Để giúp ngư dân bám ngư trường Hoàng Sa, gia đình ông Lê Mến ở Đà Nẵng bỏ tiền đóng tàu hậu cần công suất lớn nhất miền Trung rồi cho bạn thuyền ứng trước nguyên liệu, thực phẩm ra khơi...
Thuyền trưởng Lê Mến (bên trái) và cựu thuyền trưởng Lê Diệp. Hiện mọi việc thu mua, điều khiển tàu hậu cần được ông Mến làm việc qua bộ đàm. Ảnh: Nguyễn Đông
"Biển đem lại tôm cá, mang lại cuộc sống cho hàng nghìn ngư dân. Gia đình tôi đóng vai trò trung chuyển những sản vật biển vượt sóng vào đất liền để người tiêu dùng có con tôm, con cá tươi sống, ngư dân yên tâm có dầu, thực phẩm bám biển dài ngày", ông Mến mở đầu câu chuyện.
Ở tuổi 50, ông Mến có 35 năm trong nghề. Với chất giọng sang sảng của người cưỡi sóng biển lâu năm, ông khoe gia đình mình có tới ba thế hệ đều là thuyền trưởng cừ khôi ngược xuôi cùng những chiếc tàu hậu cần. Thế hệ thứ ba là hai cậu con trai Lê Văn Sang (27 tuổi) và Lê Văn Kháng (24 tuổi) đang cầm lái ngoài khơi chưa về đất liền. "Gia đình tôi quyết giữ nghề để ngày ngày được ra ngư trường Hoàng Sa, lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc", ông nói.
Quê gốc ở Huế, ông Mến theo cha vào vùng cửa biển Đà Nẵng lập nghiệp và làm nghề hậu cần nghề cá từ trước giải phóng. Ngồi thư thái uống trà buổi sáng, cụ Lê Diệp (85 tuổi) kể, cậu con trai Lê Mến theo cụ đi biển từ năm 16 tuổi, thuộc lòng từng vùng biển, luồng cá.
Thuyền nhỏ không thỏa sức vẫy vùng, khi được bố giao lại "chức" thuyền trưởng, ông Mến đầu tư mở rộng công suất tàu hậu cần. Từ chiếc tàu đầu tiên chỉ với 20CV, giờ ông Mến đang sở hữu hai tàu 1.160 CV và 502 CV làm nghề hậu cần cho các tàu cá Đà Nẵng và một số tàu tỉnh bạn đánh bắt ngoài khơi.
Gia đình ông cũng đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiếc tàu mới đóng số hiệu ĐNa 90444 Ts là tàu hậu cần lớn nhất miền Trung. Đây là con tàu tư nhân đầu tiên của Việt Nam làm dịch vụ nghề cá ngoài khơi theo phương thức hỗ trợ nhau, sẵn sàng đối mặt và ứng phó kịp thời với những bất trắc trên biển.
Thuyền trưởng tàu hậu cần lớn nhất miền Trung Lê Văn Sang trong chuyến tàu hạ thủy tháng 5/2012. Ảnh:Nguyễn Đông |
Theo ông Mến, vì xa khơi, không có dịch vụ tại chỗ, bảo quản kịp thời nên giá trị hải sản của ngư dân mất đi khoảng 30%. Giá bán thấp thì chính những ngư dân là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Nhiều khi tàu cá đang đánh bắt nơi nhiều hải sản cũng đành phải quay vào bờ để tiếp nhiên liệu, tốn thêm 30% chi phí.
Vì vậy, ông đã không chút do dự dốc hết số tiền 3,5 tỷ đồng đóng tàu hậu cần dài 26 m, rộng 6 m, cao hơn 6 m, có 27 khoang chứa với tổng thể tích 120 m3. Tổng tải của tàu 150 tấn, khả năng chứa 5.000-7.000 lít nhiên liệu, 1.200-1.500 cây đá, 20 tấn lương thực, nước uống…
Ngoài cung cấp nước, lương thực, thực phẩm, dầu…, nhiều tàu cá của ngư dân bị nạn cũng được tàu hậu cần của gia đình ông ứng cứu. Có tàu bị hỏng máy, thả trôi giữa biển được tàu của ông kéo vào bờ sửa chữa, hay nhiều ngư dân đau ốm giữa khơi cũng được đưa vào bệnh viện chữa trị. Gia đình thuyền trường này cũng kiêm luôn việc thông báo tình hình thời tiết cho cơ quan chức năng.
