VOV.VN - 60 năm đã qua, nhưng mạch nguồn hào hùng, quyết liệt của ca khúc “Hò kéo pháo” vẫn còn ngân vang mãi.
Có những bài hát được viết ra trong lúc phấn khởi, hào hứng hoặc dạt dào xúc cảm, cũng có bài hát được viết ra như một sự động viên chính mình, nhưng lại có bài hát được viết ra như tiên liệu cho một chiến thắng chói lọi trong lịch sử của dân tộc. Đó là trường hợp bài hát “Hò kéo pháo” - sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Hoàng Vân được ông viết ngay trên đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ tháng 4 về, căn nhà nhỏ của gia đình ông Vũ Văn Hòa, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nguyên chiến sĩ pháo binh trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lại rộn rã tiếng cười nói của ông cùng đồng đội. Và có lẽ cũng đã trở thành truyền thống, trong những buổi gặp mặt đó, bài hát “Hò kéo pháo” lại ngân vang cùng các ông ôn lại kỷ niệm một thời “cùng hò dô ta” kéo pháo ra cách đây 60 năm.
Hình ảnh những người lính pháo binh cùng "hò dô" kéo pháo (ảnh: TTXVN)
|
Ông Vũ Văn Hòa bồi hồi nhớ lại: “Bài hát khích lệ tinh thần của chiến sĩ, mỗi lần chiến sĩ kéo nặng nhọc (ngày xưa chỉ làm bằng chân tay , thủ công thôi, không có máy móc gì cả) thì lại có người cất lên “Hò dô ta nào”, giúp cho ta vượt qua khó khăn. Ta toàn kéo bằng dây rừng và dây thừng tự bện thôi. Tinh thần giữ nước, cứu nước, giải phóng dân tộc cao cả lắm”.
Để chuẩn bị cho ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân ta ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở hàng nghìn kilômét đường giao thông cho công tác chuyển quân, kéo pháo, chuẩn bị trận địa. Nhạc sĩ Hoàng Vân lúc đó thuộc Sư đoàn 312, được phân công dẫn đường cho các nghệ sĩ của Tổng cục Chính trị đến thăm các tiểu đội trong sư đoàn.
Qua những chuyến đi, ông tận mắt chứng kiến hình ảnh những người lính pháo binh kéo pháo lên những dốc núi cao, xuyên vào màn đêm, giữa ranh giới của sự sống và cái chết trong tiếng bom và đạn pháo của địch. Có những lần, sợi dây dùng kéo khẩu pháo có trọng lượng hàng tấn bị một mảnh đạn pháo bất ngờ rơi vào. Sợi dây đứt, khẩu pháo lao nhanh xuống khe núi, các chiến sĩ lại nhào xuống cản lại. Hành động anh dũng đó ăn sâu vào tâm trí nhạc sĩ và trở thành nốt nhạc, lời ca. Các giai điệu trong tâm trí ông cứ thế được tuôn trào.
Nhạc sĩ Hoàng Vân cho biết: “Lúc đó tôi mới chỉ 23 tuổi, nhưng tôi được biết khi người ta kéo gì nặng họ sẽ “hò, hò dô ta, dô ta hò”. Đấy là công việc mà người ta muốn tập trung lực kéo, tập trung vào một hiệu lệnh. Lúc đó những ý nhạc cứ từ trong đầu mình đi ra, có lẽ đây là tia chớp của sự sáng tạo. Nó đã tích lũy trong đầu mình rồi chỉ trào ra thôi. Đó cũng là sự khâm phục của mình với các chiến sĩ bộ đội ta nên xúc cảm lúc đó rất khác, đa dạng, phong phú”.
Ngay sau khi: “Hò kéo pháo” ra đời, nhạc sĩ Hoàng Vân cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã cất vang điệu hò ở trận mở màn Him Lam ngày 13/3/1954. Trong 56 ngày đêm “mưa dầm, cơm vắt”, giữa lúc khói lửa bom đạn, nhạc sĩ vẫn đem “Hò kéo pháo” đi khắp trận địa, trên xe tải, dưới hầm trú bom… Những câu hát “Hò dô ta nào… kéo pháo ta vượt qua đèo…/ Hò dô ta nào… kéo pháo ta vượt qua núi…/ Tới đích rồi đồng chí pháo binh ơi/ Mai đây nghe pháo gầm vang dậy/ Cùng bộ binh đánh tan đồn thù…” đã khích lệ tinh thần quân, dân ta vượt lên khó khăn, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Cựu chiến binh, họa sĩ Lê Lam, người bạn thân thiết của nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ: “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo” – trên đường hành quân, trên trận địa, chỗ anh em mình chiến đấu, hi sinh thì bài hát ra đời. Tôi cho là quá hay. Bài hát này cũng nhạc sĩ Hoàng Vân, đoàn văn công tổng cục chính trị lại được trình bày tại trận địa cho anh em bộ đội thì tuyệt vời. Hay lắm”.
“Hò kéo pháo” với ca từ đĩnh đạc, khỏe khoắn, rắn rỏi, kiên định: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”. Có đoạn lại giản dị, tha thiết: “Gà rừng gáy trên nương rồi dấn bước ta đi lên nào/ Kéo pháo ta sang qua đèo trước khi trời hừng sáng”... Nhạc sĩ Hoàng Vân đã sử dụng nhịp 2/4 như để đồng điệu với nhịp người lính khi kéo những khẩu pháo qua dốc, qua sườn núi cao.
Nhà văn Chu Phác, người có mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: “Tiếng gà rừng” là thực tế, vì người lính đi trong rừng thấy tiếng gà là thấy sự sống, thấy làn khói bay ra từ cánh rừng xanh là thấy có sự sống. Bài hát của Hoàng Vân rất có thực tế, rất hay. Cái câu anh ấy viết về ‘chí căm thù’ cao hơn núi phải nói là rất hay. Vì mỗi một người chiến sĩ lúc bấy giờ, người ta lấy lòng yêu Tổ quốc là trên hết. Chỉ cần nghĩ đến giặc Pháp tàn sát, xâm lược thì ai cũng muốn đi đánh Pháp để đuổi chúng ra khỏi đất nước, nên chí căm thù kinh lắm”.
Bài hát đã được hai ca sỹ Kim Ngọc và Thanh Phúc thể hiện tại Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay sau khi nghe ca khúc, Đại tướng ra chỉ thị phổ biến bài hát trong toàn quân, bởi theo Đại tướng có bài hát này động viên anh em chiến sĩ ta sẽ đỡ mệt.
Nhạc sĩ Hoàng Vân xúc động nhớ lại: “Bài hát đó ai cũng đã biết vì Đại tướng đã hạ lệnh toàn quân phải hát bài đó. Ông chỉ nghe hát một lần và ra chỉ thị bài hát này phải phổ biến ngay lúc kéo pháo ra, kéo pháo vào. Phải có người động viên thì bộ đội ta đỡ mệt. Phải hát thật hăng vào. Ông đã nói thế”.
60 năm đã qua, nhưng mạch nguồn hào hùng, quyết liệt của “Hò kéo pháo” vẫn còn ngân vang mãi. Bài hát đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần cổ vũ quân, dân ta chiến đấu, giành chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ./.
Ngọc Ngà/VOV- Trung tâm Tin
|