Tiếng cồng chiêng bập bùng, tiếng các loại sáo Đing Năm, Đing Tak Ta, Đing Buốt Tút... cao vút hòa nhịp với các điệu hát trong sử thi Đam San, Đăm Di, Khinh Dú... như mời gọi du khách đến với nhà dài ở buôn Kô Sia (phường Tân Lập, Tp. Buôn Mê Thuột) để khám phá, thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc được người Ê Đê bảo tồn qua hàng nghìn năm.
Già làng Ma Len giới thiệu với đoàn khách đến từ Nhật Bản về bản sắc văn hóa của người Ê Đê ở buôn Kô Sia.
Trước đây buôn Kô Sia là một buôn nhỏ của người Ê Đê với những nếp nhà dài êm đềm và là một trong 4 buôn cổ hình thành nên Tp. Buôn Mê Thuột ngày nay. Đặc trưng của những buôn làng cổ này là hệ thống nhà dài, ngôi nhà truyền thống chất chứa văn hóa lâu đời của tộc người Ê Đê. Nhà dài ở buôn Kô Sia là nơi ở chung cả một dòng họ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất. Nhà dài được xây dựng bằng vật liệu gỗ, tre, nứa lợp mái tranh và là nơi diễn ra các nghi lễ đánh cồng chiềng, biểu diễn nhạc cụ của buôn khi tiếp khách ở nơi xa đến.
Mỗi khi biểu diễn cho du khách, các thành viên đội chiêng buôn Kô Sia lại hòa tấu, phát lên những âm thanh đại ngàn quyến rũ.
Khi thành phố được mở rộng, buôn Kô Sia nay thuộc phường Tân Lập đã bị đô thị hóa và mất dần những nét văn hóa của người Ê Đê. Trước thực trạng đó, cách đây khoảng 15 năm, già làng Ma Len tập hợp những người cao tuổi trong buôn lập nên đội cồng chiêng buôn Kô Sia nhằm truyền lại cho thế hệ trẻ ở buôn cách thức đánh cồng chiêng và các loại nhạc cụ - nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê ở Tây Nguyên.
Lão nghệ nhân Y Míp thổi sáo Đing Năm làm từ gỗ cẩm lai toát ra những thanh âm kỳ lạ nghe như tiếng ríu rít của chim muông, tiếng nức nở của sông hồ, tiếng thì thầm của gió.
Nhớ lại thời kỳ đó, già làng Ma Len cho biết: “Người Ê Đê ở buôn Kô Sia chúng tôi thèm nghe tiếng cồng chiêng như con suối thèm nước vào mùa Tây Nguyên khô khát. Từ khi chúng tôi mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho giới trẻ, tiếng chiêng được vang lên mỗi tối ở nhà dài át đi tiếng loa đài ngoài phố, lũ làng như được giải cơn khát âm thanh của đại ngàn”.
Già làng Ma Len được xem là người nắm giữ “linh hồn” của Đội chiêng buôn Kô Sia. Dưới bàn tay đầy ma lực của già làng này, những chiếc chiêng như có linh hồn, như biết nói nhiều thanh âm của Đại ngàn Tây Nguyên.
Ban đầu lớp cồng chiêng được dạy tại nhà dài của già làng Ma Len thu hút sự tò mò của người dân thành phố và khách du lịch. Có rất nhiều du khách nước ngoài hằng tối đến tận buôn Kô Sia để nghe và xem các nghệ nhân dạy hát và đánh cồng chiêng cho lớp trẻ.
Từ khi Đội cồng chiêng buôn Kô Sia hoạt động có hiệu quả, những thế hệ trẻ đã biết đánh cồng, chiêng và tích cực tham gia các hội diễn văn hóa do tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên tổ chức, thì địa danh buôn Kô Sia đã nổi tiếng trong vùng.
Du khách thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Ê Đê tại nhà dài
Cách đây 5 năm, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk có đến đặt vấn đề với già làng Ma Len và Đội cồng chiêng buôn Kô Sia tổ chức giới thiệu văn hóa của người Ê Đê dành cho khách du lịch. Theo đó, các công ty du lịch, lữ hành cũng liên hệ để phát triển tour tại buôn Kô Sia nhằm làm đa dạng các loại hình du lịch ở Tây Nguyên.
Từ khi buôn Kô Sia phát triển du lịch, đời sống đồng bào Ê Đê nơi đây được cải thiện rõ rệt. Ông Aê Yon ở Kô Sia cho biết: “Buôn chúng tôi giờ chuyên môn hóa trong việc phát triển du lịch. Này nhé, đàn bà con gái thì chuẩn bị các món ẩm thực truyền thống của người Ê Đê để du khách thưởng thức; đám thanh niên thì thành lập đội hát dân ca, sử thi; còn lớp người già chúng tôi thì đánh cồng, chiêng và biểu diễn các loại nhạc cụ trong nhà dài”.
Trước dịch COVID-19, hằng tuần buôn Kô Sia đón hằng chục đoàn khách đến để thưởng thức âm thanh cồng chiêng và những nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê. Mỗi đêm tại nhà dài ở buôn Kô Sia, du khách được các nghệ nhân và lũ làng phục dựng lại các lễ hội truyền thống như: Lễ lúa mới, lễ đầu năm, lễ hội cầu mùa, lễ đẻ đất, đẻ nước...
Sản phẩm du lịch trải nghiệm bản sắc buôn làng cổ của người Ê Đê quanh thành phố đã trở thành một loại hình du lịch đặc sắc của Buôn Mê Thuột. Thông qua sản phẩm du lịch nhà dài, người Ê Đê có cơ hội quảng bá văn hóa với bè bạn quốc tế và quan trọng hơn, người Ê Đê đã thành công trong việc bảo tồn văn hóa gắn với việc phát triển kinh tế. Sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa ở nhà dài buôn Kô Sia đã trở thành “sứ giả” văn hóa kết nối du khách năm châu với vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió của đại ngàn Tây Nguyên huyền thoại.
Phong Thu
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/buon-ko-sia-cat-tieng-long-goi-ban-20201016152139899.htm
|