Mặc dù đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng với ông Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ 505 ngày nào thì trận hải chiến Gạc Ma mới như vừa hôm qua.
Gặp ông trong một ngày giữa tháng 3/2014 tại Đà Nẵng, khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Báo Lao Động đang chuẩn bị tổ chức buổi tri ân “Nghĩa tình với những chiến sĩ Trường Sa, Hoàng Sa” sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.
Ông khác xa với những gì tôi nghĩ về vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã trải qua ranh giới sinh tử ấy. Giọng nói hiền từ, rắn rỏi đã nghẹn đi, đôi mắt ngấn lệ khi nhắc đến trận hải chiến Gạc Ma ngày ấy. Và với ông, vị thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ, ký ức của trận hải chiến Gạc Ma bi hùng như mới ngày hôm qua…
Ký ức máu
Đầu năm 1988, Thiếu tá Vũ Huy Lễ và đồng đội nhận lệnh điều tàu HQ 505 vận chuyển hàng từ Hải Phòng đến Cam Ranh (Khánh Hòa) thì cũng là lúc Trung Quốc đưa quân ra chiếm đảo Chữ Thập (Trường Sa, Khánh Hòa). Trước hành động ngông cuồng của phía Trung Quốc, quân chủng lệnh cho HQ 505 kéo tàu HQ 556 ra đảo Đá Lớn và trực chốt giữ đảo.
Đối với thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ thì trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 chỉ như mới ngày hôm qua
“Sau khi trực chốt đảo được 1 tháng thì trưa 13/3/1988, chúng tôi nhận lệnh ra đảo Cô Lin chốt trực. Do đây là bãi đá ngầm nên phía Trung Quốc luôn tìm cách xâm chiếm. Trên suốt đường đi, tàu Trung Quốc luôn tìm cách ngăn chặn, bám đuổi và gây hấn. Nhưng với sự quyết tâm của cán bộ chiến sĩ trên tàu, đến 16h30 chiều cùng ngày, HQ 505 đã neo đậu tại đảo Cô Lin.
Thấy không thể cản trở được chúng tôi, 2 tàu chiến của Trung Quốc cho tàu đi về hướng đảo Gạc Ma, nơi tàu HQ 604 đang neo đậu”, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ kể lại.
Linh tính chuyện không lành, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã xin chỉ đạo và tiến hành chờ nước xuống tổ chức cắm cờ chủ quyền trên đảo Cô Lin ngay trong đêm 13/3. Đến rạng sáng 14/3 thì công việc cắm cờ trên đảo Cô Lin hoàn tất.
“Tôi còn nhớ lúc ấy là 5h30, khi anh em hoàn thành việc cắm cờ trở về tàu chuẩn bị ăn sáng thì phát hiện đảo Gạc Ma xảy ra chuyện, tàu xuồng lố nhố. Hướng về phía Nam, nơi tàu HQ 604 neo đậu được một lúc thì phát hiện tàu Trung Quốc nã đạn xối xả về phía tàu HQ 604.
Những họng pháo đỏ lòm cùng liên tiếp những đợt pháo từ tàu Trung Quốc bắn dồn dập về HQ 604. Chỉ trong chưa đầy 15 phút, HQ 604 bị bắn chìm mất dạng. Tiếp đó, 2 tàu Trung Quốc hướng pháo sang HQ 505 nã đạn dồn dập như muốn nhấn chìm HQ 505.
Mạn phải HQ 505 bị bốc cháy, buồng máy, khu thông tin, đài chỉ huy, kho tàu bốc cháy.Toàn bộ tàu bị mất điện và nghiêng hẳn qua một bên.Gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh, máy bị hỏng nên cứ vậy HQ 505 trôi dần ra xa khỏi đảo Cô Lin.
“Pháo 85-100mm trên tàu Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn khiến HQ 505 bốc cháy ngùn ngụt, thân tàu vỡ toác, nước tràn vào các khoang, liên lạc bị cắt đứt khiến HQ 505 đứng trước nguy cơ chìm bất cứ lúc nào.
“Để tàu chìm thì không những toàn bộ chiến sĩ trên tàu hy sinh mà cả Cô Lin cũng bị mất nên không còn cách nào khác là đưa tàu lên bãi cạn.Để như vậy thì sự hy sinh của đồng đội sẽ trở nên vô nghĩa.Và một ý tưởng đã lóe lên trong tôi”, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhớ lại.
Ngay lập tức, một cuộc hội ý nhanh với Ban chỉ huy tàu diễn ra và bằng mọi giá phải khởi động lại máy nhằm đưa tàu lên bám giữ đảo.Dù bị thương nhưng máy trưởng Đại úy Nguyễn Đại Thắng vẫn xông xáo chỉ đạo anh em sửa máy bằng được.
