Sau khi nhà Tây Sơn mất cơ đồ, lãnh tụ Tây Sơn - Nguyễn Nhạc được một ngôi làng dân tộc Ba Na, bất chấp sự cấm đoán gắt gao của triều đình nhà Nguyễn, vẫn làm lễ cúng giỗ ông hàng năm và duy trì cho đến tận bây giờ. Đó là làng Đê Chơgang, xã Phú An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai.
Ngôi làng “rặt cách mạng”
Đê Chơgang là một ngôi làng đặc biệt – một ngôi làng mà theo cách nói của đồng bào là “rặt cách mạng”. Trong cái làng đặc biệt này, gia đình Đinh Chiêm lại là một gia đình đặc biệt, vì chú ông – Đinh Tanh, là người cộng sản đầu tiên của làng. Kế đến là cha ông, rồi chú út ông đều lần lượt tham gia cách mạng và hy sinh anh dũng. Bản thân ông Đinh Chiêm cũng tham gia cách mạng và bị địch bắt tù đày. Cũng bởi vậy mà có thể xem ông như một cuốn sử sống của ngôi làng đặc biệt này…
Đinh Chiêm kể rằng, theo lời ông bà truyền lại thì ngày đó Đê Chơgang chỉ có vẻn vẹn chừng 13 nóc nhà. Giữa thăm thẳm rừng già, một hôm có một người Kinh bất chợt ghé làng. Ông nói mình tên là Nhạc, đi tìm mua trầu rừng và bảo người Đê Chơgang tìm về đổi lấy muối, dao. Theo phong tục với người có tuổi, người ta gọi ông bằng bok (bác). Từ việc lấy trầu, người ta ăn thử rồi quen và tục ăn trầu của người Ba Na cũng bắt đầu từ đó…
Đường mà Nguyễn Nhạc vào làng Đê Chơgang và các làng (trong huyện Kon Chro bây giờ) phải qua suối Chơ Ngao. Bên suối có một tảng đá rất bằng, hình dạng trông tựa chiếc ngai. Bên cạnh còn có một cây vối và cây bồ đề rất lớn tỏa bóng rợp cả một khu đất rộng. Nguyễn Nhạc thường ngồi lên tảng đá này nghỉ chân.
Người Đê Chơgang lúc đầu ngỡ ông đi buôn, nhưng rồi càng ngày càng thấy nhiều người Kinh theo và làm nhiều việc lạ. Họ đắp một cái thành đất trong An Khê. Nguyễn Nhạc lại kết anh em với hai người Ba Na là T’luc, T’ri. Rồi mấy mùa rẫy sau, bỗng nghe bok Nhạc trở thành Vương, hai em làm tướng. Nghe nói Yang hiện ra trên núi Mò O bảo thế, người Ba Na đi xem rất đông…
Làm ông Vương nhưng Nguyễn Nhạc vẫn hay vào làng với một người vợ người Ba Na tên là Yă Đố. Càng tin, người các làng đều đi lính cho ông. Làng có một bà tên là Ngư đi nấu cơm cho lính của ông. Cái giếng bà lấy nước sau này người Kinh gọi là giếng Thu Ngư, bây giờ dấu tích vẫn còn…
Di tích “Đá Ông Nhạc”
Chuyện làng Đê Chơgang giỗ lãnh tụ Tây Sơn Nguyễn Nhạc chí ít đến nay cũng đã hơn 200 năm, đặc biệt việc cúng giỗ đã diễn ra một thời gian dài dưới triều Nguyễn, bất chấp mọi sự cấm đoán khắc nghiệt của vương triều này, quả là một điều lạ. Dẫu vậy thì ngay cả những nghiên cứu lịch sử địa phương đến nay cũng chưa thấy ai đề cập đến… |
Khi đem quân về dưới xuôi, Nguyễn Nhạc cho làng Đê Chơgang 2 khẩu hỏa nổ để đuổi voi và dặn nếu ông chết thì cúng cho ông, nếu làm lễ đâm trâu thì nên 3-5 năm một lần. Năm nào nhiều lúa, giàu thì cúng; năm ít lúa và ai nghèo thì thôi….
Qua rất nhiều mùa rẫy sau đó Yă Đố mới trở lại và nói rằng bok Nhạc đã mất. Làng Đê Chơgang thương tiếc đâm một con trâu để cúng. Từ đó, cứ mỗi tháng 5 hàng năm khi việc nương rẫy đã rỗi, làng lại tổ chức cúng giỗ tại tảng đá xưa kia ông ngồi (gọi là Đá Ông Nhạc). Lễ vật là một con heo, một ghè rượu kèm bánh tráng, nhang đèn… Vào dịp này, 2 ông em kết nghĩa người Ba Na cũng được làm giỗ với lễ vật là 1 con gà, 1 ghè rượu (làm nhỏ hơn vì họ là em)… Người làng nói rằng, ngày xưa cứ xong lễ giỗ, đến khuya nhìn ra lại thấy các lùm cây xung quanh chiếc ghế đá phát sáng và văng vẳng tiếng reo hò… Nhưng đáng buồn là những năm gần đây cũng bởi đất chật người đông, dân bên thị xã đã chặt hết cây cối, biến suối Chơ Ngao thành ruộng lúa, dù “Đá Ông Nhạc” đã được Nhà nước cấp bằng công nhận Di tích…