Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Bốn ngôi chùa – “Tứ đại danh thắng” của xứ Đoài Bốn ngôi chùa – “Tứ đại danh thắng” của xứ Đoài , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Ở vùng đất xứ Đoài xưa, một hệ thống những ngôi chùa gồm chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Tây Phương và chùa Thầy đều là những ngôi chùa cổ có kiến trúc rất độc đáo, nổi tiếng khắp miền Bắc cũng như cả nước.

 
Chùa Trăm Gian được coi là di sản kiến trúc Phật giáo của Việt Nam.

Trước hết, hãy cùng tìm hiểu về ngôi chùa Trăm gian – một trong những ngôi chùa độc đáo có một không hai của Việt Nam. Chùa Trăm Gian hay còn có tên gọi khác là chùa Quảng Nghiêm hay chùa Tiên Lữ, là một ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay là đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại.

Ở sân chùa có gác chuông hai tầng tám mái được dựng vào năm Quý Dậu 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Chùa còn giữ được nhiều di vật và tượng quý. Trăm gian, cái tên rất bình dân, dường như muốn nói lên vẻ bề thế của ngôi chùa.

Bên cạnh những giá trị về mặt lịch sử (với việc được xây dựng cách đây 9 thế kỷ), chùa Trăm Gian đặc biệt có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một "gian" thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính. Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước.

Trèo qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một toà gác chuông 2 tầng mái, có lan can chạy quây 4 mặt. Các ván bằng đều có chạm hình mây hoa. Tại đây treo một quả chuông cao 1,10 m, đường kính 0,6 m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai, 1794. Trên chuông có khắc một bài minh của Phạm Huy Ích. Qua gác chuông, leo 25 bậc đá xanh hình rồng mây, đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật.

 

 Lại leo 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc thế tới cụm thứ 3 đó là chùa chính, gồm nhà bái đường, toà thiêu hương và thượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang. Trong cùng là nhà tổ, giữ lại có lầu trống bên trong treo một cỗ trống lớn, đường kính 1 m và một tấm khánh đồng dài 1,20 m, cao 0,60 m đúc năm 1749, Cảnh Hưng thứ 10. Tại đây có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật, giống kiểu các bệ đá thời nhà Trần. Trên bệ đá là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, bón góc có hình chim thần. Trên bệ đặt các tượng Phật tam thế. Trong chùa còn có nhiều bia, hoành phi, câu đối... Riêng có hai câu đối khảm trai, tương truyền có từ thời nhà Hồ (1400-1406).

Suốt bao đời nay, chùa Trăm Gian được coi là một di sản độc đáo và cũng chính là một niềm tự hào của người dân Chương Mỹ (Hà Nội). Hàng năm, chùa Trăm Gian thu hút hàng trăm ngàn lượt khách gần xa đền tham quan và hiện đang được tu bổ xây dụng lại ao sen, gác chuông và 100 gian chùa để đón tiếp đồng bào gần xa. Với những giá trị lớn về mặt lịch sử và kiến trúc, chùa Trăm Gian đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tiếp theo, hãy cùng khám phá di tích chùa Thầy. Bên cạnh chùa Trăm Gian thì chùa Thầy cũng chính là ngôi chùa cổ kính với bề dày lịch sử và cũng chính là một “đặc sản kiến trúc” của miền Bắc.

Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật tích.

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân có hàm rồng.

Chùa Thầy được đánh giá rất cao bởi đây chính là một quần thể kiến trúc độc đáo. Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất.

Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương. Chùa Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà thánh, để tượng Di Đà tam tôn, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, tượng cha mẹ Từ Đạo Hạnh.

Phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng trước trồng hai cây gạo, nhưng hiện tại hai cây gạo đã chết, được thay bởi cây đa. Từ sân này có hai cầu là Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ. Cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi.

 

 
 
Lễ hội Chùa Thầy hàng năm vẫn mang đậm màu sắc dân gian

 

Giữa ao Long Chiểu có thủy đình là viên ngọc giữa miệng rồng. Đây cũng là nơi diễn ra trò múa rối nước. Chùa Thầy cũng bao gồm hệ thống các ngôi chùa nhỏ nằm trên núi hết sức độc đáo.

