Là huyện vùng cao nằm dọc biên giới Việt - Lào, A Lưới được xem là chiếc nôi không gian văn hóa dân tộc thiểu số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Và cũng trên mảnh đất này, bao đời nay đồng bào dân tộc Tà Ôi vẫn bền bỉ, giữ gìn nghề dệt Dzèng truyền thống của mình.
Những tấm Dzèng truyền thống của dân tộc Tà Ôi được giới thiệu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Đi qua bao thăng trầm của lịch sử, nhất là những năm tháng chiến tranh, nhiều nét văn hóa, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tà Ôi đã bị tàn phá, mai một. Có những điều chỉ còn là ký ức một thời trong tâm tưởng của các già làng. Thế nhưng bằng một sức mạnh nào đó, nghề dệt Dzèng không bị mất đi mà còn trở nên gần gũi hơn trong đời sống hôm nay của người Tà Ôi và trở thành một báu vật vô giá trong cộng đồng mỗi buôn làng.
Đối với đồng bào dân tộc Tà Ôi, con gái đến tuổi đôi mươi đều phải biết dệt những tấm Dzèng truyền thống của dân tộc mình. Mỗi tấm Dzèng lại là một hiện vật phản ánh sâu sắc nhất tâm hồn của người con gái, bởi trong đó chứa đựng cả những tình cảm yêu thương và khát khao về niềm hạnh phúc đôi lứa. Xuất phát từ quan niệm đó mà những sản phầm đầu đời thường sẽ trở thành món quà tặng cho gia đình nhà chồng như là của hồi môn đặc biệt.
Mỗi tấm Dzèng lại là một hiện vật phản ánh sâu sắc nhất tâm hồn người làm ra nó
Nhiều người người Tà Ôi vẫn thường kể, đất nước mình rộng lắm, con chim bay cũng không hết được, con gió bay cũng không hết được, người Kinh, người Thượng, người Ba Na, người Ê Đê, người Xê Đăng, người Tà Ôi… đều là anh em một nhà! Còn con gái Tà Ôi thì không chỉ biết làm rẫy giỏi, biết dệt Dzèng mà còn xinh như hoa rừng trên dãy núi Trường Sơn.
Chất liệu của vải Dzèng được quy tụ từ cây bông sợi, cây râm, củ nâu, cây đằng đằng là những nguyên liệu chính dệt nên những tấm Dzèng độc đáo của người dân tộc Tà Ôi.
Sau 5 tháng chăm chút cho cây bông, đến kỳ thu hoạch đem bông về phơi cho khô khén. Bông sau khi kéo thành sợi sẽ được mang đi nhuộm. Nhuộm sợi là một trong những khâu kỹ thuật quan trọng nhất, đến nay tại các bản làng khi thực hiện khâu này người Tà Ôi vẫn phải tuân thủ theo những kiêng kỵ nhất định. Đặc biệt ở công đoạn này phải là những người phụ nữ cao tuổi mát tay mới làm ra được những sản phẩm đẹp.
Các sắc màu thường thấy trên trang phục của người Tà Ôi thường là xanh, đỏ, đen, vàng và tím cộng với sự chấm phá của những hạt cườm màu trắng. Trên mỗi bộ trang phục thổ cẩm đã toát lên vẻ lung linh hài hòa. Các loại màu nhuộm sợi được người dân khai thác từ những loại lá, vỏ, rễ cây từ núi rừng nên những gam màu họ làm ra tươi trầm không chói như những loại màu công nghiệp thường thấy của cuộc sống hiện đại. Không chỉ là sự hài hòa về mặt hình thức, sợi bông nhuộm từ những màu tự nhiên rất được ưa chuộng bởi màu bền, ít phai, sợi bông mặc rất ấm về mùa đông, mát về mùa hè.
Những thiếu nữ dân tộc Tà Ôi tỉ mẩn ngồi dệt những tấm Dzèng Khi chuẩn bị đầy đủ sợi, trước khi dệt phải dàn sợi, một công việc tỉ mỉ phức tạp đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ dệt. Tùy từng loại trang phục mà người thợ dệt có cách dàn sợi và tạo hoa văn khác nhau. Hoa văn trên sản phẩm dệt của người Tà Ôi được chia theo các chủ đề như chủ đề động vật, thực vật thiên nhiên và đồ vật. Mỗi một chủ đề đều có những cách thể hiện riêng và trong qua trình làm người thợ có thể sáng tạo tùy thích mà không bị bó bộc trong khuân mẫu nào cả.
Giống như những ngành nghề thủ công khác, những năm cuối của thể kỷ XX, trước sức ép của nền kinh tế thị trường nghề dệt Dzèng đã gặp không ít khó khăn và thử thách, bởi sự xuất hiện ồ ạt của những sản phẩm may mặc được nhập khẩu từ nước ngoài. Chỗ đứng của nghề dệt Dzèng trong đời sống văn hóa của người Tà Ôi tưởng chừng sẽ mai một và có thể mất hẳn!
Nhưng với các giá trị mà nghề dệt Dzèng mang lại như: Giá trị kinh tế, giá trị đạo đức, giá trị tâm linh, giá trị di sản văn hóa dân tộc, giá trị mỹ thuật, ngày 21.11.2016, nghề dệt Dzèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Kể từ đó tới nay với chủ trương khôi phục, phát huy các làng nghề truyền thống, dệt Dzèng là một trong những nghề truyền thống đặc sắc được giới thiệu thường xuyên tại các kỳ Festival nghề truyền thống Huế và quảng bá tới khách du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Theo baovanhoa.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/dzeng--nghe-det-truyen-thong-cua-dan-toc-ta-oi-20220119110957088.htm
|