QĐND - Thắng lợi vĩ đại của quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được ví như một cuộc “chiến đấu thần kỳ” và trở thành biểu tượng của lương tri và phẩm giá con người. Mỗi chiến công trong cuộc chiến đấu ấy là một kỳ tích. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 40 năm trước là một chiến công như thế - tiêu biểu cho khí phách anh hùng, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Trong cuộc đụng đầu với không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời thủ đô Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Việt Nam chẳng những không bị khuất phục trước sức mạnh “không thể tưởng tượng nổi” của không lực Hoa Kỳ mà còn làm cho hàng chục “pháo đài bay B-52”, “con ma”, “thần sấm” phải phơi xác ngay trên mảnh đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thắng lợi giòn giã của quân và dân Việt Nam làm nức lòng bạn bè quốc tế, khiến cho dư luận thế giới ngỡ ngàng, thán phục và liên tưởng đến một “Điện Biên Phủ thứ hai - Điện Biên Phủ trên không”. Như vậy, Mỹ cũng như Pháp 18 năm trước đó (5-1954), dù đã đẩy nỗ lực quân sự lên mức cao nhất nhằm cứu vãn tình thế trong cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng cuối cùng, phải chịu thất bại trước ý chí, quyết tâm ngoan cường, trí tuệ, sức sáng tạo và bản lĩnh của quân và dân Việt Nam. Thắng lợi của 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cùng với thắng lợi trên chiến trường cả nước đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
|
Phát huy truyền thống "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đang ra sức thi đua huấn luyện giỏi, SSCĐ cao. Trong ảnh: Máy bay Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn Không quân 370 xuất kích thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Xuân Cường
|
Chiến công oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã cách đây bốn thập kỷ. Tuy nhiên, độ lùi thời gian chẳng thể làm mờ ký ức của một thời lửa đạn, mà càng làm cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử trọng đại này; về những nhân tố làm nên một trong những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vừa là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại chiến công hào hùng của quân và dân ta, đồng thời, thêm một lần khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, đây cũng là dịp để chúng ta đi sâu tìm tòi, nghiên cứu về những nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc đọ sức 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 nói riêng; qua đó, làm sáng tỏ thêm sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại mới, mà nhân lõi của nó được biểu hiện bằng tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Từ thực tiễn lịch sử phong phú và tầm vóc, ý nghĩa to lớn của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta cùng nhau suy ngẫm về những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, về nhãn quan chiến lược nhạy bén của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dự báo, tổ chức chuẩn bị mọi mặt để đối phó với âm mưu, thủ đoạn và các bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ.
Binh pháp người xưa có câu: “Biết địch biết ta, trăm trận không nguy”. Kế thừa và phát huy truyền thống, kinh nghiệm dụng binh của người xưa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở nhìn nhận đánh giá tình hình trong nước, quốc tế, nhận rõ bản chất đối tượng của cách mạng Việt Nam, tương quan so sánh lực lượng, đã hoạch định đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, phù hợp với điều kiện của đất nước. Đó là điều kiện tiên quyết để khi bước vào cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chủ động, bình tĩnh điều hành, xử lý và thực hiện các tình huống chiến lược, giữ vững và tăng cường thế tiến công.
Từ đầu năm 1965, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dự báo về âm mưu, thủ đoạn leo thang và mở rộng chiến tranh của Mỹ. Đối với hậu phương miền Bắc, Đảng xác định, trong khi đề cao khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa bằng không quân và hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại địch trong trường hợp chúng đưa cuộc chiến tranh phá hoại đến một trình độ ác liệt gấp bội, hoặc chuyển nó thành một cuộc “chiến tranh cục bộ” ở cả miền Nam lẫn miền Bắc[1].
Đi đôi với xác định nhiệm vụ chiến lược của miền Bắc, Đảng đã chỉ đạo đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác ở hậu phương, nhất là công tác tư tưởng và tổ chức trong điều kiện chiến tranh lan rộng ra cả nước. Đối với công tác tư tưởng, Đảng đặt ra yêu cầu: Cần phải làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận rõ âm mưu và hành động mới của Mỹ, nhận rõ chỗ mạnh và chỗ yếu, thuận lợi và khó khăn của ta và của địch; nhận rõ ta đang chiến thắng, nhất định sẽ thắng, Mỹ đang thất bại và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Trên cơ sở đó xây dựng ý chí, niềm tin quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; sẵn sàng đánh bại bất cứ loại chiến tranh nào của chúng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng tinh thần tự lực cánh sinh, chống chủ quan khinh địch.
