Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 26/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Hình ảnh Hà Nội 12 ngày đêm qua những thước phim - MINH TƯỜNG Hình ảnh Hà Nội 12 ngày đêm qua những thước phim - MINH TƯỜNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Hà Nội trong tâm thức cộng đồng vốn là một không gian thiêng, nơi hội tụ của những biểu tượng văn hóa - lịch sử. Cùng với năm tháng, mỗi thế hệ người Hà Nội lại tạo lập nên những biểu tượng mới, những giá trị mới và họ sẽ không ngừng “khám phá những bí ẩn của quá khứ để biết yêu quý, trân trọng những gì mà ông cha để lại”. Nếu như những tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Khuê Văn Các… là những biểu tượng cho tinh thần yêu chuộng hòa bình, hiếu học của người dân Tràng An tự ngàn xưa thì những người con của thủ đô trong thời đại Hồ Chí Minh lại dâng tặng cho mảnh đất mình sinh sống một biểu tượng mới tượng trưng cho tinh thần yêu nước, cho ý chí kiên cường quật khởi chống quân xâm lược: xác chiếc “pháo đài bay” B52 của đế quốc Mỹ trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không diễn ra từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972.


Với các nhà làm phim, trận chiến đó là một đề tài hấp dẫn. Hấp dẫn vì đề tài này không chỉ phản ánh những biến thiên dữ dội trong lịch sử dân tộc mà còn tạo ra nhiều “đất diễn” để họ có cơ hội thể hiện những cách nhìn, những ý tưởng khác nhau về bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Ở đây chúng tôi muốn nói đến ba bộ phim cùng khai thác một bối cảnh - Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ: Những ngày đêm không thể nào quên (phim tài liệu), Em bé Hà Nội và Hà Nội 12 ngày đêm (phim nhựa).


Bộ phim Em bé Hà Nội của đạo diễn - NSND Hải Ninh (biên kịch: Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, Vương Đan Hoàng) có lẽ đã trở thành một “chứng tích” sống của cuộc thảm sát phố Khâm Thiên trong đợt tấn công bằng không quân của Mỹ tháng 12-1972. Đây cũng được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam, đã đem về cho đạo diễn Hải Ninh giải thưởng Hồ Chí Minh cùng với 3 bộ phim: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mối tình đầu, Người chiến sĩ trẻ.


Lấy bối cảnh Hà Nội sau đợt ném bom B52 đêm 25 tháng 12 - 1972, chuyện phim kể về nhân vật chính là bé Ngọc Hà (Lan Hương thủ vai) phải tìm kiếm mẹ và em gái trong đống hoang tàn đổ nát của thành phố.


Cũng với thủ pháp quen thuộc: mô tả những hình ảnh đối lập chiến tranh - hoà bình, bộ phim đã phản ánh một cách sâu sắc sự khốc liệt dữ dội của chiến tranh qua cái nhìn của cô bé 12 tuổi: “Tại sao chúng lại đem bom đến đây ném... tại sao chúng lại thích giết trẻ em, lại cứ đem bom ném xuống trường học, như lớp mẫu giáo của em cháu, em cháu có làm gì chúng nó đâu?”. Với lối kể chuyện hồi cố, những kỉ niệm đẹp, những kí ức thân quen dần quay trở lại với nhân vật chính trong chuyến hành trình đi tìm bố. Bộ phim không có nhiều cảnh chiến đấu, nhưng sự tàn khốc của chiến tranh vẫn hiện diện đầy ám ảnh: thành phố Hà Nội với những đêm pháo hoa đón tết, những ngày gia đình Ngọc Hà sum họp, những giờ học rộn ràng tiếng con trẻ đã không còn. Giờ đây, Ngọc Hà đang đứng giữa một khung cảnh hoàn toàn đối lập: những căn nhà tan hoang, những con phố đổ nát, những cuốn sách cháy rụi, những thi thể không còn nguyên vẹn…


Hành trình đi tìm mẹ và em gái của Ngọc Hà cũng là hành trình của tình thương yêu. Bởi trong cảnh ngộ li tán, mỗi người dân Hà Nội đã nén những nỗi đau riêng để chia sẻ với những bất hạnh xung quanh mình. Bộ phim gắn liền với giai điệu rộn ràng tự hào “em yêu những con đường của thành phố quê hương, nơi đây em đã sống, những tháng ngày vinh quang của Hà Nội anh hùng…” và kết thúc trong giấc mơ đoàn tụ tươi vui của hai chị em Ngọc Hà. Đó cũng là cái kết mà tất cả gia đình Việt Nam đều mong đợi.