Qua cầu Nguyệt Tiên nối với con đường lên núi. Trên núi có chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Trên vách chùa còn khắc những bài thơ tức cảnh của Nguyễn Trực và Nguyễn Thượng Hiền. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa là nơi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.

Phía trên chùa Cao, trên đỉnh núi có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,... trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ nơi đây ngày xưa các bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng và ngâm thơ.

Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ, là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè, như ca dao đã ghi lại:

“Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ,

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”…

Đi ngược lên trên là đến đền Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu. Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi.

Như vậy, quanh núi Thầy, ngoài chùa Thầy còn có cả một cụm kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong những khoảng thời gian khác nhau.

Trong một bài ký ghi trên vách núi, Chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy "như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa".

Với những giá trị hết sức quý báu, chùa Thầy đã ngày càng trở nên nổi tiếng đối với bạn bè gần xa. Hàng năm, hội chùa Thầy lại được chính quyền địa phương tổ chức từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch, thu hút hàng vạn khách tham quan. Theo các nhà nghiên cứu, lễ hội chùa Thầy không chỉ đặc sắc với những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian.

Được xây dựng sau so với chùa Trăm Gian và chùa Thầy nhưng chùa Trầm cũng được đánh giá là một quần thể di tích rất độc đáo của xứ Đoài xưa và của Hà Nội ngày nay.

Chùa Trầm- công trình kiến trúc tâm linh thuộc thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đây là một ngôi chùa có địa thế rất đẹp với các núi nhỏ chung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ.

Chùa Trầm còn có tên gọi là Long Tiên, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), do một vị tướng quân xuất gia lập nên. Ngôi chùa mang tên ngọn núi mà nó dựa vào là “Tử Trầm sơn”. Toàn bộ khu núi Trầm này xưa kia từng là nơi vua Lê chúa Trịnh đặt hành cung để thưởng ngoạn cảnh đẹp.

Đến chùa Trầm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của đồng bằng Bắc Bộ. Một thế dựa vào núi, trước mặt lại nhìn ra hồ sen bát ngát, trên bao bọc bởi những tán cây rừng dày đặc… Chùa Trầm nhỏ nhưng lại mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm.

Cùng với khoảng sân rộng cộng với những tán cây cổ thụ, chùa Trầm trở nên tĩnh mịch và thâm nghiêm. Điều này cũng góp phần tạo nên sự thư thái và lôi cuốn đối với mỗi du khách đến thưởng ngoạn tại nơi đây.

Chùa Trầm càng trở nên có giá trị lịch sử lớn hơn khi đây chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến qua sóng Đài tiếng nói Việt Nam năm 1946.

Hiện nay, chùa Trầm đã qua nhiều lần trùng tu và hiện nay còn giữ được nhiều tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18-19 với những nét chạm khắc công phu, tinh tế. Ngoài ra, chùa Trầm trở nên độc đáo ở khung cảnh thiên nhiên đặc sắc xung quanh quần thể kiến trúc của chùa. 

 

 
 

 

Thường khi du khách đến chùa Trầm sẽ cùng khám phá động Long Tiên trên núi Tử Trầm. Động Long Tiên có đường dẫn lên đỉnh núi Trầm (tục gọi là đường lên trời), có hang sâu dẫn ngầm vào trong núi (tục gọi là đường xuống âm phủ). Ở gian rộng nhất của động là chùa Hang có ban thờ Phật và tượng của các vị phật, tiên, hộ pháp tạc bằng đá rất sinh động. Ở các ngách động sâu và hẹp hơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tuyệt tác long lanh từ nhũ đá và nước ngầm của thiên nhiên. Nơi đây còn lưu trữ khoảng 20 bài văn thơ cổ khắc trên vách đá, khánh đá, chuông đồng ca ngợi cảnh đẹp của núi Tử Trầm… được tạo tác qua các thời đại. Bên cạnh đó, du khách có thể ghé thăm đền Mẫu nằm ở lưng chừng núi, hay ba ngọn tháp cổ ghi lại công đức của Thống đốc Hoàng Trọng Phu, bà Lê Thị Thọ cùng với nhiều tăng ni phật tử…

Hàng năm, Lễ hội chùa Trầm được tổ chức vào ngày mùng hai tháng hai âm lịch. Hội chùa Trầm xưa mang đậm nét văn hoá dân tộc với những trò chơi dân gian: đu tre, rối nước, cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi gà…và cả lễ rước ảnh Bác để gắn với dấu ấn lịch sử khi Bác Hồ đã từng về làm việc tại nơi đây.