Cùng với công tác tư tưởng, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Nhà nước, Quân đội mở các hội nghị phòng không nhân dân, xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không, sơ tán, bảo vệ các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, kho tàng, bến bãi, trọng điểm giao thông. Lực lượng đánh máy bay và tàu chiến Mỹ với nòng cốt là Quân chủng PK-KQ và Quân chủng Hải quân đã được tăng cường về nhiều mặt, cả về người và vũ khí trang bị, cả kế hoạch tổ chức hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác, tạo thế trận liên hoàn của “chiến tranh nhân dân đất đối không, đất đối biển”.
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân miền Bắc đã cùng cả nước bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ và đương đầu với sự đánh phá ác liệt của không quân, hải quân Mỹ trên tư thế hiên ngang, chỉ biết ngẩng cao đầu. Ý chí và niềm tin tất thắng đã tạo ra và nhân lên sức mạnh vô cùng to lớn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn đánh phá của kẻ thù. Hậu phương miền Bắc chẳng những trụ vững trước mưa bom bão đạn của địch, mà vẫn tăng cường và đẩy mạnh hoạt động chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Với tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho phép quân và dân ta trên miền Bắc chủ động trong mọi tình huống; không bị bất ngờ trước quy mô và thủ đoạn đánh phá của địch. Trải qua hai cuộc chống chiến tranh phá hoại (1965-1968; 1972), quân và dân miền Bắc đã được tôi luyện mọi mặt và bởi vậy, khi quân Mỹ mở cuộc tập kích bằng không quân chiến lược vào thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, chúng đã bị giáng trả mạnh mẽ, đích đáng. Lưới lửa phòng không nhiều tầng của quân và dân miền Bắc trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã hợp thành thế trận “thiên la địa võng” đón đánh và tiêu diệt lực lượng không quân chiến lược và chiến thuật của Mỹ.
Rõ ràng, thắng lợi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mà quân và dân ta giành được đã chứng tỏ nhãn quan chiến lược nhạy bén, sâu rộng của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đụng đầu với không quân chiến lược Mỹ cuối năm 1972 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán từ cuối năm 1967, rằng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”[2].
Hai là, về xây dựng tổ chức lực lượng và thế trận nhằm phát huy sức mạnh, hiệu quả của tác chiến phòng không nhân dân trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ thủ đô Hà Nội.
Trong suốt quá trình của chiến tranh và nhất là trong cuộc đọ sức giữa mặt đất và bầu trời 12 ngày đêm với không lực Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972, nếu chỉ bằng con số thông thường khi so sánh tương quan lực lượng, vũ khí trang bị, người ta khó có thể lý giải vì sao, thắng lợi cuối cùng lại thuộc về bên có trang bị ít hơn, kém hiện đại hơn. Câu trả lời: Chính là nhờ chúng ta dám đánh, biết đánh, với bản lĩnh Việt Nam đã xây dựng, tổ chức được lực lượng và thế trận độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đã phát huy tối đa sức mạnh, hiệu quả của tác chiến phòng không.
Công tác xây dựng, tổ chức, bổ sung, phát triển lực lượng tác chiến phòng không đã có quá trình chuẩn bị và rèn luyện lâu dài, ngay từ khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, đầu năm 1965. Trong những năm này, lực lượng cao xạ từ 12 trung đoàn và 14 tiểu đoàn phát triển thành 21 trung đoàn, 41 tiểu đoàn, trong đó có 8 trung đoàn cơ động, hình thành một mạng lưới phòng không tầm thấp và tầm trung mạnh ở các yếu địa, đồng thời có khả năng cơ động, tạo thành những cụm pháo cao xạ bảo vệ từng khu vực. Ngày 1 tháng 5 năm 1965, bộ đội tên lửa phòng không ra đời (Trung đoàn 236 - Trung đoàn Sông Đà) và chỉ một tháng sau, lực lượng này phát triển thành hai trung đoàn (thêm Trung đoàn 238). Lớp cán bộ đầu tiên của hai trung đoàn được chọn từ nhiều quân binh chủng, phần đông được thử thách trong thực tế chiến đấu và công tác. Công tác huấn luyện binh chủng kỹ thuật hiện đại của lực lượng phòng không được tiến hành bài bản, hết sức khẩn trương với sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô. Bộ đội không quân cũng phát triển từ một trung đoàn lên 3 trung đoàn, sử dụng hai loại máy bay chiến đấu MiG 17 và MiG 21. Bộ đội ra-đa phát triển từ 2 trung đoàn lên 4 trung đoàn thuộc Quân chủng PK-KQ[3].
