QĐND - Cuối tháng 2-2014, nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp đã có chuyến trở về thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ở tuổi 91 và từng nhiều lần đến vùng đất lịch sử, nhưng chuyến đi năm nay mang lại trong ông nhiều cảm xúc, bởi cách đây 60 năm, khi đang là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông đã có mặt ở sân Đền Giếng để chứng kiến sự kiện lịch sử: Ngày 19-9-1954, Bác Hồ tới gặp gỡ và căn dặn Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi đơn vị trở về tiếp quản Thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp kể rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong - chính là đơn vị ông từng có nhiều năm gắn bó, bởi từ lúc ở chiến trường cho tới khi về hậu phương, ông thường xuyên có mặt ở đơn vị “anh cả” ấy. “Ngày đó, anh em đơn vị thường gán ghép, gọi vui chúng tôi là những anh “Phóng-Phái”, nghĩa là chúng tôi vừa làm công việc của một phóng viên, vừa được giao thêm nhiệm vụ là Phái viên. Vì thế, suốt thời kỳ chống Pháp, tôi đã có mặt ở tất cả các trung đoàn của Đại đoàn 308 để làm nhiệm vụ nắm tình hình, báo cáo về Tổng cục Chính trị”, nhà báo Khắc Tiếp nhớ lại.
|
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại sân Đền Giếng ngày 19-9-1954. Ảnh tư liệu
|
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nguyễn Khắc Tiếp được cử theo Đại đoàn Quân Tiên Phong trở về tiếp quản Thủ đô. Những ngày đầu tháng 9-1954, khi đang thâm nhập đơn vị và có nhiều bài viết cổ vũ, động viên bộ đội chuẩn bị “ngày về” như lời hẹn thề 9 năm trước, nhà báo Khắc Tiếp bỗng nhận được lệnh: Lên Đền Hùng làm nhiệm vụ đặc biệt. Với chức trách của một phóng viên, ông không thể biết trước “nhiệm vụ đặc biệt” của mình, cũng chưa hình dung được đường đi lối lại từ Thái Nguyên tới vùng đất Tổ. Thế là với chiếc xe đạp cà tàng, vừa “chân đi, miệng hỏi”, cuối cùng ông cũng tới được thôn Cổ Tích, xã Hy Cương (huyện Phong Châu, Phú Thọ)…
Nhà báo Khắc Tiếp vẫn nhớ khung cảnh suốt ngày và đêm 18-9-1954, mảnh đất Phong Châu vốn tĩnh mịch chợt xáo động hẳn lên vì có hàng trăm bộ đội kéo về. Ông nhận ra phần lớn trong số họ “quan” đông hơn “lính”, bởi qua tiếp xúc, lớp cán bộ ấy toát lên vẻ tinh anh, lanh lợi cùng cách nói năng hoạt bát. Bà con địa phương tò mò dò hỏi, nhưng rồi chỉ nhận được câu trả lời: “Bộ đội đến đây để diễn tập!”. Cán bộ xã, dân quân địa phương được huy động tới bảo vệ khu vực cũng chỉ biết vậy. Hôm sau, Nguyễn Khắc Tiếp được các chiến sĩ bảo vệ đi cùng Hồ Chủ tịch kể lại, tối 18-9, Bác Hồ đã có mặt ở Đền Hùng. Mũ cát, quần áo nâu giản dị, dép cao su, khăn to quàng cổ để che râu, nhìn Bác giống như một cụ già ở nơi khác tới hành hương. Tới Đền Hùng, Bác nhẹ nhàng nói với một cán bộ cơ sở: “Tôi là khách từ phương xa tới, muốn nhờ địa phương tìm giúp một cụ già có hiểu biết về Đền Hùng để ngày mai dẫn tôi đi thăm”. Đêm 18-9, Bác Hồ đã nằm ngủ trên một giường xếp dã chiến ngay tại Đền Giếng, sáng hôm sau, theo chỉ dẫn của cụ ông người địa phương, Người đã đi thăm một vòng quanh Đền Hùng. Tới đền nào, Bác cũng chăm chú đọc các biển hoành, câu đối, những lời răn dạy, nhắc nhở con dân nước Việt ghi xương khắc cốt truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”…
|
