Tôi không có quyền dối trá, bởi trong bảng ghi tên những người đã mất sau 12 ngày đêm lịch sử 40 năm về trước, nơi đài tưởng niệm Điện Biên Phủ trên không có tên những người thân thích ruột thịt của tôi. Bởi lẽ nữa, phố Khâm Thiên vẫn còn nhiều nhân chứng sống, bạn bè tôi ở lứa tuổi thất thập từ quân ngũ trở về vẫn còn đây, thậm chí một nạn nhân, người trong cuộc sống sót nhờ may mắn thần kỳ, lại là cháu ruột tôi.
Năm nay tôi tròn 72 tuổi, con số ấy lại gợi cho tôi nhớ tới cái mùa đông đầy kỷ niệm năm 1972, ngôi nhà cha tôi xây từ năm 1915 tọa lạc tại 59B phố Khâm Thiên, Hà Nội, đã bị xóa sổ trong đêm kinh hoàng ấy.
Tướng lĩnh hiếu chiến của lầu Năm Góc từng lớn tiếng đe dọa: “Pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ sẽ đưa Việt Nam trở về thời đồ đá”. Hà Nội lại đứng lên, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quân dân thủ đô anh dũng đã dạy cho không lực Hoa Kỳ bài học khó quên bằng trận chiến oai hùng có tên “Điện Biên Phủ trên không”.
Vợ chồng ông Lê Thanh Tường đang ôn lại kỷ niệm gia đình với tác giả. (Ảnh: VŨ DUY)
Đã 40 năm, dẫu thời gian phôi pha, vẫn sừng sững tượng đài “Người mẹ cương nghị bồng đứa con vừa bị sát hại bởi bom Mỹ”, luôn nhắc nhở chúng ta tình yêu và lòng quả cảm bất diệt của một thế hệ đã giành lại đất nước từ đau thương.
20 giờ ngày 18 tháng 12 năm 1972, mở đầu cho 12 ngày đêm lịch sử, khi tên lửa đã lên bệ phóng, trên các sân thượng những tòa nhà cao ngất của thủ đô, thấp thoáng các cô gái tự vệ, mũ rơm, mũ sắt, nai nịt gọn gàng, sẵn sàng bên mâm pháo đại liên, những trận địa cao xạ của pháo binh, ngụy trang kín đón kẻ thù, đã được lật ra để nghênh chiến.
Bác Hồ, Người đã tiên đoán, trước đó 5 năm và chỉ thị cho lực lượng phòng không, không quân Việt Nam: “Nhất định đế quốc Mỹ sẽ dùng không quân chiến lược, điều pháo đài bay B52 đánh vào trung tâm đầu não quốc gia là thủ đô Hà Nội, hòng hủy diệt ý chí quân và dân ta, xoay chuyển thế cục chiến tranh. Nhưng chúng ta quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Giờ phút thiêng liêng đã đến, khẩu hiệu “Tổ quốc hay là chết” âm vang trong lòng mỗi người dân thủ đô. Tiếng gọi của Bác Hồ làm dấy lên một khí thế hào hùng chưa từng có.
Ai cũng cảm nhận một trách nhiệm vinh quang không được phép lùi bước, bởi đây là trận sinh tử, mang tính quyết định vì vận mệnh của Đất nước, vì sự tồn vong của Dân tộc.
Ngoài nhiệm vụ trực chiến và chiến đấu, Hà Nội còn phải lo cho dân thường chưa kịp sơ tán hoặc vì công việc sản xuất, phục vụ chiến đấu, như các nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, dân lao động tự do phải kiếm sống hàng ngày, đang bám trụ thành phố.
Bao chuyện đau lòng chẳng thể lường trước, sau 7 năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, gian khổ ác liệt quen rồi, dân mình cũng có phần coi thường dã tâm của kẻ thù xâm lược, không ít người nghĩ: bọn phi công Mỹ con ông cháu cha, mải vui chơi ăn uống, dịp lễ Giáng sinh ham hố gì chuyện đánh nhau. Nghĩ thế, nên bà con ta cũng chủ quan khinh suất.
Hôm đó, sau đêm Noel, nghĩa là đêm 26 tháng 12, ngôi nhà 59B Khâm Thiên của cha tôi để lại có nhiều hộ dân, ở thuê cũng có, ở nhờ cũng có, kể cả nhân khẩu trong nhà lẫn khách vãng lai và hàng xóm sang trú nhờ là 42 người. Riêng căn hầm lớn, nửa nổi nửa chìm, chiều dài 15m, chiều rộng 3,5m, xưa vẫn gọi là “tăng xê”, có thể chứa được hơn 40 người. Đêm đó tòa nhà, sân vườn trên diện tích gần nghìn mét vuông hứng trọn 6 trái bom, 40 người ra đi chỉ còn 2 người sống sót.
