Mặc dù có tên truyền thống là Binh đoàn Hương Giang, nhưng Quân đoàn 2 thường được nhân dân yêu mến gọi bằng cái tên “Binh đoàn Thần tốc”. Lật lại trang sử về Quân đoàn 2 mới thấy, nhân dân luôn có lí mỗi khi định danh một đơn vị nào đó. Ngay từ ngày mới được thành lập vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quân đoàn 2 đã liên tục thực hiện những cuộc trường chinh với tốc độ kỉ lục: Cuộc hành binh lần thứ nhất tháng 4 năm 1975 từ Đà Nẵng vào Sài Gòn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ hết 18 ngày; cuộc thứ hai năm 1978 từ Huế - Đà Nẵng vào biên giới Tây Nam đánh đuổi quân Polpot xâm lược chỉ hết 10 ngày. Và cuộc thứ ba, tháng 2 năm 1979, khi đang giúp bạn Camphuchia thoát khỏi họa diệt chủng, nhận được lệnh cơ động, Quân đoàn 2 chỉ mất một thời gian 5 ngày đã đưa được toàn bộ đội hình với nhiều vũ khí trang bị hạng nặng vượt hơn 2000 km ra biên giới phía Bắc sẵn sàng chiến đấu.
Đoàn nhà văn Văn nghệ Quân đội do Tổng biên tập Ngô Vĩnh Bình dẫn đầu đã có cuộc trao đổi với đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ, Chính ủy Quân đoàn 2 về những điều còn ít được biết xung quanh những cuộc hành binh năm xưa và những hoạt động trong công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn hôm nay. Xin giới thiệu đến bạn đọc cuộc trò chuyện này.
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình: Thưa đồng chí Chính ủy Nguyễn Văn Đủ. Đối với Văn nghệ Quân đội thì Quân đoàn 2 là địa chỉ quen thuộc, có thể nói, chúng tôi về với Quân đoàn 2 là “về nhà”. Bởi đã có nhiều nhà văn của Văn nghệ Quân đội chọn Quân đoàn 2 làm địa bàn thực tế dài ngày, ăn ở cùng bộ đội cả mấy tháng trời. Nói về Quân đoàn 2 thì cả buổi không hết. Tuy nhiên, trong không khí kỉ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, chúng ta sẽ trao đổi vào hai chủ đề chính, đó là Quân đoàn 2 năm xưa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, và Quân đoàn 2 hôm nay trong phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Chà! Chỉ riêng hai chủ đề này đã có nhiều chuyện để nói rồi. Chúng ta nên bắt đầu từ đâu nhỉ?
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Các nhà văn và độc giả Văn nghệ Quân đội muốn thấy một sự khác biệt. So với các quân đoàn chủ lực khác trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 có những nét khác biệt nào, thưa chính ủy?
