào Phi-líp-pin. Công tác phòng, chống bão trên đảo mặc dù đã được đơn vị thực hiện chủ động, thường xuyên từ những đợt bão trước, nhưng trong tình huống đó, tất cả đều phải củng cố, bổ sung thêm. Phương án xấu nhất cũng được đơn vị tính đến để chủ động bảo đảm an toàn cho quân, dân trên đảo. Khó khăn lớn nhất lúc này là hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân trên biển đang nối nhau xin vào âu tàu tránh trú bão.
|
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca triển khai xuồng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển.
|
Sóng, gió mỗi lúc một mạnh thêm. Tàu, thuyền của ngư dân ùn ùn kéo về. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo phân công nhau thành từng bộ phận, vừa tổ chức tuần tra, canh gác, sẵn sàng chiến đấu, vừa sắp xếp tàu, thuyền trong âu và bố trí nơi ăn nghỉ cho ngư dân. Ngôi nhà tránh trú bão trên đảo chẳng mấy chốc đã chật kín người, phải trưng dụng thêm khu nhà làm việc của UBND xã, trường học và cả ngôi chùa thiêng trên đảo. Trước khi sóng to, gió lớn nổi lên, hơn 70 tàu, thuyền đã được neo đậu, chằng buộc chắc chắn trong âu, 763 người lên đảo được bố trí ăn ở theo từng địa phương để thuận tiện quản lý, sinh hoạt.
Cùng với phòng, chống bão, công việc bảo đảm hậu cần lúc này cũng trở nên vô cùng vất vả, khó khăn. Thượng úy Nguyễn Phú Huyến, Trợ lý Hậu cần cho biết: Lực lượng phục vụ của chúng tôi thức trắng đêm làm việc mới bảo đảm khẩu phần ăn cho gần 800 người. Sang ngày tiếp theo khi gió mạnh, mưa lớn hơn, việc đi lại trở nên khó khăn, dễ mất an toàn, chỉ huy đơn vị đã quyết định cấp mì tôm và nước sôi để bà con tự pha chế, sử dụng. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong lúc khó khăn, hoạn nạn, các ngư dân càng biết ơn bộ đội đã “nhường cơm sẻ áo” cho mình. Nhiều người khi đó đã nói, nếu không có bộ đội giúp đỡ thì chưa biết tính mạng, tài sản của họ sẽ ra sao.
Tôi hỏi Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường: "Khó khăn, nguy hiểm nhưng điều gì khiến anh lo lắng nhất khi đó?". "Lo nhất là tính mạng, tài sản của nhân dân". Không đắn đo, anh Cường trả lời và giải thích: "Tôi cả đời gắn bó với biển, đảo, có hai “nhiệm kỳ” công tác ở đảo này, từng chứng kiến nhiều cơn bão khủng khiếp tàn phá đảo trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhưng không lo như đợt này vì khi đó, không có nhiều tàu, thuyền và ngư dân ra đảo. Bà con mình đã ra được tới đây, đã tin tưởng phó thác tính mạng, tài sản cho mình thì càng thấy trách nhiệm lớn hơn... Cũng không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi bố trí ngư dân ở toàn bộ khu vực trụ sở UBND, nhà chùa đâu nhé. Nơi đó là khu vực cuối gió, chắc chắn sẽ an toàn hơn..."
Những lời tâm sự gan ruột của anh Cường khiến tôi thực sự cảm động. Dường như vì điều này mà thiên nhiên "bất lực" trước ý chí, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, để rồi một sự kỳ diệu đã xảy ra: Đêm hôm đó, siêu bão đã đổi hướng đi ngược lên phía Bắc. Đảo Song Tử Tây và các đảo trên quần đảo Trường Sa chỉ ảnh hưởng nhẹ bởi luồng gió tạt qua. Hôm sau, trời yên, biển lặng trở lại. Những tàu cá của ngư dân mang theo cờ Tổ quốc phấp phới tung bay lại nối nhau ra khơi trong niềm hân hoan của quân, dân trên đảo.
