Dù là thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam, Sài Gòn - TP HCM vẫn giữ được vẻ cổ kính, trầm mặc... quyến rũ đến không ngờ.
Nhà hát cổ nhất: Nhà hát lớn TP
Nhà hát lớn TP HCM (còn gọi là Nhà hát Tây) tọa lạc trên đường Ðồng Khởi, bên cạnh là hai khách sạn lớn Caravelle và Continental. Đây là nhà hát thuộc loại lâu đời nhất, do người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900 và được xem như một địa điểm du lịch của thành phố.
Nhà hát lớn TP HCM. Ảnh tư liệu
|
Tuy nhỏ và kém tráng lệ hơn Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát TP HCM vẫn giữ riêng nét đặc thù có một không hai, mang đậm nét kiến trúc "flamboyant" và tác giả của nó là kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret.
Cửa mặt tiền của nhà hát chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của Petit Palais xây dựng cùng năm tại Pháp. Với mái vòm lớn cùng những họa tiết tinh xảo trên khu vực cửa chính, còn có tượng hai nữ thần nghệ thuật tay cầm đàn Lyre được trang trí ở cổng lối vào nhà hát. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị âm thanh và ánh sáng hiện đại.
Năm 1956, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát Thành phố. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP HCM, toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài của nhà hát được phục chế lại như nguyên mẫu ban đầu. Ngoài tầng trệt, còn hai tầng lầu tổng cộng 1.800 chỗ ngồi.
Công trình Nhà hát lớn TP HCM hiện nay. Ảnh: internet
|
Nếu trước đây, Nhà hát lớn Thành phố là nơi giải trí cho các nhân vật sang trọng của Pháp, thì nay là địa điểm quen thuộc của dân Sài Gòn. Hiện nay, nhà hát là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như: biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa balê, dân tộc, opera cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Tại đây có thể tổ chức những buổi mít tinh, kỷ niệm những ngày lễ lớn, các hội thảo chuyên đề...
Ngôi chùa cổ nhất: Chùa Huê Nghiêm
Chùa tọa lạc ở số 208 đường Đặng Văn Bi, thị trấn Thủ Đức, huyện Thủ Đức, TP HCM; được Thiền sư Thiệt Thoại - Tánh Tường khai sơn vào thế kỷ XVIII. Nhìn bên ngoài, chùa Huê Nghiêm ngày nay mang dáng vẻ của ngôi chùa hiện đại, nhưng các gian phía trong, vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền.
Chùa Huê Nghiêm. Ảnh: Internet
|
Tên gọi Huê Nghiêm xuất phát từ việc lấy tên bộ kinh Huê Nghiêm đặt tên chùa. Lúc đầu, chùa xây ở vùng đất thấp, cách ngôi chùa hiện nay khoảng 100m. Về sau, bà Nguyễn Thị Hiên đã hiến đất để xây dựng lại ngôi chùa.
Tại đây còn lưu truyền câu chuyện kể về bà Nguyễn Thị Hiên như sau: khi bà Hiên sắp lâm chung, bà nhờ viết trên lòng hai bàn tay một câu bằng son đỏ: “Nguyễn Thị Hiên, làng Linh Chiểu Đông, Gia Định, chùa Huê Nghiêm, An Nam”. Năm 1821, hoàng hậu nhà Thanh (Trung Quốc) hạ sinh công chúa, trên lòng bàn tay hiện rõ những chữ bằng son đỏ hệt như ở lòng bàn tay bà Hiên. Sau đó, vua Thanh sai sứ sang Việt Nam và tìm đến chùa Huê Nghiêm để tìm xác nhận điều linh ứng trên. Sứ nhà Thanh xin trùng tu chùa và xây lại ngôi mộ cho bà Hiên, đồng thời cũng hiến tặng chùa một pho tượng quan âm bằng đồng, cao 80cm.
Lịch sử ghi rằng, chùa được trùng tu nhiều lần. Lần trùng kiến lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Đạt Lý - Huệ Lưu (đời thứ 38 dòng Lâm Tế) tổ chức. Kiến trúc chùa hiện nay được thay đổi ở những lần trùng tu vào các năm 1960, 1969 và 1990, mang dáng dấp của một ngôi chùa hiện đại. Chánh điện chùa Huệ Nghiêm bài trí tôn nghiêm, trầm mặc. Chính giữa tôn trí bộ tượng Thích Ca Tam Tôn (Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền), ở phía trước điện thờ là thờ ba vị Di Đà Tam Tôn. Bên phải chánh điện là tượng Địa Tạng, còn bên trái là tượng Quan Âm. Trước hai tượng Địa Tạng và Quan Âm cũng ở hai góc bên trái, bên phải là hai tượng Hộ Pháp. Đặt trước chánh điện là tượng Di Lặc. Tất cả đều bằng gỗ. Có tượng bằng gỗ Gõ đỏ, có tượng bằng gỗ Giáng Hương bông, có tượng bằng cây Xuyên Mộc đều được tạo tác ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Chùa Huê Nghiêm đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận là ngôi chùa có bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi bát bộ kim cương và thập nhị địa chi thần lớn nhất Việt Nam. Phật tử bước vào chiêm bái, nếu để ý sẽ nhận ra nét hoành tráng và đặc thù của bộ cửa mở vào chánh điện. Bộ cửa này dài 15,2m, cao 3,2m được làm bằng gỗ Lim (một loại thiết mộc) gồm 20 tấm. Trong đó, mỗi tấm cao 3,2m, ngang 0,76m. Ở hai ô cửa nằm về bên phải và bên trái của bộ cửa gồm 8 tấm khắc nổi Bát Bộ Kim Cương thì 12 tấm nằm nơi 3 ô giữa lại khắc nổi 12 vị thần biểu trưng cho Thập Nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. 8 vị Kim Cương và 12 vị thần này được những người thợ khắc nổi ngay chính giữa của từng tấm với chiều cao 1,06m, ngang 0,45m.
