Sản phẩm gốm làng Ngòi dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân
|
Nghề gốm sứ ở Bắc Giang được mọi người biết đến cách đây vài thế kỷ từ những sản phẩm của những làng gốm nổi tiếng như Thổ Hà, Phù Lãng, gốm làng Ngòi… Sản phẩm gốm của các làng nghề này đều mang đậm phong cách dân gian và nét đẹp văn hoá làng quê đặc sắc.
Gốm làng Ngòi - đậm nét tâm hồn Việt
Theo thời gian, một số tên tuổi làng nghề gốm ở Bắc Giang bị lớp bụi thời gian xóa nhòa và người làm nghề không còn thiết tha với nghề, gốm làng Ngòi là một trong những làng nghề đó. Nhưng hiện nay, tên tuổi dòng gốm này đang dần lấy lại được thương hiệu của mình với những chuyến hàng xuất khẩu sang Nhật, Ấn Độ, Ai Cập, châu Âu… được bạn bè rất ưa thích.
Nét riêng đầu tiên khắc ấn, ghi tên cho gốm làng Ngòi có lẽ được bắt đầu từ nội dung của nó. Các sản phẩm đa dạng, phong phú đều mang đậm nét tâm hồn Việt. Đó là những bình, lọ hoa nghệ thuật, đèn vườn, gạch trang trí nội ngoại thất với họa tiết hoa văn như hoa sen, lá khoai, lá lúa, lá dáy, họa tiết thổ cẩm... Các hoa văn này đều là hoa văn đắp nổi.
Sản phẩm gốm sống động những hình tượng nghệ thuật
trong văn học, văn hóa dân gian
|
Dòng sản phẩm độc đáo thứ hai của gốm làng Ngòi là gốm tượng dân gian, hiện nay đang rất được ưa chuộng với những tượng Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc... Nhưng có lẽ, phần độc đáo và được ưa chuộng nhất, cũng là thế mạnh nổi bật của gốm làng Ngòi là tranh tường khổ lớn đắp nổi. Mảng tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng đang có nguy cơ thất truyền như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và cả những nét văn hóa vùng miền trên cả nước.
Khoác trên mình chiếc áo văn hoá dân gian rất cổ truyền, nhưng gốm làng Ngòi lại tạo cho người ta cảm nhận về cái lạ, cái độc đáo, ngộ nghĩnh mà người thưởng lãm hiện đại đòi hỏi. Người xem sản phẩm gốm làng Ngòi bị cuốn hút bởi nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở họa tiết trang trí và cách thể hiện.
Văn hóa dân tộc được thể hiện đậm nét trong mỗi loại sản phẩm
|
Người hồi sinh nghề gốm truyền thống
Làng Ngòi thuộc xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội chừng 70km. Theo những người cao tuổi trong làng, gốm làng Ngòi đã nổi tiếng từ triều đại các Vua Trần. Trải qua nhiều thăng trầm, làng gốm dần biến mất trên bản đồ gốm Việt Nam. Dù là mảnh đất có điều kiện để làm gốm nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực để vực lại nghề làm gốm nơi đây. Sau một thời gian bị lãng quên, gốm làng Ngòi được “sống lại” và từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường. Điều này có được phần lớn nhờ công của nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến.
Anh Lưu Xuân Khuyến tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, sau khi ra trường, với lòng đam mê nghề gốm anh đã lăn lộn học hỏi nghề từ các lò gốm trong Nam đến ngoài Bắc. Sau khi đúc rút được những kinh nghiệm từ thực tế, anh quyết tâm về quê khôi phục lại nghề gốm của làng. Khi bắt đầu có ý định khôi phục nghề truyền thống, anh gặp nhiều khó khăn và áp lực. Anh tâm sự: Khi đưa ra quyết định về quê làm gốm, phục hồi lại thương hiệu gốm làng Ngòi, mình đã chịu rất nhiều áp lực. Mặc dù, Yên Dũng có nguồn tài nguyên đất sét khá lớn, nhưng trước mình chưa có cơ sở nào khai thác sử dụng làm gốm nên nguy cơ thất bại rất cao. Bên cạnh đó, đa phần bà con ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, việc huy động bà con tham gia làm gốm là điều rất khó khăn vì chưa biết hiệu quả của nghề làm gốm ra sao.
Hiệu quả kinh tế khả quan từ cơ sở gốm của anh sau đó đã có sức thuyết phục hơn mọi lời nói và nhiều hộ gia đình đã quay trở lại với nghề gốm truyền thống của làng. Hơn thế nữa, với mong muốn làng nghề phát triển về quy mô, đem hiệu quả kinh tế đến với bà con làng mình, năm 2010, anh Khuyến đã đề xuất với Sở Lao động –Thương binh & Xã hội Bắc Giang, lãnh đạo huyện Yên Dũng xã Tư Mại mở lớp đào tạo nghề làm gốm cho bà con. Đề nghị của anh Khuyến đã nhanh chóng được chấp nhận và lớp học đã được mở ra. Kết quả là nhiều bạn trẻ đã được học lại nghề của cha ông và có một công việc ổn định.
Vì mới được khôi phục lại thương hiệu, nên so với cả chục thương hiệu gốm cổ truyền Việt Nam thì gốm làng Ngòi còn rất mới mẻ đối với mọi người. Tuy nhiên, gốm làng Ngòi đã sớm khẳng định được thương hiệu bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất nhưng rất có phong cách riêng với hai mầu đặc trưng là men nước dưa và xương đất. Đặc biệt, dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của người nghệ sỹ trẻ Lưu Xuân Khuyến cùng với niềm đam mê nghề vô tận, đã thổi được cả kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ vào gốm. Khác với gốm Bát Tràng chỉ vẽ và trang trí bằng mầu, Phù Lãng chỉ vuốt và dội men, gốm làng Ngòi được trang trí bằng hoạ tiết hoa văn đắp nổi, thể hiện sinh động trên chất liệu gốm nâu sành rất đặc trưng do chính tay họa sỹ tạo nên. Sản phẩm gốm xù xì mang đậm phong cách dân gian và nét văn hoá làng quê đặc sắc.
Đến nay, gốm làng Ngòi không chỉ được “biết đến”, mà đã trở thành một thương hiệu gốm uy tín, ghi danh vào làng gốm Việt, thương hiệu gốm làng Ngòi không chỉ thị trường trong nước biết đến mà còn chiếm được sự mến mộ của bè bạn quốc tế. Sản phẩm gốm làng Ngòi được trưng bày tại hàng trăm cuộc hội chợ triển lãm, đặc biệt gốm làng Ngòi đã xuất hiện tại triển lãm "Hình ảnh APEC và Di sản văn hóa Việt Nam" (2007), được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là "Sản phẩm tinh hoa làng nghề". Sản phẩm gốm làng Ngòi đã xuất hiện tại nhiều công trình ở khắp mọi miền đất nước cùng nhiều mẻ hàng xuất khẩu sang Nhật, Ấn Độ, Ai Cập, châu Âu… Năm 2007, Lưu Xuân Khuyến vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của cho "Nhà nông trẻ xuất sắc" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Hương Thảo
(tổng hợp)