Đại tá Bùi Hải Phước-Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: Mỗi năm, quần đảo Trường Sa phải hứng chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới tràn qua. Việc chủ động phòng, chống bão gió, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân là nhiệm vụ thường trực hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ. Cứ có lệnh là lên đường, bất chấp hiểm nguy, gian khó, thậm chí hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân. Những năm vừa qua, anh em đã cứu giúp hàng chục tàu, thuyền, hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển. Có bộ đội làm điểm tựa, bà con yên tâm, phấn khởi, càng ngày càng có nhiều tàu, thuyền ra ngư trường Trường Sa khai thác thủy, hải sản…
Tiếp sức ngư dân bám biển
Chiều muộn, tôi đang trò chuyện với chỉ huy đảo Sinh Tồn thì chiến sĩ trực ban báo cáo có ngư dân đang đi thuyền thúng vào đảo. Thiếu tá Trịnh Công Lý, Chỉ huy trưởng đảo liền mời chúng tôi cùng ra cầu cảng đón ngư dân. Sau thủ tục kiểm tra giấy tờ cá nhân theo quy định, anh Lý chủ động đi tới ân cần thăm hỏi ngư dân.
Người vừa từ thuyền lên là anh Võ Xuân Sơn, quê ở Quảng Ngãi đang đi trên tàu QN 96218. Gặp được chỉ huy đảo, anh Sơn mừng rỡ bày tỏ: "Tôi và anh em đang đi đánh cá trên tàu QN 96218 thì chiếc máy xay đá bị hỏng trục máy nên đưa vào đảo nhờ đơn vị sửa giúp. Từ hôm máy hỏng, công việc của anh em trên tàu rất vất vả khi phải dùng búa đập hàng tấn đá bảo quản cá". Giơ bàn tay phồng rộp vì quai búa nhiều ngày cho chúng tôi xem, anh Sơn cho biết: "Khi chiếc máy này hoạt động bình thường, năng suất gấp 10 lần so với làm bằng tay..."
Chia sẻ với khó khăn của anh Sơn, Thiếu tá Trịnh Công Lý động viên: "Anh cứ yên tâm để đây chúng tôi sửa giúp, sáng mai vào lấy sớm".
Trời tối dần. Anh Sơn cảm ơn chỉ huy đảo rồi vội vã ra tàu. Tôi ái ngại hỏi anh Lý: "Tối rồi, làm sao sửa kịp mà anh hứa sáng mai vào lấy". "Phải thức đêm làm thôi. Chậm một ngày là thêm một ngày bà con mình vất vả chờ đợi, tốn thêm thời gian, công sức. Tôi sẽ đôn đốc anh em kỹ thuật sửa gấp trong đêm để sáng mai có máy cho bà con sử dụng". Anh Lý nói như khẳng định.
Hôm sau, khi bình minh vừa rạng trên biển, chiếc máy xay đá đã được sửa xong đặt trên cầu cảng. Khi chúng tôi cùng Ban chỉ huy đảo ra tới nơi cũng là lúc anh Sơn chèo thuyền vào. Nhận lại chiếc máy xay đá, anh Sơn rối rít cảm ơn: "Có máy rồi anh em chúng tôi yên tâm đánh bắt thêm vài ngày nữa rồi vào bờ. Cảm ơn các anh bộ đội nhiều lắm!"