"Nhờ chiếc tàu lớn này mà trong đợt chạy bão Sơn Tinh vừa qua, tôi đã thu mua một lúc 35 tấn mực của một ngư dân. Nếu tàu công suất nhỏ thì chỉ lấy được 15 tấn, số còn lại ngư dân phải thả trôi xuống biển để chạy vào bờ tránh bão, vừa tổn thất lại vừa làm ô nhiễm môi trường", ông Mến trải lòng.
Sau khi hạ thủy, ông Lê Mến giao lại con tàu ĐNa 90444 cho con trai là Lê Văn Sang làm thuyền trưởng. Với Sang, đây là niềm mơ ước của thế hệ thứ ba nối nghiệp ông cha. Nói như hét vào điện thoại giữa những cơn sóng Hoàng Sa, Sang kể: "Có khi trời đổ bão, 8 tàu cá xúm lại kéo một tàu bị hỏng vào bờ nhưng không thể chống lại sóng lớn, gió giật cấp 8-9. Khi tàu hậu cần đến ứng cứu, mắc dây lai dắt, chiếc tàu lớn kéo phăng tàu bị nạn chạy bão vào bờ an toàn. Mới đây tàu của tôi bị hỏng cùng lúc hai máy, nhưng nhờ tàu dùng 3 động cơ nên may mắn vào được bờ".
Anh Lê Văn Kháng, 24 tuổi, trên chiếc tàu hậu cần ra khơi cùng anh trai. Ảnh:Nguyễn Đông |
Bạn hàng của gia đình ông Mến đều là những ngư dân chất phác làm ăn bằng chữ tín. Nhiều khi họ thiếu vốn ra khơi, ông Mến cho ứng trước cả hai nghìn lít dầu. Họ đánh được cá thì liên lạc qua bộ đàm để ông ra biển thu mua. Khi hải sản vào đến đất liền, ngoài việc phân phối cho người bán buôn, xe đông lạnh của ông Mến lại chất đầy hàng đi khắp miền Trung.
Tàu hậu cần của gia đình ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 40 người với thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng một tháng. Dịp lễ Tết, thuyền viên đều được thưởng thêm. "Dù làm thuê cho anh nhưng mọi người đều đoàn kết bám biển, không phân biệt chủ tớ", anh Nguyễn Cường, một thuyền viên trên tàu hậu cần nói.
Giờ hỏi nhà ông Lê Mến ở phường Thuận Phước ai cũng biết bởi nhờ nghề cá mà ông dựng căn nhà khang trang trên đường Mai Lão Bạng, sống quây quần bốn thế hệ. Ông Mến đi đầu trong công tác làm từ thiện, trích riêng một khoản tiền cho ngư dân vay không tính lãi để mua ngư cụ, hay hăng hái ủng hộ Quỹ góp đá xây Trường Sa... "Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng về biển đảo. Anh em ngư dân chúng tôi luôn ý thức mình chính là những cột mốc chủ quyền giữa biển khơi", ông Mến khảng khái.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng Hồ Phó không ngớt lời khen tinh thần bám biển của cả gia đình ông Mến. "Để phát triển nghề cá bền vững thì rất cần những ngư dân nghĩa hiệp như gia đình anh Mến. Chúng tôi đang đề nghị Bộ Nông nghiệp xem xét hình thức hỗ trợ tiền dầu cho tàu hậu cần của gia đình anh. Theo thông tư hiện hành, tàu cá ra khơi trong vòng 2 tuần được hỗ trợ 100 lít dầu, nhưng hai tàu cá của anh Mến không được hưởng chính sách này vì các chuyến ra thu mua cá đều ngắn ngày để có nguồn hải sản tươi sống", ông Phó nói.