(HNM) - Nằm gọn một bên đường kề vòng xoay Lăng Cha Cả và công viên Hoàng Văn Thụ (phường 4, quận Tân Bình), "phố Bắc" từ nhiều năm đã trở thành địa chỉ ẩm thực và dịch vụ quen thuộc đối với nhiều người miền Bắc đang sinh sống và lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Tới "phố Bắc", ấn tượng đầu tiên là những tên địa danh quen thuộc ở phía Bắc, như: Thăng Long, Long Biên, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Ba Vì… Người dân ở đây cho biết, nơi này còn có đường Thăng Long được đặt tên từ trước thời điểm hình thành tuyến Đại lộ Thăng Long ở Hà Nội. "Do chi tiết đặc biệt này, cứ mỗi lần có người thân từ Hà Nội vào chơi, chúng tôi thường gọi vui con đường ở đây là "Thăng Long 1", còn ở Hà Nội là "Thăng Long 2" - bà Trang, người dân sống ở "phố Bắc" rôm rả kể.
|
"Phố Bắc" ngày càng trở nên sầm uất. |
Không chỉ quen thuộc bởi những cái tên "rặt" miền Bắc (theo cách nói của người Nam bộ), ở mỗi con đường nơi đây, người ta kinh doanh một nghề đặc trưng. Chẳng hạn, nhà hàng, quán ăn ở Phan Thúc Duyên; nghề cắt tóc, gội đầu phổ biến trên đường Đồ Sơn…
Chị Hà Thị Thúy (quê gốc ở Quảng Lộc, Quảng Xương, Thanh Hóa), chủ tiệm cắt tóc Thúy Nga Paris (4/1B Đồ Sơn) cho biết, chỉ trên một khu vực khoảng 200m đã có trên dưới 20 tiệm cắt tóc, gội đầu, dịch vụ hair - cut, hair cleaning, hay ear - wax. Ở khu vực này, ngoài người Hà Nội sinh sống tập trung, còn có người Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Tuyên Quang sống xen kẽ và đa số có nhà riêng, do vào định cư sớm từ những năm 80-90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, theo chủ tiệm Thúy Nga Paris, vài năm gần đây khi "phố Bắc" phát triển nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, cà phê… nên cũng có cả người Quảng Ngãi và Quảng Bình theo vào sinh sống làm ăn. Họ thuê trọ ở sâu trong hẻm của các đường Long Biên, Ba Vì hay Đồ Sơn, để buổi tối gánh hàng, đẩy xe dạo buôn bán các đồ lặt vặt cho người thành phố và cả người nước ngoài.
Ở "phố Bắc", dịch vụ nhà hàng ăn uống tập trung nhiều ở hai đường Thăng Long và Phan Thúc Duyên, với nhiều thương hiệu đặc sản của các địa phương phía Bắc, như bún chả, phở, thịt chó, gà nướng, bún cá rô đồng, miến lươn…
Để cảm nghiệm thực tế về đời sống ẩm thực của người miền Bắc ở giữa lòng phương Nam này, chúng tôi quyết định ghé quán thịt chó Nhật Tân ở 3/1 Đồ Sơn. Những thực khách quen của nhà hàng cho biết, quán này đã hình thành từ lâu và trở thành địa chỉ thường xuyên tới lui của những thực khách ghiền món này. Mỗi ngày, từ 18h, quán đã nườm nượp khách, không chỉ người Việt, mà cả người nước ngoài cũng rất thích ăn thịt chó. Tuy thế, quán chỉ mở đến trước 22h là dọn dẹp để đóng cửa. Myung Cheol (21 tuổi), sinh viên đang theo học tại Trường Đại học KH-XH&NV TP Hồ Chí Minh kể, vào chiều thứ bảy mỗi tuần, sau khi chơi tennis ở CLB quần vợt Lâm Thiện Thanh trên đường Thăng Long, anh và nhóm bạn lại ghé quán thịt chó Nhật Tân để "nhâm nhi". Theo Myung Cheol, ở Hàn Quốc, người dân cũng chuộng thịt chó, chỉ khác một chút là người Hàn thường chế biến các món ăn ít sả hơn nhưng nhiều rau và nấm ăn kèm. "Nhưng thịt chó Nhật Tân rất ngon", Cheol nói bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ.