Các lực lượng tác chiến phòng không của quân đội ta vừa ra đời đã bước vào cuộc thử lửa trước không quân hiện đại Mỹ. Ngay từ những trận đầu ra quân, bộ đội không quân xuất kích bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa, đầu tháng 4-1965), bộ đội tên lửa phóng quả đạn đầu tiên từ trận địa Suối Hai (Hà Tây, ngày 24-7-1965) đã giành thắng lợi giòn giã, bắn rơi máy bay hiện đại Mỹ. Thực hiện phương châm vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, vừa rút kinh nghiệm, chúng ta đã từng bước phát triển, trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt, nhất là kỹ thuật chiến đấu và khả năng tác chiến hiệp đồng giữa các lực lượng. Bộ đội tên lửa có quá trình bám đánh B-52 trên chiến trường Khu 4. Ngày 17-9-1967, Trung đoàn tên lửa H38 (SAM2) đã bắn hạ một B-52 giữa đất thép Vĩnh Linh (Quảng Trị). Kinh nghiệm chiến đấu được phổ biến và nhân rộng, đặc biệt, xuất hiện những cuốn sách nhỏ (Phương án tháng 9[4], Hội nghị tháng 10[5], Cẩm nang bìa đỏ[6]), những hình thức tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm chiến đấu hết sức sinh động (Gánh hát rong[7]). Trải qua quá trình chiến đấu, lực lượng tác chiến phòng không của quân đội phát triển, trưởng thành nhanh chóng, thực sự là nòng cốt cho thế trận phòng không nhân dân. Sự phối hợp, hiệp đồng giữa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu giữa các lực lượng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Song song với công tác tổ chức và bảo đảm lực lượng chiến đấu, quân đội phối hợp với nhân dân làm tốt công tác phòng không, sơ tán, bảo đảm an toàn về người và vật chất. Đây là công việc rất lớn, đòi hỏi các ngành, các cấp, các lực lượng phải vào cuộc. Nhiều trường học, nhà trẻ, bệnh viện, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp được di dời khỏi trọng điểm đánh phá, được bố trí dưới hầm sâu, địa đạo là những hình ảnh quen thuộc của miền Bắc trong những tháng năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Có thể nói, quá trình tổ chức, xây dựng mọi mặt trong những tháng năm trước đó là bước chuẩn bị kỹ càng để khi bước vào chiến dịch phòng không cuối năm 1972, quân và dân ta đã có được một lực lượng và thế trận chủ động, giáng trả mạnh mẽ lực lượng không quân Mỹ ngay từ giờ phút đầu tiên chúng bay vào ném bom, đánh phá Hà Nội (18-12-1972). Để giành và giữ thế chủ động trong cuộc đối đầu với cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ, trong công tác tổ chức lực lượng, Quân chủng PK-KQ - lực lượng chủ công được bổ sung và tăng cường một số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, biên chế trong đội hình của 26 trung đoàn phòng không, 41 tiểu đoàn tên lửa, 4 trung đoàn không quân, 36 đại đội ra-đa. Trên địa bàn thủ đô Hà Nội, lực lượng cơ động của Bộ cùng với lực lượng tại chỗ và các đơn vị, tổ đội DQTV tại khu phố, phường, xã, quận, huyện, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện... đã phối hợp tổ chức thế trận hiệp đồng chiến đấu nhiều tầng, nhiều lớp, với 30 trận địa tên lửa, 100 trận địa pháo cao xạ, hàng trăm trận địa súng pháo bắn máy bay tầm thấp được đặt trên các nóc nhà, các vị trí xung yếu.
