Những con tàu của ngư dân Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… vẫn đang Hoàng Sa thẳng tiến, họ chưa bao giờ quản ngại hiểm nguy. Bởi Hoàng Sa là lẽ sống, là ngôi nhà thực sự của ngư dân.
Ngư dân miền Trung - Những cột mốc can trường giữa Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường.
“Giong cả con tàu mấy tỷ bạc là cả gia sản ra Hoàng Sa, đánh bắt ở vùng biển nóng thời điểm này là mạo hiểm chứ. Nhưng nói đi phải nói lại, ngư trường ông cha mình hoạt động bấy lâu nay, mình không giữ thì còn ai giữ. Bởi thế, nói một câu thật lòng, dù có nguy hiểm gấp mười đi chăng nữa, tụi tui vẫn ra Hoàng Sa” - anh Trương Văn Hay, thuyền trưởng tàu ĐNa 90235 chắc nịch.
“Trung Quốc rút giàn khoan, chúng tôi mới về”
Chúng tôi sang tàu anh Trương Văn Hay trong một đêm tối, khi người thuyền trưởng con tàu được coi là khủng trong tổ đội đánh cá ĐNa 90235 vừa sửa chữa xong phần mạn và dựng lại giàn phía sau. Sau cú húc hung hãn của “trâu đen” 71075, giàn phía sau sụp, riêng mạn trái vỡ toác, nguy cơ nước tràn vào. “Anh em thuyền viên đã phải thức trắng đêm để gia cố. Giờ thì ổn rồi” - anh Hay nói.
Con tàu ĐNa 90235 của đại gia đình họ Trương ở Thanh Khê nức tiếng Đà Nẵng vì làm ăn hiệu quả. Đây cũng là gia đình có đông người bám biển Hoàng Sa từ trước tới nay. Công suất C750CV, con tàu bằng gỗ mới được đại tu của anh Hay hiện có giá gần 5 tỷ đồng, gánh cả niềm tự hào bám biển của Thanh Khê. “Mấy năm trước, gia đình cũng rơi vào cảnh lao đao khi ngành nghề câu mực xà xa bờ chết yểu. Chuyển sang lưới vây, vốn liếng không có, cắm nợ ngân hàng được bao nhiêu đổ vào tàu. Lắm lúc bĩ cực nhưng chưa bao giờ tui nghĩ sẽ có ngày giã từ Hoàng Sa”.
Anh Trương Văn Minh, em trai anh Hay, đang là thuyền phó, cho hay, sau khi bị “trâu đen” húc, cứ tưởng phải sớm rời ngư trường, chia tay anh em. Nhưng là tổ đội trưởng, anh cùng anh Hay không cho phép điều đó xảy ra. Anh Minh thành thật: Lần đầu tiên bị truy đuổi gắt gao như thế sau bao năm bám biển Hoàng Sa. Những lần trước có bị hải cảnh, hải giám đe dọa đẩy đuổi, xịt vòi rồng nhưng chưa ăn thua với những ngày qua, lúc nào cũng bị 3 - 4 tàu cá vỏ sắt Trung Quốc quay như chong chóng. Bây giờ thì chúng tôi vô cùng vững tâm. Mình tổ chức đi đánh cá theo từng tổ đội, hỗ trợ nhau trên từng mét biển, dù tàu họ to, vỏ sắt và hung hăng nhưng đố làm gì được mình.
Chú Tám: “Bám biển Hoàng Sa lúc này là trách nhiệm và danh dự”
“Tàu sửa xong rồi, tôi cũng đã thống nhất với các anh em qua Icom, trong thời điểm nóng bỏng này, chúng ta bám biển trường kỳ. Lúc nào Trung Quốc rút giàn khoan, điều hết tàu cá, hải cảnh về thì chúng ta mới kết thúc chuyến biển” - anh Hay khảng khái. Nói đoạn, anh bật Icom, hỏi thăm tình hình tàu ĐNa 90406. Anh Cường, máy trưởng tàu cho biết, cú húc từ đuôi và một lần va chạm phần mạn khiến tàu vỡ cabin, gãy cọc và bay mất dàn đèn 6 bóng. “Khắc phục xong rồi, yên tâm không có chuyện chi. Anh em vẫn vững vàng chống chọi, đời nào chấp nhận thua cuộc”. Anh Cường hào hứng nói thêm, gạo còn mấy tạ, thức ăn nước uống đầy đủ. Nước sạch còn đủ dùng cho cả tháng, tinh thần anh em thuyền viên kiên định.
Vẫn không thể không nhắc đến anh Lê Văn Chiến (thuyền trưởng ĐNa 90351), người đã quá quen mặt với độc giả Tiền Phong. Vẫn luôn là lá cờ đầu, xung kích mỗi lần bám biển Hoàng Sa. Anh Chiến hợp cùng ông Còn B và Lê Dũng tạo thành bộ ba lợi hại. Những ngày căng thẳng này, từ sáng đến chiều, bỗng nhận ra bộ ba ĐNa 90039 - 90098 và 90351 không hề bị động trước những “trâu đen, trâu xanh” bố ráp, vây húc. Họ luôn chủ động trong mọi tình huống. “Nói gì thì nói, chú nể nhất vẫn là thằng Chiến. Nó nhanh, can đảm và đặc biệt luôn nghĩa tình với đồng đội. Nó là đứa cứu sống, giúp đỡ tàu bạn nhiều nhất của làng cá Đà Nẵng” - thuyền trưởng Còn B tâm sự. “Nếu mình cứ khư khư nghĩ đến cái luồng cá, lợi ích của riêng tàu mình thì nói thật, ngư trường Hoàng Sa đến giờ này đã do ngư dân Trung Quốc làm chủ từ lâu. Đoàn kết và đoàn kết. Chỉ có ra khơi đánh bắt theo tổ đội, kịp thời sát cánh hỗ trợ nhau thì mới thành công” - anh Chiến cho biết.