|
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ |
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Vâng, vấn đề này có thể gói gọn trong mấy chữ “Thần tốc - Táo bạo - Quyết thắng”. Đó là nét khác biệt và cũng chính là cái làm nên truyền thống của Quân đoàn 2 hôm nay. Sáu chữ này không phải có ngay từ ngày thành lập Quân đoàn (17 tháng 5 năm 1974), mà được hình thành trong suốt quá trình Quân đoàn chiến đấu và trưởng thành. Ngày 4 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn 2 lúc đó vừa trải qua một loạt những chiến dịch lớn tiến công giải phóng Buôn Mê Thuột, Trị Thiên-Huế, đang dừng chân tại tại thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng thì nhận được lệnh cấp tốc tiến quân vào chiến trường Nam bộ, mà mục tiêu là Xuân Lộc với đoạn đường dài gần 1000 ki lô mét. Các nhà văn hãy tưởng tượng khi đó, sau khi thất thủ Tây Nguyên, địch rút quân về lập các tuyến phòng ngự mạnh dọc theo duyên hải miền Trung với những lời kêu gào “tử thủ”. Thế nghĩa là, để đến được Xuân Lộc, Quân đoàn 2 không còn con đường nào khác là phải “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Đây là một nhiệm vụ vô cùng gian khó và hiểm nguy. Nhưng “quân lệnh như sơn”, chỉ sau 3 ngày chuẩn bị, sáng ngày 7 tháng 4 năm 1975, đội hình tiến công của Quân đoàn 2 đã được hình thành theo tổ chức hiệp đồng binh chủng với xe tăng, pháo lớn, cao xạ..., sẵn sàng xuất kích. Đúng lúc đó, bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được gửi tới mặt trận: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. Với tinh thần chỉ đạo đó, Quân đoàn 2 đã ào ạt tiến quân dọc theo Quốc lộ 1A về hướng Xuân Lộc. Quân đoàn đã vượt qua 11 tỉnh, 18 thị xã, thị trấn thuộc miền Trung và miền Nam Trung bộ. Gặp địch thì đánh. Địch phá hỏng cầu cống trước khi rút chạy thì khẩn trương bắc lại cho xe pháo vượt qua. Quân đoàn đã thực hiện ba trận đánh lớn hiệp đồng binh chủng trong hành tiến và rất nhiều trận đánh máy bay, tàu chiến địch; tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng của Quân đoàn 3 và Quân khu 3 của Việt Nam Cộng hòa, góp phần quyết định vào cuộc tiến công tiêu diệt, đập tan lực lượng và tổ chức phòng ngự của địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân; giải phóng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, khu vực phòng thủ từ xa của Mỹ-ngụy đối với Sài Gòn trên hướng Đông. Trong điều kiện một binh đoàn chủ lực với hàng ngàn xe pháo, hàng vạn chiến sĩ đánh hành tiến gian truân như thế, vậy mà Quân đoàn 2 chỉ mất có 18 ngày đã tới được nam Xuân Lộc, mở toang cánh cửa phía Đông Sài Gòn, đạt tốc độ trung bình 185km/ngày, một kỉ lục hành quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: Qua những gì đồng chí Chính ủy vừa nêu, chúng tôi đã cảm nhận được bốn chữ “Thần tốc” và “Quyết thắng” của Quân đoàn 2. Thế còn “Táo bạo”? Theo tôi được biết thì Quân đoàn 2 là đơn vị có những chiếc xe tăng đầu tiên tham gia chiến đấu và chiến thắng tại trận Làng Vây năm 1968, và cũng là đơn vị có những chiếc xe tăng húc tung cổng sắt Dinh Độc Lập, ghi một dấu ấn sâu đậm trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi muốn biết thêm về mũi tấn công vào Dinh Độc lập trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Xung quanh mũi tiến công này có rất nhiều chuyện thú vị. Trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, Quân đoàn 2 được lệnh cùng với Quân đoàn 4 hợp thành cánh quân Đông và Đông Nam Sài Gòn. Nhiệm vụ giao cho Quân đoàn 2 là tiến công tiêu diệt địch ở tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, căn cứ Long Bình, cầu Xa Lộ và đánh chiếm Chi khu Long Thành, Chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, căn cứ hải quân Cát Lái và bịt đường rút chạy của địch ra biển qua sông Lòng Tàu, đưa pháo tầm xa vào Nhơn Trạch đánh Sân bay Tân Sơn Nhất... Nhiệm vụ tiếp theo là đánh chiếm Quận 9, Quận 4 Sài Gòn...
