Nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên
|
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên trên hành trình ra với Trường Sa
|
Trường Sa đã để lại trong lòng tôi nhiều ấn tượng. Từ năm 2004 mỗi năm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức một chuyến đi thăm và kiểm tra các hoạt động trên quần đảo Trường Sa, đến nay, đoàn chúng tôi đi là đoàn thứ chín. Và, đặc biệt năm nay (2012) thành phố yêu cầu tổ chức hai đoàn nên đoàn chúng tôi được gọi tên là Đoàn công tác 1.
Đoàn công tác 1 TPHCM do đồng chí Nguyễn thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM làm Trưởng đoàn; Phó đoàn là Phó Đô đốc Hải quân Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân, đã hoàn thành chuyến đi từ ngày 15 - 23/4/2012.
Chúng tôi chủ yếu ăn và ngủ trên tàu. Các buổi sáng buổi chiều và đêm hoạt động trên đảo, thăm hỏi, tặng quà, nghe các báo cáo và trao đổi với các cán bộ chiến sĩ, và phục vụ văn nghệ, giao lưu…
Đi cùng đoàn có một nhóm văn nghệ được gọi là văn công. Trừ NSƯT Quỳnh Liên, còn lại là những giọng ca trẻ: Nguyễn Phi Hùng, Trung Hậu, Khánh Hồng, Ngọc Giang, Bảo Phương, Hà Ngọc và hai giọng ca cổ còn rất trẻ đã từng đoạt giải Trần Hữu Trang: Vũ Thanh Lâm và Hồng Thắm. Ấy thế mà “quậy” cũng ra trò, hấp dẫn được nhiều người.
Dọc hải trình, thỉnh thoảng một vài cơn mưa nhỏ thoáng qua. Tôi vào cabine ngồi trò chuyện cùng các chiến sĩ trẻ tổ lái tàu. Chúng tôi đi trên chiếc tàu mang tên TITAN. Đây là chiếc tàu cứu hộ có thể chịu đựng được giông tố, biển động trên cấp 12. Do đó, mặc dù giông bão cỡ nào, TITAN vẫn xông vào biển khơi, lướt sóng, lao vào cuồng phong sóng dữ để cứu nạn cứu hộ. Đó là nhiệm vụ và cũng là sứ mạng cao cả của TITAN có phiên hiệu HQ 960 của Lữ đoàn 125. Lịch sử ra đời của Lữ đoàn cũng mang tính chất “huyền thoại”! Để chi viện cho cách mạng miền Nam, cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125) được thành lập để mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn lúc 6 giờ sáng ngày 17/4 sau hai ngày hai đêm vượt trùng dương. Tàu neo lại. Và chúng tôi chuyển sang những chiếc thuyền, những chiếc xuồng nhỏ trung chuyển để cập vào bờ.Đảo không hoang vắng. Nhiều mảng cây xanh trên đảo. Những đảo khác những ngày sau đó chúng tôi đến cũng vậy. Rất nhiều loại cây thích hợp với Quần đảo Trường Sa: cây phong ba, cây bão táp, cây tra, cây bàng quả vuông, xương rồng, phi lao, muống biển, dừa, đu đủ… cũng như các loại rau.
Là một hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa” nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông, đảo Trường Sa nằm ở phía Nam và là đảo lớn của quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 254 hải lý. Đảo có hình dáng gần như một tam giác vuông, có cạnh huyền nằm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim của nhiều loài chim sinh sống ở nơi đây như hải âu, hải yến, vịt biển.
Đảo Trường Sa Lớn nằm trên nền san hô ngập nước, nền san hô ở phía Đông rộng thoai thoải, phía Tây hẹp và dốc. Trên đảo có nước lợ nằm ở độ sâu khoảng hai mét thuận tiện cho tắm, giặt, tưới cây, đây là sự ưu đãi của thiên nhiên dành cho con người ở đảo. Đảo Trường Sa còn gọi là thị trấn Trường Sa là Trung tâm Hành chính của huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có các hộ dân, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh như: Trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới, thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết, khí hậu, khí tượng ở khu vực Biển Đông, nhà khách Thủ Đô (do Hà Nội xây tặng), nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, chùa Trường Sa Lớn…Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió bão.
Bấy giờ là mùa khô, khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng, nóng, oi bức kéo dài từ 4g30 sáng đến 19 giờ hàng ngày, nhưng đây là thời kỳ sóng yên, biển lặng rất thuận lợi cho mùa đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh ven biển Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận… Chính điều kiện trên đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm những dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ là căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay.
Những ngày sau đó chúng tôi đến đảo Đá Tây, Trường Sa Đông, đảo Đá Đông, đảo Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài và An Bang, riêng đảo chìm Đá Lát chỉ bố trí nhóm văn công đến phục vụ từ ngày đầu. Sáng Chủ nhật 22/4 chúng tôi đến nhà giàn DK1/15 với tên gọi là trạm kinh tế - khoa học – dịch vụ Phúc Nguyên 2.
Bãi ngầm Phúc Nguyên là một bãi thoải không đều, nằm chìm dưới mực nước biển, điểm nhô lên cao nhất nằm cách mặt nước biển khoảng 18m, điểm nhô thấp nhất nằm sâu cách mặt nước tới 200m. Trước đây có nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên nhưng trong cơn bão số 8 vào lúc 3 giờ sáng ngày 14/12/1998 nhà giàn đã bị đổ, hất tung 9 cán bộ chiến sĩ đang bám trụ xuống biển. Ba ngày sau, tàu HQ 606 đã cứu được 6 người, còn 3 chiến sĩ đã mãi mãi ở lại với biển khơi.
Bây giờ nhà giàn mới DK1/15 Phúc Nguyên 2 đã được xây dựng trên bãi cạn Phúc Nguyên tiếp tục sứ mệnh lịch sử làm nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ nhà trạm và vùng biển, vùng trời được phân công.
Sau 9 ngày đến với Trường Sa chúng tôi đã thăm 4 đảo nổi, 5 đảo chìm và một nhà giàn. Chuyến đi đã để lại trong lòng mọi người biết bao cảm xúc và kỷ niệm, nhất là hiểu thêm về quần đảo Trường Sa, tuy xa mà gần, với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Giờ đây, khi Xuân về trên mọi nẻo đường Đất nước, tôi lại nhớ Trường Sa...
Nhạc sỹ NVH