Tổ quốc, danh dự và trách nhiệm
Những đêm thức trắng, cùng trực canh cabin với chú Tám, tức thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B, tôi chống cơn buồn ngủ bằng cà phê và một cuốn sách về lịch sử quân đội Mỹ. Chú Tám vừa điều khiển tàu, vừa nhìn tôi đọc sách, ánh mắt thán phục thấy rõ. “Chú học hết lớp 5, nghỉ. 17 tuổi đi biển, đến giờ chữ trôi vèo theo từng con sóng. Cả đời chú lênh đênh trên Hoàng Sa, vất vả kiếm tiền nuôi sống gia đình. 60 tuổi rồi mà có được nghỉ ngơi đâu”.
Hăng say lao động trên biển
Ông nhìn cuốn sách, hỏi: Nó nói cái chi rứa chú? Tôi kể lại cho ông về những lần được bước lên chiến hạm khổng lồ thuộc Đệ thất hạm đội của Mỹ, về những hào nhoáng, sức mạnh của hải quân Mỹ. “Có một câu trong này rất hay: Tổ quốc, danh dự và trách nhiệm. Đó là câu đầu tiên mà mỗi người dân Mỹ khi gia nhập quân đội đều phải học”. Chú Tám đồng tình: Chính xác, tui lần đầu tiên nghe câu này, nhưng nói thật với chú, anh em trên tàu, mỗi khi nổ máy ra Hoàng Sa đều đồng lòng suy nghĩ: Tổ quốc, danh dự và trách nhiệm. Với tui, danh dự là số 1. Tiền có thể mất, nhưng danh dự người thuyền trưởng không bao giờ cho phép tui thất tín. Ông Còn B kể, trước ngày khởi hành, nhiều người thân can ngăn, ra Hoàng Sa mà lại đánh bắt gần giàn khoan thời điểm này, khác gì nhảy vào lửa. Chuyến biển trước, tàu ĐNa 90039 lỗ gần 100 triệu vì đi hơn 20 ngày nhưng thu về chỉ được vài tấn. “Nằm bờ cả tháng, thêm tháng nữa có sao. Nhưng mấy anh em bàn nhau ra đánh bắt ở gần giàn khoan, mình là người khởi xướng, phút chót mà rút thì nó khinh”. Trong suốt hải trình, chú Tám cùng ăn, cùng sinh hoạt với thuyền viên lớp tuổi con cháu, hòa đồng vui vẻ. Nhưng tôi quan sát, tuyệt nhiên những mệnh lệnh ông ban ra tựa sức nặng ngàn cân. Tất cả đều răm rắp chấp hành. “Cũng vì thế mà đến giờ tui chưa thể yên tâm bàn giao tàu cho ai. Đang ngon trớn thế này, mình nghỉ, anh em cũng lao đao” – chú Tám tâm sự. 12 thuyền viên trên tàu gắn bó với ông từ thuở mua con tàu nhỏ, công suất 120CV. Sau mấy lần nâng cấp, đến nay đã là 800CV. Tàu lớn, vươn xa và những ngư phủ thiện chiến vẫn gắn bó.
Kình ngư Nguyễn Văn Thành, kể: Tụi tui phục chú Tám ở chỗ quân tử, hết mình vì anh em. Cùng đói, cùng no. Mỗi chuyến biển có thể lời, lỗ, nhưng anh em chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ ngư trường Hoàng Sa. Chú Tám thường nhật ăn sóng nói gió, rồi cũng buông một câu, đầy… chữ nghĩa: “Thường ngày đánh cá, nhưng giờ giữa Hoàng Sa, thấy nó ngang ngược như thế, chúng tôi phải lấy Tổ quốc và trách nhiệm làm đầu chứ. Nói thật, những người như chú, dễ ai có được những ngày đối mặt với tàu cá Trung Quốc thời điểm này. Với ngư dân chúng tôi, chuyện không có gì to tát”.
Hải trình mấy ngày liền, mỗi lần ngư dân tổ chức đội hình buông lưới đánh bắt là mỗi lần hàng chục tàu Trung Quốc lao ra ngăn cản. Cường độ, mức độ hung hãn của những “trâu xanh, trâu đen” ngày một tăng thêm. Chuyến biển dài ngày, chưa tàu nào có thành quả ăm ắp đầy khoang như thường nhật. Những con tàu vài tỷ, là gia sản của cả đời ngư phủ, giờ này ở Hoàng Sa, đang đối diện với bao nhiêu nguy biến. Và trước mắt, họ chấp nhận chuyến biển trắng tay. Họ vẫn quyết liệt: “Khi nào Trung Quốc rút giàn khoan, điều tàu về chúng tôi mới kết thúc chuyến biển”.
Và giờ đây, những đội tàu Lý Sơn, Bình Sơn, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Huế… lại bắt đầu vươn khơi tiếp sức.
Theo Tienphong
|