(PetroTimes) - Nghề làm mặt nạ bằng giấy bồi lâu nay tưởng chừng như đã thất truyền ở Hà Nội. Vậy mà, hi hữu gần 33 năm nay, giữa thủ đô hiện đại và náo nhiệt may mắn còn lại duy nhất gia đình ông Nguyễn Văn Hòa giữ lại nghề này.
Ông Hòa gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi đã nhiều năm nay.
Đến hẹn lại lên, khi dịp tết trung thu đến gần là lúc gia đình ông Nguyễn Văn Hoà ở phố Hàng Than gấp rút làm hoàn thiện những chiếc mặt nạ làm từ giấy bồi để phục vụ cho nhu cầu thị trường.
Chiếm một không gian nhỏ giữa muôn vàn đồ chơi sặc sỡ của Trung Quốc trên nhiều con phố như phố hàng Mã, hàng Lược nhưng những sản phẩm mặt nạ giấy bồi của gia đình ông Hòa vẫn được nhiều người chú ý đến.
Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới vượt qua khoảng cầu thang nhỏ, trèo tiếp lên nắp bể nước, rồi leo lên chiếc thang sắt mới lên được chỗ sản xuất những đồ chơi đặc biệt này của gia đình ông Hòa. “Xưởng” làm mặt nạ giấy của gia đình ông Hòa tít trên tầng 3, mái lợp tôn, nóng hầm hập. Tận dụng mọi diện tích có thể, từ lan can cầu thang, tới mái tôn, rồi chỗ nghỉ giữa cầu thang gia đình phơi kín những chiếc mặt nạ đủ hình sắc mới tô xong.
Bà Đặng Hương Lan (vợ ông Hòa) cho biết: “Nghề làm mặt nạ giấy bồi của gia đình do các cụ thân sinh truyền lại. Khi tôi còn bé đã được chứng kiến bố mẹ làm cái nghề này rồi. Đầu tiên là từ bìa giấy sách vở học sinh vẽ màu. Sau đó sáng tạo dần dần làm nên loại mặt nạ giấy bồi thủ công như hiện nay. Tính đến nay, gia đình tôi đã gắn bó với nghề này được gần 33 năm rồi”.
Bà Lan sơn nhưng chi tiết cuối cùng lên chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không
Chỗ làm việc của ông Hòa được chia ra làm hai buồng. Nói là buồng cho sang chứ một bên “nhấp nhô” những khuôn mặt nạ đang được bồi, hồ dán, sơn... Còn buồng bên kia thì gọn gang hơn một chút, được dùng để cất những chồng mặt nạ đã hoàn thành. Làm mặt nạt bằng giấy bồi không tốn nhiều tiền đầu tư. Những tờ giấy vụn được xé nhỏ thành từng mẩu dưới bàn tay khéo léo đã trở thành những mặt nạ đầy hình hài và màu sắc.
Rất nhiều loại mẫu mặt nạ giấy bồi như: Chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở, công chúa, Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không, Trâu, Hổ…
Bà Lan nói một cách tự hào kín đáo mà cũng xen chút âu lo: “Hiện nhà tôi có tất cả 21 mẫu mặt nạ. Một số người thấy chúng tôi bán được hàng nên cũng bắt chước “nhái” nhưng họ chỉ làm theo được độ 6 mẫu thôi. Mỗi sản phẩm mặt nạ, nhà tôi chỉ bán với giá 20.000 đến 50.000 đồng một chiếc, tuy kích cỡ”.
Bà Lan chỉ cho chúng tôi cách phân biệt hàng của người làm nghề gia truyền lâu năm so với những người “học mót” bằng những đường nét, màu sắc và giá cả. “Hàng nhái thì họ vẽ nguệch ngoạc rồi bán với giá 15.000 đồng. Nhưng chúng tôi cũng không lo ngại lắm vì hàng nhái chất lượng kém không bán được thì họ nhái một vài năm sẽ chán không làm nữa”.
Trông chiếc mặt nạ tươi cười vậy thôi nhưng kể ra thì cũng lắm công phu. Để làm được cái phôi mặt nạ phải xé giấy nhỏ dán vào khuôn tỉ mỉ, cẩn thận. Làm sao cho sắc nét. Phơi khô xong thì quét sơn. Mà quét sơn nhiều chi tiết phải lần lượt từng chi tiết một. Mỗi ngày, một người cũng chỉ làm được có hơn chục cái mà thôi.
Nguyên liệu chính là các loại giấy báo, bột sắn trắng đun lên thành hồ, sơn, bút lông. Ông Hòa đang tỉ mẩn dùng hồ ghép những mảnh giấy vụn vào khuôn làm mặt nạ.
Về công đoạn phơi, bà Lan “hé lộ” chút lưu ý: “Mình làm một khuôn mặt nạ ra thì dán giấy chỗ 3 lớp, chỗ 4 lớp. Sau đó là phơi. Nếu nắng to thì rất thơm mùi. Mà cái này phải phơi nắng chứ không sấy được, nếu sấy sẽ biến dạng mặt nạ”.
Nhớ lại quãng thời gian làm nghề, bà Lan bảo cũng có nhiều chuyện vui buồn lắm. “Có đợt hàng Trung Quốc tràn sang, mặt nạ gia đình làm giá rất rẻ nhưng ế ẩm. Tuy vậy nhưng gia đình vẫn cố gắng giữ nghề và vẫn duy trì cho đến bây giờ…
Nghề làm mặt nạ giấy bồi này cần phải cần cù, chịu khó, tỉ mỉ và cần lòng say mê. Tất cả cái đó mới đem lại cơ “duyên” với nghề để làm nên những chiếc mặt nạ có hồn. Những năm gần đây, mặt nạ giấy bồi của gia đình ông Hòa không chỉ bán ở Hà Nội mà còn xuất đi ra các tỉnh khác như Nam Định, Thái Bình, Nghệ An…Một số người người lên mạng đặt hàng và ông Hòa mang đến tận nhà”.
Hiện gia đình bà Lan, ông Hòa mỗi một năm sản xuất khoảng gần 2.000 mặt nạ. Về mẫu mã mặt nạ thì chỉ làm theo những mẫu truyền thống và những mẫu theo đơn đặt hàng.
Chị Lê Thị Nhung và một khách du lịch nước ngoài đang chọn mua tại cửa hàng nhỏ trên phố Hàng Lược của gia đình bà Lan. Chị Nhung cho biết, mặt nạ giấy bồi vừa đẹp vừa có ý nghĩa văn hóa truyền thống.
Những chiếc mặt nạ giấy bồi góp chung vào Tết Trung thu như một nét đẹp truyền thống. Những lớp giấy qua tay người nghệ nhân đến với các em nhỏ trong niềm vui thích và tiếng cười. Vậy nhưng người làm nghề không tránh khỏi những nỗi lo. “Nhà hiện giờ không có ai học nghề cả. Làm cái này thu nhập không được bao nhiêu chỉ làm được vào mỗi dịp Trung thu mà thôi. Giờ gia đình làm mặt nạ với niềm vui giữ nghề, nghĩ cái nghề này quí lắm”, bà Lan chia sẻ.
Nguyễn Hoan