(HNHN)Tính cách Hà Nội ngày nay là sự cộng vào của những tính cách địa phương lấy Hà Nội làm thị trường, chứ không tiếp nhận văn hóa Hà Nội.
1. Cuộc sống Hà Nội đương thời đặt ra sự cạnh tranh quyết liệt. Người sống ở Hà Nội buộc phải có nhiều tiền cho mọi chi phí. Tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn sáng, tiền đi học, tiền sắm đồ, tiền chữa bệnh, tiền du lịch... nên thất nghiệp, thu nhập thấp luôn là mối lo. Tất cả lao vào cuộc cạnh tranh để kiếm việc làm, giữ khách mua, ganh đua đủ mọi thứ ở đủ mọi lứa tuổi.
Sự cạnh tranh này trước những năm 1975 rất đơn giản và tương đối nhẹ nhàng, trước những năm 1954 còn ít nữa, trước những năm 1945, hầu như chỉ giới hạn ở ít người kinh doanh. Cho nên tính cách thanh lịch nhẹ nhàng xưa dù muốn hay không cũng phải nhường chỗ cho tính cách mạnh mẽ, lấy hiệu quả làm chính, thậm chí là cần thì bất lịch sự.
Bán hàng trong phố cổ Hà Nội.
Sức ép của các thành phố lớn lên thị dân là không nhỏ. Bangkok, New York, Hong Kong... là những đô thị như vậy, rất hiện đại, nhưng không dễ sống và phải có rất nhiều tiền. Ở trung tâm thành phố lớn nhiệt độ luôn cao hơn ngoại vi đến 6 độ C, những cao ốc phả ra đường hơi nóng của điều hòa, rồi xe cộ, đặc biệt là tàu điện ngầm luôn chật ních khách với hàng triệu người cùng lên xuống một lúc, tất cả các khoảng đất trước sau cũng bị bê tông hóa và con người luôn hít bụi và khói dầu. Sự phân tầng xã hội không gì rõ nét bằng các thành phố, không có gì gọi là bình đẳng ở đây, mặc dù thành phố là hiện thân của xã hội dân chủ. Có trường học và câu lạc bộ riêng cho con nhà giàu. Có những chỗ mua sắm chỉ dành cho người giàu, thực phẩm và chất lượng hàng hóa được kiểm soát, có những chỗ dành cho lớp trung lưu, còn lại người nghèo hưởng một chế độ vật chất thấp kém và rẻ tiền; cũng như các hoạt động văn hóa nghệ thuật bậc cao, chỉ có thể đến với họ bằng những ngày miễn phí, ngày hạ giá…
Sức ép kiểu đó đang dần hình thành ở Hà Nội và người Hà Nội biến đổi tính cách của mình lúc nào không rõ trước gánh nặng tiêu dùng và thu nhập. Ở New York, mỗi người lao động có thể đi tới 300 cây số mỗi ngày, tất nhiên bằng tàu điện ngầm. Ở Hà Nội mỗi người lao động chạy xe máy không dưới 30 -50 km/ngày. Khi các tuyến đường cao tốc và tàu cao tốc hình thành ở Hà Nội, khi các cơ quan, trường học lui xa ra ngoại ô thì mỗi người Hà Nội cũng phải vận động nhiều hơn. Những người lao động ngoại tỉnh có xu hướng vào Hà Nội kinh doanh, hoặc ở lại qua đêm, hoặc sáng đi tối về, họ cung ứng cho Hà Nội nhiều thứ, nhưng cũng tạo ra những hỗn độn về giao thông thường xuyên trên các con đường từ ngoại ô vào nội thành và ngược lại.
Tiểu thương phố cổ Hà Nội. Ảnh Hans Peter Grumpe chụp năm 1991-1992.
2. Tính cách Hà Nội ngày nay là sự cộng vào của những tính cách địa phương lấy Hà Nội làm thị trường, chứ không tiếp nhận văn hóa Hà Nội.
Những người mua sách, xem bảo tàng, xem triển lãm, thưởng lãm nghệ thuật không nhiều trong số những người lao động, mà loanh quanh chỉ là những người trong nghề. Hầu hết các con đường, mặt tiền ngôi nhà, hè phố đều được tận dụng để kinh doanh, hầu hết các cơ quan trường học đều được biến thành bãi đỗ xe, cho thuê đám cưới... Con người trong cái vòng quay kiếm tiền sẽ có tính cách trong cái vòng quay đấy, không ra ngoài vòng quay đấy.
Về bản chất mỗi người Hà Nội đều cố gắng giữ một thái độ ôn hòa, tìm cách an bình trong một thành phố quá sôi động. Nhưng nhiều lúc, về cảm xúc, họ cũng thụ động với những biến đổi và những sức ép thường xuyên của đời sống gia đình nhiều nhu cầu, một thành phố lớn thiếu tính tổ chức, với nền hành chính chậm chạp.
Phan Cẩm Thượng(TTNH)
|