QĐND - Thực hiện chủ trương của Đảng, Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên khắp chiến trường: Tây Bắc, Tây Nguyên-Duyên hải Trung Bộ, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào... Các chiến dịch, đợt tiến công đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; giải phóng nhiều vùng đất đai, phân tán khối cơ động của địch ra khắp chiến trường Đông Dương, bước đầu kế hoạch Na-va bị phá sản. Nhận thấy ý định chiến lược của ta, địch quyết định tăng cường lực lượng, phương tiện xây dựng Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh gọi là Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO), nhằm ngăn chặn lực lượng của ta từ Đồng bằng Bắc Bộ lên, khống chế từ Thượng Lào xuống, chúng hy vọng Điện Biên Phủ vừa là một cái chốt, vừa là một cái bẫy sẵn sàng nghiền nát các đại đoàn thép của ta.
Sau khi phân tích tình hình trên các chiến trường, ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch. Ban đầu, phương châm tác chiến chiến dịch được xác định là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Song, sau khi phân tích, đánh giá tình hình địch, ta, địa hình và diễn biến thực tế, Bộ tư lệnh chiến dịch đã chuyển đổi sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
|
Bộ đội ta kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Việc xác định, thay đổi phương châm, cách đánh chiến dịch là do quân Pháp đã tập trung xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trở thành một “pháo đài mạnh nhất ở Đông Dương”, với lực lượng hàng chục tiểu đoàn và đại đội bộ binh, cùng hỏa lực mạnh gồm pháo binh, xe tăng, máy bay... Tập đoàn cứ điểm được tổ chức thành 3 phân khu, 49 cứ điểm, 8 cụm cứ điểm, mỗi cứ điểm và cụm cứ điểm đều có khả năng độc lập tác chiến; hệ thống công sự, vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, tận dụng được lợi thế của địa hình. Bộ chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một "pháo đài không thể công phá" và tin chắc" sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng" ở đây.
Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nằm ở phía Tây Bắc nước ta, giáp biên giới Việt-Lào. Điện Biên Phủ được bao bọc xung quanh là một vùng rừng núi trùng điệp, độ cao trung bình 500m, có các mỏm cao tới 1.461m, độ dốc lớn, án ngữ các con đường vào khu trung tâm, khó khăn cho ta đưa pháo vào gần, khó giữ được bí mật khi tác chiến ban ngày, bộ đội dễ bị hỏa lực địch sát thương, các sông suối chia cắt. Địa hình như vậy có lợi cho phòng ngự, bất lợi cho tiến công, do đó, không cho phép ta triển khai “đánh nhanh, thắng nhanh”.
Trong quá trình chuẩn bị theo phương án tác chiến ban đầu, địch đã biết ta tiến công Điện Biên Phủ, nên có kế hoạch đối phó, chờ để giao chiến. Do đó, yếu tố bất ngờ về quân sự không còn nữa. Theo Đờ-cát-xtơ-ri, chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ: Với địa hình, binh hỏa lực của Pháp, điều kiện của ta lúc đó thì tất cả các phương thức tác chiến đang được dạy trong các trường quân sự ở Bắc Âu và trên thế giới đem vận dụng cũng không thể đánh được Điện Biên Phủ. Mặt khác, công tác chuẩn bị cho chiến dịch của ta chưa hoàn chỉnh, pháo binh chưa vào chiếm lĩnh xong, hướng Đại đoàn 312 hậu cần chưa bảo đảm đủ, xét trên toàn chiến trường 1/3 lực lượng của ta chưa triển khai xong, nên không thể theo như phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” lúc đầu. Đánh chắc, tiến chắc cho phép ta chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trong điều kiện hỏa lực của ta còn thiếu, nhất là đạn pháo (trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta chỉ có mấy nghìn đạn pháo do Trung Quốc giúp đi theo pháo và một số thu được của địch trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950). Chuyển phương châm để ta chủ động về thời gian, không gian, lựa chọn mục tiêu tiến công, mục tiêu nào thấy chắc thắng thì đánh, chưa chắc thắng thì chưa đánh. Để chắc thắng, ta tập trung ưu thế binh hỏa lực vào từng trận đánh, lần lượt tiến công dứt điểm từng mục tiêu; phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo tác chiến và vận dụng linh hoạt các hình thức, thủ đoạn chiến thuật trong quá trình tiến công.
Cách đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kết hợp tiến công cứ điểm, vây lấn, phòng ngự, đánh địch phản kích, xây dựng trận địa bao vây tiến công, đào hào (lấn dũi), triệt đường tiếp tế của địch, bảo vệ đường tiếp tế của ta. Trong thực hành chiến dịch, ta hạn chế đến mức thấp nhất chỗ mạnh về hỏa lực pháo binh và không quân, khoét sâu chỗ yếu của địch khi bị bao vây cô lập, tiếp tế tăng viện khó khăn. Thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc” nhằm giảm thiểu thương vong của bộ đội ta do hỏa lực địch gây ra; phù hợp với trình độ của bộ đội ta lúc bấy giờ mới chỉ có kinh nghiệm tiến công cứ điểm cỡ tiểu đoàn địch đóng giữ, chưa có nhiều kinh nghiệm tiến công cụm cứ điểm, tập đoàn cứ điểm.
Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là hoàn toàn đúng đắn, khoa học. Thực tế qua 3 đợt tác chiến (từ ngày 13-3-1954 đến 7-5-1954), Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, làm chấn động địa cầu, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương. Nghệ thuật chuyển hóa phương châm tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nghiên cứu, phát triển phù hợp với điều kiện mới, vận dụng sáng tạo vào huấn luyện, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ
QDND.VN
|