Hát Then là văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái vùng Tây Bắc. Then có thể hiểu là Thiên tức là Trời, vì thế điệu hát Then vẫn được người Tày, người Nùng, người Thái coi là điệu hát thần tiên.
Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ 3, tổ chức tại Bắc Cạn năm 2009
|
Di sản đặc sắc
Hát Then là một loại hình nghệ thuật dân gian diễn xướng nguyên hợp, vừa bao gồm nhiều yếu tố văn hoá - nghệ thuật, vừa mang cả yếu tố tâm linh. Hát Then gắn bó khá sâu sắc với đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái tại một số tỉnh Tây Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh…. Xuất xứ nguồn gốc của Then là từ tín ngưỡng của đồng bào về một thế giới thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh diệu kỳ như: Bụt, Giàng, Trời, mà chỉ có bà Then, ông Then mới có đủ bản lĩnh và khả năng đến được thế giới đó. Khi các bà Then, ông Then này dâng lên Mường Trời những sản vật của con người thì họ hát. Lúc đầu hát Then chỉ có một người: tay đệm đàn, miệng hát, chân sóc nhạc. Chính lời bài hát Then, hoà trong nhịp đàn tính dìu dặt, cùng tiếng xóc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa bà Then, ông Then đến với Mường Trời để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người. Do đó, người hát Then trong những dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Hát Then không chỉ là một làn điệu dân ca thông thường mà nó còn tổng hòa nhiều môn nghệ thuật và phong tục khác như hát, múa, đàn và giao duyên.
Ngày 30/5/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý về chủ trương với đề nghị của tỉnh Tuyên Quang về việc lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hát Then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh khu vực Việt Bắc, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. |
Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Cho nên khi giới trẻ lắng nghe những lời hát Then sẽ chắt lọc được những bài học quí về cuộc sống, về cách ứng xử với thiên nhiên và mọi người xung quanh. Ở mỗi vùng quê đều có những làn điệu hát Then khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, Then có một số loại hình thể hiện với những chức năng chính sau: Then Kỳ Yên (cầu an), Then cầu mùa, Then chúc tụng, Then chữa bệnh, Then cấp sắc (Lẩu Then).
Để lời ca, tiếng hát Then thấu tới cả cõi Trời còn có sự góp mặt của âm thanh từ chiếc đàn Tính. Nói đến hát Then người ta không thể quên vai trò của chiếc đàn này. Bầu của chiếc đàn Tính được làm bằng quả bầu khô, hai dây tơ được chuốt từ ruột tằm. Bầu đàn được hình dung như quả đất, nối với cần đàn, đầu đàn- coi như trời, như thiên đường. Vì thế, người Tày có câu tục ngữ: "Ðàn Tính ba năm, kéo Nhị ba buổi", với hàm ý nghe một lần kéo nhị chỉ nhớ ba ngày, còn nghe một lần đàn Tính thì nhớ đến ba năm.
Ngày 30/5/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý về chủ trương với đề nghị của tỉnh Tuyên Quang về việc lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hát Then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh khu vực Việt Bắc, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
|
Thế hệ trẻ tiếp nối nghệ thuật hát Then- đàn Tính của cha ông
|
Tiếng trầm bổng ngân nga từ cây đàn tính quyện với những lời ca, tiếng hát của Then như đưa ta vào một thế giới hư ảo, huyền bí. Lời then lúc thủ thỉ, sôi động, lúc lại trầm buồn, ngẫm ngợi. Mỗi đoạn một tâm trạng, một sắc thái. Có khi căng thẳng, lo lắng, có khi hồ hởi, vui tươi, tiếng đàn, tiếng hát quyện với nhau lung linh huyền diệu.
Thách thức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của hát Then
Hát Then là sản phẩm sáng tạo của rất nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái. Trải qua thời gian, hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Loại hình nghệ thuật này luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống đồng bào và cũng là niềm tự hào của các dân tộc này... Hiện nay, một số đồng bào người Tày, Nùng, Thái ở khu vực phía Bắc, di chuyển đến sinh sống ở những vùng quê mới ở các tỉnh phía cực Nam của Tổ quốc đã mang theo nghệ thuật truyền thống này và ở đó, hát Then - đàn Tính đã có sức sống của nó.
