Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 26/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Bản hùng ca viết từ ý chí và sức mạnh Việt Nam Bản hùng ca viết từ ý chí và sức mạnh Việt Nam , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

QĐND Online - Ngày 16-12-1972, Hà Nội đang sục sôi khí thế chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lịch sử với không quân chiến lược Mỹ. Đúng 40 năm sau, Hà Nội lại lung linh ánh điện ở nhiều địa điểm mang đậm dấu tích Chiến thắng B-52. Đó là những điểm cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội”, do Đài PT-TH Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân và Đoàn phòng không Hà Nội (Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ) phối hợp tổ chức…

“Bê” gì cũng đánh

Cầu truyền hình trực tiếp “Bản hùng ca Hà Nội” diễn ra tại 5 điểm cầu: Đoàn phòng không Hà Nội, đơn vị chủ công đánh B-52 của Quân chủng PK-KQ; Trận địa tên lửa Chèm (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội), nơi “rồng lửa” vút lên bầu trời Thủ đô, hạ gục siêu pháo đài bay B-52; Đài tưởng niệm Khâm Thiên, nơi ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bảo tàng Chiến thắng B-52, những nơi đang lưu giữ các hiện vật của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Các đại biểu tham dự điểm cầu truyền hình tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tham dự tại các điểm cầu truyền hình có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; lãnh đạo TP Hà Nội; lãnh đạo Quân chủng PK-KQ và nhiều tướng lĩnh, sĩ quan quân đội.

Sân khấu cột cờ Hà Nội tại điểm cầu Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam tỏa ánh sáng rực rỡ trong đêm truyền hình trực tiếp. Cách đó không xa là bảo vật quốc gia- chiếc Mig-21 mang số hiệu 5121 đã cùng phi công Phạm Tuân quật cổ siêu pháo đài bay B-52 trên bầu trời Sơn La. Phía dưới chân cột cờ là đống xác máy bay Mỹ với đủ kiểu loại, trong đó có những mảnh xác của “con ngáo ộp” B-52 bị quân, dân Thủ đô tiêu diệt trong những đêm cuối tháng Chạp năm 1972. Hoạt cảnh “Hà Nội những đêm không ngủ” công phu, hoành tráng đã mở đầu chương trình truyền hình, với việc khắc họa cuộc sống và chiến đấu của quân, dân Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh  vọng vang dưới lá cờ lớn đang cuộn trong gió lộng: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lời dạy ấy đã hun đúc thành quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc, tất cả cho “độc lập, tự do”.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ tại điểm cầu Đoàn phòng không Hà Nội bồi hồi xúc động khi người dẫn chương trình giới thiệu về một kỷ vật đặc biệt-tờ giấy chứng nhận số tiền nhuận bút trị giá 25 đồng, được trích ra từ sổ tiết kiệm mà Bác Hồ dành tặng cán bộ, chiến sĩ đơn vị pháo cao xạ thuộc Đoàn phòng không Hà Nội, làm nhiệm vụ trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình năm 1966. Ra đời đúng vào ngày 19-5-1965, Đoàn phòng không Hà Nội vinh dự được đón Bác về thăm nhiều nhất (8 lần). Quyết tâm đánh B-52 đã được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn khắc cốt, ghi tâm từ lời Bác dạy: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay "Bê" gì đi chăng nữa thì ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng".

Hoạt cảnh “Hà Nội những đêm không ngủ”

Với nhận định của Người, rằng sớm muộn B-52 cũng đánh ra Hà Nội; rằng đế quốc Mỹ chỉ chịu thua khi thua đau trên bầu trời Hà Nội…và với sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ đội PK-KQ và quân, dân Thủ đô đã sớm chuẩn bị phương án đánh máy bay B-52, quyết giữ trọn lời thề bảo vệ bầu trời Hà Nội, bảo vệ Trung ương và Thủ đô yêu dấu…

