Triển lãm "Hà Nội, những ngày đêm năm 1972" được tổ chức nhân kỉ niệm 40 năm sự kiện Cơ quan đại diện Pháp tại Hà Nội bị ném bom (11/10/1972) tại trung tâm văn hóa Pháp L’espace. Triển lãm tái hiện cuộc sống của người dân Hà Nội trong những ngày đêm lịch sử 1972. Thông qua những tư liệu và nhân chứng lịch sử, người xem được tận mắt sống lại những tháng ngày hào hùng của lịch sử dân tộc để thấu hiểu số phận bi thương của hàng ngàn thường dân thiệt mạng và bị thương trong chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ.
Trong đó, gây ấn tượng mạnh mẽ là những bức ảnh về góc phố Khâm Thiên, nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong 12 ngày đêm quân dân Hà Nội đấu tranh chống lại cuộc tập kích của Mỹ. Một góc phố dài có nhà chỉ còn là đống đổ nát, có nhà còn lại những vách tường đã hư hỏng một nửa. Trên một bức ảnh có ghi lại tâm sự của ông Nguyễn Văn Cầu (một người dân sống ở khu phố Khâm Thiên): “Tôi ở ngõ Sân Quần, phố Khâm Thiên. Sáng 22/12 tôi cho nhà tôi và các cháu về nhà ông chú ở quê sơ tán. Đến chiều 25 thì lại đón bà ấy với thằng con ốm về Hà Nội, thấy bảo Noel nó không đánh nữa. Đêm 26 tôi được lệnh lên trực chiến ở phố Hàng Bồ, nơi có hai phân xưởng in báo. Lên tới nơi, thấy sung bắn xung quanh bốn phía, sang rực lên ...Về đến đầu Khâm Thiên thì thấy dây điện dứt, nhà cửa đổ vỡ. Trong ngõ nhà tôi có cái hầm tập thể to. Ôi giời ơi, nó cho mấy quả bom, chết chẳng toàn thây. 41 người chết, toàn hàng xóm người quen. Tôi đi tìm vợ, chỉ còn nửa người trên, thằng con còn mỗi cái chân, nhận ra được vì có cái sẹo nó bị bỏng ngày xưa”.
Hình ảnh một góc phố bị đánh bom
Hay hình ảnh bệnh viện Bạch Mai bốn lần hứng bom trong năm 1972. Lần đánh bom cuối cùng vào 22/12 với hơn 100 quả bom trút xuống đã cướp đi sinh mạng của 28 nhân viên cùng 22 người khác bị thương. Những người bệnh không có chỗ nằm, những bác sĩ, y tá ngồi thẫn thờ trên đống đổ nát là những khoảnh khắc mang lại cảm xúc mạnh cho người xem.
Bên cạnh đó là hình ảnh những con đường huyết mạch bị hư hỏng nặng như đường Tàu ở huyện Thanh Trì, cầu Long Biên... Những nhà máy, trường học như nhà máy Dệt, Đại Học Y sau những trận bom chỉ còn là đống đổ nát.
Bệnh viện Bạch Mai nơi hứng chịu 4 lần ném bom trong năm 1972
Song không vì thế mà triển lãm mang lại cảm giác u ám, giữa cuộc chiến vẫn có những nụ cười nơi góc hầm trú ẩn, đôi thanh niên tự vệ cười vui trong khi sửa sang lại nắp hầm trú ẩn. Một góc nào đó “Cuộc sống vẫn tiếp diễn với hình ảnh người dân Hà Nội đi sắm tết, người lớn đi làm, trẻ em tới trường. Đó là sức mạnh kiên cường của bất kỳ người dân Việt Nam nào bước ra từ cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược".
Các phim, ảnh tư liệu và các tài liệu trong khuôn khổ triển lãm được cung cấp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau tại Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Phòng không - Không quân, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương...) và tại Pháp (Viện nghe nhìn quốc gia, Cục thông tin và sản xuất nghe nhìn La Défense, Trung tâm lưu trữ Ngoại giao La Courneuve) cùng với các nguồn tư liệu của tư nhân do chủ sở hữu cung cấp (ông Jean-Marc Gravier, ông Alain Wasmes, ông Nicolas Cornet, ông Chu Chí Thành). Trích đoạn của các câu chuyện được thu thập từ các nhân chứng sống tại Hà Nội khi sự kiện xảy ra góp phần làm hoàn chỉnh bức tranh tổng thể: đau thương và anh hùng.
Một số hình ảnh trong triển lãm:
Bệnh viện Bạch Mai
Những tang thương, đổ nát do bom đạn
Ở một góc nào đó, Hà Nội vẫn tiếp tục một cuộc sống lạc quan..
Những bức ảnh, tài liệu tại triển lãm đã khiến người đàn ông này lặng đi xúc động...
Bài và ảnh: Nha Trang