QĐND - Thắng lợi to lớn của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước cùng bạn bè khắp năm châu. Đó là một đòn chí mạng giáng vào ý chí xâm lược, âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Pháp, Mỹ, buộc đối phương phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Giơ-ne-vơ bàn về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta vẫn còn tiếp diễn. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, nhằm phối hợp với đấu tranh ngoại giao, từ ngày 8 tháng 5 đến khi Hiệp nghị Giơ-ne-vơ được ký kết (21-7-1954), lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các LLVT nhân dân ta ở khắp các chiến trường trên cả nước liên tục tiến công địch thu nhiều thắng lợi. Một trong những chiến công tiêu biểu trong thời gian đó là Chiến thắng Đắk-pơ (24-6-1954).
|
Tấm bia khắc ghi đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Chiến thắng Đắk-pơ hiện đặt tại Đài tưởng niệm Chiến thắng Đắk-pơ (huyện An Khê, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Ban liên lạc.
|
Sau ngày Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt (7-5-1954), lực lượng quân Pháp ở Đông Dương còn đông, nhưng tinh thần nhanh chóng bị suy sụp. Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương thực hiện co cụm chiến lược ở Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, nhằm bảo toàn lực lượng, chờ kết quả đàm phán tại Giơ-ne-vơ. Ở Tây Nguyên, quân Pháp rút khỏi các đồn nhỏ, lẻ co cụm lực lượng về các thị xã, thị trấn, hình thành từng khu vực phòng ngự như An Khê, Plei-cu, Buôn Ma Thuột. Thế nhưng, các khu vực phòng ngự nói trên đang ở tình thế rất khó khăn, bị cô lập, phải tiếp tế bằng đường không.
Quán triệt tinh thần chủ động tiến công địch, phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ tư lệnh Liên khu 5 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 96 và 2 đại đội của Trung đoàn 120 cùng bộ đội địa phương An Khê, Đắk-bớt, Tân An đánh địch trên đường 19 đoạn từ Plei-cu - An Khê, đồng thời sẵn sàng chặn đánh khi chúng tháo chạy khỏi An Khê về Plei-cu.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung đoàn 96 tổ chức trinh sát trận địa và chọn đoạn cầu Đắk-pơ làm trung tâm của trận phục kích. Đoạn đường cầu Đắk-pơ rất hiểm trở, đây là một khúc quanh rất gấp phía Cà Tum đi lên vừa hết dốc đã đổ xuống một cầu nhỏ, bắc qua con suối hẹp, gấp chữ chi rồi bắt đầu lên dốc, tiếp theo là con đường có nhiều mỏm đá nhỏ nhô ra, bộ đội phục kích có thể dựa vào đó mà bám sát đường rất thuận tiện cho việc khóa đầu chặn đuôi kẻ địch trong một trận phục kích lớn.
Ngày 17-6-1954, Trung đoàn 96 tổ chức hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến, tiến hành công tác chuẩn bị. Ngày 23-6, trung đoàn nhận được lệnh hành quân từ Đe Bờ đến Đắk-pơ và ngay trong đêm phải hoàn thành công tác chuẩn bị chiến đấu.
Sáng 24-6, toàn Trung đoàn 96 đã chiếm lĩnh vị trí chiến đấu xong. Đoạn phục kích chủ yếu dài khoảng 800m ở phía đông cầu, do Tiểu đoàn 79 đảm nhiệm. Đoạn phục kích phía tây cầu, dài chừng 400m do Tiểu đoàn 40 (thiếu một đại đội) đảm nhiệm. Đại đội hỏa lực cối 82 được bố trí có khả năng chi viện cho các tiểu đoàn 79, 40 trong quá trình chiến đấu. Lực lượng dự bị có 1 đại đội của Tiểu đoàn 40. Trong khi đó, đại đội độc lập của Trung đoàn 120 triển khai lực lượng ở đoạn An Khê - Cà Tum để ngăn chặn, phá cầu cống, kiềm chế sức cơ động của địch.
Từ sáng sớm ngày 24-6, lực lượng của địch ở An Khê gồm Binh đoàn cơ động 100 và các đơn vị quân ngụy lặng lẽ rút quân, theo đường số 19 về hướng Plei-cu. Đến km số 6, bị lực lượng địa phương An Khê đánh vào phía sau đội hình, quân địch phải tổ chức đánh trả, sau 30 phút mới tiếp tục hành quân. Sợ bị phục kích, từ đây chúng hành quân rất chậm chạp. Mặt khác, địch sử dụng máy bay trinh sát, quần thảo dọc theo đường 19 nhằm phát hiện lực lượng ta.
Quá trưa ngày 24-6, khi bộ phận đi đầu của địch vượt qua cầu Đắk-pơ, Trung đoàn trưởng ra lệnh nổ súng. Cối 82, ĐKZ và các loại súng bộ binh của Đại đội 68, Tiểu đoàn 40 đồng loạt nổ súng vào đoàn xe đi đầu của địch, làm nhiều chiếc bốc cháy. Bị đánh bất ngờ, đội hình hành quân của địch rối loạn. binh lính xô đẩy nhau nhảy khỏi xe. Chớp thời cơ, lực lượng xung kích xung phong xuống mặt đường tiến công địch làm cho bộ phận đi đầu rối loạn, số bị diệt, số bỏ chạy tán loạn.