Chủ động, quyết chiến và sáng tạo

Tham gia điểm cầu tại Đoàn phòng không Hà Nội có Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng đài ra-đa P-35, thuộc Đại đội ra-đa 45 (Trung đoàn 291, Binh chủng Ra-đa). Trong những ngày lịch sử cuối tháng Chạp năm 1972, “mắt thần” P-35 “mai phục” tại một địa danh hẻo lánh gần đồi Si (thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, Nghệ An). Ngày 18-12-1972, Nghiêm Đình Tích và kíp trắc thủ phát hiện có nhiễu lạ. Bằng tất cả kinh nghiệm có được sau 7 năm quần thảo với không quân Mỹ, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích báo cáo dứt khoát và đầy trách nhiệm: "B-52 đang bay vào Hà Nội"! Thời khắc quyết định đã điểm, Hà Nội hoàn toàn chủ động, không bị bất ngờ.

Đại tá Nghiêm Đình Tích nhớ lại: “Tối 18-12-1972, khi mở máy, chúng tôi phát hiện nhiễu B-52 dày đặc. Cả phiên ban tập trung chống nhiễu, dựa trên kinh nghiệm chống nhiễu khi máy bay Mỹ vào phá hoại Hà Nội trước đó và kinh nghiệm tập đánh B-52 ở Quân khu 4. Những lần vào đánh Cánh Đồng Chum (Lào), B-52 thường bay đến phương vị 290º thì vòng lại, còn lần này chúng bay tới phương vị 300º và vẫn bay thẳng về phía Tây Bắc nước ta. Trước đó, máy bay trinh sát của địch cũng đã bay vào Hà Nội. Vậy nên chúng tôi khẳng định B-52 đang vào đánh Hà Nội”.

Nhờ sự cảnh giác cao độ của Bộ đội ra-đa, “con ngáo ộp” B-52 đã bị “bắt bài” trước khi mò vào Hà Nội. Miền Bắc đã được báo động sớm, chủ động và điềm tĩnh bước vào cuộc chiến sinh tử. Đúng 19 giờ 44 phút ngày 18-12-1972, quả tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) rời bệ phóng, mở đầu cho cuộc “nghênh tiếp dữ dội”-như người Mỹ đã ví von sau này.

20 giờ 13 phút, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận của Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261) ấn nút phóng đưa quả tên lửa mang số hiệu C202A xé toạc trời đêm, lao trúng đích, biến “siêu pháo đài bay” B-52 thành bó đuốc khổng lồ, rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Đại tá Nguyễn Đình Kiên tại điểm cầu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Người sĩ quan tên lửa lập chiến công hạ gục chiếc siêu pháo đài bay đầu tiên, nay cũng có mặt tại điểm cầu trận địa tên lửa Chèm. Trong chiếc xe điều khiển tên lửa C-125M, Trung tá Dương Văn Thuận bồi hồi tâm sự: “Tôi như đang được sống lại không khí của 40 năm về trước, khi chiếc B-52 đầu tiên bị hạ trên bầu trời Hà Nội. Trong những ngày tháng hào hùng đó, lịch sử lại được tái hiện. Xưa nỏ thần của An Dương Vương từ thành Cổ Loa vút đi tiêu diệt quân xâm lược; nay đánh đế quốc Mỹ, những người lính tên lửa lại điều khiển rồng lửa vút lên từ chân thành Cổ Loa, hạ gục siêu pháo đài bay B-52 ngay trên bầu trời Hà Nội”

Điểm cầu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngập tràn xúc động sau những thước phim “Hà Nội 12 ngày đêm”, với hình ảnh “vầng sáng” Vũ Xuân Thiều. Quyết tâm tiêu diệt B-52 vốn đã găm sâu trong trái tim và suy nghĩ của các phi công đánh đêm. Vậy nên, khi thời cơ đến, với tinh thần quyết chiến, phi công Vũ Xuân Thiều đã diệt tan xác một B-52 và anh cũng anh dũng hy sinh ngay trong trận quyết chiến đó.

