VOV.VN – Gần 20 năm trước ra Trường Sa không đơn giản, nhưng ai đến thì sẽ không thể quên vẻ đẹp của những người lính đảo kiên cường.
LTS: Đi về phía biển, được một lần đến với biển đảo quê hương, cảm nhận vẻ đẹp của Tổ quốc, khâm phục lòng quả cảm của người lính luôn là ước mơ của những phóng viên. Gần 20 năm trước ra Trường Sa không phải là một chuyện đơn giản, nhất là đối với nhà báo nữ. Bằng tình yêu, lòng nhiệt huyết với biển đảo quê hương, vượt qua tất cả, nhất là nỗi sợ say sóng, nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN là một trong những nữ phóng viên đầu tiên đến với Trường Sa.
Nửa tháng trên đảo và mãi sau này, nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc đã chiếm trọn tình cảm của những người lính. Họ bảo nhau rằng: “Kim Cúc mảnh mai trên dáng vẻ mà mạnh mẽ trên lời văn, dịu dàng, ý nhị trong giao tiếp mà sâu sắc trong nội tâm”. Còn với chị, những ký ức với người lính đảo, những bức thư người lính vẫn được chị giữ gìn cẩn thận như một báu vật cho dù có tác giả bức thư nay không còn nữa...
Trong những ngày biển Đông dậy sóng, nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc lại nhớ, lại thương về mảnh đất đầy sóng và gió, nhớ thương những người lính đảo kiên cường. VOV online trân trọng giới thiệu chia sẻ của nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc:
Tháng 3 năm 1995, cùng với nhiều đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, tôi có chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa. 19 năm đã trôi qua, nhưng những cảm xúc, những kỷ niệm, những cuộc gặp gỡ với các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Đá Giữa, Đá Thị và Trường Sa lớn vẫn còn vẹn nguyên trong tôi.
Tôi đã rưng rưng khi nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay trên các đảo của chúng ta. Tôi đã khóc trong một đêm văn nghệ khi nhìn thấy các chiến sĩ tặng nhành phong ba cho văn công vì không có hoa. Nhưng tôi thấy ấm lòng khi đến đảo nào cũng tìm thấy nét đẹp, nét hồn nhiên trong trẻo của những người lính đảo.
Nhà báo Nguyễn thị Kim Cúc bên sĩ quan đảo Trường Sa lớn
Tôi đã gặp những binh nhất mới ra đảo được vài ba tháng, những sĩ quan đã bám trụ đảo vài năm... các anh như cây phong ba vượt qua những thử thách nơi biển cả. Đại uý Nguyễn Minh Dương ở đảo Sơn Ca có 18 năm trong quân ngũ, nhưng hơn nửa thời gian ấy là những tháng ngày anh có mặt trên đảo Phan Vinh, Nam Yết, Đá Giữa và Sơn Ca. Trò chuyện cùng anh, tôi hiểu vì sao anh mạnh mẽ đến thế, vững vàng đến thế khi gắn bó cả những năm tháng trai trẻ của mình trên biển đảo. “Đó là lý tưởng, là trách nhiệm của tuổi trẻ muốn được cống hiến” – Nguyễn Minh Dương đã nói như vậy.
Trong một đêm liên hoan văn nghệ trên đảo Trường Sa lớn, có một vị Đại tá, tóc đã bạc, lên đọc rất truyền cảm những bài thơ ông viết về Trường Sa, về những đồng đội của ông. Chúng tôi bị ông chinh phục với một tâm hồn thơ đầy chất lính. Trong bài “Trường Sa là của chúng ta”, giọng ông đầy cảm xúc:
Trường Sa la của chúng ta
Chân lý muôn đời còn ghi đó
Người sĩ quan ấy là Đại tá-Tiến sĩ Nguyễn Thuận. Phó Giáo sư, Phó Chủ nhiệm Khoa Công trình, Học viện Kỹ thuật Quân sự, người đã gắn bó với đảo Trường Sa gần 6 năm cùng với đồng đội của mình nghiên cứu, khảo sát và thi công cầu cảng Trường Sa-một công trình phục vụ nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng ở Trường Sa. Tôi đã đi trên cầu cảng này, cảm nhận rõ giá trị của công trình mà Đại tá Nguyễn Thuận và những người cộng sự của mình đã xây dựng nên.
Sau hơn nửa tháng công tác ở Trường Sa, về Hà Nội, tôi thực hiện phóng sự “Trường Sa nơi ấy” với những ghi nhận, những cảm xúc của tôi về những người lính đảo. Tôi đã thật vui được biết nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa đã nghe được bài phóng sự này trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi còn nhận được thư của Đại tá Nguyễn Thuận (lá thư này tôi vẫn còn giữ như một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo của mình) với những tình cảm chân thành mà ông đã dành cho tôi: “Trước hết, xin cảm ơn chị vì những tình cảm tốt đẹp của chị đối với những người lính đảo chúng tôi. Tôi rất tiếc vì không được nghe trực tiếp bài phóng sự của chị phát trên Đài phát thanh sáng 15-4-1995. Lúc đó tôi đang bận ở công trường. Sau về chỉ nghe anh em kể lại. Ai cũng bảo rằng, chị Kim Cúc phải có tấm lòng yêu thương lính đảo rất lớn mới có thể viết bài về lính đảo xúc động đến thế, sâu sắc đến như thế và thiết tha đến như thế.” Tôi đã khóc khi đọc lá thư này.
19 năm đã trôi qua... Đối với tôi, chuyến công tác ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã để lại nhiều kỷ niệm trong ký ức về những người lính đảo. Họ giản dị, chân thành và trong trẻo vô cùng. Họ luôn vững vàng trước mọi thử thách để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Những ngày này, khi cả nước đang hướng lòng mình về Trường Sa, Hoàng Sa, khi cả nước đang cùng nhau cất lên tiếng nói chung phản đối những hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôi lại nhớ về Trường Sa, nhớ một chuyến đi với bao kỷ niệm, bao cảm xúc về những người lính đảo đang canh giữ một vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trường Sa không xa. Một nhạc sĩ đã viết như vậy trong một bài hát mà những người lính đảo – và cả chúng ta nữa đều muốn ngân lên trong trái tim của mình. Với tôi - Trường Sa là tên gọi yêu thương, mãi mãi trường tồn trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thị Kim Cúc/VOV
|