Trong quá trình chiến đấu, với thế trận bố trí khoa học, hợp lý, các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, vừa tập trung được hỏa lực nhưng đồng thời, vừa có thể đánh địch từ xa đến gần. Theo phân công, bộ đội tên lửa và không quân tập trung đánh tiêu diệt lực lượng không quân chiến lược (B-52) ở tầm bay cao; các lực lượng khác đánh tiêu diệt không quân chiến thuật. Như vậy, ở tầng nào cũng có lực lượng đánh tiêu diệt không quân địch. Lưới lửa của lực lượng ba thứ quân và thế trận phòng không nhân dân “thiên la địa võng” khiến cho không quân Mỹ lúng túng, bị động. Ở đâu, ở tầm bay nào chúng cũng bị bám đánh bằng các loại đạn từ đạn tên lửa của bộ đội chủ lực cho đến đạn súng trường của lực lượng DQTV. Với lực lượng và thế trận hoàn chỉnh, sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, linh hoạt, hiệu quả, quân và dân thủ đô Hà Nội cùng quân và dân miền Bắc, nòng cốt là Quân chủng PK-KQ đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi nhiều máy bay hiện đại, trong đó có 34 “pháo đài bay” B-52.
Như vậy là, sức mạnh chiến đấu không phải chỉ ở số lượng và tính hiện đại của vũ khí trang bị, mà điều quan trọng là việc bố trí lực lượng và thế trận, khả năng phối hợp hiệp đồng trong quá trình chiến đấu và bảo đảm chiến đấu. Lực lượng và thế trận của chiến tranh nhân dân trên miền Bắc đã chứng tỏ sức mạnh, hiệu quả trong tác chiến với lực lượng không quân Mỹ, mà đỉnh cao là chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 trên bầu trời thủ đô Hà Nội.
Lực lượng và thế trận của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trên hết và hơn hết biểu hiện cho ý chí ngoan cường, dũng cảm, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, thể hiện trong phương châm chiến lược “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” và thắng địch bằng “Mưu, Kế, Thế, Thời”.
Ba là, về nhân tố con người và khả năng làm chủ vũ khí trang bị, kỹ thuật.
Chúng ta đều biết, Mỹ là cường quốc hàng đầu trên thế giới, với sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật vượt trội. Sức mạnh của Mỹ đã được phô diễn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng những sư đoàn kỵ binh (máy bay trực thăng), lữ đoàn dù, trung đoàn thiết giáp, “siêu pháo đài bay” B-52… Thế nhưng, mọi kỹ thuật hiện đại của vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu, cùng với hơn nửa triệu quân Mỹ và tiền của được đổ vào chiến trường Việt Nam đã không mang tới thắng lợi cho Mỹ. Dù đã áp dụng ba chiến lược chiến tranh (đặc biệt, cục bộ, Việt Nam hóa), sử dụng mọi vũ khí có trong tay (trừ bom hạt nhân), nhưng kết cục Mỹ vẫn không xoay chuyển được tình thế. Con bài cuối cùng trong nỗ lực chiến tranh của Mỹ chính là mở cuộc tập kích ồ ạt bằng không quân vào thủ đô Hà Nội, sử dụng hàng trăm “siêu pháo đài bay” B-52 để uy hiếp và phá hủy tiềm lực của hậu phương miền Bắc, hòng tạo thế mạnh trên bàn Hội nghị Pa-ri… rồi cũng thất bại nốt. Nguyên nhân thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, trong các trận đọ sức trên chiến trường, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ (1962-1968) Mắc Na-ma-ra là do Mỹ không hiểu con người và nền văn hóa Việt Nam. Thật vậy, con người Việt Nam, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã thực sự tỏa sáng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 nói riêng.
