VOV.VN - Nếu hiểu Lý Sơn, bạn sẽ cảm thấy: Hình như đây là quê mình, hình như nếu cần một tiếng gọi, bạn sẵn sàng xả thân giữ đảo với bà con.
Mỗi ngày có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Nếu biển động, thì có khi hàng tháng không có chuyến nào. Như cách đây vài năm Lý Sơn hết gạo ăn… vì biển động.
22.000 dân, 3 xã, có 2 xã ở đảo lớn (Lý Sơn) và 1 xã ở đảo bé (xã An Bình)- cách đảo lớn 25 phút đi ca nô, có 1 bãi tắm có lẽ đẹp và hoang sơ nhất Việt Nam. Ở đảo nhỏ, không có nước ngọt. Người ta phải đầu tư 1 triệu USD để lọc nước biển thành nước ngọt.
|
Đảo Lý Sơn mang một vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn
|
Một con đường chạy quanh đảo dài chừng 7 km, gặp liên tiếp nhiều công sự phòng thủ kiên cố. Huyện rất nghèo, thu không đủ chi trả lương và các hoạt động khác, phải nhờ vào nhà nước trang trải và các nguồn hỗ trợ, tài trợ, từ thiện. Lý Sơn còn thiếu thốn và khó khăn trăm bề.
Anh Minh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi bây giờ, trước là Bí thư Huyện đảo Lý Sơn, bảo, Lý Sơn là nơi thử thách cán bộ, thấy đúng. Ở đây, không có chỗ cho sự đố kỵ, chèn ép, ham hố. Làm cán bộ ở đây trước hết là...làm dân đã, như dân đã, cùng dân đã, không được như thế, đảo loại bỏ.
Một ngôi chùa lớn ở trung tâm và một ngôi chùa nhỏ nhưng đặc biệt ở khu biệt lập (chùa Hang). Đan xen trong đảo là những con đường bê tông nhỏ chạy ven chân 5 ngọn núi thấp, đất chen với đá đen- loại đá có được từ những phun trào núi lửa ở đây của nhiều ngàn năm trước.
Lý Sơn- hòn đảo nhỏ nhưng án ngự vị trí quân sự xung yếu. Đảo có một vị trí chiến lược không chỉ với biển Đông mà còn với cả đất liền- nó là huyệt tử khi xảy ra biến cố xung đột chiến tranh.
|
Lý Sơn là hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng
|
Đảo không có điện, từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm người ta chạy máy nổ. Tháng 9 này, điện lưới quốc gia sẽ có ở đảo, tạo nên một bước ngoặt lịch sử, với mức đầu tư gần 800 tỷ đồng (chôn cáp ngầm từ đất liền ra). Ở đảo nhỏ thì phải cuối năm 2015 mới có thể kéo điện qua, hiện tại, nhân dân sử dụng điện mặt trời.
Thuyền đánh cá trên đảo Lý Sơn chủ yếu ra ngư trường khu vực đảoTrường Sa. Số thuyền khác khai thác lặn bắt hải sâm thì ra vùng đảo Hoàng Sa. Bà con vào sát đảo Hoàng Sa, nhìn thấy cả xe và người đi trên đảo, đây là khu vực thường xuyên bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt bớ, phá thuyền, cướp hải sản.
Có một nỗi đau trong lòng ngư dân, Hoàng Sa là của Việt Nam nhưng ngư dân đánh cá ở đấy như đi đánh trộm, phải áp dụng phương châm: Lấy liều mạng làm căn bản và hên xui.
Phải ra biển, đó không chỉ là vì cuộc sống
Từ khi giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép tại vùng biển này, quyết tâm của bà con lại lên rất cao, những con thuyền đánh cá Lý Sơn cứ nhắm vào vùng biển Hoàng Sa xông tới như là cách bà con khẳng định với Trung Quốc về chủ quyền biển bằng hành động- dù trên thực tế hành động đó rất hiểm nguy, có thể đánh đổi cả tính mạng.
Lý Sơn, một hòn đảo vô cùng hấp dẫn, cả về lịch sử (hàng chục di tích lịch sử, văn hóa tuyệt vời), cả về cảnh quan du lịch (đẹp vô cùng), cả về vị trí quân sự, kinh tế...nhưng đang ở dạng tiềm năng...
|
Tác giả Nguyễn Quang Vinh trên đảo Lý Sơn
|
Lý Sơn, bạn sẽ gặp những bà con ngư dân còn nghèo nhưng tốt bụng và hiền hậu đến cảm động. Và cả những cán bộ nhà nước ở đảo, tôi đã gặp hầu hết những lãnh đạo của huyện và đó là những cán bộ chân chất, mộc mạc, gan ruột với công việc, với đảo, với bà con.
Lý Sơn, không thể không trở lại, vì cả sự hấp dẫn của cảnh quan, nhưng trước hết là tình thương mến một vùng đất, một hòn đảo nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông, vì đó là giọt máu của Tổ Quốc mình. Và luôn như thế, Lý Sơn là hậu phương của mặt trận, là tiền tuyến của đất liền....