Nhà văn Phùng Văn Khai: Như vậy là Quân đoàn 2 không được giao nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Phải nói thế này. Ban đầu, nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập được giao cho một đơn vị bạn. Cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 2 nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Nhưng chắc các nhà văn đã hiểu, là người lính ai không mơ ước được nhận nhiệm vụ vẻ vang đó về mình và đơn vị mình? Ước nguyện chính đáng của những người lính giải phóng đã “buộc” Bộ Chỉ huy Chiến dịch phải ra thêm một cái lệnh “thòng” nữa: Nếu trong quá trình tiến công vào thành phố, bất cứ đơn vị nào phát triển thuận lợi đều được đánh chiếm Dinh Độc Lập. Và thế là lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 lập tức được thành lập, bao gồm Lữ đoàn xe tăng 203; các đơn vị bộ binh của các trung đoàn 66, 18, các tiểu đoàn pháo tầm xa của các Lữ đoàn pháo binh 164, Trung đoàn 68... cùng lực lượng phòng không, công binh... Ngày 27-4 năm 1975, trong khi các sư đoàn tiến hành đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch thì lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 cơ động lên Long Nha sẵn sàng chờ lệnh. Những ngày tiếp sau đó, các đơn vị toàn mặt trận đồng loạt tổng công kích Sài Gòn khiến quân địch chao đảo. Tảng sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, chớp thời cơ địch đang hoang mang, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ra lệnh tiến công cho lực lượng đột kích cơ giới. Với sức càn lướt vũ bão của xe tăng, lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn đã nhanh chóng vượt qua Thủ Đức, phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở khu vực cầu Sài Gòn, tiêu diệt hàng chục xe tăng của địch tiến ra ngăn cản trên đường Hồng Thập Tự rồi rầm rập “tốc” thẳng tới Dinh Độc Lập trong sự hoảng loạn tháo chạy của quân đội Sài Gòn...
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình: Tôi đã rất quan tâm đến một chi tiết trong thời khắc lịch sử trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, đó là Bản tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Thông thường trong chiến tranh từ cổ chí kim, những văn bản dạng này là do bên thua viết. Nhưng sự thực vô cùng thú vị là Bản tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh lại được soạn thảo bởi chính những người chiến thắng lúc áo trận của họ còn vương khói súng, với văn phong ngắn gọn, súc tích, vừa toát lên tính quyết liệt của “võ” lại có tính sâu sắc của “văn”. Như vậy là những người lính Quân đoàn 2 đã làm thêm được một nhiệm vụ vinh quang ngoài dự kiến?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Tôi nghĩ, trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh được tiến hành, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã chuẩn bị mọi phương án cho việc tiếp quản Sài Gòn. Nhưng tốc độ tiến công của quân ta quá nhanh, vào Dinh Độc Lập quá nhanh, nên sau khi bắt sống toàn bộ nội các Dương Văn Minh, ở vào hoàn cảnh cấp bách “nước sôi lửa bỏng” lúc ấy những người lính Quân đoàn 2 đã ý thức rất nhanh rằng, buộc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh sớm phút nào là loại bỏ sự phản kháng của quân đội Sài Gòn nhanh phút đó, Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam sẽ bớt được sự tàn phá bởi bom đạn, sẽ bớt được tổn thất máu xương của người Việt Nam một cách vô ích. Đây là một hành động tự giác tuyệt vời của những người lính Quân đoàn 2. Về cách viết một bản tuyên bố đầu hàng, chắc chắn những cán bộ trong lực lượng đột kích thọc sâu Quân đoàn 2 khi đó chưa một ai được học qua. Nhưng với tầm văn hóa được tích lũy qua thực tế cộng sự nhạy cảm từ trái tim những người lính khát khao hòa bình, họ đã có một quyết định “đột sáng”. Đây là một văn bản lịch sử quí giá được soạn thảo từ trí tuệ tập thể cán bộ thuộc Quân đoàn 2.