(HNHN) Những ngôi nhà hình ống và những mái nhà chồng diêm, với mái ngói cong, lô xô và mềm mại đã tạo cho Hàng Bạc một nét duyên riêng giữa rất nhiều những con phố cổ của Hà Nội.
Cộng với những di tích lịch sử được dựng lên ở con phố này làm cho Hàng Bạc vừa cổ kính vừa tâm linh. Điều này khác hẳn với bất cứ một con phố nào ở Châu á. Thế mới biết tại sao khách du lịch quốc tế khi đến Hà Nội bao giờ họ cũng chọn Hàng Bạc làm điểm dừng chân lâu nhất.
Cho đến nay người ta vẫn chưa thấy cuốn sách nào nghiên cứu của các chuyên gia sử học ghi chép niên đại ra đời của phố hàng bạc. Nhưng theo tấm bia ghi ở đình Dũng Hãn (số 42 Hàng Bạc) thì phố Hàng Bạc ra đời vào thời nhà Lê. Thời Pháp thuộc - Phố Hàng Bạc còn có tên tiếng Pháp là Rue de changeurs (tức là phố Đổi Bạc hay phố của những người nhiều tiền). Những ngày ấy phố Hàng Bạc là nơi tập trung những người thợ tinh xảo trong kỹ thuật chế tác đồ vàng bạc của đất kinh kỳ. Những người làm nghề này ngoài một số người dân Hà Nội gốc còn phần lớn là những cư dân cuả 3 làng khác di cư đến: dân làng Châu Khê (huyện Hưng Yên, chuyên đúc bạc đổi tiền), dân làng Định Công Thượng (huyện Thanh Trì - Hà Nội, chuyên Đồ Đậu) và dân làng Đồng Xâm (nổi tiếng với nghề chạm bạc). Sở dĩ có chuyện những người dân ở nơi khác về đây lập nghiệp là vì: vào thế kỷ 15, quan thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín - vốn là người làng Châu Khê được triều đình nhà Lê giao cho việc lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay), lúc bấy giờ bạc nén được dùng làm đơn vị tiền tệ để trao đổi. ông đã đưa thợ ở Châu Khê tới kinh thành lập xưởng đúc bạc.
Dần dần cùng với nghề đúc Bạc, thợ Châu Khê làm cả nghề thợ trang trí vàng bạc. Đến đầu thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, xưởng đúc bạc nén chuyển vào Huế, nhưng phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở lại Thăng Long làm nghề kim hoàn. Họ lập thành phường thợ tại phố Hàng Bạc ngày nay. Lúc này do việc phải tuyển gấp người để chuyên phục vụ nhu cầu đúc bạc cho vua quan, nho sỹ và xây dựng nhà cửa nên những người thợ vàng bạc ở Định Công và Đồng Xâm cũng tới đây lập nghiệp. Người ta chuyên sản xuất, buôn bán kể cả đổi bạc nén lấy bạc vụn. Đây cũng là sự giải thích vì sao phố Hàng Bạc còn có tên là phố Đổi Bạc. Dân các làng đến Hàng Bạc theo họ hàng, làng xóm với nhau, và họ sống quần cư tại một điểm, một phường. ở mỗi làng lại chuyên một nghề, vì thế mới có chuyện ở con phố dài ấy có người thì chuyên sản xuất, người thì chuyên mua bán... làm cho con phố này lúc nào cũng tấp nập. Điều thật thú vị ở Phố hàng Bạc là bên cạnh sự vương giả ấy, còn có một cái gì đó sâu lắng lạ thường: Những ngôi nhà hình ống và những mái nhà chồng diêm, với mái ngói cong, lô xô và mềm mại đã tạo cho Hàng Bạc một nét duyên riêng giữa rất nhiều những con phố cổ của Hà Nội. Cộng với những di tích lịch sử được dựng lên ở con phố này làm cho Hàng Bạc vừa cổ kính vừa tâm linh. Điều này khác hẳn với bất cứ một con phố nào ở Châu á.