Bộ cửa bằng gỗ Lim này được những người thợ thực hiện trong năm 2005, tạo nét điêu khắc công phu, điêu luyện, độc đáo nơi cửa Phật.
Nhà thờ cổ nhất: Nhà thờ chợ Quán
Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc ở số 120 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, TP HCM; mang kiến trúc theo kiểu Gothique, trải qua hơn 100 năm nhưng vẫn uy nghi, đồ sộ nhất khu vực chợ Lớn.
Nhà thờ Chợ Quán. Ảnh: internet
|
Chợ Quán là một trong những họ Đạo lâu đời nhất của Tổng giáo phận TP HCM. Nơi đây đã xây dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên vào năm 1674 do giáo dân từ miền Bắc, Trung vào xây dựng.
Sau nhiều lần xây lại nhà thờ, năm 1887, cha xứ Nicola Ham (Tài) khởi công xây dựng nhà thờ mới. Công trình này được khánh thành vào mùng 4 tết Bính Thân (1896) và tồn tại đến nay.
Khách sạn Continental Saigon
Tọa lạc ở số 132-134 Đồng Khởi (quận 1) - vị trí trung tâm thành phố với nhiều công trình kiến trúc trang nhã của Pháp, Khách sạn Continental Saigon thực sự mang đậm nét truyền thống độc nhất vô nhị của nét kiến trúc với lịch sử 121 năm. Đây là một trong những khách sạn cổ nhất tại Sài Gòn - TP HCM.
Khách sạn Continental Saigon xưa. Ảnh tư liệu
|
Khách sạn được xây dựng vào năm 1878 dưới thời Pháp thuộc, do ông Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây cất và dụng cụ trong nhà làm chủ. Ông Cazeau muốn mở một khách sạn sang trọng để tiếp đón các du khách từ Pháp đến Sài Gòn sau một cuộc hải hành rất dài từ "mẫu quốc". Khách sạn khánh thành năm 1880.
Năm 1911, khách sạn được sang tên cho Công tước De Montpensier, rồi sau đó năm 1930, có chủ mới là Mathieu Francini, một gangster đảo Corse, điều hành trong suốt một thời gian dài cho đến ngày miền nam Việt Nam được giải phóng (1975). Thập niên 60 - 70, chính quyền yêu cầu các cơ sở kinh doanh ghi tên bảng hiệu bằng tiếng Việt, thì khách sạn được dịch ra thành Đại Lục Lữ quán.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Khách sạn Continental Saigon không phải xuất phát từ các chủ nhân của nó, mà từ vị trí và những dấu ấn mà lịch sử đã lưu lại. Trước cuộc chiến tranhh Thế giới lần thứ hai, thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (giải thưởng Nobel văn chương năm 1913), nhà văn lừng danh Andre Malraux, tác giả "Thân phận con người "(1933) từng lưu tại đây; nhà văn người Anh Graham Greene lưu trú dài hạn tại phòng 214 đã viết nên tác phẩm "Người Mỹ trầm lặng" về buổi giao thời giữa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam...
Không chỉ có thế, khách sạn còn tiêu biểu cho cả con đường Catinat (sau năm 1975, được đổi tên thành Đồng Khởi) với cụm từ Radio Catinat bởi đây là nơi tụ họp của giới báo chí truyền thông, những chính trị gia, doanh nhân bàn luận chuyện chính trường, chuyện làm ăn và thời cuộc, như: cựu Tổng thống Pháp Giscard D’Estaing, Thị trưởng Paris - cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, cựu Thủ tướng Malaysia - ông Mohamad Mahathir, Tổng thống Thụy Sỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, diễn viên điện ảnh Niro, Catherine Deneuve, người mẫu Kate Moss... Vì lẽ thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta nói: "Nếu những bức tường của Hotel Continental biết nói, chúng sẽ kể cho bạn rất nhiều điều".
