- Tết của những người vợ lính đảo Trường Sa
- Sống ở đảo chìm Trường Sa
- Trường Sa lung linh giữa trùng khơi
Có lẽ chẳng ai có thể xác định được, mùa Xuân đến với Trường Sa từ lúc nào, bởi ở đây, chẳng có mai, đào, cũng không có những cánh én chao lượn càng không có những cơn mưa phùn kèm theo cái rét ngọt của mùa Xuân. Đối với những cán bộ, chiến sỹ và người dân ở nơi đây, cứ tàu ra là báo hiệu mùa Xuân đã đến.
Con tàu HQ 571 kéo một hồi còi dài báo hiệu đã cập cảng Trường Sa Lớn, cả đảo như vào ngày hội, những đồ dùng Tết được chuyển nhanh chóng xuống đảo. Cái không khí chuyển hàng Tết của quân và dân nơi đây không khác gì một chợ quê ngày Tết. Có đủ lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, lợn, gà thậm chí có cả những củ hành ngâm, thùng mứt Tết…
Vận chuyển hàng Tết lên đảo Trường Sa. |
Những ngày cuối năm ở Trường Sa cũng khác với đất liền. Không đèn hoa rực rỡ, không tất bật hối hả trong những ngày cuối năm, Tết ở đây lặng hơn rất nhiều nhưng không thế mà kém phần vui tươi. 5 giờ sáng, từ bếp ăn của các cụm đơn vị vang lên tiếng lợn kêu eng éc. Cho dù mệt lử vì chuyến đi biển dài ngày, cánh phóng viên vẫn bật dậy ôm máy ảnh, ghi âm nhao xuống các bếp ăn. Không ai muốn bỏ lỡ những khoảnh khắc đáng nhớ này. Khu sân giếng của đảo (Trên đảo Trường Sa lớn có giếng nước), 5-6 chiến sĩ đang làm thịt lợn. Người cạo lông, người tưới nước nóng, người đốt bếp, trò chuyện râm ran.
Cái Tết đến với Trường Sa thật giản dị, như con người nơi đây. Nhìn những người lính thường ngày chỉ quen với súng đạn, thao trường giờ khéo léo gấp lá, rải gạo nếp, đỗ, thịt gói thành những chiếc bánh chưng vuông vắn, mọi người đều thán phục. Mấy cậu lính trẻ chưa có kinh nghiệm thì được những người đi trước hướng dẫn.
Gói bánh làm mẫu cho các chiến sĩ trẻ, Trung úy Đỗ Hồng Thái cho biết: "Năm nào đơn vị cũng tổ chức gói bánh chưng Tết và được anh em chiến sĩ hào hứng tham gia. Có những cậu ở nhà chưa biết gói bánh chưng chỉ sau một năm đã thành thục. Bản thân tôi, những ngày mới ra nhận công tác trên đảo cũng chưa biết gói bánh".
Bánh chưng gói ở Trường Sa cũng khác, do điều kiện vận chuyển dài ngày, những tàu lá dong bắt đầu ngả úa. Nhưng chẳng tàu lá nào bị vứt đi. Những chiếc lá còn xanh được các chiến sỹ đặt vào trong cho xanh bánh, lá úa để ngoài. Cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa đến từ nhiều miền trong cả nước vậy nên bánh chưng ở Trường Sa cũng mang đủ kiểu dáng, hương vị của các miền. Nào thì bánh chưng, bánh tét, thậm chí các chiến sỹ còn gói dăm ba cái bánh nhỏ để tặng cho các công dân nhí của đảo.
Gói bánh chưng trên đảo Trường Sa Lớn. |
Tại hội trường của đơn vị, không khí Tết cũng không kém gì ở đất liền. Có cả những cây quất, cành đào, cây mai nhưng tất cả đều được làm bằng bàn tay khéo léo của những chiến sỹ. Cây quất được làm từ cây mù u, lá mù u được tỉa sao cho giống lá quất. Những quả quất được làm bằng xốp nhuộm màu. Thân cành mai, cành đào được làm bằng cành phi lao, có một số đảo, tàu cũng chở thêm vài cành đào ra để các đơn vị trang trí.
Cỗ Tết trên đảo không thịnh soạn và nhiều món bằng mâm cỗ Tết đất liền song dạt dào tình cảm. Hầu hết đồ để chế biến mâm cơm Tết đều ở trên đảo, chỉ có một số thứ đặc biệt mới do tàu chở ra. Giò lụa ở đây cũng rất lạ, nếm thử mới biết, giò được làm bằng thịt hộp, các anh nuôi khéo tay lấy thịt hộp ra rán lên, cắt tỉa trang trí không khác gì giò ở đất liền.
Các chiến sỹ trang trí cây quất, đào, mai cho Tết. |
Trong thời khắc chuyển giao của đất trời, sang Xuân, giữa mênh mông trời biển, tự trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào kiêu hãnh là người lính nơi tuyến đầu đất nước. Giữa hội trường vang lên câu hát “Vì nhân dân quên mình, vì tổ quốc quyết sinh”. Mới thấy dù khó khăn vất vả như thế nào, nhưng những người lính ở Trường Sa vẫn luôn lạc quan, yêu đời và điều đó giúp họ vững tay súng, bám biển, báo đảo, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Có lẽ chỉ những ai đã từng đón Tết ở Trường Sa mới cảm nhận được hết sự đặc biệt và linh thiêng đến kỳ lạ của nó. Không hối hả, không tất bật, không đồ đạc, quần áo mới, không ồn ào đình đám nhưng lại là cái Tết vô cùng đáng nhớ. Các chiến sỹ ở đây luôn tự hào là con mắt thần của biển Đông. Họ đón một cái Tết giản dị để rồi tiếp tục làm nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ biển trời Tổ quốc cho đất liền vui đón Tết./.