Nếu Em bé Hà Nội kể về câu chuyện của một cá nhân, phản ánh chiến tranh từ góc nhìn của một cô bé 12 tuổi thì Những ngày đêm không thể nào quên - bộ phim đặc sắc của đạo diễn Ba Kỳ, với đặc trưng của thể loại phim tài liệu, cho thấy một cái nhìn toàn cảnh về chiến tranh Mỹ - Việt. Phim tập hợp được nguồn thông tin lịch sử phong phú từ phân xưởng thời sự, điện ảnh công an vũ trang nhân dân và đài vô tuyến truyền hình. Đây có thể xem là bộ phim hoành tráng xét cả về khối lượng tư liệu lẫn tầm bao quát.


Bằng những cứ liệu lịch sử sắc bén và thuyết phục, các nhà làm phim đã dựng lên bức tranh lịch sử với hai mảng hoàn toàn đối lập: sự ngang ngược, tráo trở của chính quyền Nixon và cuộc chiến không khoan nhượng của quân dân Hà Nội trong những ngày cuối tháng 12/1972.
 

Sau hơn 4 năm, với 202 phiên họp, tại hội nghị Paris, đại diện chính phủ Mỹ đã phải thoả thuận với ta rằng sẽ ký kết bản hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Nhưng Nixon đã trở mặt lật lọng trì hoãn ngày kí kết, mưu mô sửa đổi nội dung hiệp định, hòng dùng sức mạnh của bom đạn buộc nhân dân ta phải chấp nhận những điều kiện do chúng đặt ra.

Rời bàn đàm phán chưa lâu, đế quốc Mỹ đã huy động toàn bộ lực lượng không quân chiến thuật và chiến lược của chúng tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương để tấn công vào miền Bắc nước ta với mật độ tập trung ác liệt và tàn bạo chưa từng có trong lịch sử chiến tranh.


Bộ phim đã tái hiện cảnh hàng chục máy bay B52 của quân đội Mỹ cùng hàng trăm máy bay cường kích, yểm hộ ồ ạt xâm phạm bầu trời Hà Nội, liên tiếp trút hàng tấn bom đạn xuống các khu vực sân bay Nội Bài, Yên Viên, Gia Lâm, Mễ Trì…


Một bên là quân đội Mỹ thiện chiến với giàn vũ khí tối tân bậc nhất thời kì đó, một bên là quân dân Hà Nội vũ khí thô giản, nghèo nàn. Một bên là tham vọng điên cuồng tàn bạo, một bên là tinh thần quả cảm, bất khuất. Cuộc chiến tưởng không cân sức đã có hồi kết. Bộ phim chính là câu trả lời thuyết phục cho lí do chiến thắng của quân dân Hà Nội.


Bên cạnh hàng loạt phân cảnh nối tiếp dồn dập về cuộc chiến khốc liệt, bộ phim có không ít những khoảnh khắc lắng chậm lại, với những hình ảnh quen thuộc của một thời bom đạn: lời dặn dò dán trên cánh cửa trước giờ đi sơ tán, lớp học với bàn ghế trống chênh, trò đu quay lặng lẽ… Để lại đằng sau tất cả những gì thân thương, rộn ràng, yêu mến, từng đoàn người vội vã rời Hà Nội trong lưu luyến. Với người dân Hà Nội lúc này, sơ tán cũng là góp phần đánh Mỹ.


Mỗi xí nghiệp, mỗi cơ quan là một chiến hào, mỗi người đều sẵn sàng ở vị trí của mình để chuẩn bị tham gia bản đại hợp xướng chiến đấu của thủ đô. Bộ phim phản ánh không khí của cả Hà Nội từ trong các nhà máy sản xuất, các trường lớp, các ngôi nhà ngõ xóm.


