QĐND - Lâu lắm rồi, các cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến-những người lính Trường Sơn năm xưa, mới như được sống lại những ngày hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ dậy từ rất sớm, quân phục chỉnh tề, nghiêm trang đứng thành hàng lối, chờ mệnh lệnh xuất phát về thăm lại chiến trường xưa.
Chuyến đi do Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Trong ánh nắng ban mai, con đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh hiện ra như một vệt sáng giữa núi rừng trùng điệp. Bao năm trôi qua, dấu tích chiến tranh đã lùi vào ký ức, những hố bom, ụ súng không còn nữa, thay vào đó là những vùng quê trù phú, ngút ngàn màu xanh. Ánh mắt của những con người từng vào sinh ra tử lúc đăm chiêu, lúc nhíu lại, ký ức về thời đạn bom như thôi thúc, như thổi bùng lên trong lồng ngực. Những trọng điểm đánh phá ác liệt năm xưa, những sở chỉ huy tiền phương ngày ấy, giờ đây đã trở thành “địa chỉ đỏ”, những di tích lịch sử trao truyền cho muôn đời con cháu.
Phà Long Đại-"Tọa độ lửa"
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong cuộc hành trình trên con đường Trường Sơn hùng vĩ là bến phà Long Đại-nơi một thời là “tọa độ lửa”, là "túi bom" của giặc Mỹ điên cuồng đánh phá. Những năm 1967-1972, vượt qua tất cả gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 249 (nay là Lữ đoàn 249)-Binh chủng Công binh, cùng TNXP, dân công hỏa tuyến… đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu với máy bay địch, rà phá bom, mìn, bảo đảm thông phà, thông tuyến, góp phần đưa lực lượng và hàng hóa, khí tài đạn dược vượt sông, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.
|
Thăm bia di tích bến phà Long Đại.
|
Bến phà ngày nào giờ được thay bằng cây cầu hiện đại bắc qua dòng Long Đại trong xanh, hiền hòa, mải miết chảy về phía biển. Nếu không có Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Long Đại nằm uy nghi trên một ngọn đồi cao, hẳn sẽ chẳng thể hình dung nơi đây là một trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ.
CCB Phạm Đình Khả (nguyên Chính trị viên Đại đội 8 Pháo cao xạ, Tiểu đoàn 9) cứ đứng lặng im nghe từng nhịp chuông rung lên từ ngọn tháp. Bỗng ông òa khóc khi nhìn về phía trận địa pháo năm xưa, nơi ông chỉ huy đơn vị chiến đấu với quân thù, bảo vệ phà, bảo vệ huyết mạch giao thông quan trọng. Trong khoảnh khắc ấy, tất cả chúng tôi đều lặng đi...
Theo CCB Phạm Đình Khả, đau thương nhất của những ngày lửa đạn ấy chính là sự hy sinh của 31 TNXP thuộc hai tỉnh Nghệ An và Thái Bình. Trận bom thứ nhất vào ngày 16-6-1972, lúc đó khoảng 6 giờ sáng, bom rải thảm ngay giữa thôn Long Đại, lửa cháy rực khắp thôn. Bom đánh trúng hầm lực lượng TNXP Nghệ An làm 16 người hy sinh, trong đó có 3 nam và 13 nữ. Sau trận bom kinh hoàng này, TNXP Nghệ An được lệnh ra Bắc. Đại đội TNXP quê Kiến Xương, tỉnh Thái Bình được điều động từ đường 10 về thay thế, bám trụ tại bến phà Long Đại, khoảng 40 người, chủ yếu là nữ. Ngày 19-9-1972, khoảng gần trưa, máy bay Mỹ kéo đến oanh kích bến phà Long Đại. Những nam TNXP đang bám trụ trên sông tất thảy đều hy sinh. Bom đánh sập hầm trú ẩn của những TNXP khác ở phía bờ Bắc.
