Người ta vẫn bảo “nghề chọn người”, ngẫm chuyện nghề của y tá Trạc Thị Loan mà thấy đúng. Cả đời chị đã gắn mình với cái nghiệp nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân tâm thần.
ảnh minh họa
Cái nghề “giời đày” ấy tưởng như khiến bất cứ ai đều thoái chí, nản lòng ngay từ lúc học việc. Ấy vậy nhưng chị Loan đã làm một cách nhiệt tình, tận tụy suốt cả mấy chục năm trời.
Áo trắng giữa rừng xanh
Cách Khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc 3km, có Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần Hải Dương (Trung tâm) nơi những bóng áo trắng đang âm thầm cống hiến tuổi xuân của mình để những nụ cười nở mãi trên môi của những người đồng đội không may mắn. Họ là những y, bác sĩ của Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần Hải Dương, nơi xây tổ ấm của hàng trăm thương binh, bệnh binh bị hội chứng tâm lý do sức ép chiến tranh.
Cái “duyên nghề” bén với y tá Trạc Thị Loan, từ tuổi xuân xanh. Chị kể: “Hồi còn trẻ, mình làm y tá trong quân đội, có lần chăm sóc một thương binh bị hội chứng rối loạn tâm lý sau chiến tranh (PTSD) mà thương quá. Chiếc muôi, đôi đũa cũng biến thành khẩu súng, còn bàn ăn thành bãi chiến trường. Hình ảnh đó ám ảnh mãi, mình nguyện làm một điều gì đó giúp những người đồng đội của mình vơi bớt nỗi đau chiến tranh...”.
Khi mới thành lập, điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm rất khó khăn, vẻn vẹn một phòng y tế với mười tám cán bộ y, bác sĩ. Y tá Trạc Thị Loan tâm sự: “Với những người bị mắc bệnh thần kinh thì trí não họ cũng như đứa trẻ khó bảo, đòi hỏi y tá phải nhẫn nại, kiên trì trong từng hành vi nhỏ nhất như cách ăn nói, ứng xử hằng ngày. Nhiều lúc bệnh nhân lên cơn đập phá, phải dỗ dành, nịnh như con nít...”.
Y tá Trạc Thị Loan nhập ngũ năm 1978, đóng quân tại Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Chị được điều động từ Phòng Hậu cần Sư đoàn 312 về Phòng Tham mưu của Quân đoàn. Với sự nhiệt tình năng nổ của chiến sĩ trẻ, chị được tín nhiệm cử đi học lớp y tá quân đội, ban ngày đi chữa trị cho thương binh, đêm về mới đốt đèn trau dồi thêm kiến thức. Trở về đơn vị, chị làm cán bộ phụ trách y tế sư đoàn. Năm 1996, Trung tâm Thương, bệnh binh Hải Hưng được thành lập, chị xin chuyển công tác và làm việc cho tới bây giờ.
"Chân ướt chân ráo" về cơ quan, nhiều lần chị Loan phải bồng cả con nhỏ vào ở cùng với bệnh nhân cho tiện chăm sóc. Anh Mạnh-chồng chị làm than ngoài vùng Mỏ, hàng tháng mới đáo qua nhà một lần. Vì thế, nhiều khi chị vừa trực sáng xong lại phải trực đêm nên nhà cửa dường như bỏ không. Kể lại chuyện xưa mà đôi mắt chị đỏ hoe. “Khi sinh cháu thứ hai, do mải việc cơ quan nên tôi thường xuyên để hai chị em ở nhà tự trông nhau. Thiếu hơi ấm bàn tay mẹ, thằng nhỏ ngã bệnh từ lúc nào không hay. Lúc đó, hai vợ chồng mới tá hỏa chữa chạy khắp nơi nhưng thằng bé vẫn bỏ bố, mẹ mà đi”. Sau này, cháu lớn vào đại học, chị mới bàn với chồng sinh thêm cháu nữa nhưng với điều kiện anh phải nghỉ hưu non ở nhà trông con cho chị đi làm. Anh Mạnh tâm sự: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng được như ý mình, nhiều lần vào thăm vợ mới thấu hiểu những nỗi khổ của bệnh nhân nên chỉ biết nỗ lực động viên vợ trong công tác”.
Nỗi đau còn hiện hữu
Bệnh nhân Phạm Tuấn Hanh (64 tuổi) mới vào Trung tâm điều trị từ đầu năm 2011, sau khi Nhà nước đã có “giấy báo tử” hơn 38 năm. Ông được các bác sĩ kết luận nhiễm chất độc da cam hạng nặng nhất và do sức ép tâm lý dẫn đến tinh thần điên loạn. Năm 1973, đơn vị đóng quân ở chiến khu Đ, ông được giao nhiệm vụ đi trinh sát tình hình chiến sự. Trong một trận càn của địch ở Phước Long-Bình Phước, ông bị thương phải lánh lên rừng, rồi mất liên lạc với đơn vị. Ông lang bạt khắp núi rừng miền Đông cho đến khi hòa bình lập lại. Để tồn tại qua ngày, ông dựng một túp lều trên núi cao rồi xuống dân cày thuê, cuốc mướn. Gần đây có người cùng làng vào làm ăn thấy ông, nhận ra người quen rồi đưa về quê đoàn tụ với gia đình. Về ở với anh trai nhưng do ám ảnh những năm tháng chiến tranh, ông thường xuyên đập phá đồ đạc, luôn biến căn nhà thành chiến trường nên cuối cùng gia đình mới xin vào trung tâm nuôi dưỡng.
Đó là tấm lòng của bác sĩ Triệu Thị Vui khi trực tiếp chữa bệnh cho thương binh Vũ Văn Nhưng-người đồng đội cũ tại chiến trường Quảng Trị. Hai người đã từng ở chung chiến hào trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Chị Vui kể lại: Ngày đó, chị là thanh niên xung phong còn anh là chàng sinh viên mới lên đường nhập ngũ. Là đồng hương nên hai người thường xuyên viết thư thăm hỏi động viên nhau trong chiến đấu. Rồi anh bị thương phải cắt bỏ một chân và thường xuyên lên cơn động kinh. Gia đình đưa anh vào Trung tâm để tiện bề chăm sóc... Trong câu chuyện của chị Vui, tôi thấy một nét buồn xa xăm nơi khóe mắt, phải chi không có chiến tranh tàn khốc, họ có thể đã trở thành một gia đình hạnh phúc...
Hiện nay ngoài đối tượng người có công, gia đình chính sách, Trung tâm còn tiếp nhận cả những đối tượng xã hội từ bên ngoài vào. Để giảm gánh nặng cho xã hội thì trách nhiệm của những người thầy thuốc càng nặng nề hơn. Điều đó minh chứng cho tấm lòng “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc và cán bộ, nhân viên nơi đây.