Từ một thi nhân với tiếng thơ hùng tráng, chuyển lối rẽ sang nghiên cứu khoa học, Phạm Huy Thông thực sự là linh hồn của đề tài và của các hội nghị khoa học xã hội và nhân văn.
Giáo sư - Viện sĩ Phạm Huy Thông - Ảnh: Gia đình cung cấp
Tiếng thơ hùng tráng
Tôi tìm đến ngôi nhà số 86 phố Hàng Bạc, Hà Nội. Di sản còn lại của một gia đình tư sản dân tộc yêu nước vẫn còn đây, nơi Phạm Huy Thông cất tiếng khóc chào đời rạng sáng ngày 20.11.1916. Ngôi nhà này đã là nơi Tiếng địch sông Ô ra đời, nơi Phạm Huy Thông viết Con voi già tặng cụ Phan Bội Châu; các tập thơ Tần Ngọc, Tây Thi và các kịch thơ: Tần Hồng Châu, Huyền Trân công chúa, Kinh Kha... đều được khai sinh tại ngôi nhà này.
Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã nhận định chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của thơ Huy Thông: “Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường. Anh hùng ca của Victor Hugo tưởng cũng chỉ thế. Giữa cái ẻo lả, cái ủy mị của những linh hồn đương chờ sa ngã, thơ Huy Thông đã ồ ạt đến như một luồng gió mạnh”.
|
|
|
“Và cho dù có thế nào đi nữa, GS Phạm Huy Thông mãi mãi sống trong lòng các thế hệ học trò của ông, như một học giả uyên bác có nhiều cống hiến cho khoa học, một thầy giáo nặng ân tình, một con người... “biết người, biết của”.
|
|
|
GS Lương Ninh - ĐHQG Hà Nộ
|
|
Bất ngờ rẽ ngang sang khoa học, từ biệt nàng thơ, năm 21 tuổi Phạm Huy Thông đỗ tốt nghiệp cử nhân luật và sang Pháp du học. Sau hai năm học, tốt nghiệp cử nhân sử, địa tại Trường đại học Toulouse, năm 1939, Phạm Huy Thông đến Paris để tiếp tục theo chương trình trên đại học về sử, địa, luật, kinh tế chính trị học. Năm 26 tuổi, Phạm Huy Thông đỗ tiến sĩ luật học và 28 tuổi ông lại lấy thêm bằng thạc sĩ sử - địa. Năm 31 tuổi, TS Phạm Huy Thông đã được phong giáo sư, làm việc tại Trường Đông phương và giữ chức Ủy viên Hội đồng Giáo dục tối cao của Pháp.
Người thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tháng 4.1946, ông Phạm Văn Đồng, trên cương vị Phó chủ tịch Quốc hội, dẫn đầu “Phái đoàn thiện chí” sang Pháp. Trước khi đoàn lên đường, Chủ tịch Quân sự ủy viên hội Võ Nguyên Giáp đã giới thiệu với Phạm Văn Đồng về Phạm Huy Thông. Họ biết nhau từ những năm dạy trường tư thục tiến bộ Thăng Long (1937 - 1938) ở Hà Nội.
Trở sang lần thứ hai, để thương lượng với Chính phủ Pháp ở Hội nghị Fontainebleau, ông Phạm Văn Đồng đã đề nghị Phạm Huy Thông làm thư ký riêng cho Hồ Chủ tịch.
Chính trong thời gian vừa làm thư ký riêng của Hồ Chủ tịch vừa làm thư ký của hội nghị Fontainebleau; hằng ngày phải tranh luận với đại biểu của Pháp để thảo ra một thông báo chung của hội nghị cho báo chí; Phạm Huy Thông đã bị Hồ Chí Minh chinh phục. Trong hồi ký, ông viết: “Từ viết văn đến nhận thức, tôi đã học được nhiều. Tuy cần nói rõ, như mọi trí thức học dưới mái trường Pháp, tôi đâu dễ nghe ai khuyên nhủ! Nhưng với tình cảm sẵn có với Bác, với phấn khởi được sống bên Bác một thời gian, với cách nói năng ôn tồn và thấm sâu của Bác, tôi đã từng bước, từng bước sang một thế giới mới...”.
Từ bỏ vinh hoa phú quý, GS Phạm Huy Thông dấn thân vào con đường đấu tranh cho độc lập dân tộc. Đến cuối năm 1952, trước khi bị trục xuất về nước, GS Phạm Huy Thông đã nhiều năm cáng đáng trọng trách về mọi mặt của Hội Việt kiều yêu nước.