Với vũ khí không phải là hiện đại trong thời điểm lúc bấy giờ, phải tác chiến trong điều kiện địch gây nhiễu nặng và đánh phá ác liệt, song Bộ đội Tên lửa vẫn “vít cổ” siêu pháo đài bay trên bầu trời Hà Nội. Kỳ tích đó được làm nên từ những khối óc, bàn tay không ngừng sáng tạo. Khẳng định đó được thể hiện qua chia sẻ của các cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch của 40 năm về trước, tại điểm cầu Đoàn phòng không Hà Nội.

Rạng sáng ngày 21-12-1972, với phương pháp đánh 3 điểm, trong vòng 9 phút, với 2 quả đạn tên lửa, Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261) đã diệt gọn 2 chiếc B-52. Cho đến nay, đây vẫn là một kỷ lục về hiệu suất chiến đấu cao và thời gian di chuyển hỏa lực nhanh. Trong cả Chiến dịch, Tiểu đoàn 57 đã tiêu diệt 4 máy bay B-52. Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đình Kiên, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), nguyên sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 57 những ngày tháng Chạp năm 1972 lại chia sẻ nhiều về sự giúp đỡ của Liên Xô trong việc trang bị và cải tiến để tên lửa SAM-2 có thể đánh được B-52; sự dày công huấn luyện cách đánh B-52 của Bộ đội PK-KQ và sự sáng tạo của bộ đội tên lửa khi đối đầu với B-52 Mỹ.

Cựu chiến binh Đinh Trọng Đức, nguyên trắc thủ cự ly Tiểu đoàn 78, nói về cách đánh “chỉ bộ đội tên lửa Việt Nam mới có”, đó là phương pháp đánh 3 điểm. Còn Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257) lại chia sẻ về cách đánh sở trường - bắn “vượt nửa góc” của đơn vị ông. Cách đánh không chỉ đòi hỏi sự tính toán chuẩn xác của các sĩ quan tên lửa, mà còn đòi hỏi ở họ lòng gan dạ, sẵn sàng vô hiệu hóa tên lửa sơ-rai của đối phương. Còn Trung tá Nguyễn Văn Đức, nguyên là sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 77 thì chia sẻ về sự khổ luyện của ông trên con đường từ trắc thủ thành anh nuôi rồi lại lên làm sĩ quan điều khiển. Nhờ nỗ lực không ngừng để vượt lên khó khăn gian khổ, nhờ những cách đánh sáng tạo, Bộ đội Tên lửa đã đánh thắng giòn giã trong cả 12 ngày đêm của Chiến dịch.

“Đạp quân thù xuống đất đen/Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Rời quân ngũ, Đại tá Đinh Thế Văn lại trở về làng rối Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội), khôi phục lại nghề rối truyền thống mà cha ông để lại. Trong đêm kỷ niệm đặc biệt này, ông đã mang đến một tiết mục rối cũng rất đặc biệt, có tên “Hà Nội, Chiến thắng B-52”…

“Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù”

Những ngọn nến được thắp lên tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên, như lời cầu nguyện cho 287 người dân vô tội đã thiệt mạng khi bom từ B-52 trút xuống con phố này. Người Hà Nội vẫn quen gọi Khâm Thiên là “phố vắng 3 số nhà”. Trên con phố san sát cửa hàng cửa hiệu, khoảng không gian giữa 3 số nhà 47, 49 và 51 là sự hao khuyết đặc biệt và chính là địa điểm không thể quên trong ký ức người Hà Nội. 40 năm trước, vào lúc 22 giờ 45 phút ngày 26-12, B-52 Mỹ đã rải thảm xuống Khâm Thiên, biến nơi đây trở nên tan hoang và tang tóc.

