Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những trang phục riêng phong phú và rất độc đáo. Trang phục phụ nữ gắn bó mật thiết với cuộc sống, là dấu hiệu thông tin để nhận biết tộc người sau ngôn ngữ. Nó không chỉ phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội mà còn thể hiện tập quán, nếp sống, trình độ thẩm mỹ và văn hoá các dân tộc, trong đó có trang phục của người phụ nữ các dân tộc thiểu số vùng Nam Bộ.
Trang phục truyền thống ngày thường của phụ nữ Khmer là áo dài (tầm-vông, cũng có người gọi là áo cổ bồng) và vận xà-rông. Xà-rông là một mảnh thổ cẩm rực rỡ trang trí nhiều hoạ tiết hoa văn, nhưng hình chám là hoa văn chủ đạo, kích thước rộng khoảng 1m, dài 3,5m khi mặc thì cuốn lại che nửa người phía dưới.
Áo tầm-vông dệt bằng tơ tằm, sợi bông, hay chỉ kim tuyến
(Ảnh: Internet)
|
Vào mỗi dịp lễ tết, lên chùa lễ Phật, họ mặc xà-rông có đính chuỗi hạt cườm ở cạp. Áo tầm-vông dệt bằng tơ tằm, sợi bông, hay chỉ kim tuyến với các loại hoa văn khác nhau màu trắng họăc vàng chủ đạo. Để tôn thêm nét dịu dàng uyển chuyển đầy nữ tính trong bộ lễ phục này không thể thiếu “Sbay” - một loại khăn lụa xanh mềm mại, cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải.
Trong đám cưới, cô dâu mặc áo dài màu vàng thêu kim tuyến và đính hạt cườm, hạt kim sa rực rỡ ở phía trước. Độc đáo hơn, trên đầu cô dâu còn đội chiếc mão “kha-ba-lòn-cốt” như một vương miện nhỏ xinh xắn được làm từ hạt cườm và hàng trăm chiếc cánh cứng màu xanh biếc của loài bọ cánh cam (người Khmer gọi là con Chil-vít). Nếu khăn “Sbay” trong bộ lễ phục màu xanh thì Sbay của cô dâu bằng vải dệt kim màu vàng và được đính hàng ngàn hạt kim sa nhỏ xíu sáng lấp lánh tạo nên nhiều mô-típ hoa văn vui mắt hình cánh. Trang sức của người Khmer chủ yếu thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ và sự hài hoà với váy, áo đồng thời cũng mang ý nghĩa của tín ngưỡng truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Chăm có trang phục phổ biến là váy và áo dài. Riêng váy được chia thành hai loại. Loại váy quấn bằng một tấm vải với hai mép vải không khâu dính lại, khi mặc cạp váy được xếp nếp và lận vào bên trong có tác dụng giữ eo hông. Loại thứ hai được khâu lại thành hình ống tròn. Váy một màu gọi là Băn, nếu có hoa văn thì gọi là Băn Koh hoặc pha thêm một sợi kim tuyến khi dệt gọi là Băn Talay Mưh.
Loại màu áo người Chăm ưa thích nhất thường có màu tươi và sáng như màu chàm, xanh lục, hồng. Biểu hiện rõ nhất ở trang phục phụ nữ Chăm là hai loại áo dài truyền thống Ao Tăh và Ao Doa Bong. Loại thứ nhất dành cho giới trẻ, chiều dài chiếc áo đến đầu gối hoặc quá một chút, cánh tay dài đến khuỷu tay, nhưng không bó sát. Cổ áo loại này thường hình tròn, khoét rộng để lộ các vòng dây trang sức bằng vàng hay bạc.
Loại thứ hai được dùng cho phụ nữ đã có chồng và lớn tuổi. Chiều dài phủ chùng gót chân, ôm sát thân người, khi mặc phủ trùm lên váy tạo cho dáng đi uyển chuyển và làm nổi bật nét đẹp thân hình. Ở hai bên hông có các đường mở ngay eo và có hàng khuy bấm hoặc nút dính để bó sát eo. Điểm đặc biệt ở loại váy này là cổ áo luôn thiết kế theo hình trái tim vì theo quan điểm của người Chăm, đó là tượng trưng cho lòng chung thủy. Nhìn chung, tùy theo hoạt động của xã hội, mà phụ nữ Chăm có những loại y phục khác nhau.
Thường ngày, phụ nữ dân tộc Hoa mặc áo ngắn, nút áo bên sườn phải kéo từ cổ xuống, cổ áo hơi cao, tay áo quá khủy tay. Quần của phụ nữ người Hoa ống hẹp, cao trên mắt cá chân. Trong ngày lễ Tết, phụ nữ người Hoa thường mặc một loại áo váy may dài, ôm ngang hông, xẻ tà dưới phần đùi mà người Việt quen gọi là “Xườn xám”, còn người Hoa gọi là “Chuyền chỉ”. Màu sắc trang phục của họ, nhất là các thiếu nữ thích màu hồng hoặc màu đỏ, cùng với các sắc màu đậm. Loại áo váy này thường đi với các loại trang sức như vòng cổ, vòng tay, bông tai tạo nên một vẻ duyên dáng, trẻ trung. Phụ nữ lao động người Hoa thường đeo một chiếc địu bằng vải để địu con, chiếc địu vải có tua quàng về phía trước. Đứa bé nằm trên lưng mẹ còn người mẹ làm việc và đi lại rất dễ dàng và thuận tiện.
Báo Dân tộc & Phát triển