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Theo tôi được biết, những cán bộ Quân đoàn 2 tham gia soạn thảo văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh sau này đều trở thành những cán bộ cấp cao trong quân đội. Có thể nói, Quân đoàn 2 thời chiến tranh là cái nôi đào tạo tướng lĩnh. Những vị tướng nổi tiếng như Hoàng Văn Thái, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Chơn, Lê Khả Phiêu... đều xuất thân từ Quân đoàn 2. Còn bây giờ, lớp sĩ quan trẻ Quân đoàn 2 thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đoàn 2 hiện nay là lực lượng được đào tạo cơ bản, được trang bị kiến thức khá toàn diện, có trình độ giác ngộ chính trị cao, có sức khỏe, giàu sức sáng tạo, là lực lượng xung kích đi đầu trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nếp sống chính qui.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Nhưng khi tới các đơn vị, tôi vẫn thường được nghe một câu phàn nàn rằng “đội ngũ sĩ quan trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Yêu cầu của cuộc sống bao giờ cũng cao hơn cái đang có. Nhưng cũng phải nhìn thẳng vào một sự thật là đội ngũ sĩ quan trẻ hiện nay của toàn quân nói chung và Quân đoàn 2 nói riêng chưa có nhiều kinh nghiệm công tác; một số đồng chí trước khi vào quân đội chưa từng trải qua những công việc khó khăn, thậm chí chỉ quen với lối sống tự do, hưởng thụ nên mức độ rèn luyện, phấn đấu còn hạn chế. Điều đó đòi hỏi các cấp trong Quân đoàn luôn phải đề cao công tác giáo dục, huấn luyện, rèn luyện, quản lí chặt chẽ và uốn nắn kịp thời, giúp họ thấy rõ được vinh dự, trách nhiệm và bổn phận của thế hệ trẻ hôm nay trước yêu cầu xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam “Cách mạng – Chính qui – Tinh nhuệ, từng bước hiện đại”...
Nhà văn Phùng Văn Khai: Công tác giáo dục đội ngũ sĩ quan trẻ có nhiều hình thức, trong đó có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng tôi muốn biết Cuộc vận động này ở Quân đoàn 2 được triển khai như thế nào, kết quả ra sao?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Từ khi triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Quân đoàn đã dấy lên những phong trào thi đua tích cực như “Đổi mới phương pháp, tác phong, hướng về cơ sở”; “Thực hành tiết kiệm trong sử dụng điện, nước”; “Tăng gia sản xuất giỏi”; “Mẫu mực chính qui, chấp hành kỉ luật nghiêm”; “Nói đi đôi với làm”; “Nêu gương, tình thương, trách nhiệm”... Cho đến nay, việc cán bộ chiến sĩ tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang diễn ra hàng ngày trong mọi hoạt động, và ngày càng đi vào chiều sâu. Đã xuất hiện nhiều tập thể điển hình như Lữ đoàn 673, Trường Quân sự thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành pháp luật, kỷ luật nghiêm. Lữ đoàn công binh 219 có công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tốt, động viên phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện đơn vị thường xuyên hoạt động phân tán, xây dựng công trình quốc phòng. Sư đoàn 325 vừa đạt kết quả cao trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa có phong trào tăng gia sản xuất tốt. Sư đoàn 306 đã “biến khó thành dễ”, phát huy sức mạnh tổng hợp, trên dưới cùng lo, cùng làm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác củng cố doanh trại, xây dựng môi trường, cảnh quan... Trong Quân đoàn đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ chiến sĩ phát huy tốt vai trò trách nhiệm và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thông qua những hành động cụ thể trong huấn luyện, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai... Hàng trăm cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động được Ban chỉ đạo Cuộc vận động Quân đoàn và các cấp tặng giấy khen, bằng khen. Có thể nói rằng, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Quân đoàn 2 đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng bản lĩnh chính trị, tư tưởng lập trường, ý chí quyết tâm nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cho toàn thể cán bộ chiến sĩ, giúp Đảng bộ Quân đoàn thường xuyên đạt “Trong sạch, vững mạnh”, Quân đoàn “Vững mạnh toàn diện”.