Đặc điểm nổi bật của cuộc đối đầu giữa quân và dân ta với không quân Mỹ là tính chất, hàm lượng khoa học kỹ thuật, khả năng làm chủ vũ khí, khí tài. Mỹ đã tung vào cuộc tập kích chiến lược những phương tiện chiến đấu và vũ khí tối tân (B-52, bom điều khiển, máy tạo nhiễu), trong lúc đó, vũ khí quân ta có trong tay chỉ dừng ở mức tương đối hiện đại, đó là máy bay MiG 21, tên lửa SAM 2, pháo phòng không cỡ nòng 100mm, ra-đa P35. Chỉ riêng việc so sánh về tính năng của vũ khí, khí tài đã thấy một sự chênh lệch lớn giữa ta và địch. Thế nhưng, bước vào chiến đấu, những vũ khí bầu trời và mặt đất của quân và dân Việt Nam đã phát huy tác dụng, bám đánh và tiêu diệt nhiều máy bay hiện đại Mỹ, trong đó có B-52. Ở đây, yếu tố trung tâm, quyết định chính là con người. Con người Việt Nam, một thế hệ mới - thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, được lớn lên, học tập và trưởng thành trong môi trường của chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa, những con người Việt Nam mới ấy được giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, căm thù giặc, được truyền thụ kiến thức toàn diện về tự nhiên, xã hội, có lý tưởng cách mạng, có tinh thần, bản lĩnh sẵn sàng nhận hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân và Đảng giao phó. Vào quân đội, họ trở thành lính bộ binh, lính pháo, xe tăng, tên lửa, ra-đa, phi công… Dù ở binh chủng nào, nhờ có kiến thức, khả năng tìm tòi và óc sáng tạo, họ đã sớm làm quen, thuần thục và thực sự làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Cuộc chiến đấu sinh tử với “giặc trời” Mỹ trong 12 ngày đêm, một lần nữa minh chứng cho khối óc sáng tạo phi thường, trí thông minh và bản lĩnh của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Ra-đa P35 “vạch nhiễu tìm thù”, máy bay tiêm kích MiG bé nhỏ bắn rơi B-52, tên lửa SAM 2 và cả khẩu súng trường bắn rơi “con ma”, “thần sấm”. Con người Việt Nam bằng ý chí học hỏi vươn lên, với lòng dũng cảm, trí thông minh và sức sáng tạo đã làm cho tất cả vũ khí có trong tay đều phát huy tác dụng. Không dừng lại ở kỹ thuật sử dụng đơn thuần mà phát triển thành nghệ thuật phối hợp các loại vũ khí, tạo ra “lưới lửa” phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, vòng trong, vòng ngoài, khiến cho đối phương bất ngờ, khiếp đảm và phải chịu trận. Có thể nói, thắng lợi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thực sự là nét tiêu biểu cho phẩm chất mới của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Bốn là, về sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Chúng ta luôn luôn ghi nhớ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn về tinh thần, vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật của chính phủ và nhân dân các nước, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc. Không chỉ giúp về vật chất, các nước bạn còn giúp đào tạo cán bộ, sĩ quan, nhân viên kỹ thuật, cử chuyên gia hướng dẫn, tham mưu, trực tiếp chiến đấu và chịu đựng gian khổ, hy sinh cùng quân và dân ta. Sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của bè bạn là những vốn quý để tăng cường sức mạnh của công cuộc kháng chiến, tăng cường tiềm lực quân sự, khả năng và nghệ thuật tác chiến của quân đội. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi trong từng trận đánh, từng chiến dịch và toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chúng ta cũng ghi nhận sự ủng hộ to lớn của nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới và cả nhân dân tiến bộ Mỹ đã lên tiếng, xuống đường phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Với truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, chúng ta luôn ghi tạc sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình trên tinh thần quốc tế vô sản của Liên Xô, Trung Quốc, các nước anh em và bạn bè thế giới.
40 năm đã qua, trở lại với một sự kiện lịch sử mà tầm vóc, ảnh hưởng và ý nghĩa của nó không chỉ đối với Tổ quốc - dân tộc Việt Nam mà còn vang vọng khắp năm châu bốn biển, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” gợi mở nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Chúng ta cần phải tiếp tục tìm tòi, làm sáng tỏ thêm về sự kiện lịch sử này, đúc rút những kinh nghiệm quý, những bài học hay, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là đội quân mang bản chất nhân dân sâu sắc, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, quân đội, mà trực tiếp là lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân đã cùng với quân và dân thủ đô Hà Nội, quân và dân miền Bắc lập nên chiến công vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Kỳ tích của ngày hôm qua là thực tiễn sinh động, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tiêu biểu cho thắng lợi của đường lối, tư tưởng chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện sự kế thừa, phát triển văn hóa giữ nước, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng PHÙNG QUANG THANH
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
---------------------
[1] Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập II (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 296.
[2] Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203.
[3] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, Tập II, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr. 223-225.
[4] Là phương án đánh B-52 tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng mà Bộ Tham mưu Quân chủng chuẩn bị, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng duyệt và được cấp trên phê chuẩn vào tháng 9-1972.
[5] Là hội nghị nhằm tổng kết những kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ở các đơn vị, bằng những luận cứ khoa học và trên cơ sở thực tiễn được đúc rút thành lý luận, sự tin tưởng vào bộ đội tên lửa, về khả năng bắn rơi tại chỗ máy bay B-52.
[6] Là cuốn sách hướng dẫn cách đánh B-52, có bìa màu đỏ, do Phòng Tác huấn tên lửa và Phòng Khoa học quân sự biên soạn..
[7] Hình thức phổ biến, truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu ngay tại trận địa.