Quần đảo Thổ Châu gồm có 8 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó lớn nhất là hòn Thổ Chu. Dù là nơi xa xôi hẻo lánh so với đất liền nhưng Thổ Chu rất tấp nập thuyền bè của ngư dân. Vì vậy, bước lên đảo, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi áng ngữ ngay bãi Ngự là một khu dân cư mua bán sầm uất, không thiếu thứ gì. Ngoài cung cấp nhu yếu phẩm cho khoảng 2.000 cư dân trên đảo; hàng hóa, dịch vụ ở đây chủ yếu dành cho lực lượng ngư phủ, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, ghé vào bán hải sản, mua hàng hóa và giải trí.
Sau khi trình diện với lực lượng biên phòng đóng trên đảo và chính quyền địa phương, chúng tôi đi một vòng khu dân cư hỏi thăm các điểm du lịch và dịch vụ liên quan nhưng dường như chưa có gì.
Hòn Thổ Chu có 2 bãi lớn là bãi Ngự và bãi Dong. Hai bãi cách nhau khoảng 10 km, hoặc đi đường ven biển với một bên là núi, một bên là biển mênh mông hoặc đi đường xuyên rừng với đèo dốc quanh co, cây phủ mát lạnh. Có đến 5 ngày ở trên đảo nên ngày nào chúng tôi cũng cuốc bộ ra bãi Dong chơi, tắm biển, tận hưởng cái không khí hoang sơ ít nơi nào có được.
Đến ngày thứ 3, chúng tôi làm quen được với một ngư dân tên Đời, 36 tuổi, dân gốc An Giang, cười hiền như đất. Anh dẫn chúng tôi về nhà đãi một bữa gỏi cá ra trò rồi hẹn sáng hôm sau sẽ bỏ một bữa đi biển, chở chúng tôi ra hòn Từ, cách đó khoảng 45 phút đi thuyền. “Bãi cát ở hòn Từ đẹp lắm, cát trắng và mịn như nhung. Để tui chở mấy anh chị ra đó cho biết, trên đường đi câu mớ cá xanh xương nướng nhậu chơi” – anh Đời vui vẻ.
Nghe có bãi cát đẹp chúng tôi đã sung sướng, nghe thêm chuyện câu cá, nướng cá thì ai cũng náo nức, chưa đến giờ hẹn đã tập trung ở bến tàu chờ sẵn dù sáng đó mưa gió tơi bời. Bầu trời âm u, biển xám xịt, thấy chúng tôi lo ngại, anh Đời gạt ngang: “Mưa nhưng biển đâu có động, êm ru hà, ai cũng có áo phao nên yên tâm đi”.
Đúng như anh Đời nói, dù thời tiết không đẹp nhưng biển chỉ lao xao sóng. Khi nổ máy cho con thuyền vừa rời bến cảng, anh Đời giao cho vợ điều khiển rồi tất bật đi chuẩn bị dây câu.
Sau khi cột một mớ bùi nhùi màu trắng mà anh gọi là mồi vào đầu sợi dây cước, anh đưa phần còn lại quấn dày đặc trong một ống nhựa cho tôi rồi quăng bùi nhùi xuống biển. Tàu chạy trước, mớ bùi nhùi chạy băng băng phía sau, anh Đời bảo tôi thả thêm dây cây ra cho đến khi mớ “mồi” hút tầm bắt thì ngưng lại. “Chị chằng sợi dây câu qua ngón tay trỏ, khi nào nghe nó giật giật thật mạnh thì ảnh (cá xanh xương) dính rồi đó”.
Anh Đời nói chưa dứt câu thì tôi nghe tay mình bị giật mạnh nên vội hét tướng lên. Ngay lập tức, anh Đời lia tay kéo dây câu lên thuyền và dĩ nhiên, lủng lẳng ở đầu dây là một chú cá xanh xương dài khỏang 40 cm, mỏ nhọn hoắc, răng chơm chởm dính chặt vào mớ bùi nhùi.
Vừa gỡ mồi ra khỏi những chiếc răng của con cá, anh Đời giải thích: “Mồi thứ này là chắc như bắp. Cá xanh xương rất háu ăn, cứ thấy cái gì trắng trắng chuyển động trên biển là chạy theo đớp. Mình xài bùi nhùi để khi nó đớp trúng thì răng bị vướng chặt vào, vùng vẫy cỡ nào cũng không thoát ra được”.