Những ngày đêm không thể nào quên cũng đã khắc hoạ được nhiều chân dung đẹp của người dân Việt Nam - đó là những chàng trai giản dị mà anh hùng, trung thành và tài giỏi, giáng những đòn đau vào đội quân sừng sỏ nhất của không lực Hoa Kỳ, đó là những công nhân thạo nghề giỏi việc mới từ nhà máy bước vào chiến trận, đó là những học sinh trẻ măng, những giáo viên tận tuỵ mới rời ghế nhà trường bước vào quân ngũ… Đội ngũ chiến đấu thanh xuân, đầy nhiệt huyết, đầy quyết tâm, tận dụng mọi vũ khí có được trong tay, sáng tạo cách đánh phù hợp với thực tế Việt Nam. Họ đã cùng nhân dân Hà Nội hiên ngang giữ gìn bầu trời Tổ quốc.


Trước sức mạnh toàn dân, học thuyết Nixon - học thuyết “lấy máu người khác thay cho máu Mỹ” đã đứng trước nguy cơ đổ vỡ tan tành.


Hà Nội 12 ngày đêm, không chỉ là những ngày “không thể nào quên” của nhân dân Việt Nam, mà cũng là những ngày “không thể nào quên” với quân đội Hoa Kỳ, bởi kĩ thuật hiện đại tối tân của họ ở thời điểm đó đã thảm bại ngay trên chính chiến trường mà Nixon tự tin nhất.

 

Cảnh trong phim Hà Nội 12 ngày đêm

So với Những ngày đêm không thể nào quên, bộ phim nhựa Hà Nội 12 ngày đêm có quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng đã phản ánh được khá toàn diện cục diện và tính chất khốc liệt cuộc tập kích bằng B52 trong chiến dịch Linebacker II tháng 12/1972. Số phận của các cá nhân được nói đến ở đây (tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân, nhà báo Ngọc Hà, bác sĩ Thủy Tiên, cô giáo Hiền…) gắn liền với số phận dân tộc. Hành trình đi đến hạnh phúc của họ cũng là hành trình đi đến ngày đất nước toàn thắng, với biết bao chờ đợi, nước mắt, hi sinh.


Hà Nội 12 ngày đêm khởi quay từ năm 1997, đến tháng 4 năm 1999 cơ bản hoàn thành tất cả các cảnh ở Việt Nam, nhưng đến năm 2002 mới ra mắt do phải chờ làm kỹ xảo vi tính và âm thanh. Năm 2003, bộ phim đã được giới thiệu tại nhiều Liên hoan phim có uy tín như LHP Fukuoka - Nhật Bản, LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 48 tại Iran và LHP Quốc tế Cairo lần thứ 27.


Phim quy tụ đội ngũ viết kịch bản hùng hậu (Thiên Phúc, Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng Ngát) cùng nhiều gương mặt quen thuộc của màn ảnh (Chiều Xuân, Quốc Tuấn, Mai Thu Huyền).


Cấu trúc phim là sự đan xen giữa hai trạng thái tương phản: hoà bình - chiến tranh, nhẹ nhàng - dữ dội, đau thương - hạnh phúc, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc. Cuộc sống của người dân Hà Nội được phản ánh qua nhiều trường đoạn giản dị mà đầy xúc động: hình ảnh Hà Nội bình yên với hồ Gươm trong xanh, những tà áo dài duyên dáng, những không gian trầm mặc, những nếp sinh hoạt thân quen… xen kẽ với những phân cảnh chiến tranh dữ dội.


Bộ phim kết thúc trong giai điệu thanh bình với đàn chim bay trong nắng yên ả, nhưng vẫn gợi lên những niềm thương nhớ khôn nguôi, bởi có biết bao người đã không được nhìn thấy không gian ấm áp ấy, không được lắng nghe những âm thanh hoà bình ấy, không được đi đến những cánh đồng hạnh phúc như họ mong ước. Chiến tranh đi qua, song nỗi đau vẫn còn nhức nhối, vẫn ngày đêm thức ngủ cùng những người ở lại.


Trên nền cảm hứng lịch sử, ba bộ phim đã phản ánh những chiều kích khác nhau của Hà Nội trong 12 ngày đêm không thể nào quên. Các bộ phim này đã góp phần quan trọng trong việc lưu giữ một trong những trang vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc, làm cho lịch sử dân tộc thêm sống động bằng những hình thức biểu đạt phong phú và linh hoạt, qua đó góp phần giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ ngày nay
 

M.T



-----
1 Biểu tượng Hà Nội, http://www.cuocsongviet.com.vn
2 Dẫn theo lời bình phim Những ngày đêm không thể nào quên

              Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66103863

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July