Với kiến trúc độc đáo và còn khá nguyên vẹn, Tháp Đôi được nhiều du khách chọn đến thăm quan, thưởng ngoạn khi đi du lịch tại Bình Định
|
Giữ gìn di sản
Là tỉnh có đông người Chăm sinh sống, Ninh Thuận đang là vùng đất còn lưu giữ một kho tàng văn hoá chăm đồ sộ. Đó là hệ thống chữ viết, trang phục dân tộc, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm, lễ hội.... Nghệ thuật dân ca và múa Chăm đã trở thành di sản quý giá của nền văn hóa Việt Nam.
Ninh thuận còn nổi tiếng bởi hệ thống các tháp Chăm còn tương đối nguyên vẹn cả về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc gắn liền với các lễ hội còn được gìn giữ cho tới ngày nay. Cùng với đó, các nghi lễ như: Lễ khai mương, đắp đê, lễ chặn đầu nguồn sông, lễ mừng lúa non, lễ xuống gặt, lễ mừng cơm mới... vẫn còn được lưu giữ và tiến hành hàng năm.
Năm 2017, Bộ VHTT&DL ban hành Quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận” và “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận”; Công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với tháp Pô Klông Garai, tháp Hòa Lai.
Phát huy những thành quả, giá trị văn hóa, năm 2019, ngành VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nghiên cứu và làm rõ giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klông Garai, gắn với hệ thống tháp Chăm các tỉnh miền Trung để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới trong những năm tới. Đặc biệt, phối hợp triển khai việc lập và trình UNESCO công nhận Lễ hội Katê là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khai thác giá trị kinh tế từ văn hóa
Để văn hóa Chăm trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, tạo nét riêng biệt, thu hút du khách, Ban Quản lý di tích tỉnh Ninh Thuận cũng đã đổi mới, và đưa vào áp dụng nhiều giải pháp nhằm phục vụ, thu hút du khách như: Bố trí đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thuyết minh miễn phí cho du khách bằng song ngữ Việt - Anh đến tham quan ở tháp; tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm phục vụ du khách, đầu tư xe điện phục vụ du khách.
Ngoài khai thác Lễ hội Katê vốn có ở tháp, Ban Quản lý di tích phối hợp với Ban Phong tục tổ chức 4 lễ hội, diễn ra tại di tích Tháp Pô Klông Garai: Lễ Chabun (lễ cúng nữ thần mẹ xứ sở), Lễ Peh bi mbeng Yang (lễ mở cửa tháp) và lễ Yuer yang (lễ cầu đảo), Lễ hội Katê... vừa bảo tồn, vừa khai thác giá trị văn hóa, thu hút khách du lịch.
Ông Hồ Sĩ Sơn, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, các di sản văn hóa Chăm như: Tháp Pô Klong Garai, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp được các doanh nghiệp lữ hành khai thác du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.
“Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Chăm được Tỉnh ủy, UBND, ngành VHTTDL tỉnh Ninh Thuận đặc biệt chú trọng, quan tâm. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng việc trùng tu, tôn tạo các di tích ở Ninh Thuận cũng được tiến hành thường xuyên. Chúng tôi xác định, ngoài cảnh quan thiên nhiên, thì văn hóa Chăm là một trong những yếu tố then chốt để góp phần phát triển ngành du lịch tỉnh nhà”, ông Sơn khẳng định.
Xã hội hóa để bảo tồn và phát triển
Bình Định cũng có một hệ thống di tích các tháp Chăm cổ. Các tháp Chăm ngàn năm tuổi ở tỉnh Bình Định có nét độc đáo, bí ẩn, thể hiện trình độ kiến trúc và nghệ thuật Chămpa ở từng giai đoạn phát triển khác nhau. Hiện nay, tỉnh Bình Định có 8 cụm tháp nổi tiếng là: Bánh Ít, Dương Long, Tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông. Đã ngàn năm trôi qua, nhưng các cụm tháp Chăm ở đây còn khá nguyên vẹn, như là một báu vật, điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Nổi bật là Tháp Đôi được xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Di tích này nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, được xếp vào loại đẹp, độc nhất vô nhị của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Tháp Đôi gồm 2 tháp: Tháp chính cao 20m, tháp phụ cao khoảng 18m. Đây là nơi thu hút lượng khách tham quan đông nhất trong hệ thống tháp cổ ở tỉnh Bình Định.
Ông Bùi Tỉnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định nhận định, so với những tháp Chăm ở nơi khác, tháp Chăm Bình Định có nhiều nét độc đáo riêng; và còn khá nguyên vẹn nên thu hút được nhiều du khách đến tham quan. UNBD tỉnh Bình Định đã giao Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh lập Đề án “Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác một số di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Định”, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, trong đó chú ý phát huy hệ thống tháp Chăm.
Du khách đến tham quan làng gốm cổ Bàu Trúc
|
Cùng với tháp Chăm, Bình Ðịnh còn lưu giữ nhiều hiện vật điêu khắc, phù điêu, lò gốm... từ thời Champa. Trong đó, một số hiện vật đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia. Việc phát huy giá trị hệ thống hiện vật này, không chỉ thể hiện tinh thần trân trọng di sản, mà còn phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
Ngoài 8 cụm tháp và 14 khối kiến trúc tháp Chăm hầu hết tọa lạc trên những đỉnh đồi, tạo sự khác biệt với các nơi khác, Bình Định còn có 4 tòa thành cổ, gồm: Thị Nại, Đồ Bàn, An Thành, Uất Trì và hàng loạt tác phẩm điêu khắc, phù điêu, gốm giá trị đã được tìm thấy.
Không chỉ có gốm Champa, các phù điêu Champa cũng hết sức quý giá và hấp dẫn. Bảo tàng Bình Định hiện đang lưu giữ 4 bảo vật quốc gia là những phù điêu Champa, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, phù điêu thần Brahma, 2 bảo vật còn lại là cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT Bình Định cho biết: “Hiện nay, Sở đã chỉ đạo cho Bảo tàng phối hợp với các cơ quan mời các chuyên gia đầu ngành để thiết kế, từng bước trùng tu xây dựng lại các tháp cổ trong thời gian tới. Bình Định cũng đã phối hợp với các cơ quan ban ngành trùng tu, tôn tạo, ổn định cơ sở hạ tầng tại tất cả các tháp để phục vụ phát triển du lịch.
Thành Nhân/ baodantoc.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/van-hoa-cham-trong-doi-song-duong-dai-20210324090139660.htm