Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) hay còn gọi là chùa Nhạn Tháp, nằm bên sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Từ lâu, chùa đã nổi tiếng bởi vẻ đẹp độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình. Chùa có pho tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam và tòa cửu phẩm liên hoa với những giai thoại kỳ bí của dòng thiền Mật Tông.
|
Cán bộ, phóng viên Báo ĐBND cùng Thường trực HĐND huyện Thuận Thành thăm chùa
Bút Tháp |
Nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu
Chùa Bút Tháp được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962. Theo sách Địa chí Hà Bắc, chùa có từ thời Trần. Năm 1644, Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc thấy chùa hư nát đã cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, bỏ tiền của công đức trùng tu chùa. Đến năm 1647, chùa mới được làm xong, kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc. Quần thể kiến trúc chùa Bút Tháp như một ốc đảo xanh, nổi bật trên cánh đồng lúa. Ngoài cùng là tam quan, tiếp đó là gác chuông hai tầng tám mái. Nằm giữa hai dãy hành lang (mỗi dãy dài 26 gian) là 7 tòa nhà nối tiếp nhau. Chùa chính với 3 dãy nhà tiền đường - thiên hương - thượng điện tạo thành chữ công. Cách bố trí này làm nổi bật điện thờ bên trong với các pho tượng. Các đơn nguyên kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm.
Kiến trúc chùa dùng khung gỗ chịu lực nhưng nền bệ lan can dùng đá rất phổ biến. Các họa tiết trang trí được thể hiện trên các chất liệu gỗ, đá, ở kiến trúc và ở các đồ thờ. Ngoài thượng điện có lan can bằng đá xanh bao quanh với 26 bức chạm khắc hình động vật, điểm xuyết mây, trời, hoa, lá... Hình ảnh chạm khắc sống động, tươi vui, hàm chứa ý nghĩa Phật đạo và đặc biệt mang đậm nét tính chất nghệ thuật thiền. Nối giữa thượng điện và tích thiện am là chiếc cầu đá cong bắc ngang hồ sen. Cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng. Mặt cầu lát đá xanh, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá công phu, tinh xảo...
Chùa Bút Tháp tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc cổ của các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, cả về giá trị nghệ thuật và lịch sử.
Độc đáo Quan Âm nghìn mắt nghìn tay
Chùa Bút Tháp có một hệ thống tượng tròn đặc sắc, trong đó có những pho được giới nghiên cứu xem là khuôn mẫu của tượng Phật giáo Việt Nam. Độc đáo nhất là tòa Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (nghìn mắt nghìn tay) do Trương tiên sinh tạc và hoàn thành vào năm 1656, thời hậu Lê. Tòa Quan Âm thiên thủ thiên nhãn được tạo tác trên cơ sở triết lý âm dương hòa hợp. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012. Tượng được đặt trên tòa sen rồng đội, với dáng hành đạo, thư thái. Đôi mắt quảng đại như bao quát cả không gian vũ trụ, đằng sau là vầng hào quang, bên dưới là hình trang trí sóng nước sống động như một thủy cung. Tượng được tạo tác với hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi (biểu tượng cho dáng hành đạo và nhập định); các chùm tay để trần từ sườn, vai, lưng, trên người; tay được xếp vòng tròn từ lớn đến nhỏ hướng vào tâm (ngay sau gáy Phật). Điều kỳ lạ là mỗi bàn tay lại hiện lên một con mắt, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Nhìn tổng thể tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay như những vòng hào quang tỏa ra từ tâm điểm.
Theo Đại đức Thích Thanh Sơn, trụ trì chùa Bút Tháp, những năm gần đây có nhiều chùa đến xin mẫu để tạc tượng, nhưng chưa chùa nào tạc được tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn trang nghiêm, hoàn mỹ như ở chùa Bút Tháp.
|
Chùa Bút Tháp
|
Kỳ bí tòa cửu phẩm liên hoa
Từ thượng điện, đi qua cầu đá đến tích thiện am. Tòa tích thiện am, như tên gọi có nghĩa là chứa điều lành, xây dựng từ năm Tân Dậu (1681) đến năm Tân Mùi (1691). Trong tích thiện am, có tòa cửu phẩm liên hoa - tháp bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt. 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Dân gian còn gọi tòa tháp là cối xay lúa. Các vị cao tăng kể, xưa tòa cửu phẩm liên hoa mỗi ngày tự xay ra một bát gạo, nuôi một vị tăng sỹ tụng kinh, niệm Phật tại chùa. Một lần chùa có khách, cần 2 bát gạo nên xin thêm, từ đó tòa cửu phẩm liên hoa không xay ra gạo nữa. Điều đặc biệt là đến nay cửu phẩm liên hoa vẫn quay nhưng không hề phát ra tiếng, dù được làm từ mấy thế kỷ trước. Chỉ cần hai cụ già vừa niệm Phật vừa đẩy, cối sẽ quay. Theo nghi thức Phật pháp Mật Tông nguồn gốc Tây Tạng, khi vừa quay vừa niệm Phật sẽ nhân lời niệm lên nhiều lần (3.542.400 lần/vòng quay tháp), để con người nhanh chóng chứng quả Phật pháp hơn.
