Những chàng trai với cánh tay rám nắng, những cô gái với đôi má ửng hồng, hồi hộp mong chờ khoảnh khắc bước sang mới. Cụ già ngồi bên hiên, gương mặt lấp lánh niềm vui, bâng khuâng nhớ về thời trẻ. Dưới cầu thang nhà sàn, tiếng trẻ nô đùa, cười giòn giã, thơ ngây, …
Rượu cần.
|
Người Ba Na đã có mặt trên mảnh đất Kon Tum nắng gió từ hàng trăm năm trước, họ ăn Tết theo từng dịp mang ý nghĩa tâm linh hoặc theo vòng thời gian, có các lễ hội chính như: Lễ hội mừng lúa mới, Lễ bỏ mả, Lễ nhà rông mới,… Nhưng những năm gần đây, Tết Nguyên đán (Chruh-kâl) đã trở thành lễ hội quan trọng, có ý nghĩa không chỉ với từng cá nhân mà còn với cả buôn làng, cộng đồng.
Người Ba Na chuẩn bị Tết khá cầu kì, trước cả tháng đồng bào bắt đầu rục rịch làm rượu cần - thức uống không thể thiếu trong bất kì dịp lễ hội nào. Rượu cần là nhịp cầu nối những bờ vui, khiến cho người xa lạ hóa gần gũi, trò chuyện cởi mở xóa nhòa danh giới chủ và khách, làm cho nam nữ trở nên thân quen.
Chị Y Thái (làng Kon Tum Kpâng, thành phố Kon Tum) vừa rải cơm rượu ra phơi vừa cười tươi: “Năm nay nhà mình đã chuẩn bị 6 ghe rượu cần rồi đó. Rượu cần nhà mình làm bằng nếp nương, nên rất thơm, ngọt, đậm đà, uống mãi không chán. Ngày Tết còn đón anh em, họ hàng từ nơi xa đến chơi, ngồi kể chuyện, uống rượu cần, vui lắm”.
Tùy từng điều kiện của mỗi nhà, mà sẽ nấu rượu cần bằng gạo, kê hay bằng ngô, mỗi loại lại cho mùi vị và nồng độ rượu khác nhau. Bí quyết tạo nên hương vị nồng say của rượu cần lại nằm ở loại men đặc biệt làm từ lá cây rừng với kĩ thuật gia giảm được giữ kín. Khi thấy cơm rượu đã lên men vừa đủ, có mùi thơm thì đổ vào ghè, phủ lá chuối bên trên rồi đem cất vào chỗ mát mẻ, sau khoảng 2 tuần thì dùng được.
Tiếp theo là việc chuẩn bị các món ăn đã khách, đó là những món ngon, vật lạ không dễ gì có được trong bữa cơm ngày thường. Người Ba Na tập trung sống ở vùng thung lũng, đồng bằng nhỏ hẹp như thành phố Kon Tum, thị trấn Đăk Hà,… Nơi đổ về nguồn của những con sông, con suối, do vậy nguyên liệu trong ẩm thực cũng là sản vật của sông suối như cá suối, tôm tươi, ếch nhái… phối hợp với các loại gia vị có mùi hắc (sả, ớt, tiêu rừng), rau rừng. Điều này rất phù hợp với quy luật ẩm thực, vì sản vật sông suối thường mang tính hàn, cần có gia vị nóng để cân bằng, và cũng để giảm vị tanh, thêm vị ngon lành.
Có thể kể đến món cá bống gói lá é, cá khô nướng muối ớt, lươn nấu cà đắng, tôm lam rau dớn,… Vẫn là thiếu sót nếu không nhắc đến các món thịt rừng nướng ống lồ ô, đây là cách chế biến đơn giản nhưng lưu giữ trọn vẹn vị ngọt tự nhiên của thịt dúi, thịt chuột, heo rừng,… Thịt bẫy về được đem thui qua trên bếp lửa rồi mới cạo lông, xẻ thịt, chặt từng khúc nhỏ. Tiếp theo là tách riêng xương ra, chọn lấy miếng thịt ngon để trộn gia vị, cho vào ống lô ô, nút kín bằng lá chuối rồi để lên bếp lửa. Mỗi món ăn đều có hương vị riêng, độc đáo, chứa đựng cả tấm lòng của người Ba Na.
