Ngày đó, xung quanh đình còn hoang sơ, cây cối rậm rạp, quân Pháp giương súng cỡ lớn định bắn vào đình nhưng điều kỳ lạ là đạn xịt. Sau đó, một con rắn hổ chúa từ trong đình bò ra, quân Pháp rút súng bắn, đạn cũng không nổ.
Lính Pháp rất hoảng sợ và rút quân, ngôi đình kể từ đó không bị phá nữa.
Bí ẩn ngôi đình thiêng
Đi thẳng QL 6 theo hướng Hà Nội – Hòa Bình, chúng tôi tìm về xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ để tìm hiểu về ngôi đình cổ làng Tiến Ân và cây thị nghìn năm tuổi.
Ở làng Tiến Ân, xã Thủy Xuân Tiên, có ngôi đình và cây thị nghìn tuổi, 15 người ôm không xuể, nổi tiếng linh thiêng trong vùng. Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các nơi khác bị giặc phá tan hoang, nhưng đình Tiến Ân, súng cỡ lớn bắn đạn không nổ, bom rơi vào đình thành bom thối.
Cuộc sống của người dân nơi đây chưa khá giả nhưng con người thật thà, chất phác và rất mến khách. Khi chúng tôi đến Tiến Ân bà con đang bước vào vụ thu hoạch. Phía sau ngôi đình là đường giao thông liên xóm và một cái sân gạch lớn được bà con phơi chật kín rơm và thóc.
Ngôi đình làng Tiến Ân có 13 đạo sắc phong do vua ban. Ảnh: Khánh Phong
Chúng tôi hỏi chuyện ngôi đình và cây thị lập tức được mọi người kể cho nghe với vẻ mặt rất tự hào, hãnh diện về hai “báu vật” của làng mình.
Cụ bà Nguyễn Thị Xuân (75 tuổi), người có nhiều năm phục vụ lễ bái ở đình kể rằng, ngôi đình này có từ đời vua Đinh Tiên Hoàng, nhưng vị trí ngôi đình hiện tại mới được xây dựng vài năm.
Trước đây, ngôi đình tọa lạc tại vùng đất thấp, nước ngập liên miên sau đó các cụ trong thôn quyết định chuyển về vị trí hiện tại.
Theo thần tích còn lưu lại thì vào thời Đinh Tiên Hoàng có hai anh em họ Đặng quê ở Hoa Lư, Ninh Bình, tài năng xuất chúng. Sau khi cha mẹ mất, hai anh em tìm đến trang Đăng Ân (làng Tiến Ân ngày nay – PV) cư trú, ngày đêm ôn văn luyện võ và mở lớp dạy học. Cảm phục tài đức của hai ông, học trò tìm về học ngày một đông.
Bấy giờ trong nước có loạn 12 sứ quân khiến cho cuộc sống của người dân lâm vào cảnh lầm than, khổ ải. Đinh Tiên Hoàng phát binh ở động Hoa Lư, xuống chiếu cho các châu lựa chọn binh sĩ, kêu gọi nhân sĩ trong nước hễ người nào văn võ song toàn, mưu lược hơn người thì ra giúp sức.
Biết tin, hai ông về Hoa Lư tìm gặp Đinh Tiên Hoàng xin bái lệnh. Nhận thấy hai ông văn võ song toàn lại thấy thần thái uy nghi nên Đinh Tiên Hoàng mừng lắm và phong cho hai ông chức chỉ huy sứ, khao thưởng binh sĩ, cấp sắc phục rồi hạ lệnh cho hai ông cầm quân đi đánh giặc. Sau khi nhận lệnh, hai ông kéo quân tiến đánh một trận rất lớn với sứ quân đóng ở trang Bảo Đà, chùa Bối Khê (phủ Ứng Thiên lúc bấy giờ) nhưng mãi không thắng.
Một đêm, khi đang nằm ngủ, hai ông mộng thấy một người tự xưng là Đại cảnh thành hoàng ở trang Đăng Ân tìm đến nguyện âm phù trợ giúp phá giặc, ngày hôm sau sẽ thờ cúng phối hưởng. Biết có thần linh đi theo phù trợ nên sáng sớm hôm sau hai ông đem quân xuất chiến và giành thắng lợi.
Dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, vua triệu hai ông mang quân về kinh đô, phong thưởng rất hậu và ban cho thực ấp ở trang Đăng Ân. Sau khi ơn vua, hai ông “hóa về trời”, dân làng thương tiếc làm biểu dâng lên vua. Được tin, vua sai người về làm tế lễ rất long trọng và xây đền thờ ở trong trang. Sau này, cả ba vị thần được thờ trong đình đều phù hộ đức vua âm phù đánh giặc Tống và được vua phong tước vị Đại vương.
Cũng theo cụ Xuân, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các ngôi đình trong vùng bị phá sạch, duy chỉ có ngôi đình này không bị phá. Dù bị bom rơi hay ngay cả khi quân lính đưa súng đến tận đền bắn nhưng đạn không nổ.
