(Baonghean) Trong đợt công tác cuối năm này, theo tàu HQ 996 đến tặng quà Tết Nguyên đán Quý Tỵ cho chiến sỹ, nhân dân trên các đảo ở Huyện đảo Trường Sa có các phóng viên các báo Trung ương và địa phương. Họ đã kịp ghi lại những hy sinh gian khổ, nhiều câu chuyện về tình yêu, tình quân dân giữa biển đảo với đất liền cũng như vẻ đẹp của Tổ quốc giữa trùng khơi…
-->> Xem Bài 7: Bình yên tiếng chuông chùa
Buổi tối, chương trình giao lưu văn nghệ đón chào Xuân Quý Tỵ diễn ra ngay cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây, tất cả quân dân trên đảo đã cùng nắm tay nhau say sưa hát. Những câu hát về Trường Sa, về tình yêu quê hương, đất nước làm cho ai cũng rưng rưng xúc động: “Biển trời quê ta, đẹp như gấm hoa. Nước non một nhà xuôi con tàu ra Bắc vào Nam…”. Lời bài hát đầy cảm xúc này đã được Thượng úy Đinh Trọng Hải, Báo Quân đội Nhân dân ghi nhanh vào sổ tay nơi một góc tối dưới sân khấu… Là một nhà báo trẻ say nghề, say sưa khám phá, giữa cái chòng chành của tàu và những lần say sóng, anh vẫn lăm lăm sổ bút, máy ảnh chớp liên tục để khắc sâu lại những khoảnh khắc, cảm nhận mà anh cho là hay, là đẹp. Anh Hải cho biết: “Với tôi, biển là nguồn cảm hứng bất tận. Những lúc lên boong tàu HQ 996, giữa nắng vàng, sóng dập dềnh êm ả, nhìn về hải đảo xanh những cây, bãi cát dài trắng xóa thì càng thấy đất nước mình đẹp vô cùng”.
Say sưa hát cùng lính trẻ.
Còn phóng viên Nguyễn Ngọc Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên lấy làm ấn tượng với hình ảnh những người lính dầm mình trong mưa rét của ngày giáp Tết Nguyên đán, chống chọi với sóng to biển động của đợt áp thấp để làm hoa tiêu và đảm bảo an toàn cho đoàn công tác vào đảo. Những bữa ăn dù đạm bạc, chiếc giường dành cho khách thiếu đệm êm, nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa. Đảo nổi, đảo chìm tất cả đều sạch sẽ vô cùng, không có một chút rác thải, mỗi chiến sỹ đều ý thức cao trong bảo vệ môi trường. Với anh, đó là những thước phim, khuôn hình không thể nào quên. Anh Nguyễn Ngọc Quang tâm sự: “Được đi Trường Sa là một hạnh phúc lớn. Sau chuyến đi, tôi nghĩ rằng sẽ thay đổi lối sống của mình để có trách nhiệm hơn đối với Tổ quốc, với dân tộc và cụ thể ở đây là đối với biển đảo”.
Các nhà báo đến với Trường Sa đã viết bằng chính sự trải nghiệm, nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của mình. Phóng viên Lưu Trọng Đạt (Thông tấn xã Việt Nam) lần đầu tiên đến với huyện đảo Trường Sa đã tìm kiếm cho mình những bộ ảnh đặc sắc về hoa bàng trái vuông và cây phong ba, bão táp. Với anh, Trường Sa không chỉ có những người lính mà còn đó là sức sống, sự sinh sôi. Những bộ ảnh của anh gửi về đã được nhiều tờ báo, cơ quan truyền thông mua lại và đến với tay bạn đọc. Đạt chia sẻ, không có gì sung sướng hơn khi những bài viết và hình ảnh xúc động về Trường Sa được truyền tải đến bạn đọc trong cả nước, để mọi người hiểu hơn, yêu hơn, quý trọng hơn và có trách nhiệm hơn với vùng biển đảo Tổ quốc.
Tác nghiệp ở Trường Sa.