Nhờ Công, Phó chánh văn phòng huyện ủy Lý Sơn lấy xe máy chở tôi vào xóm nhà dân ở phía tây đảo. Khu nhà dân mọc chen nhau, con đường nhỏ, ngoặt qua ngoặt về, chạy sâu hút về cuối xóm thì tới nhà của thuyền trưởng Nguyễn Lộc. Lộc nói đi biển 10 năm thì cả 10 năm đều ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản. 10 năm ấy, anh đi hàng trăm chuyến, cũng cả trăm lần bị vây ráp, bị đuổi, bị cướp, bị đánh, thậm chí có lần bị tàu Trung Quốc bắt, nhưng các anh cứ đi, không chùn bước. Thuyền của Lộc có 12 anh em, ra tới sát sạt đảo Hoàng Sa. "Răng sợ? Đây là biển của Việt Nam, đảo của Việt Nam, chẳng qua Trung Quốc nó cướp thì nó nó giữ, nó đuổi mình, đuổi sao được mà đuổi, cứ đi." Nhiều chuyến vì bị tàu Trung Quốc cướp, phá, anh em trắng tay, lỗ nặng, lỗ hàng trăm triệu. Trong những lúc như thế, người Lý Sơn có câu nói cửa miệng, ui chao, chuyến đi này lỗ tốn chú ạ.
|
Ngư dân Nguyễn Lộc kể lại chuyện bị tàu Trung Quốc vây hãm, đuổi, bắt khi ở ngoài khơi
|
Lại đi tìm nhà của Nguyễn Chí. Chí hiền quá, ngồi cười cười khi tôi hỏi chuyện. Em nói, nhiều năm nay, bà con Lý Sơn ra vùng biển đảo Hoàng Sa đánh bắt hải sản, đều bị tàu Trung Quốc ức hiếp, xua đuổi, cướp bóc, đập phá. Chuyến rồi em cũng bị, lính Trung Quốc dùng dùi cui đánh vào đầu, vào tay, vào lưng. Họ lên thuyền, ngang ngược chửi bới, đập phá, được mấy hải sản làm được chúng lấy hết. Phải ra biển, đó không chỉ là vì cuộc sống, Chí nói " mình không ra, mình sợ, mình lảng thì hóa ra đảo đó, biển đó là của Trung Quốc như nó lu loa à, không. Không anh ạ, phải đi. Bọn em đợi lành vết thương, sửa xong tàu thuyền, đi nữa, không sợ chi".
|
Ngư dân Nguyễn Chí khẳng định sự kiên quyết bám biển của mình cũng như những ngư dân khác của đảo
|
Và những người mẹ, người vợ của các ngư dân Lý Sơn, họ cũng là những người hùng. Vì sau lưng những con thuyền là đảo, là gia đình, là tổ ấm, là sự sẻ chia của đồng bào, là niềm tin cậy gửi gắm yêu thương vào nhau. Không ai có thể ra biển trong cô đơn. Không ai có thể ngồi yên trong đất liền nếu thiếu niềm tin.
Và toàn thể nhân dân Lý Sơn, hàng vạn người dân trên đảo sống và lao động nơi hòn đảo tiền tiêu này, họ hiểu lắm những giây phút hiểm nghèo nếu biển Đông có biến. Họ mới chính là lũy thép. Công dân đảo Lý Sơn thực sự là những người hùng. Từ mấy trăm năm nay như thế chứ không phải hôm nay, không có giặc thì can trường trước bão tố phong ba, có giặc giã thì đổi mạng sống của mình vì chủ quyền Tổ Quốc.
Tôi đi trong đêm Lý Sơn, bốn bề là sóng vỗ, ngoảnh mặt phía tây là đất liền, ngoảnh mặt về phía bắc, phía nam, phía đông là biển, biển, biển, đảo mang nhịp thở của của hàng vạn con người biết sống và chết vì đất đai cương giới của quốc gia.
Cả những ngôi mộ trên đảo cũng mang khí phách của những người hùng, lớp lớp thế hệ người dân Lý Sơn đã ngã xuống, thân xác người còn người không, chỉ còn lại dấu vết những ngôi mộ, như chứng thực lòng yêu nước của lớp lớp người trên đảo.
|
Mộ gió lính Hoàng Sa trước Âm Linh tự của đảo
|
Nếu ai ra Lý Sơn, nếu thực sự thấm, hiểu, trong bạn bỗng có một cảm xúc thế này: Hình như đây là quê mình, hình như mình đã sinh ra và lớn lên ở đảo, hình như nếu cần một tiếng gọi, bạn sẵn sàng xả thân cùng với bà con. Còn tôi, có lẽ tôi còn phải trở lại...Hình như đang dần hình thành một cuốn sách dày dặn về hòn đảo bé nhỏ này. Văng vẳng đâu đó, không biết từ phía nào, một tiếng chuông chùa ngân lên rất trong, vang đi rất xa, gọi tiếng tri âm.../.
Nguyễn Quang Vinh
Theo VOV.VN
|