“Sau thời gian nỗ lực, vượt qua khó khăn do tàu mất điện, lái hỏng, chúng tôi cho tàu chuyển sang chế độ lái cơ, dùng một máy tiến, một máy lùi để tàu quay mũi hướng về phía đảo Cô Lin. Sau khi mũi tàu được hướng về bãi cạn thì ngay tức khắc, HQ 505 gồng mình, dồn hết sức lực còn lại phóng thẳng tàu lên bãi cạn. San hô bị gãy, cọ vào thân tàu kêu rào rào, 2/3 thân tàu nằm trên bãi cạn Cô Lin.
Lúc này nhìn về phía đảo Gạc Ma, một khung cảnh hoang tàn chưa từng thấy, máu nhuốm đỏ cả mặt biển.Nhưng vẫn chưa dừng lại, tàu Trung Quốc tiếp tục nã đạn dồn dập về phía HQ 505 khiến con tàu gần như tan nát.
Phán đoán chiến sĩ trên tàu HQ 604 còn sống nên chúng tôi đã cho xuồng máy sang cứu đồng đội thì vớt được 44 chiến sĩ cả thương binh, tử sỹ,… đưa về HQ 505 cứu chữa. Tàu Trung Quốc như điên cuồng, nã đạn không ngừng nghỉ về phía HQ 505, nên để bảo toàn lực lượng, tôi quyết định cho anh em di chuyển lên đảo Sinh Tồn, còn lại 9 đồng chí trực chốt giữ đảo”, Thuyền trưởng Lễ kể.
Nhớ lại thời khắc định mệnh ấy, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lắng lòng: “Chỉ trong vòng 15 phút, HQ 604 bị đánh chìm và chưa đầy 45 phút những trận mưa pháo đã biến bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao nhuốm đỏ máu. Cuộc đời tôi, cái quyết định trong thời khắc định mệnh ấy không bao giờ phai mờ. HQ 505 đã hiên ngang trên đảo Cô Lin, như một tượng đài của tổ quốc với lá quốc kỳ tung bay trên đảo.
Những ngày sau đó là những ngày căng thẳng, tàu Trung Quốc ngày nào cũng đến đe dọa, gây hấn.Có ngày chúng uy hiếp đến 3-4 lần, dùng loa công suất lớn đọc tên tôi ra hàng.Nhưng chính điều đó càng làm anh em chúng tôi quyết tâm bảo vệ đảo. Sau hơn 2 tháng bám trụ, khi các hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc đã tạm lắng, chủ quyền trên đảo Cô Lin được giữ vững chúng tôi mới trở về”.
Sẽ không chỉ là một tượng đài Gạc Ma
“Điều làm tôi đau đáu nhất đó là sự hy sinh của các chiến sĩ trong trận chiến không cân sức này. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống, mất tích không biết ở nơi đâu để thông báo về gia đình.Sau cái ngày định mệnh ấy, anh em chúng tôi cứ đau đáu nhìn ra biển, như cố tìm lại những gì còn sót lại của đồng đội tôi.
Nhưng có lẽ cái nghiệp lính biển là vậy.Hy sinh có nghĩa là hòa mình về với biển đảo quê hương. Còn những người còn sống như chúng tôi, mỗi người một hoàn cảnh, vẫn còn nhiều người phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh cùng với ký ức Gạc Ma năm ấy.
Tôi muốn các thế hệ con cháu hiểu rằng, Gạc Ma là của Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam từ bao đời nay vẫn vậy. Cho dù Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng, nhưng thế hệ đời sau phải ghi nhớ và phải đòi lại cho bằng được những gì thuộc về bờ cõi Việt Nam”, giọng vị thuyền trưởng già nghẹn lại.
“Tôi cảm ơn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" với hành động nhân nghĩa ấy. Đó không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn là một hành động thiết thực nhằm giảm bớt nỗi đau, sự mất mát của những gia đình thân nhân liệt sỹ.Hướng đến những người đang sống để ghi công những người đã nằm xuống trong trận chiến bảo vệ biển đảo quê hương và nhân lên tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam”, Đại tá Vũ Huy Lễ nói.
Trận hải chiến không cân sức ở Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao khiến 2 tàu vận tải, 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, 9 người bị bắt làm tù binh. Đảo Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc.
Để ghi nhận sự anh dũng của các chiến sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma, đầu năm 1989, tàu HQ 505 và thuyền trưởng Đại tá Vũ Huy Lễ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều chiến sĩ khác đã được thưởng huân chương chiến công.Tuy nhiên vẫn còn nhiều gia đình, thân nhân của các chiến sĩ đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống mưu sinh.
Đảo Cô Lin ngày nay (ảnh Internet)
Chính vì vậy, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao Động đã tổ chức sự kiện phát động chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" với mục đích vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ nguồn lực xây đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận Gạc Ma (14/3/1988) dự kiến diễn ra vào ngày 13/3/2014 tại Đà Nẵng.
Và tiến hành xây dựng đền tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận Gạc Ma tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) như lời tri ân đối với sự hy sinh anh dũng của các anh.
Bửu Lân / vtc.vn
|