(Dân Việt) - Chỉ 15 năm trước, họ vẫn là người Lá Vàng sống lay lắt trong rừng, vật vã giữa hai mùa no - đói...
Nay những người La Hủ ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè, Lai Châu) đã thực sự chia tay mùa đói, với hai mùa lúa: Lúa vàng dưới ruộng và lúa đỏ trong rừng.
Ươm giống từ những mùa đói
Ký ức ở rừng, ký ức đói của những người dân Sín Chải B chưa xa. Trưởng bản Pờ Lò Ly (SN 1967), làm Trưởng bản từ tuổi đôi mươi. Không được đi học nhưng anh Ly biết chữ. Chữ anh biết không nhiều, những con chữ “học lóm” từ các thầy giáo, mỗi lúc một chút, đủ để ghi tên mình, tên mọi người trong bản. Ruộng lúa vàng có cùng với những ngôi nhà.
|
Vợ chồng triệu phú Pờ Lòng Xá ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử.
|
Năm 1997, Nhà nước đầu tư làm nhà đưa 33 hộ người La Hủ sinh sống tản mát trong vùng rừng về lập nên bản Sín Chải B. Lập bản mới, Nhà nước lại đầu tư cho dân khai phá ruộng bậc thang trồng lúa. Hơn 10ha lúa đủ cho cái đói cơm bị đẩy lùi. Cây thảo quả đến với bản theo con đường khác – đường làm thuê. Mới lập bản vẫn nghèo, thanh niên hết mùa gặt rủ nhau đi làm thuê hái thảo quả của người Hà Nhì.
Thấy “được ăn”, Trưởng bản Pờ Lò Ly, Pờ Lòng Xá xin lấy tiền công bằng thảo quả tươi, đem về ươm trồng. Ba năm làm giống, 6 năm trồng cây mới được quả. Mấy anh em bàn nhau: Không bán, thiếu tiền thì đi kiếm rễ cây thuốc, tam thất, phong lan rừng, thảo quả phải để làm giống cho bà con. Cái “nghị quyết” của nhóm người tiên phong được thực hiện nghiêm ngặt, lứa quả đầu để làm giống chia cho mọi nhà trong bản ươm trồng tiếp. Rừng thảo quả ở bản Sín Chải B ra đời như thế.
Bây giờ, bản có bao nhiêu thảo quả, cái vốn chữ nghĩa học lóm của Trưởng bản không tính hết được, đại thể nhà nào cũng có “ăn cùng chung, ai cũng phải có”. Nhà nhiều năm thu 6 -7 trăm cân, nhà ít cũng trăm cân. Những năm tới, số hộ thu cả tấn thảo quả có lẽ cũng “nhiều nhiều đấy”. Cũng nhờ thảo quả mà có tiền, có ước muốn cái xe máy chạy thay đôi chân, phải mở rộng con đường lên bản.
Chiều Chủ nhật, Trưởng bản cử mấy thanh niên đến đầu suối Nậm Sì Lường đón các thầy cô giáo bơi sang để lên xe, ngược dốc về bản, chỉ mất 30 phút, đỡ cả nửa ngày đường leo dốc cho các thầy cô. Cũng nhờ thế mà năm học 2012- 2013, bản đã có giáo viên nữ lên được, riêng hệ mầm non có hẳn 3 cô giáo, hệ tiểu học 2 cô. Các thầy cô bảo: “Ở bản này xa nhưng sướng”.
Triệu phú từ đứa trẻ … thèm cơm.
Chắc chắn Pờ Lòng Xá (SN 1972) là người giàu nhất bản Sín Chải B. Gia đình Xá có 8 con trâu, 11 con bò, còn thảo quả có đến cả ngàn gốc. Năm nhiều, gia đình Xá thu 6-7 trăm cân, năm mất mùa cũng thu 4 trăm cân. Anh nằm trong số những người mà tới đây có thể thu cả tấn quả khô mỗi năm. Xưa, Xá vào loại khổ nhất bản. Năm Xá lên 9 tuổi, mẹ chết; năm 15 tuổi, bố chết. Tuổi thơ Xá, cả năm đếm chỉ được mấy bữa cơm, vì “hồi bé thèm cơm lắm”. Bữa ăn chỉ có sắn, củ rừng, thậm chí măng ăn thay củ…
“Nhiều lúc đói quá phải vượt rừng sang nhà gần đó xin ăn” - Xá kể. Món ăn Xá nhớ nhất và sợ nhất, sợ đến tận bây giờ là món củ nâu. Loại củ ở dưới xuôi vẫn dùng để nhuộm vải, khi đói, anh em Xá phải đi đào ăn thay sắn. Củ nâu mang về thái nhỏ ngâm nước, luộc bỏ nước vài lần rồi mới ăn mà vẫn chát, đắng. Năm 18 tuổi, Xá có vợ: “Nó thương thì về ở với mình chứ không cưới”.
Có vợ 10 năm, 4 con rồi mới làm đám cưới. Gọi là đám cưới cho “nhà vợ nó vui”, cỗ cũng có thịt lợn, con lợn chừng 20 cân, làm 4 mâm cỗ, chỉ mời anh em, dân bản không dám mời. Mười năm sau đám cưới của mình, Xá lấy vợ cho con, làm 40 mâm cỗ ở cái bản 33 hộ dân, mời cả bạn bè bản xa đến. Xá cười bảo “mời để trả cái “nợ” xưa cưới mình không mời được”.
Ước tính trong các bản của người La Hủ ở Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Tá Bạ đã có khoảng 200-300ha thảo quả. Nếu áp dụng thành công với các “liệu pháp” nâng cao dân trí, giảm trừ tệ nạn thì cây thảo quả có thể là “bài thuốc đặc trị căn bệnh đói kinh niên” của cộng đồng này.
Đường giàu của Xá cùng gắn với cây thảo quả. Ngày ấy nghèo, Xá cùng anh em đi làm thuê hái thảo quả cho người Hà Nhì. Trong cộng đồng, người Hà Nhì gần gũi và thương người La Hủ nhất, thường khi đói vẫn xin nhau được. Mấy người Hà Nhì bảo “ăn được đấy, lấy về mà trồng”. Lúc trả tiền công, anh em Xá xin chuyển một phần sang lấy thảo quả tươi làm giống, người chủ vườn đồng ý ngay, lại dạy cách trồng, cách chăm. Gần 10 năm theo cái cây, cũng đến ngày nó cho quả, đất tốt “quả to hơn ở nương anh Hà Nhì”.
Thu được gần 10 bao quả tươi, chỗ quả ấy sấy khô bán phải 10 triệu, đời Xá, cả bao anh em chưa bao giờ có nhiều tiền thế. Bà con trong bản xem, ai cũng muốn “xin”. Nghĩ tiền cũng thèm, nhưng nhớ “lúc bé, đói, xin ăn chúng nó, chúng nó cũng đói mà vẫn cho mình”, nên Xá không nghĩ đến chuyện bán nữa mà để cho bà con. Giờ Xá giàu nhất bản, con Xá đang học lớp 9 cũng là học cao nhất bản. Xá quyết, mọi người trong bản cũng quyết xóa đi cái mùa đói, xóa đi cái tên người Lá Vàng.
Bài 3: Làng nghề thảo quả
Xuân Trường