Tôi còn nhớ, những tháng cuối năm 1976, anh chị em biên tập văn nghệ và Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN) rất bận mà vui. Nhà báo Trần Lâm, Tổng biên tập giao nhiệm vụ cho các nhạc sĩ ở Đài là phải có sớm các bài hát tuyên truyền cho thành công của kỳ họp quốc hội đổi tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” thành “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và thành công của đại hội Đảng đổi tên “Đảng Lao động Việt Nam” thành “Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Bên cạnh việc khẩn trương dàn dựng, thu thanh các ca khúc mới có chữ “Cộng hòa Xã hội Việt Nam” như “Tổ quốc ngày mới” (Phạm Tuyên), “Âm thanh ngày mới” (Nguyễn An), “Con thuyền Việt Nam vững vàng lướt tới” (Dân Huyền)… Đoàn ca nhạc của Đài còn phải thu thanh lại ca khúc “Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam” (Đỗ Minh), thay các từ Lao động thành Cộng Sản.
Nhạc phổ "Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam" do nhạc sĩ Đỗ Minh sáng tác |
Ca khúc “Hành khúc Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh” (Văn Dung) cũng vậy. Bài này còn phải thay “thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” bằng “thanh niên thời đại Hồ Chí Minh” (Thế hệ Hồ Chí Minh là thế hệ của các cụ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… chứ không phải lớp trẻ hiện tại).
Hôm thu bài “Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam”, hai nhạc sĩ Quang Khải và Huy Thư ở Đoàn ca nhạc lên phòng biên tập đề nghị thay câu “Đàn bồ câu trắng bay…” bằng “Đàn bồ câu lướt bay hoặc vút bay” để hát cho liền mạch, thuận lời văn mà vẫn giữ được “nốt đen chấm dôi” ở chữ “câu”.
Xét thấy đây là việc quan trọng, ông Phạm Tuân (Trưởng ban Văn nghệ) bảo tôi cùng lên gặp Tổng biên tập xin ý kiến. Ông Trần Lâm nói rằng: “Tôi cũng đã biết từ lâu.Việc thay lại lời không phải dễ, vì ai cũng thuộc và hát như thế đã 25 năm rồi nên cứ để nguyên. Cũng giống như Bài “Chiến thắng Điện Biên” cũng có chỗ “Cánh đồng Điện Biên cờ / chiến thắng tưng bừng…” đáng lẽ nên hát “Cánh đồng Điện Biên / cờ chiến thắng tưng bừng…” nhưng giai điệu của bản nhạc khi sáng tác đã vậy rồi, ta nên theo, đừng sửa”.
Nghe ông Lâm phân tích, tôi nghĩ hiếm có một Tổng biên tập nào tai nghe nhạc vừa “sành” mà lại có lý có tình vậy. Tôi liền xuống phòng thu nói lại lời của ông Lâm là không thay đổi.
Sáng hôm sau, không hẹn mà gặp, hạc sĩ Đỗ Minh từ Thái Nguyên về thăm Đài cùng với các nhạc sĩ Lê Lôi, Phạm Tuyên, Nguyễn An… Chúng tôi dẫn Đỗ Minh lên phòng thu để cùng nghe bài hát của ông mới thu thanh lại hôm qua. Đỗ Minh rất vui và kể lai lịch của ca khúc này khi các kỹ thuật viên âm thanh muốn biết:
Nhạc sĩ Đỗ Minh
Ngày ấy, tôi còn rất trẻ, vốn liếng nhạc lý không có được là bao nhưng tôi luôn nung nấu trong tâm trí, quyết làm được một điều gì đó để dâng lên Đảng. Trước khi bài hát ra đời, thú thực tôi cũng không dám nghĩ tác phẩm lại được đón nhận nồng nhiệt và có sức bền vững như thế. Nhìn lại 25 năm, nếu bình tĩnh nghe kỹ thì có chỗ nếu sửa còn hay hơn. Dù sao thì đó cũng là tấm lòng của tôi với Đảng.
Trong quá trình sáng tác, tôi không nghĩ nhiều đến nghệ thuật thể hiện. Trước khi hình thành những giai điệu đầu tiên của bài hát, không hiểu sao tâm trí tôi cứ luôn hiện lại cảnh chết đói đầy đường, đầy chợ của người dân xứ đạo vùng Hải Triều, Hải Hậu quê hương tôi. Những cảnh tượng đau thương ấy cứ ám ảnh tôi không dứt.
Nhưng rồi, những hình ảnh hào hùng của cuộc kháng chiến do Đảng lãnh đạo toàn dân đang đi dần đến thành công đã thổi vào tâm hồn tôi một luồng gió mới hết sức lạc quan. Cùng với giai điệu nhạc, lời ca cứ thế tuôn trào rất có ý thức: “Ngàn triệu dân xiết tay nhau, đứng quanh Đảng lao động Việt Nam, khối kết đoàn công nông cùng trí thức. Đời cần lao thắm tình yêu chói niềm tin. Vì ngày mai ấm no tự do hạnh phúc”.