CCB Phạm Đình Khả nhớ lại: “Khi tôi chạy đến, trước mặt chỉ còn cảnh hoang tàn. Họ mất hết rồi, nghĩ vậy, tôi đưa súng lên trời bắn ba phát đạn báo hiệu. Về sau, khi xác minh lại có 15 người, gồm 4 nam hy sinh giữa sông khi đang vận chuyển những tấm bê-tông sang bờ Nam làm hầm chữ A. 11 TNXP còn lại gói gọn trong một căn hầm. Tất cả họ đều cùng quê Thái Bình”… Những ngày tháng ấy là ngày “máu đã chảy thành sông”, ngày các đồng đội của ông đã “hóa thành bất tử”.
Linh thiêng Nghĩa trang Trường Sơn
Có lẽ chẳng từ nào ngắn gọn, súc tích mà lại đúng đủ hơn khi nói về những người nằm dưới cỏ trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn-là từ “bất tử”. Các anh, các chị mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam. Nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, mà phần lớn là các anh hùng liệt sĩ của Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn thật thanh bình, yên ả. Mỗi sáng thức dậy, người dân nơi đây như vẫn còn nghe trong thinh không khẩu lệnh dõng dạc của người chỉ huy, cả những bài tập thể dục buổi sáng. Các anh, các chị vẫn tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, hàng nối hàng thẳng tắp, rầm rập chạy, rầm rập hô: Một hai, một hai…
|
Hát với những người nằm dưới cỏ. Ảnh: VĂN DŨNG
|
Điều làm chúng tôi xúc động nhất khi đến nơi linh thiêng này, đó là sau khi làm Lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các cô, các chú chạy ào đến ôm lấy những phần mộ. Người khóc, người cười, người thì thầm trò chuyện. Tôi có cảm giác không còn cảnh âm dương cách biệt, họ tự nhiên nói, tự nhiên cười và hồn nhiên gọi “mày-tao” như thuở nào.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, sau khi thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ vô danh, ông lặng lẽ đến ngồi bên cạnh phần mộ anh hùng liệt sĩ Lê Quang Biện, quê Hạ Hòa, Phú Thọ. Dường như ông không rời mắt khỏi tấm bia mộ, hết vuốt ve rồi lại thì thầm một điều gì đó không rõ. Mãi sau tôi mới biết, anh hùng liệt sĩ Lê Quang Biện là người bạn thân thiết của ông trong chiến đấu. Chuẩn úy Lê Quang Biện là Trung đội trưởng lái xe thuộc Tiểu đoàn 102. Những năm tháng ấy, Lê Quang Biện được tặng danh hiệu “Tuấn mã Trường Sơn” vì thành tích xuất sắc trong vận chuyển và chỉ huy vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị vào chiến trường. Ngày 29-3-1969, khi vận chuyển vũ khí trang bị qua trọng điểm Chà Là trên Đường 20 Quyết Thắng, trung đội ông đã trúng bom tọa độ của Mỹ, Lê Quang Biện đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ…
Ơi cô gái Trường Sơn/ Bao đêm em đi mở đường/ Cho từng chuyến xe anh qua/ Mang giọng hát em ngân xa… Tiếng hát của các cựu nữ TNXP bỗng vút lên từ phần mộ Đại tá, liệt sĩ Đặng Tính, Chính ủy Đoàn 559. Tiếng hát bay theo gió lay động những người nằm dưới cỏ. Cô Vũ Thúy Lành, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Quân tình nguyện Việt-Lào, lần nào hát cũng nghẹn ngào, rưng rưng trước mộ thủ trưởng. Cô Lành nhớ lại: “Hôm đó, cả đội được lệnh chuẩn bị đêm văn nghệ phục vụ bộ đội, TNXP và dân công hỏa tuyến, Chính ủy Đặng Tính đến dự. Anh em chuẩn bị kỹ càng, chờ mãi nhưng không thấy thủ trưởng đến. Ngay sau đó, cả đội nhận được hung tin, thủ trưởng đã hy sinh trong khi đi làm nhiệm vụ. Nghe tin ấy, tất cả chúng tôi đều sững sờ. Ai cũng nước mắt giàn giụa”.
