(Dân Việt) - Bốn anh em ruột là bộ đội, cùng đi tập kết và cùng có mặt tiếp quản TP. Đà Nẵng sau giải phóng. Cuộc trùng phùng hiếm có này xảy ra với bốn anh em dòng họ Nguyễn Bá ở Hoà Liên (Hoà Vang, Đà Nẵng).
Đó là Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát-nguyên Tư lệnh Hải quân; đại tá Nguyễn Bá Trình-nguyên Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Lăk; đại tá Nguyễn Bá Phước- nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ); trung tá Nguyễn Bá Ninh- trợ lý chính trị Cục Chính trị Quân khu 5.
|
7 anh em trong gia đình: Hàng đứng từ trái qua: Nguyễn Bá Phước,
Nguyễn Bá Phát, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Bá Ninh. (Ảnh gia đình cung cấp)
|
Họ là những người con trai trong gia đình có 7 người đều tham gia cách mạng và hiện nay đều đã mất. Chị gái Nguyễn Thị Liên tập kết ra Bắc, 2 người ở lại là Nguyễn Thị Hạt và Nguyễn Thị Hợi là đều cơ sở cách mạng ở Đà Nẵng. Đặc biệt, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, sinh năm 1921 là vị tướng tài trí vẹn toàn. Tên tuổi ông gắn liền những chiến công vang dội ở Liên khu 5 thời chống Pháp và miền Bắc thời đánh Mỹ, cứu nước, có công trong việc đặt nền móng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học quân sự đợt đầu tiên. Tên ông đã được đặt cho một đường phố chính ở Đà Nẵng. Một ngôi trường THCS ở Hòa Liên cũng đã mang tên ông.
Ông Nguyễn Duy Nghi, hiện ở xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình, người bạn thân thiết của gia đình, vẫn nhớ như in cái ngày ông là công vụ cho đại tá Nguyễn Bá Phước, lúc này là Phó Tư lệnh Mặt trận 4, Chủ tịch quân quản Hội An: “Sau khi tham gia giải phóng Hội An, anh Phước ra ngay Đà Nẵng.
Vài ngày sau đó, vào buổi chiều, bốn anh em họ đã có một buổi đoàn tụ thật đáng nhớ ở khu gia binh đường Thống Nhất nay là đường Lê Duẩn. Lúc này anh Nguyễn Bá Phát là Tư lệnh Hải quân tiền phương tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh Nguyễn Bá Trình là Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Hậu cần từ miền Bắc về, anh Ninh là đặc phái viên chiến trường B của Tổng cục Chính trị cũng đã vào.
Tôi còn nhớ, cả bốn người mặc quân phục, đội mũ cối, lần lượt từ trên các xe của đơn vị bước xuống, ôm chầm lấy nhau, cười hể hả. Chiến tranh đạn bom ác liệt, họ vào sinh ra tử là thế mà nhờ hồng phúc cha mẹ, không ai hề hấn gì. Gặp nhau khoảng một tiếng thì phần ai nấy đi. Anh Phước đi Cù Lao Chàm, anh Phát đi giải phóng Trường Sa”.
Người xưa đã thành thiên cổ, nhưng bóng dáng bốn anh em họ Nguyễn Bá xanh màu quân phục ôm chầm lấy nhau bên bờ sông Hàn sau giải phóng như còn đâu đây trong những ngày tháng 4 lịch sử …
Hồng Vân