Thực dân Pháp đưa ông về quản chế ở Ô Cấp (Vũng Tàu), nhà lao Chí Hòa, rồi Bà Chiểu và trung tâm huấn chỉnh Biên Hòa. Từ chối lời mời ra làm Tổng trưởng Giáo dục trong chính phủ Nguyễn Văn Tâm, GS Phạm Huy Thông cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ sáng lập “Phong trào đòi hòa bình ở Đông Dương”... Một lần nữa, ông bị bắt trục xuất ra khỏi Sài Gòn, bị giam tại Hải Phòng.
|
|
Bảy mươi tuổi, nhìn lại cuộc dấn thân phục vụ Tổ quốc kể từ Cách mạng tháng Tám, Giáo sư - Viện sĩ Phạm Huy Thông tự hào:
“... Dấn thân lên con đường của Cách mạng tháng Tám, được Cách mạng tháng Tám in trong tâm hồn một dấu ấn không thể nào phai, tôi không hề tiếc gì hết khi nhìn lại con đường đã qua tuy con đường ấy khác hẳn con đường đã ước mơ. Như chiến sĩ cách mạng Pháp Gabriel Péri, tôi có thể nói: “Nếu phải hay được làm lại cuộc đời, thì tôi sẽ lại đi con đường đã đi”.
|
|
Đặt những viên gạch đầu tiên
Sau khi được giải thoát khỏi nhà tù của chính quyền Sài Gòn, GS Phạm Huy Thông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm vừa được thành lập năm 1956.
11 năm làm hiệu trưởng (1956 - 1967), lãnh đạo một nhà trường lớn, ông đã đưa Đại học Sư phạm thành đơn vị tiên tiến xuất sắc trong ngành giáo dục. Vào đầu những năm 1960, trường liên tục nhận được những phần thưởng cao quý của nhà nước: Huân chương Lao động hạng ba (1961), Huân chương Lao động hạng nhì (1962)…
Mặc dù bận rộn trong công tác quản lý, GS Phạm Huy Thông vẫn dành thời gian cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, nhớ về người thầy của mình:
“Một trong những công lao lớn của GS Phạm Huy Thông không chỉ đối với ngành sư phạm mà cả giới nghiên cứu về lịch sử thế giới là việc chủ trì, tổ chức, hướng dẫn việc biên soạn một bộ giáo trình về lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại. Việc coi nhẹ nghiên cứu lịch sử thế giới nói chung, lịch sử khu vực nói riêng là một thiếu sót. GS Phạm Huy Thông đã nhận thấy thiếu sót này, nên đã tổ chức lực lượng nghiên cứu, biên soạn giáo trình lịch sử thế giới...
Có thể xem bộ giáo trình Lịch sử thế giới do GS Phạm Huy Thông tổ chức, hướng dẫn biên soạn là viên gạch đầu tiên đóng góp vào việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử thế giới ở Việt Nam”.
Năm 1967, GS Phạm Huy Thông được giao nhiệm vụ xây dựng Viện Khảo cổ học và sau đó là Tạp chí Khảo cổ học ra đời do ông làm tổng biên tập. Là viện trưởng đầu tiên, ông đã có 20 năm làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học (1968-1988) cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
GS-TS Hoàng Xuân Chinh - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: “Trong thời gian ở Viện, GS Phạm Huy Thông có yêu cầu cao đối với cán bộ cũng như đối với bản thân mình. Bài viết của GS thường được sửa chữa nhiều lần, kể cả lúc đã lên khuôn. Đối với cán bộ, bất kể là cán bộ đại học hay phó tiến sĩ, không kể là bài tạp chí hay bản thông báo ngắn, đều được GS hướng dẫn sửa chữa hay tự tay GS sửa chữa. Chính nhờ vậy mà ông đã tạo nên được một phong cách làm việc nghiêm túc cho cán bộ khảo cổ học”.
Hơn 40 năm hoạt động, Giáo sư-Viện sĩ Phạm Huy Thông (1916-1988) đã giữ nhiều trọng trách: Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, quyền Bí thư Đảng ủy Bộ Giáo dục, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa II, III. Ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức (1987). Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) dành cho cụm công trình nghiên cứu về khảo cổ học: Trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam, Hang Con Moong và Hùng Vương dựng nước.
|
Kiều Mai Sơn / TNO
|