Thêm một dấu ấn nữa trong những hệ thống các ngôi chùa ở xứ Đoài mà không thể không nhắc tới đó chính là chùa Tây Phương - ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Theo một số tài liệu, chùa Tây Phương được xây dựng vào thời nhà Mạc ở đầu thế kỷ 17. Tuy nhiên theo thông tin trên trang web chính thức của tỉnh Hà Tây (cũ) thì nói chùa được thành lập từ thế kỷ 6-7 nhưng đã trải qua nhiều lần trùng tu. Mặc dù thời điểm bắt đầu xây dựng ngôi chùa vẫn chưa được làm sáng tỏ nhưng có thể khẳng định vào năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, chùa được đại tu hoàn toàn với tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.

Chùa Tây Phương là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và đặc biệt có giá trị với những tác phẩm điêu khắc.

Từ chân núi, qua 239 bậc lát đá ong thì đến đỉnh núi và cổng chùa. Chùa Tây Phương gồm ba nếp nhà song song: bái đường, chính điện và hậu cung. Mỗi nếp có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần tạo thành một không khí rất thô sơ mộc mạc, điểm những của sổ tròn với biểu tượng sắc và không; các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen. Mái lợp hai lớp ngói: mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót, còn gọi là ngói chiếu, hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông vắn đều đặn. Xung quanh diềm mái của ba toà nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung, các đầu đao mái cũng bằng đất nung đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng giàu sức khái quát và khả năng truyền cảm. Cột chùa kê trên những tảng đá chạm hình cánh sen. Toàn bộ ngôi chùa toát ra một tính hoành tráng và phóng khoáng phù hợp với triết lý "sắc sắc không không" của nhà Phật.

 

 
 
Chùa Tây Phương được đánh giá rất cao ở nghệ thuật điêu khắc

 

Nơi đây còn là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Khắp chùa chỗ nào có gỗ là có chạm trổ. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... rất tinh xảo được tạo ra dưới bàn tay thợ tài hoa của các nghệ nhân làng mộc ngay trong vùng Tổng Nủa, làng truyền thống Chàng Sơn Làng nghề mộc lâu đời và nổi tiếng của xứ Đoài.

Trong chùa có 72 pho tượng cùng với các phù điêu có mặt tại mọi nơi. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, mỗi pho tượng trong chùa đều là một tác phẩm điêu khắc hết sức độc đáo. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu lại nhận định rằng, những người thợ mộc của làng nghề mộc truyền thống Chàng Sơn đã là tác giả của những kiệt tác tuyệt vời của nền mỹ thuật Việt Nam cùng với nhận định chùa Tây Phương chính là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18).

Có thể nói, 4 ngôi chùa gồm chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Tây Phương và chùa Thầy đều là những di tích, những danh thắng hết sức độc đáo của xứ Đoài xưa cũng như Hà Nội ngày nay. Trải qua những biến cố thời gian, một số thời điểm các di tích đã bị ảnh hưởng và có dấu hiệu xuống cấp. Thậm chí có những di tích đã phải trải qua những biến cố lớn (như việc di tích chùa Trăm Gian bị xâm hại khi trùng tu sai quy cách thời gian gần đây) tuy nhiên cả 4 ngôi chùa đều vẫn xứng đáng được phong là “tứ đại danh thắng” của xứ Đoài, là “đặc sản kiến trúc Phật giáo” của Việt Nam đồng thời cũng chính là những niềm tự hào của người dân địa phương.

L.S (Cinet.vn)


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 11
Total: 65231008

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July