Trong khi đó, Tiểu đoàn 79 tiến công vào đoạn giữa đội hình hành quân của địch. Một số xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải địch bốc cháy. Quân địch chống trả khá quyết liệt, nhưng trong thế bị động và lúng túng. Nhiều tên bị chết, bị thương và bị bắt, trong số đó có tên chỉ huy trưởng Binh đoàn 100. Đến 15 giờ 30 phút, toàn bộ lực lượng đi đầu và đi giữa đội hình hành quân của địch đã mất sức chiến đấu hoàn toàn. Các loại xe của địch, cái cháy, cái hư hỏng, cái còn nguyên ngổn ngang trên đường. Lực lượng quân địch ở phía sau dồn lên phản kích, có sự chi viện của pháo binh và không quân. Trung đoàn vừa đánh lại các đợt phản kích của địch vừa tổ chức truy kích, tiêu diệt địch. Trận đánh tiếp diễn ác liệt, kéo dài suốt chiều, qua đêm và đến trưa 25-6 mới kết thúc. Kết quả trận đánh, địch bị chết khoảng 500 tên, bị thương 600 tên và 800 tên bị bắt; số xe các loại bị bắn cháy, hư hỏng và còn nguyên lên tới 375 chiếc. Ta thu 18 pháo 105mm cùng nhiều đạn các loại.
Trận phục kích tiêu diệt quân địch ở Đắk-pơ của Trung đoàn 96 và các lực lượng vũ trang địa phương, diễn ra sau Chiến thắng Điện Biên Phủ hơn một tháng rưỡi, là một trận đánh lớn, tiêu biểu nhất trong giai đoạn 75 ngày diễn ra Hội nghị quốc tế ở Giơ-ne-vơ bàn về chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Đó cũng là một trong những trận đánh tiêu biểu của quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
Trong trận đánh này, Trung đoàn 96 đã lợi dụng được địa hình, địa thế hiểm của đoạn đường ở cầu Đắk-pơ, bố trí trận địa phục kích liên hoàn, chặn đầu, khóa đuôi, phát huy được sức mạnh tổng hợp của yếu tố con người, vũ khí, địa hình, địa thế có lợi cho ta, bất lợi cho địch, nên đã giành được thắng lợi giòn giã.
Chiến thắng này còn thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức chấp hành kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh người chỉ huy, tinh thần dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, vai trò của đội ngũ cán bộ, sự mưu lược quyết đoán của Ban chỉ huy trung đoàn.
Mặc dù lực lượng tham gia trận đánh của trung đoàn chỉ có 2 tiểu đoàn 79 và 40 (thiếu 1 đại đội), vũ khí trang bị ít, chỉ súng cối, SKZ và các loại súng bộ binh, lựu đạn, nhưng biết dựa vào địa thế hiểm, đánh vào đội hình hành quân của địch cả ở phía trước, ở giữa và phía sau, làm cho đội hình địch bị rối loạn, tiến thoái đều không được, buộc phải cố thủ rồi dẫn đến bị diệt vong.
Trận đánh này thể hiện nghệ thuật chỉ huy và tính quyết đoán của Ban chỉ huy trung đoàn, mà cụ thể là đồng chí Trung đoàn trưởng. Người chỉ huy đã nắm bắt thời cơ, hiểu rõ thế trận, thấy được cái yếu cốt tử của địch là tinh thần đã rệu rã, hoang mang và lo sợ; nắm chắc được sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu lược của bộ đội ta.
Đội ngũ cán bộ đơn vị từ cấp tiểu đội, đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn đã được tôi luyện, trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm trận mạc, tin tưởng lẫn nhau, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cán bộ các cấp đã đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể; chiến đấu rất dũng cảm, người trước ngã, người sau tiến lên, bị thương vẫn ở lại trận địa chiến đấu cùng đồng đội. Cán bộ trở thành tấm gương, góp phần tạo nên niềm tin và sức mạnh của chiến sĩ, để đánh địch liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, cả ban ngày lẫn ban đêm, trong xung phong, phản kích và truy kích địch.
Chiến thắng Đắk-pơ còn thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của quân đội ta. Đó là sau trận đánh, ngày 25-6, ta để cho địch tạo điều kiện cho địch thả dù tiếp tế cho số bị thương đang co cụm ở một số nơi; tổ chức lực lượng đi thu gom, cứu chữa cho binh lính địch bị thương rồi để đồng bọn của chúng đến chuyển đi. Có thể nói, trận Đắk-pơ đã giành được thắng lợi lớn về quân sự và cả về chính trị
Chiến thắng Đắk-pơ diễn ra trong khi Hội nghị Giơ-ne-vơ đang diễn ra khá gay go, đã góp phần cùng với những chiến thắng quân sự khác trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, buộc phái đoàn của Pháp phải đàm phán một cách nghiêm chỉnh, để tiến tới việc ký kết các hiệp định đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương.
Chiến thắng Đắk-pơ để lại những kinh nghiệm và bài học quý báu, được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và là những gợi mở, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật là đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp, ý chí quyết đánh quyết thắng, kết hợp giữa mưu kế, thế trận, nghệ thuật chớp thời cơ, tạo thế trận, chuyển hóa thế trận.
Đại tá, TS TRẦN VĂN THỨC
Nguồn QDND.VN
|