Với phóng viên Nguyễn Nam Hải - Báo Nông thôn Ngày nay, đây đã là lần thứ 5 anh đến với Trường Sa, tất cả các đảo nổi, đảo chìm anh đều đã đặt chân đến. Nhưng với Trường Sa, cảm xúc trong anh và các góc cạnh đề tài luôn tươi mới. Trong đợt này, anh dự định sẽ viết về công tác cứu hộ trên biển của các chiến sỹ, phóng sự dự kiến có tựa đề “Những vị cứu tinh ở Trường Sa”. Tại chuyến thăm đảo Sơn Ca, Nam Hải đã gặp lại người quen cũ – đó là Đại úy Nguyễn Đức Anh, quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Đại úy Nguyễn Đức Anh luôn miệng cảm ơn Nam Hải, vì trong lúc Đức Anh còn ở ngoài đảo xa, Nam Hải đã giúp con anh được phẫu thuật tim miễn phí. Nguyễn Nam Hải nói cho chúng tôi nghe, hay tự nói với chính mình: “Gặp nhau rồi chia tay, quà tặng của người lính đảo dành cho các nhà báo thường là vỏ ốc, sỏi trắng, quả bàng vuông, nhành san hô giản dị, nhưng chứa đầy tình cảm và là kỷ vật thiêng liêng từ vùng biển đảo của Tổ quốc. Cầm con ốc vẫn còn ướt nước biển trên tay, tự dưng nước mắt cứ trào ra, chỉ ước gì được ở lại với các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc lâu hơn”.
Gần 60 tuổi đời, đã đến rất nhiều vùng của đất nước theo quãng đường hành quân năm xưa cũng như dọc đường tác nghiệp làm báo, nhưng đây mới là lần đầu tiên nhà báo Nguyễn Minh Thông - Báo Nghệ An được đến với Trường Sa, nên chuyến đi quả thật đã thỏa tâm nguyện, ước ao bấy lâu nay. Trên tàu HQ 996, hay trên các đảo, anh Thông lớn tuổi nhất và đắm đuối tác nghiệp nhất. Mọi người vẫn thường gọi anh là “bác Cả” hoặc “ông già xứ Nghệ”. Nhà báo Minh Thông tâm tình: Trường Sa cách đất liền khoảng 300 hải lý. Nhưng khi tôi đặt bước chân đầu tiên lên đảo Song Tử Tây, cảm giác thật lạ... gặp ai cũng như quen lắm, như lâu ngày gặp lại. Một lũ trẻ đi học về, tíu tít tranh nhau khoanh tay “con chào bác ạ”; khi rảo bước tới khu gia đình, chị chủ nhà giọng Khánh Hòa sao mà ngọt lạ: “Mời chú vào nhà con uống nước”; còn các cậu lính trẻ thì thật oách, giơ tay lên vành mũ nghiêm trang chào theo kiểu nhà binh, rồi ào đến vây lấy tôi “chú ơi, chụp cho bọn con một kiểu ảnh”. Tôi nhận ra có rất nhiều giọng nói: Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, cả Quảng Nam, Bình Định nữa. Tôi không còn nhớ ra đây là đảo nữa, không nghĩ đây đang là miền biên viễn cực Đông của Tổ quốc. Trước mặt tôi là những đứa con đứa cháu từ mọi miền tụ về đây chung một mái nhà, bốn bề sóng biển ầm ào mà tôi cứ ngỡ gió vờn lũy tre sau nhà.
Trong chuyến đi lần này nhạc sỹ, nhà báo Huỳnh Liên, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa đã viết lên một ca khúc như phơi hết tâm gan mình cùng biển đảo quê nhà. Bài hát “Trường Sa - Tổ quốc Nơi đầu sóng” như một lời hiệu triệu kêu gọi mọi người đoàn kết, quyết tâm giữ vững vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: “Tổ quốc đã cho chúng tôi biển đảo/ Tổ quốc đã trao cho chúng tôi ngọn sóng. Chúng tôi đứng đây nơi trời mây nắng gió/ Lá chắn vững vàng cho quê mẹ bình yên/ Đảo vẫn ngát xanh như tình yêu người lính/ Đảo vẫn hiên ngang giữa bốn phương trùng sóng. Nắng mưa bão giông chẳng thể lay ý chí/ Khi trái tim mình đỏ hình dáng non sông…”.
Mỗi năm lại có hàng trăm lượt phóng viên các báo, đài được cử đi thực tế đưa tin, viết bài về biển đảo, trong đó có Trường Sa. Đến với Trường Sa vừa là tình cảm, vừa là khao khát tìm tòi và khám phá của mỗi người làm báo. Dù phải lênh đênh nhiều ngày trên đại dương mênh mông, nhưng Trường Sa luôn là điểm đến, là đề tài hấp dẫn nhất của các nhà báo, bởi nơi ấy vẫn đang ngày đêm vẫy gọi, gắn kết con người với nhau son sắt, thủy chung. Tôi biết, còn rất nhiều những nhà báo vẫn chưa một lần đến Trường Sa nhưng cũng như bao người Việt Nam, tất cả đều hướng về Trường Sa với bao tình cảm sâu sắc.
Thành Chung; Ảnh: Minh Thông (Email từ Trường Sa)
|