Chỉ trong vòng 20 phút, chúng tôi đã câu được 6 con cá xanh xương, anh Đời thu lại dây câu, nói gọn: “Thôi nhiêu đây đủ bữa trưa rồi, câu nhiều quá không biết làm gì cho hết”.
Chẳng mấy chốc mà thuyền cập vào hòn Từ. Dẫn chúng tôi lên một bãi đá, anh Đời chọn một hòn bằng phẳng nhất rồi tuyên bố hạ trại. Chắc anh có tính toán trước nên ngay sát đó là một cái lò nướng tự nhiên hoàn hảo – là một đường hõm dài giữa hai hòn đá lớn. Việc của chúng tôi chỉ đơn giản là lượm một ít cành khô, sắp than vào hõm đá và châm lửa. Anh Đời đem mớ cá xuống biển rửa sơ lại rồi cắt đôi, đặt lên mớ than vừa đượm.
Trong khi chờ cá chín, anh bảo chúng tôi mang theo kính bơi, anh thì mang một con dao nhỏ và túi ni lông rồi xuống biển. Trong khi chúng tôi say sưa lặn ngắm một thế giới lung linh với san hô, cá đủ sắc màu dưới đáy biển thì anh Đời lần theo mấy cục đá cạy ốc vú nàng. Loại ốc anh Đời gọi là vú nàng có phần vỏ chỉ lớn bằng 2 ngón tay, hình dẹt với phần thịt bám chặt vào đá chứ không nhọn và to như ốc vú nàng ở Côn Đảo. Sau khi cạy được khoảng độ 100 con, anh Đời lên bờ xem mớ cá nướng còn chúng tôi vẫn say mê quần thảo dưới đáy biển. Một lát sau, khi mùi cá nướng theo gió phảng phất đưa ra, không đợi gọi, cả đám kéo lên bờ.
Lấy lá bàng vuông làm dĩa, mấy ngón tay làm đũa, bữa tiệc bắt đầu. Cá tươi roi rói, thịt trắng tươi, dai dai, giòn giòn và ngọt lịm; chấm thêm với tí muối ớt nặn chanh, đưa cay một ly rượu đế, chúng tôi ai nấy sung sướng đến lịm người.
Khi những con cá tròn lẳn chỉ còn trơ lại mấy bộ xương xanh màu ngọc bích, anh Đời bỏ những con vú nàng lên than. Chỉ cần đợi vài giây, phần thịt ốc săn lại thì có thể lấy ra dùng. Hàu nướng thơm thế nào, ngọt ra làm sao thì ốc vú nàng nước cũng ngang ngửa như vậy. Chưa kể là ngoài độ tươi ngon, nó còn có cái mẳn của nước biển rất đậm đà trên đầu lưỡi.
Thấy trời hửng nắng, biển ngày càng chuyển màu xanh, anh Đời giục chúng tôi đi tắm biển: “Tụi tui ở đây lặn biển riết ngán rồi, mấy anh chị tận hưởng đi, để tui chuẩn bị nướng thêm mớ cá còn lại, bơi một lát là đói, mình lên làm một bữa nữa cho hết rồi về”.
Đúng như anh Đời so sánh, nhung cũng chưa chắc đã mềm đã mịn bằng cát ở bãi biển hòn Từ. Sau khi bơi thỏa thích, chúng tôi thả mình trên cái mớ nhung trời cho đó ngắm biển.
Trời bao la, biển bao la, hàng dừa ven bãi xõa mớ tóc dài vi vu trong gió; xa xa nơi bãi đá, vợ chồng anh Đời ru cho 2 đứa con nhỏ ngủ trưa, một làn khói mỏng bay lên vây lấy gia đình nhỏ. “Mình đang ở đâu đây?” – tôi lơ ngơ tự hỏi – “Phải chăng cuộc đời xô bồ, đua chen đã trở thành quá khứ, chỉ còn lại đây những gì trinh nguyên nhất, hồn hậu nhất như thể mình đã lạc vào cõi hồng hoang!”.
Theo NLĐ