Đến thời kỳ chống Mỹ, ngôi đình chưa một lần dính bom đạn, trong khi đó nhiều ngôi đình, chùa trong những vùng khác bị tàn phá tan hoang. Duy nhất có một quả bom rất lớn rơi vào khuôn viên đình nhưng không nổ, sau này các cụ cưa vỏ bom làm kẻng.
Rồi cả chuyện vào năm 1966, đình làng được trưng dụng làm kho quân dụng của quân đội, có 3 người ngủ tại đình và đã uống rượu trong gian đại bái. Hành động “phạm thượng” này đã khiến các ngài “phật ý” và 3 người kia đã bị trừng phạt. Sau khi ăn xong họ bị đau bụng quằn quại. Kết quả, hai người mất mạng còn người kia thì cũng phải điều trị dài ngày.
“Báu vật” của người dân Tiến Ân
Trong khuôn viên ngôi đình được trồng rất nhiều cây ăn quả nhưng có một điều lạ là dù trái cây nhiều và trĩu quả nhưng người dân không ai dám lấy ăn.
Khi tôi hỏi thì cụ Xuân nói rằng, hoa quả là của nhà thánh nên không ai được phép vặt nếu chưa làm lễ xin phép. Và cụ kể cho tôi nghe một vài trường hợp bị thánh “trừng phạt” vì tự ý lấy trái cây.
Hai tháng trước, có hai cô sinh viên về tìm hiểu ngôi đình, vì không biết “luật” nên đã tự ý hái 2 quả xoài trên cây ăn. Chưa ăn hết nửa quả thì cả hai ôm bụng kêu đau. Biết chuyện, cụ thủ từ đình đã làm cái lễ cầu xin “ngài” tha tội vì hai cô ở nơi khác đến không hiểu luật. Một lúc sau hai cô sinh viên không còn thấy đau bụng nữa.
Cụ Xuân, người đã nhiều năm phục vụ lễ bái trong đình, kể cho PV nghe về huyền tích ngôi đình. Ảnh: Khánh Phong
Vài năm trước, một anh buôn nhãn đến mua toàn bộ số nhãn trong đình. Gần đến ngày thu hoạch, anh này vào đình hái vài quả ăn thử xem đã chín chưa nhưng quên không xin phép “ngài” vì anh này nghĩ đã mua của các cụ rồi thì coi như là của mình. Nhưng vừa trèo lên cây thì anh bị “ngài” đẩy xuống và bị gãy hai chân, một tay.
Các cụ cao niên trong làng kể rằng, cây thị cổ thụ này có trước ngôi đình. Bởi ngày xưa, làng Tiến Ân là vùng đất thấp, quanh năm ngập nước, cách vị trí bây giờ hơn 1km, khi các cụ khai hoang tìm vị trí cao hơn thì thấy một gò đất nổi cao và thấy cây thị to đã đứng ở đó. Các cụ bàn bạc và quyết định rời làng và đình về gò đất cao có cây thị.
Qua cảm nhận của tôi thì có lẽ đây là cây thị to nhất trên đất nước ta, thân cây khoảng 15 người ôm không xuể. Do cây thị đã nhiều năm tuổi, thân bị mục nhiều nhưng vẫn xanh tốt, tỏa bóng mát trên diện tích lên hàng trăm mét vuông.
Theo các cụ cao niên trong làng, “thần thị” không biết có từ bao giờ, từ nhiều đời trước cây thị đã đứng sừng sững, ước tính cây thị đến cả nghìn tuổi. Người làng Tiến Ân luôn cho “cụ thị” một tình cảm đặc biệt và họ coi như “báu vật” của làng, che chở và phù hộ cho dân làng.
Vì có ngôi đình và cây thị che chở nên trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thanh niên Tiến Ân lên đường nhập ngũ rất nhiều nhưng điều kỳ lạ ít người hy sinh. Chống Pháp, làng có 60 người đi bộ đội thì chỉ có 2 liệt sỹ, còn chống Mỹ cả làng đi hơn 100 người chỉ có 10 liệt sỹ.
Hàng năm cây thị vẫn cho hai loại quả, một loại quả to đến 6-7 lạng/quả, một loại quả bé chỉ bằng hai đầu ngón tay. Quả thị to ăn rất thơm và khi chín có màu vàng đỏ. Người dân muốn ăn hay thắp hương phải mang lễ vào đình xin mới được hái. Nếu tự ý động chạm đến “cụ thị” thì hậu quả khó lường.
Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Quý, cán bộ Văn hóa xã Thủy Xuân Tiên nói: “Ngôi đình và cây thị nghìn tuổi ở làng Tiến Ân nằm trong di tích lịch sử của xã từ lâu, đã nổi tiếng linh thiêng. Những câu chuyện linh thiêng được người dân đồn đại chưa được kiểm chứng nhưng việc người dân trân trọng giá trị cổ xưa ấy là rất tốt. Ngôi đình và cây thị như một phần không thể thiếu của dân làng. Sau nhiều năm gửi hồ sơ đề nghị công nhận cây thị là cây di sản Việt Nam thì mới đây thật vinh dự cho làng Tiến Ân và xã Thủy Xuân Tiên, cây thị đã được công nhận là cây di sản Việt Nam”.
Theo PL&XH
|