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (hàng sau, thứ ba từ bên trái) trong lễ “Chúc thọ Lục tuần đại khánh Hồ Chủ tịch” tại Việt Bắc ngày 19-5-1950. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 19-9-1954, tại sân Đền Giếng, nhà báo Khắc Tiếp đã vinh dự chứng kiến sự kiện lịch sử: Bác Hồ gặp gỡ, căn dặn các cán bộ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về Hà Nội làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Hàng trăm cán bộ có mặt hôm đó hầu hết là những cán bộ từ cấp đại đội, những người lính dạn dày chinh chiến, từng trực tiếp chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới tiết trời đầu thu, nhìn Bác thật hồng hào, khỏe mạnh. Sau khi thăm hỏi sức khỏe anh em, Bác nói về công ơn các vua Hùng, về tính chất quan trọng của Thủ đô, về âm mưu phá hoại của địch… rồi Người căn dặn bộ đội phải hết sức cảnh giác, đề phòng “viên đạn bọc đường”, phải kính trọng nhân dân vùng giải phóng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, kỷ luật của quân đội cách mạng. Sau khi nhấn mạnh vinh dự mà Trung ương Đảng, Chính phủ tín nhiệm giao cho Đại đoàn 308, Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nhà báo Khắc Tiếp nhớ lại: “Sáng hôm đó, Bác nói chuyện với cán bộ Đại đoàn 308 chừng hơn nửa giờ, nhưng tư tưởng lớn, tình cảm sâu sắc của Bác thấm sâu vào tim óc mỗi người, đó là: Đừng quên cội nguồn dân tộc, hãy xứng đáng với công ơn tổ tiên! Các cán bộ Đại đoàn Quân Tiên Phong đã đứng dậy hứa với Bác, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và chúc Bác khỏe mạnh, sống lâu. Bác cười: “Muốn Bác vui vẻ sống lâu, hãy làm đúng lời Bác dặn”. Tất cả cùng đồng loạt vỗ tay chào tiễn Bác. Sau đó, Bác lại nhanh nhẹn theo con đường tắt từ Đền Giếng xuống ngã ba đường cái, lên ô tô đã chờ sẵn. Đến lúc này, việc Bác tới Đền Hùng không còn là “bí mật” nữa. Bộ đội ùa xuống đường, bà con làm đồng chạy lên, các cháu nhỏ thì reo vang: Bác Hồ! Đúng Bác Hồ rồi!”.
Mang vinh dự của một người làm nhiệm vụ “chép sử”, nhà báo Khắc Tiếp vội vã đạp xe trở về tòa soạn ở Thái Nguyên để hoàn thành bài tường thuật “Chúng cháu nguyện cố gắng xứng đáng là cháu Bác”.
|
Nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp. Ảnh: Trung Nguyên.
|
“…Trong khung cảnh trang nghiêm xinh đẹp của vùng Cổ Tích lịch sử, lời nói của Bác vang lên, mỗi chúng tôi thấy thấm thía thêm nhiệm vụ vinh quang sắp tới của mình. Bác nhắc nhở chúng tôi sự quan trọng của Thủ đô về mọi mặt và kết luận: “Hà Nội không phải chỉ là một đô thị, một vùng bé nhỏ. Hà Nội là trung tâm chỉ đạo khắp nơi. Tiếp thu Hà Nội tốt hay xấu ảnh hưởng đến việc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Các cháu chỉ có nhiệm vụ và chỉ có quyền làm cho việc tiếp thu tốt, không được làm cho việc tiếp thu xấu”… Lời nói của Bác lúc này rất hiền từ, nhưng chúng tôi coi đó như một mệnh lệnh tác chiến...” (Khắc Tiếp, bài “Chúng cháu nguyện cố gắng xứng đáng là cháu Bác”, Báo QĐND ngày 7-10-1954).
Khi báo chưa kịp ra, Nguyễn Khắc Tiếp lại tiếp tục lên đường, theo bước chân Đại đoàn Quân Tiên Phong đang chia làm 3 cánh để chuẩn bị nhập Thành…
Nhà báo Khắc Tiếp kể rằng, gần hai chục năm trước, khi chính quyền địa phương và các ban, ngành thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng mời ông tới tọa đàm nhằm làm rõ sự kiện lịch sử trên sân Đền Giếng, ông đã có dịp gặp lại cụ già từng dẫn Bác Hồ đi thăm Đền Hùng trong buổi sáng 19-9-1954, tiếc rằng, thời gian trôi qua đã lâu nên giờ đây ông đã không còn nhớ tên cụ.
BÙI VŨ MINH
QDND.VN
|