Ngày đầu năm mới, những người trong nhà dậy sớm để cùng nhau sửa soạn mâm cỗ cúng Giàng. Mâm cỗ cúng khá đơn giản thường chỉ có con gà trống luộc và ghe rượu cần, người cao tuổi trong nhà trang trọng thắp nén nhang tạ ơn trời đất đã phù hộ cho gia đình một năm yên bình và cầu mong Giàng phù hộ một năm mới nhiều may mắn. Sau đó, tập trung cả gia đình lại, cùng ăn bữa cơm đầu năm rồi lần lượt đi thăm từng gia đình trong làng.
Cũng như người Kinh, Tết Nguyên đán của người Ba Na là thời gian để lũ trẻ vui chơi thỏa thích, người già thăm hỏi nhau, còn các chàng trai cô gái thì có thời gian tìm hiểu, bộc lộ tình cảm. Khi có khách quý đến chơi Tết, đích thân người chủ nhà sẽ xuống tận chân cầu thang đón tiếp, mời khách lên nhà ăn bữa cơm, uống rượu cần. Người Ba Na rất hiếu khách, trọng nghĩa tình, một khi họ đã yêu quý bạn thì nhất định sẽ dành mọi quan tâm.
Cụ bà Y Trăng (làng Kon Rờ Bàng, thành phố Kon Tum) cho biết:“Mỗi khi có khách đến nhà vào dịp Tết, dù là trong họ hàng hay người xa xôi chưa từng quen biết thì người làng mình cũng quý mến lắm, tiếp đón niềm nở. Nếu khách lớn tuổi thì được mời ngồi đầu mâm cơm, trò chuyện cùng những người già, nếu khách trẻ thì thường ngồi bên sân nhà, nơi rộng rãi để cùng trò chuyện cho thoải mái.”
Họ dọn cơm ra nhưng không đĩa để đựng thức ăn, mà trải lá chuối, mỗi món ăn được đổ ra từng mảng, màu xanh mộc mạc của lá làm các món ăn thêm ngon lành. Người chủ nhà mời nhiệt tình, khách cũng ăn thực bụng, nếu như khách sáo, e ngại mà ăn chút ít lấy lệ sẽ bị chủ nhà trách móc, cho rằng món ăn họ nấu không ngon hoặc khách không có tình cảm, không thật lòng, thật dạ.
Khách đã đến nhà, dù già dù trẻ, dù đàn ông hay đàn bà thì nhất định phải ngồi bên ghe rượu cần chung vui với gia đình. Đại diện gia đình, người già sẽ mở miệng ghè, cắm cần vào, đổ nước lã tràn đến miệng ghè, cắm cần hút vào.
Khác với tục lệ người Kinh cùng nhau nâng ly rượu, người Ba Na để chủ nhà thử rượu trước, hớp đầu tiên nhổ đi. Điều này bắt nguồn từ tục lệ xa xưa, để đảm bảo rượu không có độc. Sau đó chủ nhà trang trọng mời khách thử rượu, khách phải đón nhận cần bằng tay phải hoặc hai tay, vì với đồng bào Ba Na, cầm tay trái là tỏ ra coi thường gia chủ.
Lúc uống thì phải uống thật sự, không được ngậm trong miệng cũng không được lén nhổ đi, như thế là không thật lòng, không quý mến chủ nhà. Bên ghè rượu cần, người già kể về những kỉ niệm xa xưa, trai gái dần trở nên mạnh dạn, gần gũi nhau, chia sẻ tâm tình. Càng về đêm, men say núi rừng càng thấm đẫm vào mỗi người, cả chủ và khách đều không còn khoảng cách, trò chuyện rôm rả liên tục.
Mặc dù, đã có nhiều đổi thay nhưng người Ba Na vẫn lưu giữ những nét truyền thống của dân tộc mình trong dịp Tết Nguyên đán: vẫn là hương vị nồng say của rượu cần, vẫn là vị ngọt của thịt rừng, vị đậm đà của những món ngon dân dã, và vẫn tiếng cồng chiêng vang vọng bản làng, báo hiệu một năm mới với nhiều hi vọng, mừng vui.