Người tôi gọi là nhân chứng sống là ông Lê Thanh Tường, năm nay 82 tuổi, con anh cả tôi, gọi tôi là chú ruột, khi đó là Phó trưởng phòng kho vận Công ty Vật tư kỹ thuật của Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam.
Lúc B52 cắt bom, ông Tường cùng cậu em ruột là Lê Thanh Mẫn, giáo viên chuyên toán trường cấp 3 Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, mang quyết định về Hà Nội làm thủ tục đi nghiên cứu sinh, hai anh em chưa kịp ra hầm, đứng nép vào cửa sổ ngó nhìn lên trời xem máy bay bị bắn cháy, cậu Mẫn bị cả tấm xà bê tông rơi sạt bên đầu, xuống vai, vỡ cả quai hàm, chết ngay tại chỗ.
Sau đợt cắt bom, chôn mình trong đống gạch ngói ngập đến cổ, ông Tường được tự vệ, bộ đội công binh bới lên đưa vào bệnh viện Việt - Đức cấp cứu, sau đó ông đòi về bằng được để tìm xác con gái và em trai, vì chỉ có ông biết xác em ruột và con mình ở vị trí nào.
Nhân chứng sống thứ hai là ông Tụng, công nhân sở điện Hà Nội, bị vùi ở một căn hầm cá nhân, những người đi tìm xác nghe tiếng kêu rên phải bới gạch, cậy nắp hầm vỡ nát mới bới được ông lên.
Thương nhất ông Lê Thanh Khương, em họ cha tôi, làm phiên dịch cho Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp, từ khu sơ tán về lĩnh lương (tháng lương cuối cùng vì đã đến tuổi hưu), đêm ấy treo quần dài ở đầu giường, sau trận bom, lương tháng cuối cùng trong túi quần còn treo đó, nhưng xác ông không tìm thấy.
Lê Hồng Thúy, con gái đầu lòng của ông Tường, học sinh lớp 9/10 trường cấp 3 Văn Chương, bao năm nay gia đình ông vẫn viếng thăm con bằng mộ tưởng trong tâm, vì xác cháu đã tan nát trong gạch ngói căn hầm cùng 38 nạn nhân khác. Việc cuối cùng cô bé 15 tuổi ấy làm được là gánh đầy bể nước cho cô giáo chủ nhiệm đang ốm và nói rằng: “Cô cứ dùng thoải mái, bao giờ máy bay Mỹ hết ném bom, em sẽ lại về gánh nước cho cô”. Nhưng cô bé đáng yêu, vừa mới được kết nạp đoàn viên Thanh niên Lao động mấy hôm trước đã mãi mãi không trở về.
Kể sao cho hết mất mát, chỉ riêng trong ngôi nhà ấy đã bao cảnh đau thương! Ông Tụng vừa kể trên, con giai đầu và con dâu mất xác cùng đêm ấy. Gia đình ông Vân, dân nghèo, lao động tự do, 2 vợ chồng có 5 con, không còn một ai, mất xác cả 7 người.
Sau những đêm kinh hoàng ấy, đường phố thủ đô gạch ngói tan hoang, chưa bao giờ Hà Nội lại nhiều khăn tang đến vậy. Bảng ghi tên những người đã mất ở đài tưởng niệm là 600 chỉ là tính người có trong sổ hộ tịch, còn theo các nhân chứng kể lại, gom cả tử nạn vãng lai, tạm trú lên tới nghìn người. Và nếu một chiếc B52 không bị bắn rơi đêm ấy, chiếc còn lại không vội bỏ chạy, ngoài Khâm Thiên còn bao người dân thủ đô tử nạn?
Ngồi nghe kể lại chuyện xưa, có mấy chàng trẻ tuổi, một cậu có vẻ “tay chơi” lên tiếng: “Các cụ ơi, nhớ chuyện cổ tích, gian khổ mất mát làm gì! Cứ sống như chúng con, ăn chơi, hưởng thụ nốt tuổi già còn lại có hơn không!”. Tôi lặng người, cố nén cơn giận trong ngực. Không thể cho hắn cái bợp tai, vì hắn không phải con cháu mình.
Một cậu khác ngồi bên góp lời: “Nếu không có thế hệ chịu đựng mất mát hy sinh, hết lòng vì con cháu như các cụ, chắc gì bây giờ bọn con được sống đầy đủ, bình yên như thế này”.
Thế là mừng! Dân tộc này còn đại phúc, nếu lớp trẻ học hành tử tế, biết sống và hiểu lẽ đời, không quên những viên gạch lát đường cho tương lai
Đ.T
Theo Tạp chí Văn nghệ quân đội