Người Hà Nội với Tết bánh trôi, bánh chay Người Hà Nội với Tết bánh trôi, bánh chay , Người xứ Nghệ Kiev
14/04/2021
(NSHN) - Mỗi năm, cứ đến tháng Ba âm lịch, các bà nội trợ Hà Nội lại háo hức sửa soạn làm bánh trôi, bánh chay dâng cúng ông bà tổ tiên.
Ở Hà Nội, ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch, trên các phố phường, xóm ngõ, nhà nào cũng làm bánh trôi, bánh chay để cúng ông bà tổ tiên. Đây là các loại bánh ngọt truyền thống có sự tích lâu đời.
Sau khi chán các loại bánh trôi tạo hình, ngũ sắc thì năm nay, các bà nội trợ quay trở lại với bánh trôi màu trắng truyền thống. Đĩa bánh trắng tròn chuẩn màu của các cụ xưa nhìn vô cùng hấp dẫn.
Theo chị Nguyễn Thị Hoài (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội), để có một đĩa bánh trôi đẹp và ngon, các bà nội trợ nên chọn loại bột mịn xay nước có bán sẵn ở chợ hoặc tự ngâm gạo xay. Đường cũng nên chặt nhỏ, bằng 1/2, 1/3 cục đường bổ sẵn. Đường ít bánh sẽ đỡ ngọt và dễ ăn hơn. Đặc biệt, khi nặn bánh thì chia bột trước bằng cách vê bột thành một đường dài rồi ngắt thành những phần nhỏ bằng nhau. Làm thế bánh sẽ đều hơn, không bị viên to, viên nhỏ.
Bánh chay được chan nước chè sắn dây, phảng phất mùi hoa bưởi, rắc lên trên vài hạt đỗ và dừa nạo. Bánh trôi nhỏ xinh được chấm vừng thật gọn gàng lên từng viên bánh.
Ngoài bánh trôi, bánh chay, dịp này, nhiều gia đình ở Hà Nội còn làm bánh nhót xào mật. Cách làm bánh nhót cũng tương tự như làm bánh trôi, chỉ khác là sau khi vớt bánh nhót đã luộc chín và ngâm nước lạnh thì cho vào xào khoảng 15 phút với mật mía đã đun sôi. Món bánh này ăn đậm đà, ấm nồng hương gừng.
Tại xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội), người dân thường không ăn bánh trôi trong ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch để thể hiện lòng thành kính của họ đối với Hai Bà Trưng. Chưa đến ngày giỗ của Hai Bà, Hai Bà chưa hưởng thì họ chưa ăn bánh. Tương truyền, trên đường rút quân, Hai Bà Trưng đã dừng chân gần dòng sông Hát và ăn bánh trôi, sau đó gieo mình xuống dòng Hát Giang để tránh sa vào tay giặc, hôm đó là ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch. Để tưởng nhớ, tri ân công lao hai vị nữ anh hùng dân tộc, người dân xã Hát Môn đã dựng đền thờ Hai Bà Trưng và bánh trôi là lễ vật không thể thiếu được trong các kỳ lễ ở đền.
Bánh trôi ở hội đền Hát Môn dâng Hai Bà Trưng được làm hết sức công phu, có màu trắng, trong, tròn, không nát và đặc biệt phải là bánh chay. Bánh do chính tay các cụ trong ban tu lễ làm. Bột làm bánh là bột gạo nếp cái hoa vàng, được giã tay bằng chày gỗ lim. Nước làm bánh phải được chắt lọc từ những giọt nước tinh khiết nhất. Viên bánh trôi lễ lớn gấp ba, bốn lần so với viên bánh thông thường. Trùng bánh (luộc bánh) phải đủ 3 sôi 2 lạnh. Tức là bánh thả vào nước sôi, khi nổi lên lần thứ nhất thì cho thêm một gáo nước lạnh để bánh lặn xuống. Tiếp tục làm như thế đến khi bánh nổi lần thứ ba thì vớt ra, thả vào nước lạnh để bánh có độ săn và dai rồi mới vớt ra bát, chan nước mật làm từ đường mía vào.
Tại một số làng quê phía Nam hồ Tây thuộc vùng Thập tam trại của Thăng Long xưa như: Yên Phụ, Thụy Khuê, Ngọc Hà, Liễu Giai, Đại Yên, Vạn Phúc, Cống Vị, Kim Mã, Kim Mã Thượng… vào dịp mùng 3 tháng Ba âm lịch, các bà nội trợ còn làm một thức bánh truyền thống là bánh trứng ngỗng. Đây là loại bánh mặn có hình dáng giống quả trứng, vỏ bánh làm bằng bột nếp, nhân có đậu xanh đồ, trộn lẫn thịt lợn, mỡ giắt, hạt tiêu.
Bánh trứng ngỗng cũng được luộc kiểu “ba chìm bảy nổi” rồi thả vào nước lạnh, vớt ra như cách làm bánh trôi, bánh chay thông thường.