Thế mới biết tại sao khách du lịch quốc tế khi đến Hà Nội bao giờ họ cũng chọn Hàng Bạc làm điểm dừng chân lâu nhất. Chẳng thế mà Jacques - một kiến trúc sư người Pháp khi đến Hàng Bạc đã mê tít lối kiến trúc của những ngôi nhà cổ ở đây. Những ngôi nhà hình ống với bề dài, rộng tuy có hạn, nhưng lại vẫn tạo được khoảng không gian, ở đó có nơi để thờ cúng, có nơi để nghỉ ngơi, sản xuất và buôn bán, nhưng vẫn rất thông thoáng có đủ lượng ánh sáng chiếu vào. Nhà chồng diêm thì khác hẳn: là loại nhà hai tầng không hoàn toàn với gác xép có cửa giả hay cửa cỡ nhỏ hoặc cửa tròn mở ra phố. Loại nhà này ngoài mái ngói nghiêng xuống mặt phố còn có mái tranh vẩy thêm ra hè. Hai đầu hồi xây vài ba bậc, có đường chỉ hay đường triện đơn giản. Bờ nóc hai mái hơi cong lên ở hai đầu và gờ trang trí. Kết thúc ở hai đầu góc mái là cái đầu xây trang trí gạch bằng chỉ. Với lối kiến trúc này làm cho phố Hàng Bạc khác hẳn với những con phố khác của Hà Nội. Những di tích lịch sử ở phố Hàng Bạc cũng được thống kê là nhiều nhất trong các phố cổ của Hà Nội, nổi tiếng là đình Dũng Hãn, đình Trương Thị, đình Kim Ngân... ông cụ trông coi đình Dũng Hãn cho biết: Đình Dũng Hãn có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44, được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Đây là ngôi đình rộng nhất ở phố cổ Hà Nội, ở chính giữa dùng để thờ Linh Lang Vương, bên ngoài có miếu thờ thần nữ. Mỗi ngôi đình ở phố Hàng Bạc được gắn với một dòng họ riêng.
Ngày xưa khi người dân ở các làng lên đây lập nghiệp, họ đã đều dựng một ngôi đình để làm nơi hội họp, tế lễ. Ví dụ như người dân làng Châu Khê khi lên đây đã dựng ngôi đình Trương Thị và đình Kim Ngân để hội họp, cho đến cuối thế kỷ 19, khi dân làng Châu Khê lên lập nghiệp ngày càng đông thì ngôi đình Trương Thị và đình Kim Ngân không đủ chỗ cho dân làng hội họp tế lễ nên họ đã mua Nội Miếu ở thành Hài Tượng (nay là số 30 phố Hàng Giầy) để làm đền thờ Vọng. Dân làng Định Công thì lập đền thờ 3 ông tổ nghề Kim Hoàn là: Trần Điền, Trần Điện và Trần Hoàn, và hàng năm cứ vào ngày 12/2 âm lịch dân làng Định Công lại mở hội tưởng nhớ công lao 3 người thầy nghề Kim Hoàn. Người làng Đồng Xâm lên đây ít nên chưa có điều kiện lập đình miếu. Nên hàng năm vào ngày giỗ tổ người dân làng Đồng Xâm ở Hà Nội đều về làng dự hội. Cuộc sống thời mở cửa đã có những điều khác xưa rất nhiều, song những người thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc vẫn luôn làm ra những sản phẩm vàng bạc tinh xảo.
Trên các đồ vàng bạc ấy người ta dễ nhận thấy hai đặc điểm nổi bật là tạo dáng nghệ thuật và tạo văn rất tinh xảo, sinh động làm hấp dẫn ngày càng đông khách du lịch đến thăm quan và mua sắm. Tuy nhiên trong dòng người tấp nập đến phố Hàng Bạc ấy cón có rất nhiều người tới những ngôi đền tự xưa thắp nén nhang cầu mong những điều tốt đẹp.
Theo Nguoihanoi
|