Khách sạn Continental Saigon nay. Ảnh: Internet
|
Ngày nay, Khách sạn Continental vẫn giữ nguyên giáng vẻ thuở nào, duyên dáng và uy nghi. Gam màu trắng chủ đạo đã làm nổi bật sự thanh tao, quý phái và sang trọng của khách sạn cao 4 tầng, gồm 86 phòng đầy đủ tiện nghi và trang thiết bị hiện đại. Trong đó có 6 loại phòng là: Executive Suite, Continental Suite, Junior Suite, Oriental Suite, Deluxe & Superior. Nếu như du khách thích cảm giác ngắm nhìn màu xanh của khu vườn xanh thì có thể chọn phòng hướng vườn; còn nếu thích không gian náo nhiệt của thành phố nhộn nhịp thì có thể chọn phòng hướng phố...
Nhà thờ Đức Bà
Bên cạnh nhà thờ Chợ Quán được xây dựng vào năm 1674 thì nhà thờ Đức Bà được khởi công xây dựng ngày 7/10/1877 và khánh thành ngày 11/4/1880 - cũng được coi là công trình kiến trúc cổ kính nhất của TP HCM.
Theo dòng chảy lịch sử, vào tháng 8/1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ Đức Bà (còn gọi là Nhà thờ Lớn). Vượt qua 17 đồ án thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourad với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gotich đã được chọn, với tổng chi phí xây dựng, trang trí nội thất ước tính 2.500.000 franc Pháp theo tỷ giá thời bấy giờ.
Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và hai tháp có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m.
Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Panoramio
|
Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ nhà thờ từ mái đến tường là một màu đỏ gạch nung. Đặc điểm của loại gạch và ngói xây dựng nhà thờ là giữ nguyên màu từ ngày xây dựng đến nay và không hề đóng rêu mốc. Bên trong nhà thờ khá rộng, có sức chứa 1.200 người, với hai hàng cột chính hình chữ nhật mỗi bên sáu chiếc (tổng cộng 12 chiếc) tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang có khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) với các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo. Chưa kể, trên tường được trang trí nổi bật là 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp.
Hiện, nhà thờ Đức Bà trở thành một công trình tiêu biểu cho không gian đô thị cả vùng trung tâm Sài Gòn và do đó ý nghĩa về mặt biểu tượng nhiều khi còn vượt trên cả ý nghĩa công năng của nó. Dù không thành văn, người dân Sài Gòn và cả du khách đến thăm thành phố đều công nhận nhà thờ Đức Bà là ngôi thánh đường đẹp nhất và quan trọng nhất của giáo phận Sài Gòn, là niềm tự hào của người dân thành phố. Thậm chí, nhà thờ trở thành một điểm lý tưởng của những cặp uyên ương đánh dấu cho một cuộc sống mới.
Bưu điện Thành phố
Bưu điện trung tâm TP HCM có địa chỉ số 2, đường Công xã Paris. Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng với phong cách chiết trung trong khoảng 1886 - 1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux; là công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á.
Bưu điện Sài Gòn xưa. Ảnh tư liệu
|
Vẻ đẹp độc đáo của toà nhà Bưu điện Thành phố càng được tôn lên vì trước mặt nó có một công trình lộng lẫy là Nhà thờ Đức Bà với tháp chuông cao vút. Tòa nhà nổi bật với sự bố cục cân đối của các hạng mục công trình mang tính thẩm mỹ cao. Các chi tiết cân đối, chia đều ra hai bên, đối xứng nhau qua một "trục" trung tâm. Mặt tiền có kết cấu hình khối, với vòm cung phía trên các cửa. Hệ thống cột, trụ chính, phụ, mái hiên đều có kết cấu hình khối vuông. Trên mỗi đầu trụ, cột được chạm khắc hoa văn, phù điều công phu, tỉ mỉ. Ở mặt tiền tòa nhà có hệ thống đường viền, đường chỉ là những chuỗi hoa văn chạy ngang, tạo nên vẻ đẹp, sự cân đối và làm cho tòa nhà có vẻ như không cao lắm.
Bên trong tòa nhà là hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Vòm cung lớn được chống đỡ bởi bốn trụ sắt nằm bốn góc, mỗi cột chống đỡ bốn kèo sắt tỏa ra bốn phía. Vòm cung dài được chịu lực bởi hai hàng trụ sắt hai bên. Các điểm tiếp nối giữa trụ và kèo sắt được thiết kế công phu, chạm khắc thành những chi tiết có hoa văn đẹp. Với hệ thống vòm cung này, tòa nhà trở nên cao, rộng rãi và thoáng mát, thích hợp với một nơi thường có nhiều người ra vào.
Bưu điện trung tâm TP HCM ngày nay
|
Ngoài ra, trên vòm mái trong tiền sảnh của toà nhà có hai bản đồ lịch sử Saigon et ses environs 1892 và Lignes télegraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936.
Hiện nay, xung quanh tòa nhà Bưu điện trung tâm TP HCM còn có thêm một số công trình kiến trúc làm kho tàng, lắp đặt những máy móc, thiết bị bưu điện truyền tin hiện đại…
(Theo Đất Việt)