Chợ lá Mùng Năm
|
Bài thuốc dân gian
Từ những ngày cuối tháng 4 âm lịch, người dân ở các bìa rừng vùng Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước tỉnh quảng Nam… đã gọi nhau đi hái lá mùng 5. Ông Nguyễn Văn Nhẫn, người dân xã Quế Minh (Quế Sơn) nói, trước đây, việc đi hái lá được thực hiện đúng giờ Ngọ ngày mùng 5 nhưng dần dần thói quen này đã thay đổi. Tất cả loại lá được hái trong dịp này được phơi khô, bảo quản kỹ để sử dụng hằng ngày thay chè hoặc trà.
“Ngày trước chỉ hái lá để phục vụ nhu cầu gia đình. Nhiều năm nay thấy trà lá mùng 5 được nhiều người hỏi mua nên chúng tôi tổ chức thành các nhóm để đi hái về. Tại nhà sẽ có người đến gom đi bỏ các chợ” - ông Nhẫn nói.
Gọi là lá Mùng Năm vì chính vào dịp này, từ chợ cho đến khắp các ngả, dễ dàng thấy những bó lá mọi hương vị được bày bán. Có đủ loại thảo mộc cho người mua lựa chọn, từ lá đậu sen, tía tô, bầu đường, rẻ quạt, ngải cứu, mã đề, đinh lăng, hóc hương, đại tướng quân... Có cả ngũ gia bì, dủ dẻ, dây chiều, lá bướm, sim, lá mơ, lá bạc thau, lá ổi, lá lốt, lá bạc hà…
Theo nghiên cứu từ Đông y, lá Mùng 5 là tên gọi chung của những loại cây dân dã, nhưng có tác dụng chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe. Như ngũ gia bì chữa chứng nhức mỏi, đau khớp, đau lưng, lá tía tô giải cảm...
Nước lá Mùng 5 là tổng hợp hương hoa, mùi cây lá thuốc nam, bao gồm cả vị đắng, chát, ngọt hòa quyện vào nhau. Ai đã từng dùng qua thức uống thơm ngon này, khó có thể quên được hương vị đậm đà, thân quen, dân dã của nó.
Bà Nguyễn Thị Thiên - người dân khối phố Trường Đồng (TP.Tam Kỳ) nói, đã thành lệ, cứ vào đầu tháng 5 âm lịch, bà lại vào chợ Mai (Tam Kỳ) để mua bó lá Mùng 5. Mua về, chặt nhỏ, phơi khô rồi gom cất dùng cho cả năm. Hằng ngày, nồi nước nấu từ lá Mùng 5 thơm nồng, uống thay cho trà đen, trà lài, để giải nhiệt, tiêu thực.
Ai đi chợ những ngày này, đều như nghe váng vất mùi thơm của cây lá bìa rừng từ ngay đầu chợ. Thậm chí, có những nơi hình thành cả một góc chợ lá Mùng 5. Bà Lê Thị Ân, hơn chục năm nay cứ vào những ngày gần Tết Đoan ngọ này lại đổi “hàng” kinh doanh từ cây trái sang lá rừng.
Ở góc chợ của bến An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên), rộn ràng người mua kẻ bán. Hơn một trăm nghìn đồng cho một bó lá với đầy đủ các loại, hồ như chỉ cần để ôm trên tay nắm lá vào đúng những ngày này, cũng chẳng ai để tâm giá như vậy là đắt hay rẻ.
Không đơn thuần chỉ là một thức uống, lá Mùng 5 là một vị thuốc giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, giúp mát gan, lợi đường huyết. Và trên tất cả, là ký ức, truyền thống dân gian. Buổi chợ Mùng Năm, không ôm về một bó lá, trưa Mùng 5 thiếu đi ly nước lá, hình như ngày Tết Đoan ngọ chưa thật sự tròn với người xứ Quảng.
Sản vật xứ đảo
Cũng gọi là trà lá Mùng 5, nhưng khác với “lá Mùng 5” ở đất liền, phần lớn các loại lá lao trên đảo Cù Lao Chàm sau khi thu hái về được chặt nhỏ ngay trong ngày, phơi khô theo từng loại. Và nhất là muốn lúc nào cũng có.
Ở Cù Lao Chàm hiện nay có chừng 15 hộ chuyên làm nghề khai thác lá uống. Phơi từ 3 đến 5 nắng tùy dạng cây thu đốn là rễ, thân hoặc lá. Bà Thanh, một người đã hàng chục năm “lăn lộn” với trá lá Mùng 5 túc tắc kể: “Lá ngon nhất lá từ tháng 4 đến tháng 6. Mọi người thường vào rừng hái lá vào sáng sớm, còn buổi chiều thì dành thời gian bằm nhỏ, phơi và sơ chế”.
Thường ngày, khi có việc cần hoặc chỉ là bất chợt thèm trà lá, thì trong đất liền nhớ ngay đến Cù Lao Chàm. Khoảng 50 nghìn đồng đã mua được một bao lớn, uống thỏa thích. Dần dà, nhờ có hoạt động du lịch, hái lá lao cũng trở thành sinh kế chính giúp nhiều gia đình ở Cù Lao Chàm có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Dưới cái nắng chiều rát bỏng, ông Nguyễn Vinh (trú thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp) vừa bằm lộc cộc mớ lá rừng, vừa nói: “Ở đây người dân hay gọi nó là lá lao. Có một cái hay là nếu biết cách khai thác thì hái một nhánh nó sẽ nhanh chóng nứt lại nhiều nhánh khác nên không lo cạn kiệt và có thể thu hái quanh năm”. Một người đàn ông khác góp chuyện, đừng tưởng để không đó không hái là tốt, nếu không chặt bớt thì nhiều loài cây già đi, héo úa và có thể làm rừng suy kiệt.
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho hay, ở Tân Hiệp hiện có vùng nguyên liệu khoảng 5ha lá rừng, là nơi cung cấp nguyên liệu thô để chế biến sản phẩm OCOP trà rừng Cù Lao Chàm giúp nâng cao giá trị kinh tế cũng như tạo ra quà lưu niệm đặc trưng cho vùng đất này phục vụ khách du lịch.
Theo khảo sát của Phòng Kinh tế TP.Hội An, bộ thực vật được sử dụng làm “lá uống” ở Cù Lao Chàm có ít nhất 87 loài. Trong đó đã giám định được 83 loài, 4 loài chưa giám định có tên địa phương là Chè núi, Dây lăng, Dây pháo và Đột nốt, cũng đều là những cây lá mà các mẹ, các chị ở xứ Quảng cứ đến dịp Mùng 5 là lại rảo bước quanh chợ để săn lùng.
Bao lần ra đảo, dù là ghé vào trụ sở hành chính, nhà hàng hay nhà dân chúng tôi đều được chiêu đãi loại nước lá thơm thảo này. Hỏi ra mới biết, thức uống màu vàng nâu đậm, vị ngòn ngọt này là hỗn hợp của mười mấy loại thực vật, chẳng những giúp giải khát mà còn ăn ngon, đen tóc, đẹp da…
Bên vệ đường, sau rào dậu hay sâu trong góc núi, đâu đâu ở Cù Lao Chàm cũng hiện diện thức quà quê trời phú này. Ghé Cù Lao Chàm mà chưa nhấp một ngụm lá lao thì xem như đã bỏ lỡ phong vị đặc trưng của xứ đảo ngọc.
LÊ QUÂN - QUỐC TUẤN/ Báo Quảng Nam
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/mung-5-nhap-ngum-nuoc-la-20210615092805691.htm