Dân Việt - Có một thời, nghề trồng và bốc thuốc nam ở Đại Yên nổi danh khắp đất kinh kỳ. Nhưng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, những vườn thuốc nam đang dần bị thu hẹp và chìm vào quên lãng.
Dấu xưa, nghề cũ
Nằm sâu trong ngõ nhỏ hun hút trên đường Hoàng Hoa Thám là làng Đại Yên - ngôi làng cổ thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Gần 1000 năm nay, người làng sống bằng nghề trồng và bán thuốc nam, có gia đình cha truyền con nối qua hàng chục thế hệ.
|
Những người làm thuốc ở Đại Yên hầu hết là người cao tuổi.
|
Chúng tôi may mắn gặp được cụ Nguyễn Thị Chính (90 tuổi) - người có thâm niên gần 60 năm làm thuốc. Cụ cho biết, vào những năm 70, 80 của thế kỉ XX, cả làng Đại Yên là vựa thuốc cung cấp cho Viện Y Dược học cổ truyền, Đại học Dược, cho các chợ thuốc nam khắp Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.“ Người Đại Yên ai ai cũng biết trồng và bốc thuốc.
Từ cổng làng ra đến ngoài ngõ đều là chợ lá, tấp nập kẻ bán, người mua. Trẻ em 6 -7 tuổi đã biết phân biệt công dụng của từng loại lá” - cụ Chính tâm sự.
Tuy nhiên, theo cụ Chính, trẻ em bây giờ không còn quan tâm đến cây thuốc. Những vườn thảo mộc trước đây cũng dần bị thay thế cho các khu nhà cao tầng san sát. Từ một làng có 100% hộ trồng thuốc nam, Đại Yên hiện nay chỉ còn lại hai vườn thuốc của bà Nguyễn Thị Quế (73 tuổi) ở số nhà 30, ngõ 173, Hoàng Hoa Thám và bà Nguyễn Thị Chinh (73 tuổi), ngách 68, ngõ 173 Hoàng Hoa Thám.
“Nghề trồng thuốc cũng vất vả như nghề trồng lúa. Tùy vào đặc tính của từng loại cây mà có cách thu hoạch, sơ chế khác nhau. Có loại phải hái vào sáng sớm, có loại phải tỉa lá, phơi khô mới được sao” – bà Nguyễn Thị Chinh, chủ một vườn thuốc chia sẻ.
|
Các lá thuốc nam được bày bán tại chợ.
|
Trong mảnh vườn dược liệu của gia đình, bà Chinh trồng nhiều cây thuốc nam như hương nhu, mã đề, lô hội, sài đất, trinh nữ hoàng cung, huyết dụ, lưỡi đồng… “Mỗi loại lá có thể chữa được nhiều bệnh khác nhau. Lá đinh lăng dùng để chữa ho. Cây mã đề chữa lợi tiểu, viêm đường tiết niệu, tiêu chảy, cầm máu. Lá láng dùng để bóp chân. Nhọ nồi chữa cảm sốt. Lá sả, hương nhu, cúc tần để nấu nước tắm, nước xông. Chỉ có những người cả đời làm bạn với thuốc nam như chúng tôi mới biết hết công dụng của chúng” - bà Chinh giới thiệu.
Trăn trở giữ nghề
Quá trình đô thị hóa diễn ra như vũ bão đã khiến những vườn dược liệu quý ở Đại Yên dần bị thu hẹp và biến mất. Không còn đất, một số hộ phải tìm tới các tỉnh lân cận để thu mua lá và thuê đất trồng cây. Cô Nguyễn Thị Huyền – chủ một sạp thuốc chia sẻ: “Chợ lá bây giờ chỉ còn vài ba người bán hàng, khách mua cũng lèo tèo nên không mấy ai mặn mà với nghề nữa. Để bám trụ, nhiều người làm thuốc ở Đại Yên phải tới các chợ lớn trong nội thành như Lê Quý Đôn, Kim Mã Thượng, Cửa Nam…để đổ mối”.
|
Cụ Nguyễn Thị Chính (90 tuổi) đã gắn bó với nghề thuốc nam gần 60 năm nay.
|
Cũng theo cô Huyền, những người gắn bó với thuốc nam hiện giờ đều là người trung tuổi và cao tuổi. Họ tìm đến nghề từ khi còn là những đứa trẻ, trải qua hàng chục năm vẫn giữ được tình yêu với những cây thuốc quý. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, họ còn nặng lòng với nó chủ yếu cho đỡ nhớ nghề, còn lời lãi từ công việc này thì không đáng kể.
|
|
|
Một số hộ trồng thuốc trong các chậu cây vì không có đất.
|
Để duy trì nghề truyền thống đang dần bị mai một, những người làm thuốc nam cuối cùng ở Đại Yên rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nước. Bà Trương Thị Cưởi - tổ trưởng tổ 59, khu 10, Đại Yên cho biết: “Nguyện vọng của người dân là có một cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuốc ở địa phương. Đây sẽ là nơi tập trung các thầy lang giỏi, có kinh nghiệm tới chữa bệnh, bốc thuốc. Chúng tôi muốn nghề làm thuốc nam ở Đại Yên được quảng bá rộng rãi, để những thế hệ sau không phải thiệt thòi khi chỉ biết đến một làng thuốc quý qua sách vở”.
Đỗ Oanh