|
Khu ẩm thực góc đường Giải Phóng và Thăng Long là địa chỉ lui tới thường xuyên của người gốc Bắc. |
Ở "phố Bắc" còn có nhiều câu chuyện rất lý thú. Chị Hà Thị Thúy (4/1B Đồ Sơn) cho biết, không biết có phải người Hàn Quốc thích ăn thịt chó hay không, nhưng với những gì chị biết thì thịt chó đúng là món khoái khẩu của họ. Chị nói, đường Phạm Văn Hai - "phố thịt chó" ở Sài thành cũng là nơi có khá đông người Hàn Quốc sinh sống và mấy năm gần đây, người Hàn Quốc đã tập trung về sống ở "phố Bắc", xen kẽ với những gia đình người Bắc. Quả thực, người ta không khó để tìm ra những quán cà phê, quán ăn truyền thống, hoặc cao ốc kinh doanh do người Hàn Quốc mua hoặc thuê lại để buôn bán, kinh doanh. "Văn hóa của chúng tôi cũng gần gũi với văn hóa truyền thống của người Bắc bộ, cả về cách suy nghĩ làm ăn nữa - Đều rất năng động và chăm chỉ. Còn thịt chó thì 90% người Hàn thích ăn và người Việt có vẻ cũng thích ăn món này như chúng tôi", ông Kim Soeng Deok, chủ quán ăn nhanh ở đây chậm rãi nói. Cách quán của ông Kim khoảng mươi thước, có một tiệm massages và làm nail của người Hàn. Quán này có tiếng và người Hàn Quốc thường xuyên lui tới. "Thỉnh thoảng cũng có những phụ nữ người Hà Nội quý phái tới đó để làm nail", ông Kim cho biết thêm.
Bên cạnh những nét độc đáo về ẩm thực truyền thống của miền Bắc, vài năm gần đây khi người nhập cư tăng lên, các quán cà phê, karaoke, dịch vụ giải trí cũng bắt đầu xuất hiện. Dạo qua một vòng "phố Bắc" có thể cảm nhận rõ rệt về điều này. Nguyễn Thị Huyền Trang chuyển về "phố Bắc" được hơn một năm nay, cho biết: Vào dịp cuối tuần, nhất là mùa bóng đá, những quán cà phê ở đây thường không còn chỗ trống. Để giữ khách, các chủ quán không chỉ bố trí ti vi màn hình lớn, rõ nét, mà còn kết hợp thêm cả nhạc sống, hoặc phục vụ free các bàn cờ tướng để khách chơi trong lúc rảnh rỗi. Điển hình như tại Kenbel Café trên đường Thăng Long, chủ quán này hào phóng mời hẳn một ban nhạc Guitar Acoustic vào mỗi 20h tối thứ sáu hằng tuần để thu hút các "thượng đế". Ở đây, đa phần là giới trẻ, thế hệ 8X, 9X theo cha mẹ vào Nam lập nghiệp. Một bạn trẻ có cái tên rất Tây - Tara Phương cho biết, ở "phố Bắc" không có không gian cà phê rộng rãi như ở The One (Tô Hiệu, Cầu Giấy), hay Amigo (Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm)… nhưng lại có không gian đặc biệt, với Acoustic là xu hướng thời thượng của giới trẻ hiện nay. "Hồi mới vào đây, em không nghĩ là trong Nam cũng có một khu thế này, vừa có thể thưởng thức một tô phở truyền thống Hà Nội ngay đầu ngõ, nhưng cũng có thể dễ dàng tìm một quán cà phê theo phong cách hiện đại, rất giống với những quán thu hút giới trẻ ở trung tâm của Hà Nội bây giờ" - Tuấn Anh (6/1 Đồ Sơn, phường 4), một bạn trẻ sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở "phố Bắc" cho biết.
Xen kẽ giữa truyền thống và hiện đại, "phố Bắc" hôm nay ngày càng được nhiều du khách biết đến. Cùng với những thương hiệu đặc sản đã được những người gốc Bắc mang vào, nơi đây đã và đang trở thành nơi gìn giữ, phát triển một nét văn hóa đặc trưng của Bắc bộ, của Hà Nội ngay giữa Sài thành...