Cùng tâm trạng của các cựu nữ TNXP đang vây xung quanh ngôi mộ của liệt sĩ Đặng Tính, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam bồi hồi nhớ lại: “Cùng đi trên chuyến xe với Chính ủy Đặng Tính ngày ấy còn có một số đồng chí, trong đó có anh Vũ Quang Bình, quê Hải Phòng và anh Nguyễn Thúc Yêm, quê Nghệ Tĩnh. Tất cả đều nằm lại với núi rừng Trường Sơn”. Nói rồi, ông đưa chúng tôi đến mộ liệt sĩ Vũ Quang Bình và liệt sĩ Nguyễn Thúc Yêm nằm cùng hàng mộ liệt sĩ Đặng Tính. Bàn tay nhăn nheo của ông chạm vào bia mộ rất nhẹ nhàng, như sợ đồng đội mất giấc ngủ yên…
Trong chuyến đi này, các cô, các chú CCB nói nhiều đến những “hiện tượng có thật” ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đó là hai mạch nước ngầm tự nhiên nằm dưới chân đồi nghĩa trang, phun lên tạo thành một hồ nước trong xanh, không bao giờ cạn; chuyện cây bồ đề không ai trồng mà bỗng tự nhiên mọc ngay sau tượng đài, ôm lấy tượng đài che mát quanh năm, tạo cho Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn vốn trang nghiêm nay càng linh thiêng hơn... Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nói rằng: Bộ đội Trường Sơn là bộ đội nhà Phật. Các anh, các chị chiến đấu hy sinh cho lý tưởng cao đẹp, cho sự bình yên của non sông, đất nước nên khi ngã xuống, linh hồn các anh, các chị trở thành bất tử, hòa vào đất mẹ Việt Nam. Cây bồ đề chính là bàn tay Phật Tổ ngàn đời chở che, ru cho các anh, các chị ngủ. Còn với suy nghĩ của nhiều người, cây bồ đề chính là một “tượng đài xanh”, một biểu tượng của sự yêu chuộng hòa bình của con dân đất Việt.
Qua Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, đến viếng thăm Thành cổ Quảng Trị, nhìn dòng Thạch Hãn nhẹ trôi trong chiều hè đỏ nắng, ai cũng rưng rưng xúc động. Không còn tiếng súng, không còn mưa bom, bão đạn nhưng sao như bóp nghẹn tim người. Chúng tôi chẳng thể nào quên được hình ảnh cô Thành, cô Hoa, cô Việt, cô Đức (cựu bộ đội Trường Sơn)… đặt lên mộ đồng đội mình những bông cúc trắng tinh khôi rồi thì thầm nói: Chúng mình sẽ sống tốt hơn, nuôi dạy con cái trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Đó là lời hứa với người “ở lại Trường Sơn”. Sau câu chuyện, không còn nước mắt, chỉ có nụ cười để người ở lại và người trở về nhẹ nhàng, thanh thản.
Điều làm chúng tôi càng thêm ngưỡng mộ, đó là các CCB, cựu TNXP, dân công hỏa tuyến khi trở về thăm lại chiến trường xưa, không nhắc nhiều đến sự hy sinh, mất mát, sự tàn khốc của chiến tranh, đặc biệt không kể khổ, kể công, mà câu chuyện của họ là những hồi ức đẹp, là khoảnh khắc vui nhộn khi ngơi tiếng súng. Đó là chuyện báo động, một tiểu đội nam “tồng ngồng” không một mảnh vải xếp thành hàng ngang vì dám sử dụng thuốc nổ để bắt cá, do Đại tá Trần Văn Phúc kể; chuyện “giọt nước tiên” của bác Nguyễn Doãn Thanh hay câu chuyện “cây ba chạc” của Quân tình nguyện Việt Nam với những cô gái Lào, được Đại tá Nguyễn Đắc Thể tái hiện… Qua những câu chuyện dí dỏm, hài hước ấy càng thấy rõ, dù làm nhiệm vụ ở nơi bom đạn nhiều hơn sỏi đá, sự sống và cái chết kề nhau trong gang tấc nhưng những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vẫn rất lạc quan, yêu đời. Chính những điều tưởng như giản đơn ấy đã thể hiện phẩm chất vô cùng cao đẹp của người lính Trường Sơn, để họ làm nên tuyến Đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn ngỡ như huyền thoại, góp phần đặc biệt quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975 mà các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi trân trọng, tự hào.
Ghi chép của TRỊNH VĂN DŨNG
Nguồn QDND.VN
|