60 năm đã trôi qua, nhưng những ca khúc, những bản hùng ca ra đời trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn có sức lôi cuốn đặc biệt, hừng hực khí thế... và như lửa cháy, hun đúc lòng yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay.
"Giải phóng Điện Biên/Bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa hoa nở/Miền Tây Bắc tưng bừng vui..." Là người Việt Nam, hẳn ai cũng biết đến những nốt nhạc chiến thắng đầy hào sảng của cố nhạc sĩ tài hoa mà tên tuổi gắn liền với những ca khúc viết về những ngày tháng sục sôi của chiến dịch Điện Biên Phủ: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. 56 ngày đêm lịch sử, trong khí thế của những giờ phút "kéo pháo vào, kéo pháo ra"; trước những tấm gương hy sinh thân mình của Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót và biết bao chiến sĩ quả cảm không tiếc xương máu thân mình, ông đã xuất thần sáng tác tới ba nhạc phẩm: “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” và “Giải phóng Điện Biên”.
Vượt lên trên dòng chảy của thời gian, “Giải phóng Điện Biên” vẫn có sức sống mãnh liệt. Dù hơn nửa thế kỷ qua, chỉ cần nghe những ca từ đầu tiên “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về...”, chúng ta cũng đủ liên tưởng từng đoàn quân trùng trùng điệp điệp với khí thế sục sôi cách mạng. Âm hưởng hào sảng của câu hát vẫn còn vang vọng, để mỗi người dân hôm nay dù có từng trải qua trận đánh lịch sử hay không đều cảm thấy hân hoan một niềm vui vô tận. Đó là niềm vui, tiếng cười của một dân tộc vĩ đại đã giành chiến thắng vinh quang, chấm dứt 9 năm trường kỳ kháng chiến, đưa con người và dải đất Điện Biên, đưa Tổ quốc ta bước sang ngày mới... Có phải chính vì thế, "Giải phóng Điện Biên" - 60 năm qua đã trở thành tượng đài âm thanh, một bản hùng ca bất diệt về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về chiến thắng vĩ đại của Việt Nam ta.
|
Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
|
Cùng chung những âm hưởng hào sảng đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác hai ca khúc “Hành quân xa” và “Trên đồi Him Lam”. Trong đó, “Hành quân xa” là những lời động viên nhẹ nhàng, ngắn gọn, dễ hiểu, chân tình đối với cán bộ, chiến sĩ, thôi thúc họ vượt qua những cuộc hành quân khó khăn, gian khổ bằng ca từ thật giản dị: "Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ. Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi… Chí căm thù bởi bọn thực dân nó áp bức. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…".
Khác với “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” lại là những dự cảm về một thắng lợi của quân đội ta đang đến gần. Trong chiến dịch Điện Biên, trận Him Lam là trận thắng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bài hát đã được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ngay tại trận địa, giữa bộn bề ngổn ngang và mùi khói khét lẹt của đạn bom, với dự cảm về một chiến thắng...
"Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo... Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi"... Một hình ảnh không thể nào quên trong những ngày chiến dịch, là hình ảnh "Kéo pháo vào - kéo pháo ra". Khi tận mắt chứng kiến những người lính pháo binh kéo pháo lên những dốc núi cao, xuyên vào màn đêm, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, trong tiếng bom và đạn pháo của địch, nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết “Hò kéo pháo”. Tất cả những hình ảnh, những âm thanh trong ca khúc đã tạo nên một bức tranh hùng vĩ, một không khí náo nhiệt, hừng hực khí thế quyết tâm, vang động núi rừng Tây Bắc.
Cũng giống như nhiều ca khúc về Điện Biên Phủ, “Hò kéo pháo” được nhạc sĩ viết ngay tại mặt trận. Đặc biệt đây là một trong những bài hát đầu tiên của ông, Hoàng Vân khi ấy chưa phải là một nhạc sỹ chuyên nghiệp. 60 năm đã trôi qua, nhưng “Hò kéo pháo” với ca từ đĩnh đạc, khỏe khoắn, rắn rỏi, kiên định: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù” sẽ sống mãi cùng với kỳ tích kéo pháo của người chiến sỹ Việt Nam “chân đồng, vai sắt”, như một huyền thoại của cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc. Bài hát đã góp phần khích lệ tinh thần của chiến sĩ, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần cổ vũ quân, dân ta chiến đấu, giành chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Chấn động địa cầu, chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ mãi mãi đi cùng lịch sử dân tộc. Trong dấu ấn trường tồn ấy, không thể thiếu và vẫn vang vọng những lời ca hào sảng, tha thiết, khí thế hừng hực của bộ đội, của dân công, của cả một thế hệ ra trận không tiếc máu xương, để làm nên hình hài một dân tộc, một đất nước hôm nay.
Theo Hồng Ngọc (ĐCSVN)
|