Những ngày này cả nước hướng về Tây Bắc, nơi những con đường dẫn lên Điện Biên đang nở trắng hoa ban. Đã có thời, ở Hồng Ngài (Sơn La) có đôi vợ chồng nổi tiếng với chuyện yêu, chuyện đấu tranh kiên cường của họ…
Năm 1952, nhà văn Tô Hoài có chuyến đi thực tế kéo dài 8 tháng ở Tây Bắc. Suốt 8 tháng, nhà văn đã cùng sống, cùng ăn, cùng ở với người Thái, H’Mông, Mường… để thấu hiểu họ, thấu hiểu cuộc sống nô lệ lam lũ, thấu hiểu những tình cảm bị dồn nén, ẩn ức sâu bên trong , và ông đã viết nên tập truyện ngắn Tây Bắc, trong đó có truyện ngắn xuất sắc- “Vợ chồng A Phủ”.
“Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện sóng gió về cuộc đời của Mị và A Phủ. Những ngày sống trong nhà thống lí Pá Tra ở Hồng Ngài cùng cực, đói khổ, bị bóc lột đến tận cùng đã trở thành sức mạnh để Mị, A Phủ cùng nhau vùng dậy, trốn thoát, và tìm đến với cách mạng. Họ trở thành những chiến sĩ du kích cầm súng bảo vệ quê hương.
|
|
|
Từ cuộc sống nô lệ tăm tối , Mỵ và A Phủ đã tìm cách vùng lên, giải thoát cho mình và tìm đến ánh sáng cách mạng
|
“Vợ chồng A Phủ” với chất văn giàu hình ảnh, giàu cảm xúc đã đoạt giải nhất Hội văn nghệ Việt Nam (1954-1955). Đây cũng là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp viết văn của Tô Hoài.
Năm 1961, “Vợ chồng A Phủ” được chuyển thể kịch bản lên màn ảnh. Đạo diễn Mai Lộc đã bám sát cốt truyện văn học để kể lại cuộc đời đau khổ, cùng quẫn của Mị và A Phủ bằng hình ảnh. Để đến bây giờ, “Vợ chồng A Phủ” vẫn là một trong những thước phim ấn tượng nhất về một thời, ở nơi tận cùng núi ấy, đã có đôi vợ chồng Mông sống và yêu nhau như thế.
“Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm đặc biệt khi thành công cả ở tác phẩm văn học, tác phẩm điện ảnh. Ca khúc trong phim, “Bài ca trên núi” vẫn được các thế hệ khán giả yêu thích cho đến tận bây giờ.
Hai diễn viên chính của phim, NSND Trần Phương (A Phủ), NSƯT Đức Hoàn (Mỵ) sau này đều trở thành những đạo diễn có tiếng của điện ảnh Việt. NSƯT Đức Hoàn qua đời năm 2003 tại Hà Nội, hưởng thọ 66 tuổi.
H.H
Nguồn: dantri.com.vn
|