Người kể chuyện Bác Hồ
Với đại tá Trần Ngọc Bích, mỗi dịp trò chuyện với những thanh niên thôn Vạn Phúc Đông (xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), những ký ức về những năm tháng sống trong quân ngũ và phục vụ đất nước như sống lại. 15 năm công tác tại Trung đoàn bay 919, có đến 9 năm ông vinh dự được gắn bó bên Bác Hồ trên những chuyến chuyên cơ phục vụ lãnh tụ. Ở thôn này, ai cũng biết đến ông với cái tên gần gũi “Người kể chuyện Bác Hồ”.
Bàn thờ Bác được đặt vị trí trang nghiêm trong nhà đại tá Trần Văn Bích
Năm 1945, người chiến sĩ trẻ Trần Ngọc Bích tròn 20 tuổi, theo đoàn quân tiến về Hà Nội tiếp quản thủ đô. Đến tháng 2/1956, ông được tuyển chọn sang tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc học lái máy bay. Tháng 4/1958, ông tốt nghiệp lớp máy bay ném bom TU2, ở Trường số 2, Quân giải phóng Trung Quốc. Vào thời điểm đó tình hình trong nước có một số biến động, ông Bích phải chuyển sang học lớp máy bay vận tải AN2. Sau khi hoàn thành khóa học tháng 2/1960, ông về nước tham gia vào Đoàn bay 919, thuộc Quân chủng phòng không không quân ViệtNam. Người bạn gắn bó với ông trong năm tháng cống hiến ở Đoàn bay 919 chính là Thiếu tướng Nguyễn Đình Khoa, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty bay dịch vụ.
Nhớ về người đồng đội, Thiếu tướng Nguyễn Đình Khoa xúc động: “Đại tá Trần Văn Bích là linh hồn, anh cả của đội bay. Tính anh phóng khoáng, thẳng thắn và rất vui vẻ. Nhưng trong công việc anh rất nghiêm túc, nhiệt tình. Nhiều thế hệ lính phi công đã trưởng thành dưới bán tay huấn luyện của người anh cả này”.
15 năm công tác tại Đoàn bay 919, phi công Trần Ngọc Bích có rất nhiều chuyến bay chuyên chở Bác Hồ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Lào, tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp viện cho chiến trường. Những lần được gặp Bác đều để lại ấn tượng sâu sắc với người lính không quân ấy. Ký ức về những ngày được cùng ăn, cùng trò chuyện, được chứng kiến nếp sống giản dị, gần gũi của Bác Hồ mãi khắc sâu trong tâm trí ông. Học tập và noi gương Bác, Đại tá Trần Ngọc Bích luôn giữ vững phẩm chất kiên trung, cao đẹp của một người lính. Dù là lính trực thăng của Đoàn bay 919, hay sau này là Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân trực thăng 916 rồi Chánh thanh tra quân bay vận tải Quân chủng, Hiệu phó trường Sĩ quan chỉ huy không quân, Cục phó cục Quân huấn… ông Bích đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tự nhắc nhở mình và nhắc đồng đội sống xứng đáng với Bác, xứng đáng với tên gọi người lính cụ Hồ.
Đại tá Trần Văn Bích chụp ảnh với đồng đội cũ trong một dịp gặp mặt
Nghỉ hưu năm 1990, ông Bích lại về sống bên dòng La hiền hòa, gắn bó với công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở địa phương. Ở vùng quê này, ông trở thành người lưu giữ và truyền khẩu nhiều nhất những câu chuyện về Bác Hồ. Ông Chu Lương Tâm, phó Chủ tịch xã Trường Sơn cho biết: “Nhiều năm qua, bác Bích là người cựu chiến binh có nhiều đóng góp cho thông xóm. Đặc biết, trong các dịp lễ thiếu nhi, trung thu, bác vừa là người quyên góp nhiều đồng thời vận động mọi người cùng tham gia”.
Dạy con cháu, ông Bích luôn đề cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn ”, ơn Đảng, ơn Bác… 4 người con đều noi gương ông, sắp đặt trang trọng ảnh Bác Hồ ở một gian bàn thờ, thắp hương vào mỗi dịp rằm, lễ, tết. Hiện nay, người cháu nội của ông cũng đang tiếp bước ông làm phi công cho hãng hàng không Vietnam Airline. Nhiều thế hệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở xã Trường Sơn từng được trò chuyện với đại tá Trần Ngọc Bích trong giờ học ngoại khóa vẫn nhớ đến ông, người say mê kể chuyện Bác Hồ.
Nhớ cái ôm nhắc nhở của Bác
Rời làng Vạn Phúc Đông, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của một người lính cũng đã có nhiều năm vinh dự được tham gia trên những chuyến bay với Bác, tên ông là Nguyễn Đăng Thường. Có một điều thú vị người lính già này cho chúng tôi biết, Đại tá Trần Văn Bích chính là người anh, người thầy đã dìu dắt ông trong những ngày làm lính phi công.
Thượng tá Nguyễn Đăng Thường bên những kỷ vật cũ
Những năm tháng luyện trong quân ngũ khiến ông vẫn còn rất phong độ ở độ tuổi ngoài 80. Mái tóc trắng như cước, màu da đỏ au, và ấn tượng trong chúng tôi về ông chính là cách nói chuyện đậm chất người lính Cụ Hồ.
Cuộc đời lính gắn bó với ông hơn 30 năm nhưng với ông những năm tháng được tham gia lái máy bay cho bác hồ là những kỷ niệm thiêng liêng và rất đỗi khó quên. Từng câu nói, cử chỉ của người mãi in sâu trong trí nhớ của người cựu binh năm xưa.
Vợ chồng Thượng tá Nguyễn Đăng Thường
Ông kể: "Chuyến bay đầu tiên cũng là chuyến bay tôi nhớ nhất. Tôi không tham gia lái chính chỉ ngồi ở ghế phụ lái. Hôm đó và khoảng ngày 24 rạng ngày 25/12 (1967). Đây là thời điểm Noel, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom. Chúng tôi được nhiệm vụ chở Người sang Trung Quốc, nhưng do thời tiết xấu phải hạ cánh ở sân bay Nội Bài. Vừa xem xét để nắm tình hình của địch, đồng thời các đồng chí tranh thủ kiểm tra lại máy móc thiết bị. Lúc này, Bác cũng bước ra ngoài và ngồi xuống bên cạnh tôi nói chuyện với tất cả mọi người rất vui vẻ. Bác hỏi thăm, rồi dặn dò mọi người giữ gìn sức khỏe. Khi chuẩn có lệnh cất cánh, Bác bỗng quay sang ôm ngang người tôi thật chặt, giọng xúc động: “Phi công ta cũng không to cao bằng phi công của các nước khác, không biết các cháu ăn có đủ no không?”. Lúc này, một đồng chí trong đoàn đứng dậy khẳng khái: “Thưa bác, tuy phi công chúng ta ăn chưa no, vóc người không to nhưng gan thì to lắm ạ. Dám đánh cả giặc Mỹ”. Bác đứng dậy, nhìn chúng tôi trìu mến, Người nói “Bác rất tin”".
Sau chuyến bay này, ông Thường còn tham gia trong tổ lái máy bay cho Bác thêm ba lần nữa.
Phượng Vũ - Văn Dũng