Một đồng nghiệp đi cùng sau phút ngỡ ngàng rụt rè hỏi anh Lý: "Ơ thế không công xá gì hả anh?". "Công xá gì, mọi việc ngoài này chúng tôi làm giúp ngư dân thường xuyên, miễn phí hoàn toàn". Câu trả lời của Thiếu tá Trịnh Công Lý vui vẻ, vô tư, nhẹ nhàng làm sao. Trong khi mọi thứ trên đảo còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng để giúp đỡ ngư dân, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chẳng tiếc bà con thứ gì. Tất cả đều có thể cho, tặng với nghĩa cử hào phóng của những người lính biển quen gian khổ, hiểm nguy, chắt chiu, tiết kiệm. Tôi nghe anh Lý từng tâm sự: “Ở ngoài đảo, bộ đội ăn gì thì ngư dân trên đảo ăn thứ đó”. Còn anh Nguyễn Minh Châu, một ngư dân sống trên đảo thì nói: “Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bà con chúng tôi đều nhờ vào bộ đội…”
Chuyến công tác, thực tế “3 cùng” gần một tháng với quân, dân trên các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Đá Nam… chúng tôi còn phát hiện ra bao việc làm hết sức cụ thể, thiết thực của bộ đội Trường Sa dành cho ngư dân trên đảo, trên biển. Đó là những ngôi nhà có đầy đủ giường, màn, quạt điện để ngư dân nghỉ ngơi mỗi khi lên đảo. Với những ngôi nhà này, bà con ta có không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi riêng, không ở cùng với bộ đội như trước và cũng rất thuận tiện cho việc quản lý, bảo đảm an toàn của đảo. Tôi cũng cất công đi tìm, thật khó để biết về “tác giả” của những ngôi nhà này. Nhưng chắc chắn rằng, đó là cả tấm lòng của bộ đội Trường Sa dành cho những ngư dân kiên cường bám biển.
Những con số ghi được về những ki-lô-gam gạo, lít nước ngọt, nước mắm, muối, bột ngọt và cả những bó rau xanh của bộ đội giúp ngư dân trong cuốn sổ nhỏ của tôi cứ nhiều thêm theo suốt hải trình dừng chân trên các đảo, sao mà thơm thảo, sâu nặng nghĩa tình đến thế. Năm 2013, đảo Sinh Tồn đã tặng ngư dân 5.300 lít nước ngọt cùng hàng trăm ki-lô-gam gạo, muối, mì chính, thịt hộp. Khó khăn như bộ đội trên đảo chìm Đá Nam cũng đã giúp bà con gần 3000 lít nước ngọt, cấp thuốc cho gần 100 lượt người... Những nghĩa cử như thế đã kịp thời tiếp sức cho ngư dân trong hải trình đánh bắt thủy, hải sản dài ngày trên biển.
Ấn tượng hơn với chúng tôi, tại các đảo lớn như Trường Sa, Song Tử Tây, từ lâu nay còn có lực lượng hậu cần nghề cá, với nhiều dịch vụ ưu đãi, miễn phí cho ngư dân như: Dịch vụ bán dầu giá rẻ bằng với giá trong đất liền; sửa chữa tàu, thuyền miễn phí, ngư dân chỉ phải thanh toán phụ tùng thay thế bằng với giá trong bờ; phương thức thanh toán thuận tiện, có thể trả bằng tiền mặt hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Thượng úy Nguyễn Văn Tiệp, Đội trưởng Đội dịch vụ Hậu cần nghề cá đảo Song Tử Tây cho biết: Trong năm 2013, đơn vị đã bán 96.876 lít dầu, 70 lít nhớt cho 83 tàu; cấp 324m3 nước ngọt cho 172 tàu và miễn phí tiền công sửa chữa gần 30 tàu... Nói về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, anh Tiệp và các thành viên trong đội chỉ mong có thêm nhiều tàu, thuyền ngư dân biết và tìm đến để được phục vụ tốt hơn. Điều khiến chúng tôi càng trân trọng, khâm phục hơn các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa chính là khi các anh chia sẻ tâm nguyện của mình. Có một điểm chung là không ai kiến nghị gì cho cá nhân. Họ chỉ mong có thêm những chiếc xuồng có khả năng cơ động được trong điều kiện sóng, gió lớn hơn; có thêm phụ tùng dự trữ để sửa chữa tàu, thuyền cho ngư dân. Ước muốn lớn hơn là ngày càng có thêm nhiều tàu, thuyền của ngư dân ra Trường Sa khai thác thủy, hải sản.
Bài và ảnh: VŨ XUÂN DÂN
Nguồn QDND.VN
|