Bên cạnh nhiều pho tượng Phật và các vị Bồ Tát, 8 mặt của tháp chạm những bức phù điêu liên quan đến tích nhà Phật, khuyến thiện trừ ác, hành trang các vị tổ, đại sư. Tầng một: Hoa tàng thế giới, Sa bà thế giới. Tầng hai: A nan kết tập, Di Đà thuyết pháp. Tầng ba: Tín thụ tác lễ, Cực lạc thế giới. Tầng bốn: Thiền sư, Lục tổ. Tầng năm đến tầng tám, mỗi tầng 8 vị Phật, tổng cộng 32 vị. Tầng chín: bốn tượng Di Đà và hai hàng chữ: Cửu phẩm liên hoa, A Di Đà Phật. Đây là một trong ba cửu phẩm liên hoa ở Việt Nam được chạm khắc tinh xảo, nằm trong địa bàn phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Điểm du lịch tâm linh hấp dẫn
Đại đức Thích Thanh Sơn cho biết, những năm gần đây, khách thập phương đến lễ chùa rất đông. Riêng trong dịp đầu năm 2013, mỗi ngày chùa đón hàng nghìn khách thập phương, trong đó có khoảng 60 - 70 lượt khách quốc tế. Họ rất thích nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho kiến trúc chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ còn nguyên bản của chùa. Dịp lễ hội chùa Bút Tháp, tổ chức thường niên từ 23 - 24.3 (ÂL), với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống cũng thu hút hàng vạn khách thập phương.
Trải qua xấp xỉ 500 năm, một số hạng mục của chùa, nhất là các cấu kiện gỗ, đã xuống cấp như: phủ thờ (thờ các vị vua, chúa), tòa tiền đường ngói bị vỡ, xô lệch gây dột. Đặc biệt tòa cửu phẩm liên hoa, do qua một thời gian dài, có giai đoạn bảo quản không tốt, lại bị dột, nguy cơ gây mục ruỗng trục tâm, nên cần phải sớm được trùng tu. Ngoài ra, tôi mong các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo chính quy cho thuyết minh viên về lịch sử văn hóa, cũng như các giá trị kiến trúc nghệ thuật nhằm giới thiệu cho khách trong nước và quốc tế những nét độc đáo của chùa. Bởi thực tế nhiều hướng dẫn viên không nêu bật được nét độc đáo, đặc sắc, thậm chí còn làm sai lệch thông tin lịch sử, văn hóa của chùa Bút Tháp - Đại đức Thích Thanh Sơn trăn trở.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành và ngành văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Ninh đã và đang tiến hành trùng tu, tôn tạo một số hạng mục. Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh đầu tư xây dựng tuyến du lịch tâm linh kết nối các điểm đến chùa Bút Tháp - chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp - lăng Sỹ Nhiếp - đền và lăng Kinh Dương Vương, trong đó chùa Bút Tháp là một điểm đến hấp dẫn.
Liên quan đến pho tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay có nhiều câu chuyện thú vị. Năm 2002, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã lấy mẫu pho tượng này để tạc tượng tham dự thi cuộc thi tượng Phật thế giới tại Ấn Độ, nhưng mấy lần không thể chuyển ra khỏi đất Thuận Thành. Phải đến khi ông tiến hành làm lễ tại chùa mới tạc được tượng để mang đi thi. Pho tượng phiên bản đó sau tặng lại Ấn Độ. Cách đây khoảng 4 năm khi xây chùa Bái Đính ở Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Trường - chủ đầu tư, cho thợ đến chùa Bút Tháp chụp ảnh lấy mẫu tượng Quan Âm về đúc tượng đồng nhưng hai lần đổ đồng tượng đều thất bại. Đến lần thứ ba, ông Trường đích thân đến mời nhà chùa về Bái Đính làm lễ, sau đó tượng đúc thành công.
Còn với tòa cửu phẩm liên hoa, nhân dân trong vùng vẫn lưu truyền câu chuyện về sự màu nhiệm của tòa tháp này: nếu nhà nào có trẻ chậm nói thì mua một quả trứng đặt lên, trai xoay bảy vòng, gái xoay chín vòng, rồi lấy trứng cho trẻ ăn. Có trẻ vừa ăn xong đã bật gọi mẹ, gọi bà, chậm thì khoảng 10 - 20 ngày sẽ nói được...
|
Theo Cao Sơn (Đại Biểu Nhân Dân)