Tuy nhiên, trên thực tế, hát Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đứng trước nguy cơ mai một nghệ nhân, thiếu người kế cận. Đặc biệt chúng ta không tranh thủ khai thác các nghệ nhân còn giữ được làn điệu Then cổ để truyền dạy cho thế hệ sau thì giá trị đặc sắc của nghệ thuật này sẽ bị mai một. Một thực tế cũng đáng buồn là ở hầu hết các bản làng vùng cao giờ đây chỉ còn các nghệ nhân cao tuổi đánh được đàn Tính, thuộc nhiều bài hát Then, còn thế hệ trẻ thì chỉ biết qua loa hoặc không mấy quan tâm. Các nghệ nhân còn lưu giữ được những bài hát Then cổ là rất hiếm.
Ông Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Tuyên Quang, tâm sự: Sở VHTTDL Tuyên Quang cũng như cá nhân ông rất lo lắng vì chứng kiến cảnh hát Then đang dần bị quên lãng ngay trên quê hương mình. Để cứu vãn, hàng năm tỉnh tổ chức nhiều lớp học dành cho con em dân tộc Tày, Nùng ở địa phương và mời các nghệ nhân đến để dạy, nhưng cũng chả được mấy người theo, nhất là những người trẻ. Riêng tỉnh Tuyên Quang có tất cả 4 nghệ nhân nắm giữ làn điệu Then cổ thì đã mất đi 2 người. Hát Then giờ cũng bị trẻ hóa rất nhiều. Lời Then giờ đa phần được đặt lại. Lời cổ không còn mấy người giữ. Đáng lo ngại hơn là một bộ phận người dân tộc Tày không còn nói được tiếng mẹ đẻ. Thực trạng này là thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Then.
Ở Lạng Sơn, theo ông Hoàng Thành Khởi, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện Văn Quan (Lạng Sơn), cho biết đã mấy lần làm đề án bảo tồn hát Then nhưng rồi phải bỏ ngang vì thiếu kinh phí, nhưng nếu có tiền cũng không có người truyền dạy. Xã Bình Phú, nơi hiếm hoi của tỉnh còn duy trì được đội hát Then truyền thống thì mỗi năm đội văn nghệ xã cũng chỉ biểu diễn được 3 - 4 buổi.
Không riêng gì Lạng Sơn, Tuyên Quang mà các tỉnh khác có nghệ thuật hát Then như Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đắk Lắk… đều có chung số phận.
Về yêu cầu đặt ra đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị hát Then, ông Nguyễn Vũ Phan cho biết: Yếu tố quyết định là phải coi trọng vai trò của các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa dân tộc Tày. Từ trước tới nay, mới chỉ là sự coi trọng về mặt tinh thần, động viên, cổ vũ, đến giờ cần phải quan tâm vật chất, dành một phần kinh phí thỏa đáng hỗ trợ hoạt động của các nghệ nhân để họ truyền dạy làn điệu Then cho thế hệ trẻ và đào tạo người kế nghiệp. Không ai có thể thay các nghệ nhân đào tạo người kế nghiệp mà phải do chính các nghệ nhân đảm nhiệm. Đồng thời, hằng năm các địa phương cần tổ chức hội nghị tôn vinh các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa dân gian để động viên, cổ vũ những người có đóng góp tích cực đối với đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Ở góc độ nghệ nhân, bà Võ Thị Thi (bản Sầm, xã Bình Phú, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) mong muốn: Nhà nước sớm có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với nghệ nhân để họ yên tâm truyền dạy, bồi dưỡng cho các thế hệ sau.
Nhạc sỹ Lương Nguyên, người từng làm Tổng Đạo diễn Liên hoan hát Then - đàn Tính, nhấn mạnh: Muốn bảo tồn hát Then phải để cho nó được sống trong cộng đồng. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng chứ không thể làm thay.
Thanh Thảo
(tổng hợp)