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một cuộc vận động lớn, với mục tiêu rất lớn, rất nhân văn. Nhưng qua quan sát và cảm nhận của tôi thì có rất nhiều cơ quan đơn vị hưởng ứng cuộc vận động này một cách chiếu lệ hình thức nên kết quả rất hạn chế. Nhưng ở Quân đoàn 2, qua những gì đồng chí Chính ủy vừa trao đổi thì Cuộc vận động đã đạt được hiệu quả khá cao. Đồng chí Chính ủy có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thực hiện này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Từ thực tiễn Cuộc vận động, chúng tôi đã rút ra những kinh nghiệm sau: Thứ nhất, phải thường xuyên giáo dục, tuyên truyền để tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và nhận thức, nhất quán và kiên trì trong tổ chức, thực hiện, làm cho Cuộc vận động thực sự trở thành một phong trào sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Thứ hai, tập trung sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng; quan tâm giáo dục, bồi dưỡng và phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt trong nói và làm; thực hiện phương châm “Trong trước, ngoài sau; trên trước, dưới sau”. Thứ ba, phải kết hợp chặt chẽ việc “Học tập” với “Làm theo”; giữa thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt với hướng dẫn động viên, tạo điều kiện để mọi người phát huy trách nhiệm, tích cực, tự giác trong thực hiện; quan tâm phát hiện những việc làm tốt, các gương điển hình để tuyên truyền nhân rộng, tạo nên nếp sống, lối sống của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị. Thứ tư, nâng cao nhận thức và cách làm. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là những vấn đề cao siêu, chung chung, mà nó gắn với hoạt động thực tiễn hàng ngày. Vì vậy cần gắn kết chặt chẽ giữa nội dung học tập với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra sự lan tỏa của Cuộc vận động trong đơn vị. Kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, những biểu hiện thiếu tích cực, giản đơn trong thực hiện.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Tôi rất tâm đắc với nhận định “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là những vấn đề cao siêu, chung chung, mà nó gắn với thực tiễn hàng ngày” của đồng chí Chính ủy. Ở Quân đoàn 2, cái “thực tiễn hàng ngày” đó là công tác bảo đảm huấn luyện và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Độc giả Văn nghệ Quân đội muốn biết cụ thể những việc này đang diễn ra như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Là một quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược của Bộ, Quân đoàn xác định nhiệm vụ huấn luyện là trọng tâm, xuyên suốt. Trong huấn luyện Quân đoàn thực hiện đúng phương châm “Cơ bản – Thiết thực – Vững chắc”; coi trọng yếu tố đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế địa bàn và đối tượng tác chiến; lấy huấn luyện kĩ thuật là cơ bản, huấn luyện chiến thuật là trọng tâm, huấn luyện phận đội là trọng điểm, huấn luyện cán bộ là then chốt. Kết quả huấn luyện các khoa mục thường xuyên đạt trên 75% khá giỏi. Quân đoàn luôn tích cực chủ động nghiên cứu thực địa, xây dựng, hoàn thiện và luyện tập các phương án tác chiến; tổ chức nhiều cuộc diễn tập cấp quân đoàn và diễn tập thực nghiệm cho bộ đội đạt chất lượng tốt, nhất là trong năm 2012 Quân đoàn diễn tập hiệp đồng quân binh chủng, diễn tập công tác bảo đảm kĩ thuật, diễn tập bảo đảm hậu cần thời kì đầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc... được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Sắp tới, quí 2 năm 2013 này Quân đoàn tiếp tục tổ chức diễn tập cơ quan chính trị cấp chiến dịch nhằm không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho tất cả các cấp toàn Quân đoàn.
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình: Vâng, qua buổi đối thoại này, chúng tôi đã hiểu thêm nhiều điều thú vị về một quân đoàn chủ lực Anh hùng với bề dày truyền thống trong chiến đấu, nhất là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hiện đang trấn giữ miền đất địa đầu Tổ quốc. Thay mặt các nhà văn mặc áo lính và độc giả Văn nghệ Quân đội xin cám ơn đồng chí Chính ủy, chúc cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 2 luôn xứng danh với quá khứ hào hùng và mãi mãi là niềm tin yêu của nhân dân!
ĐỖ TIẾN THỤY ghi
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội