Biệt điện này được vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu là bà Trần Lệ Xuân cho xây dựng vào năm 1958 với mục đích làm nơi nghỉ ngơi trong những lần lên Đà Lạt an dưỡng. Biệt điện Trần Lệ Xuân ngày nay có địa chỉ tại số 2, đường Yết Kiêu, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Biệt điện Trần Lệ Xuân là một quần thể gồm ba biệt thự Lam Ngọc, Bạch Ngọc và Hồng Ngọc, được thiết kế, xây dựng mô phỏng theo kiến trúc người Pháp hiện đại bậc nhất thời bấy giờ. Gần như toàn bộ vật liệu xây dựng, đồ vật trang trí, dụng cụ sinh hoạt trong biệt điện đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
Vào thời kỳ Đệ nhất Việt Nam cộng hòa, công trình này là nơi nghỉ dưỡng của Trần Lệ Xuân cùng chồng là cố vấn Ngô Đình Nhu. Sau khi Ngô Đình Nhu và anh trai là Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát năm 1963, Trần Lệ Xuân ra nước ngoài sinh sống, công trình này trở thành địa điểm du lịch. Sau đó, khu biệt điện được dùng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên và ngày nay trở thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, nơi lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn.
Những bậc cao niên ở Đà Lạt kể rằng: Thời kỳ gia đình họ Ngô còn trên đỉnh cao quyền lực, đây là khu không ai được bén mảng tới, mọi sự việc diễn ra bên trong là một sự bí ẩn lớn, một tin tức dù rất đỗi đời thường cũng không thể lọt được ra ngoài. Mỗi ngày có hàng chục vệ binh cộng hòa thay nhau túc trực suốt 24/24h. Công tác canh gác cẩn thận, nghiêm ngặt đến nỗi thậm chí một con chim lạ bay tới đậu cũng có thể bị bắn hạ.
Suốt nhiều năm qua, người dân địa phương vẫn rỉ tai nhau thông tin trong khu biệt điện Trần Lệ Xuân đang tồn lại một đường hầm nối liền ra sân bay Cam Ly, các đó khoảng 2km, mục đích là để đề phòng khi có biến cố xảy ra sẽ dễ dàng thoát thân bằng đường hàng không.
Đường hầm chỉ là đồn thổi?
Tuy nhiên, qua tiếp xúc, trao đổi với những người sinh sống gần khu vực này cùng ông Dương Quang Bền, người được Cục Lưu trữ Nhà Nước (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) biệt phái vào Đà Lạt công tác từ năm 1985 để chuyển khối Mộc bản triều Nguyễn từ tòa nhà Dòng chúa cứu thế (nay là Viện sinh học Tây Nguyên) đến bảo quản tại biệt điện Trần Lệ Xuân, chúng tôi đều nhận được thông tin là không hề có đường hầm nào nối liền từ biệt điện Trần Lệ Xuân ra sân bay Cam Ly. Dù trước đó, những người này đều cho biết, họ cũng đã được nghe về thông tin trên. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn mà đến nay vẫn chưa có căn cứ xác thực.
Trước đây, chúng tôi đã được TS. Phạm Thị Huệ, nguyên Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV, nơi đang trực tiếp quản lý biệt điện Trần Lệ Xuân đưa khi “thị sát” toàn bộ khu vực biệt điện. Tuy nhiên, trên toàn bộ diện tích 12.000m2 của biệt điện, không hề phát hiện dấu vết nào của đường hầm như lời đồn thổi nói trên. Trong ba ngôi biệt thự tại biệt điện Trần Lệ Xuân thì biệt thự Lam Ngọc có hai hầm mà Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia IV chú thích là “hầm trú ẩn” và “hầm thoát hiểm”. Riêng biệt thự Hồng Ngọc và Bạch Ngọc không có bất cứ căn hầm nào.
Về phía hai căn hầm tại biệt thự Lam Ngọc, hầm trú ẩn có miệng hầm, nắp bằng sắt dày vài ly và súng bình thường bắn khó xuyên qua. Dưới nắp che là một hầm được xây rất kiên cố có diện tích khoảng 3 - 4m2, được ốp gạch men. Tại đây, hầm không có lối nào dẫn thông ra ngoài. Riêng hầm thoát hiểm có nắp chống đạn bằng kim loại, bên dưới là một phòng rộng khoảng hơn 10m2. Đường hầm được thông ra ngoài khuôn viên biệt thự bằng một lối đi khác.
Ông Dương Quang Bền, nguyên là cán bộ Cục Lưu trữ Nhà Nước cho biết: “Khi tôi vào thì xung quanh khu biệt điện Trần Lệ Xuân còn rất hoang sơ và trong khu biệt điện này không hề có một đường hầm nào dẫn đến sân bay Cam Ly như những gì người ta đã từng nói. Trong biệt thự Lam Ngọc có hai căn hầm nhưng chỉ là để trú ẩn và thoát hiểm ra khỏi tòa nhà chứ không dẫn đi đâu cả. Đây thực chất là những hầm lánh nạn nội bộ, trên nắp hầm thoát hiểm có hệ thống nhà vệ sinh giả có thể di chuyển được để ngụy trang cho hầm ở dưới khi có biến cố”.
Trong khi đó, cụ Nguyễn Văn Thành (82 tuổi), ngụ gần khu biệt điện Trần Lệ Xuân từ năm 1976 cho biết, mới chỉ nghe nói là có đường hầm chứ chưa bao giờ tận mắt chứng kiến. Theo cụ Thành, đường hầm từ biệt điện Trần Lệ Xuân ra sân bay Cam Ly là khó có thể xảy ra. Bởi lẽ việc đào đường hầm dài tới 2km dưới lòng đất, băng qua nhiều quả đồi cao, thung lũng sâu vào thời điểm năm 1958 là khó có thể xảy ra.
Qua tìm hiểu thực tế tại các căn biệt thự ở Đà Lạt được người Pháp và người Việt Nam giàu có cho xây từ những năm đầu thế kỷ XX, thì hầu hết bên trong những căn biệt thự này đều có đường hầm trú ẩn nội bộ chứ không phải là đường hầm thoát hiểm trong lòng đất. Có thể do xuất hiện những căn hầm trú ẩn, hầm thoát hiểm trong khu biệt điện Trần Lệ Xuân mà dư luận đã nghi hoặc, rỉ tai nhau là có đường hầm nối ra tới sân bay Cam Ly.
Theo Kiến thức