Các nghệ sĩ nước ngoài với bài hát "Hà Nội niềm tin và hy vọng"

Nhà văn Giang Quân, người được chứng kiến Khâm Thiên oằn mình sau làn mưa bom rưng rưng hồi tưởng . Khi B-52 vào rải thảm ở Khâm Thiên, ông xuống hố trú ẩn cá nhân trong nhà sách nhân dân Đống Đa. Dưới hầm, ông nghe thấy tiếng ầm ì, rồi tiếng lụp bụp trên mặt đất. Nhìn qua lỗ thông hơi, ông thấy ngôi nhà đã bay mất mái. Khi có lệnh báo yên, lên khỏi hầm, ông chứng kiến cảnh tan hoang của con phố Khâm Thiên. Nhà cửa đổ nát, người chết là vậy, nhưng bà con Khâm Thiên vẫn không nao núng, sợ hãi mà chỉ còn lòng căm thù giặc ngút trời. Lòng căm thù ấy đã biến thành sức mạnh, thôi thúc họ lao vào cứu sập, cứu thương.

Người mẹ trong tư thế giữ chặt đứa con đã mềm oặt trên tay, chân  đạp lên bom thù, là bức tượng được đặt trang trọng tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên, do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự sáng tác. Ông chia sẻ: “Chính cái chết oan uổng của hơn 200 người dân Khâm Thiên đã thôi thúc tôi cho ra đời bức tượng này. Người mẹ ôm đứa con đã chết. Chị đau khổ vì mất mát, nhưng không khóc lóc. Dáng chị bế đứa con nhoài ra phía trước vừa để phơi bày tội ác của đế quốc Mỹ, vừa như tạo điểm tựa vững vàng cho người chiến sĩ quyết tâm tiêu diệt lũ giặc trời”.

Sau những phút giây nghẹn ngào không nói lên lời, Nhạc sĩ Phú Quang, từng ở số nhà 49 phố Khâm Thiên chia sẻ cảm xúc khi trở lại nhà sau trận bom thù dội xuống Khâm Thiên. Rồi ông cất cao lời bài hát “Em ơi Hà Nội phố”, trong rưng xúc động của nhiều người tham dự tại các điểm cầu truyền hình.

“Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/Hỡi em gái mất cha mất mẹ/Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù/Em phải bắn, trúng đầu giặc Mỹ”. Đó là 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Việt Nam máu và hoa”, dành cho nữ tự vệ Phạm Thị Viễn.

Người nữ tự vệ ấy cũng có mặt tại điểm cầu Bảo tàng Chiến thắng B-52. Những ngày máu lửa cuối tháng 12-1972 như thước phim quay chậm trong ký ức người nữ tự vệ can trường. Cha, mẹ bị bom Mỹ giết hại, song vượt lên nỗi đau, Phạm Thị Viễn vẫn kiên cường bám trận địa. Và ngày 22-12-1972, chị cùng đồng đội tiêu diệt một chiếc F-111 của Mỹ, khi nó đang bay vào Hà Nội gây tội ác.

Hà Nội những ngày cuối tháng Chạp năm 1972 chìm trong khói lửa, trắng những vành khăn tang. Nhưng, vượt lên mất mát, hy sinh, quân và dân Hà Nội với ngùn ngụt lòng hờn căm và ý chí ngoan cường, anh dũng, đã quyết chiến và tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc, đỏ trời, tầm thấp, tầm cao. Để rồi: “Dưới gươm thiêng hùng khí Thủ đô/Cả bốn biển hoan hô Hà Nội/Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ/Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi” (Thơ: Việt Nam máu và hoa, tác giả: Tố Hữu).

Sau 12 ngày đêm Hà Nội và cả nước không ngủ, 81 máy bay Mỹ đã phải đền nợ máu, trong đó có 34 siêu pháo đài bay B-52. Hà Nội đã đứng vững và chiến thắng. Chiến thắng ấy thể hiện sức mạnh của dân tộc Việt Nam, của Thủ đô anh hùng. Chiến thắng ấy đã viết lên “Bản hùng ca Hà Nội”, thể hiện ý chí và sức mạnh Việt Nam. Bản hùng ca đang vọng vang từ quá khứ, đến hôm nay và cho cả mai sau...

Bài, ảnh: HOÀNG HÀ-VIỆT CƯỜNG


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 66102905

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July